Thế nào là nhà báo đa phương tiện

Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã kéo theo sự bùng nổ của ngành Báo chí Truyền thông Đa phương tiện, dần dần chuyên ngành này đã trở thành xu thế phát triển của hầu hết các tòa soạn để cạnh tranh thu hút độc giả và cả các nhà quảng cáo. Bài viết dưới đây sẽ trình bày về “Sự phát triển của Báo chí Truyền thông Đa Phương tiện”.

Thế nào là nhà báo đa phương tiện
Sự phát triển của Báo chí Truyền thông Đa Phương tiện

Báo chí Truyền thông Đa phương tiện là gì?

Nói một cách chính xác đó là báo chí ứng dụng tính năng đa phương tiện; chữ “đa” trong đa phương tiện bao gồm: Hội tụ tích hợp nhiều loại hình báo chí (trước đây riêng rẻ, giờ gộp lại làm một), sử dụng đa mã ngôn ngữ (bao gồm: hình ảnh, âm thanh), tận dụng tối đa kỹ thuật công nghệ cao trong làm báo, hình thành mô hình nhà báo đa năng, khả năng tương tác đa chiều. Từ tất cả những điều trên, ta gọi đó là Báo chí Đa phương tiện.

Xu hướng phát triển của Báo chí Đa phương tiện

Vì xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại cùng những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn từ độc giả, các toà soạn phải không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng. Cụ thể hầu hết các tòa soạn báo ngày nay đều hướng tới phát triển theo mô hình đa phương tiện từ các sản phẩm báo in, phát thanh, truyền hình tới ấn bản báo mạng điện tử.

Từ sự thay đổi đó mà bản thân các phóng viên, nhà báo cũng phải trau dồi thêm các kỹ năng nâng cao để thích ứng. Nếu trước đây, nhà báo chỉ cần biết chụp ảnh, hoặc chỉ chuyên về viết tin, bài cho báo in, quay phim cho truyền hình hoặc chỉ chuyên biên tập cho phát thanh thì hiện nay, mô hình chuyên biệt hoá như vậy không còn phù hợp nữa.

Nhà báo có thể tham gia vào việc thực hiện các tác phẩm thuộc các loại hình báo chí khác nhau: vừa chụp ảnh, vừa viết bài, làm tin nhanh, phóng sự ảnh… Nếu một nhà báo không biết thao tác trên các thiết bị thông minh, không biết tận dụng các ứng dụng công nghệ để viết, chuyển tải thông tin một cách nhanh nhất thì nhà báo đó khó có thể làm nên được một tác phẩm Báo chí Đa phương tiện. Làm chủ công nghệ đồng nghĩa với việc nhà báo làm chủ được báo chí đa phương tiện.

Đối tượng thu hút của các tờ báo ngày nay không chỉ đơn thuần là lượng độc giả trung thành nữa. Thay vào đó, các tờ báo phải cải thiện chất lượng để thu hút nhà quảng cáo bởi giờ đây quảng cáo chiếm một phần doanh thu không nhỏ giúp các tòa soạn duy trì hoạt động.

Thế nào là nhà báo đa phương tiện
Từ sự thay đổi ngành mà bản thân các phóng viên, nhà báo cũng phải trau dồi thêm các kỹ năng nâng cao để thích ứng

Cuộc chiến giữa Báo chí Đa phương tiện và Mạng xã hội

Thực tế hiện nay ta dễ dàng thấy được, con người dành thời gian để truy cập  mạng xã hội nhiều hơn rất nhiều so với việc đọc báo, bởi hơn 60% người dùng truy cập internet bằng điện thoại di động. Chính vì điều này, mạng xã hội đã buộc báo chí phải thay đổi trước áp lực cạnh tranh thông tin cũng như thay đổi nền tảng tiếp cận người đọc của chính mình.

Nếu trước đây, ở Việt Nam nếu các báo lớn (báo giấy) khi có tin bài hot thường đưa lên báo giấy rồi mới đưa lên điện tử; xu thế này cần phải được đảo ngược, phải đưa lên báo điện tử trước. Các nền tảng, thứ tự ưu tiên cũng cần thay đổi: Social first, rồi đến Mobile/ Ipal first và cuối cùng là web first.

Để tạo thêm sự đa dạng cho mình, nhiều trang tin điện tử cũng tạo những địa chỉ liên kết mạng xã hội do một vài biên tập viên quản trị đẩy các thông tin thời sự, “nóng hổi” thu hút sự tương tác của công chúng. Ưu điểm lớn nhất của báo chí so với mạng xã hội chính là nguồn thông tin được kiểm chứng kỹ càng hơn, được độc giả tin cậy hơn nhờ uy tín của cả tòa soạn đã được xây dựng lâu năm.

Thế nào là nhà báo đa phương tiện
Để tạo thêm sự đa dạng cho mình, nhiều trang tin điện tử cũng tạo những địa chỉ liên kết mạng xã hội

Như vậy ngày nay khi quảng cáo trên báo chí, nhà đầu tư sẽ có khá nhiều lựa chọn thú vị và phù hợp cho mình để tiếp cận với từng đối tượng khách hàng tiềm năng của sản phẩm hay thương hiệu.

14:13, 17/04/2014

Đào tạo nhà báo đa phương tiện (multimedia journalist) là một vấn đề lý thú và mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Việc khuôn các chương trình đạo tạo trong lớp học chính thống đã không còn thật phù hợp với đối tượng và loại hình nghề nghiệp năng động này, cho nên, nói đến đào tạo nhà báo đa phương tiện nhất thiết phải đề cập đến đào tạo cả ở trong nhà trường

Sự bùng nổ của Internet đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội của con người và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí thế giới. Theo hình thức truyền thông thông thường, với một loại hình báo chí thông tin được truyền tải mang tính chất đơn nhất, công chúng chỉ có thể được tiếp cận thông tin bằng cách đọc, nghe hoặc xem, nhưng với phương thức truyền thông đa phương tiện, tính chất đơn nhất ấy đã bị phá vỡ, khi thể hiện một nội dung thông tin trên các website, người ta có thể vừa thể hiện bằng bản chữ viết (text), vừa trình bày hoặc minh họa hoặc bằng hình ảnh (picture, video), âm thanh (audio) đó là phương thức truyền tải thông tin đặc thù của truyền thông đa phương tiện. Với cách tiếp cận này, công chúng được tiếp nhận thông tin bằng cách thoả mãn các giác quan khác nhau, tạo nên hiệu ứng tương tác mạnh mẽ nhất so với các loại hình truyền thông truyền thống, và trong một thời gian hình thành và phát triển ngắn, loại hình truyền thông đa phương tiện đã có một vị trí khá vững chắc và khẳng định sẽ là xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất về mặt phương thức truyền thông cả hiện tại và tương lai.

Thế nào là nhà báo đa phương tiện
Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hành môn báo ảnh

 Sau gần 30 năm đổi mới đất nước, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Xu hướng báo chí đa phương tiện và hội tụ truyền thông đã được nhiều cơ quan báo chí thúc đẩy triển khai. Phần lớn các cơ quan báo in có trang thông tin điện tử hoặc song hành ra báo điện tử. Đài Tiếng nói Việt Nam có báo in VOV, Đài Truyền hình Việt Nam và một số đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) địa phương có tạp chí riêng, các đài đều có trang thông tin điện tử. Sự pha trộn thông tin, nguyên lý một đầu vào nhiều đầu ra đang được các cơ quan báo chí tận dụng tối đa để đáp ứng cao nhất nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng trong xã hội.

Trong điều kiện nhu cầu thực tiễn nóng bỏng đó, việc đào tạo nhà báo đa phương tiện đang đặt ra cấp bách và cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Không thể có các cơ quan báo chí đa phương tiện phát triển đúng nghĩa nếu thiếu một đội ngũ nhà báo đa phương tiện thực thụ. Từ báo chí truyền thống sang báo chí đa phương tiện là một bước chuyển quan trọng mà đào tạo nhà báo đa phương tiện là khâu then chốt. Thực tế hiện nay, việc đào tạo nhà báo đa phương tiện đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu, phân tích cho thấu đáo, trên cơ sở đó xác lập các chương trình đạo tạo xứng tầm đòi hỏi của thực tiễn cũng như nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí.

Từ đầu thế kỉ 21, vấn đề báo chí đa phương tiện và đào tạo nhà báo đa phương tiện là một chủ đề hấp dẫn, với nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Với quan điểm đào tạo truyền nghề đầy thực tế, nhiều cơ sở đào tạo hàng đầu về báo chí trên thế giới đã coi việc đào tạo tại toà soạn và khả năng tự đào tạo là xu hướng tất yếu của báo chí hiện đại. Chỉ cần một chiếc điện thoại và sự nhạy bén cần thiết, bất cứ ai cũng có thể trở thành người săn tin cung cấp thông tin cho báo chí. Mojo (viết tắt của mobile journalist) là một từ thông dụng để chỉ các phóng viên di động, một mình tác nghiệp độc lập trong môi trường truyền thông số không biên giới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều ý kiến về đào tạo báo chí đa phương tiện hiện nay đang ngả theo tính chất truyền nghề, đáp ứng ngay yêu cầu công việc. Các lớp học ngắn ngày, chuyển tải kỹ năng cụ thể là lựa chọn hợp lý. Sự tiện ích của các phương tiện hiện đại và môi trường truyền thông số là mảnh đất màu mỡ cho các tài năng cá nhân thể hiện. Thực tế nghề nghiệp là nơi đào tạo lý tưởng nhất cho các nhà báo đa phương tiện, các phóng viên săn tin đa kỹ năng và các tòa soạn vận hành theo hình tòa soạn hội tụ. Do đó, thật khó có thể kể tên một công trình nghiên cứu tiêu biểu về nhà báo đa phương tiện và đào tạo nhà báo đa phương tiện. Tuy nhiên, những tri thức kinh nghiệm, các bài giảng và thông tin trên các trang báo quốc tế cũng đã cho thấy khá rõ nét xu hướng báo chí đa phương tiện và mô hình đào tạo - tác nghiệp của các nhà báo đa phương tiện.

Các bản tin điện tử của các hãng truyền thông danh tiếng như BBC, AFP, CNN, và cả Huffington Post đều đang “tận hưởng” những lợi thế to lớn về khai thác nguồn tin và khả năng phát hành của mạng xã hội. Đi xa hơn nữa, CNN từ 6 năm qua đã liên tục phát triển iReport như một công cụ để mời gọi cộng đồng chia sẻ mọi thể loại thông tin, dưới mọi định dạng: tin viết, tin hình, tin tiếng, tin multimedia… BBC tạo hàng trăm trang blog để phóng viên trao đổi và độc giả bình luận đủ loại đề tài, thậm chí cả về đạo đức nghề báo tại BBC. AFP có ứng dụng riêng trên mobile và iPad, cho phép độc giả “theo” tin của hãng qua Twitter…

Nhà báo Paul Bradshaw (Mỹ) đúc kết: “Trong thế giới Mojo, để tồn tại, hãy nhớ trang bị cho mình một vị trí trong cộng đồng mạng, một thái độ trực chiến (“always-on” approach), một tình yêu tha thiết với công nghệ di động mới, một tinh thần khát khao sự khác biệt, không bằng lòng với những gì có sẵn trên mạng, và niềm đam mê sáng tạo vô tận với tất cả những công cụ hiện đại nhất. Ở đây không có rào cản nào, vì chưa có luật lệ nào được viết ra”. (*)

Ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập các khía cạnh khác nhau về xu hướng đào tạo báo chí đáp ứng nhu cầu thay đổi. Tác giả Đinh Thị Thúy Hằng trong cuốn sách Báo chí thế giới và xu hướng phát triển, NXB Thông tấn phát hành năm 2008 đã phân tích một số vấn đề mới mẻ về lý luận, khái niệm, phạm trù, hoạt động báo chí thế giới. Đặc biệt, tác giả đã quan tâm nghiên cứu, phân tích các xu thế hội tụ truyền thông, xu thế phát triển của báo chí hiện đại.

Tác giả Vũ Quang Hào trong cuốn Báo chí và đào tạo báo chí Thụy Điển, NXB Lý Luận Chính Trị phát hành năm 2004 đã đi vào chi tiết mô hình đào tạo báo chí ở một quốc gia phát triển ở Bắc Âu. Sự xen cài giữa quan điểm, các thủ thuật làm báo được tác giả trình bày rất chân thực và ấn tượng. Đặc biệt, yêu cầu và các kỹ năng làm báo hiện đại, gắn chặt với công nghệ và kỹ thuật như làm tin, phỏng vấn, viết ký chân dung, ảnh báo chí, làm quảng cáo, làm báo mạng, làm lay-out… được tác giả đi sâu phân tích và bước đầu có những kiến giải khá thú vị. Mô hình đào tạo báo chí Thụy Điển là một mô hình hay cần tham khảo, bởi tính thực tế của nó. Mô hình này cũng đã được một số tòa soạn ở Việt Nam vận dụng thông qua các chương trình đào tạo triển khai tại tòa soạn trong khuôn khổ các dự án của SIDA tại Việt Nam.

Tác giả Bùi Hoài Sơn với cuốn sách Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội phát hành năm 2008 cũng đã khái quát về lịch sử phát triển của các phương tiện truyền thông mới ở Việt Nam, cũng như phân tích tác động của phương tiện truyền thông mới đến văn hóa xã hội ở Việt Nam.

Kỷ yếu hội thảo quốc tế Báo chí và Truyền thông đại chúng: đào tạo và bồi dưỡng trong thời kỳ hội nhập do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức tháng 6 năm 2008 đã tập hợp nhiều bài viết, nhiều góc nhìn đa chiều về đào tạo báo chí trong xu thế phát triển mới. Đây là những tư liệu tham khảo quý giá để đi sâu, nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp cho đào tạo báo chí nói chung và đào tạo nhà báo đa phương tiện nói riêng ở nước ta hiện nay.

Có thể thấy rằng, do vấn đề còn mới mẻ, những công trình nêu trên mới chỉ ít nhiều đề cập mà chưa đi sâu vào báo chí đa phương tiện và đào tạo nhà báo đa phương tiện. Thế nhưng, những nghiên cứu đơn lẻ công bố trên các tạp chí chuyên ngành đề cập về đào tạo nhà báo đa phương tiện cũng có ý nghĩa nhất định, đưa ra nhiều nội dung, khía cạnh có giá trị. Theo đó, có hai xu hướng đào tạo nhà báo đa phương tiện ngay tại tòa soạn và đào tạo các kỹ năng đa phương tiện tại các cơ sở đào tạo báo chí chính quy.

Đi sâu phân tích việc đào tạo nhà báo đa phương tiện tại cơ quan báo chí, bài viết Đào tạo phóng viên đa năng cho truyền thông đa phương tiện của tác giả Vũ Ngọc Thanh trên website Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội đã đưa ra nhiều luận giải có ý nghĩa. Tác giả cho rằng: “Nhà báo thời truyền thông đa phương tiện (multimedia journalist) phải có kỹ năng của nhiều loại hình báo chí, có thể tác nghiệp nhanh nhạy và sử dụng thành thạo các sản phẩm công nghệ hỗ trợ như máy tính xách tay, điện thoại di động có định vị vệ tinh, máy ảnh, camera… Dù mỗi tờ báo đều trải qua không ít thăng trầm để phát triển cũng như đem lại nhiều bài học sống còn trong hoạt động thì kinh nghiệm bao trùm của họ là việc đào tạo phóng viên đa năng cho tình hình mới, nhiệm vụ mới, cơ cấu tổ chức mới: báo chí đa phương tiện, và việc mới cần người mới”.

Về thời gian đào tạo, tác giả cho rằng: “Việc mất bao lâu để đào tạo được phóng viên đa năng ở mỗi tờ báo lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu người được học về truyền thông thì có nhiều khả năng nhanh hơn. Tuy nhiên, trong khi phóng viên tại Thụy Điển học kỹ năng biên tập trong 3 tuần là đủ làm việc tại tòa soạn báo chí đa phương tiện thì phóng viên tại Đan Mạch, Tây Ban Nha cần học lâu hơn và trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Và dù ở đâu thì việc học tập là không phân biệt đối với các phóng viên, khi họ luôn nhắc nhở nhau “đừng làm hư mình bằng ý nghĩ mình già rồi không học được nữa”.

Tác giả cũng nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo cơ quan báo chí trong đào tạo và sử dụng phóng viên đa phương tiện tại tòa soạn. “Không chỉ cần chiến lược đào tạo, tòa báo còn cần kỹ năng quản lý nhân sự đã được đào tạo, nói cách khác người lãnh đạo giỏi là người không phải tự mình làm nhiều việc. Trong kỹ năng quản lý nhân sự thì điều quan trọng chính là “dụng nhân như dụng mộc” và những người đặc biệt phải được quản lý, đối xử một cách đặc biệt. Điều đó cũng có nghĩa là phải làm cho họ hiểu họ đang làm trong một tập thể, phải tạo ra môi trường làm việc, có những quy tắc tối thiểu phải tuân thủ.

Do định hướng về nhu cầu đối với phóng viên báo chí và với xã hội thay đổi, nên phương pháp đào tạo và việc tổ chức, quản lý phóng viên cũng cần được vận động, biến đổi cho phù hợp với bản thân người làm báo. Và do phóng viên, biên tập viên là những người thực hiện công việc hàng ngày trong cơ quan báo chí nên cần cho họ có đủ thời gian và những điều kiện cần và đủ để họ cùng một lúc làm được cả công việc ở báo viết, báo mạng lẫn báo hình”.

Trong khi đó, với tư cách người đang giảng dạy tại một cơ sở đào tạo đại học báo chí có truyền thống, PGS. TS. Đinh Thị Thúy Hằng qua bài viết Đào tạo báo chí ở trường đại học trong xu thế báo chí hiện đại trên Tạp chí Người Làm Báo tháng 7.2013 lại quan tâm đến đối tượng đào tạo báo chí đa phương tiện là sinh viên đại học. “Đối với một sinh viên báo chí, nếu chỉ chăm chú vào học kỹ năng viết tin bài thôi thì còn xa mới đủ”. Tác giả khẳng định: “Trước xu thế phát triển báo chí hiện đại, báo chí đa phương tiện, một nhà báo cần phải là người làm được nhiều việc, không chỉ viết cho báo in, mà còn có thể viết cho báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình”. Tác giả nêu dẫn chứng về nhu cầu đào tạo báo chí đa phương tiện từ thực tế cuộc khảo sát do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành để điều tra nhu cầu đào tạo của các nhà báo trong giai đoạn 2013-2018. Đã có 215 người tham gia trả lời phiếu câu hỏi, trong đó có 134 phóng viên, biên tập viên, 72 nhà quản lý báo chí và 9 đối tượng khác gồm phát thanh viên, kỹ thuật viên, giảng viên báo chí đang làm việc tại các cơ quan báo in, phát thanh-truyền hình và báo điện tử. Khi được hỏi kỹ năng báo chí nào là quan trọng và cần phải được học bồi dưỡng với nhà báo thì câu trả lời được nhiều nhà báo chọn nhất là kỹ năng làm báo đa phương tiện - multimedia (112 nhà báo).

Tác giả Đinh Thị Thúy Hằng cho rằng, ví dụ trên “một lần nữa khẳng định xu hướng mới của báo chí hiện nay là sự phát triển của mô hình tòa soạn báo chí hội tụ, tòa soạn đa phương tiện. Đây là hướng đi của báo chí hiện đại trên thế giới và tại Việt Nam. Chính vì vậy, mà ngày càng nhiều cơ quan báo chí ở các nước đòi hỏi các nhà báo của mình phải trở thành các nhà báo đa năng, có nghĩa là các nhà báo cần phải nắm bắt được các kỹ năng của tất cả các loại hình báo chí: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và biết cả chụp ảnh, các phương pháp làm báo trên nền thiết bị mới như máy tính bảng, điện thoại thông minh… Trước xu thể phát triển báo chí hiện đại, báo chí đa phương tiện, một nhà báo cần phải là người làm được nhiều việc, không chỉ viết cho báo in, mà còn có thể viết cho báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình. Nhà báo cần có sự tinh nhuệ để xử lý thông tin cho các kênh truyền thông”.

Từ thực tiễn nghề nghiệp, tác giả đề cập đến nhu cầu đổi mới đào tạo báo chí trong trường đại học, cụ thể là Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Việc đào tạo báo chí của Học viện cần gắn với công việc ở trong các tòa soạn hiện nay. Một mặt, vẫn cần phải đào tạo các kỹ năng sản xuất ra các sản phẩm báo chí như tin tức, phóng sự, phóng sự điều tra, bình luận, ý kiến, phỏng vấn và các bài viết về phong cách cuộc sống, phim tài liệu phát thanh truyền hình, phóng sự chuyên đề… Mặt khác, sinh viên báo chí cần phải được đào tạo đa kỹ năng, đa loại hình. Việc đào tạo cử nhân báo chí đóng khung trong một chuyên ngành như hiện nay sẽ làm chậm lại sự đóng góp của nguồn nhà báo trẻ đối với sự phát triển của báo chí hiện đại”.

Tác giả nhấn mạnh yêu cầu đào tạo về kỹ thuật trong đào tạo nhà báo đa phương tiện: “Để trở thành nhà báo đa kỹ năng, các sinh viên báo chí cần phải được trang bị các kỹ năng về công nghệ thông tin dành cho các nhà báo. Ví dụ cần có môn học về sử dụng các phương tiện truyền thông mới cho hoạt động báo chí, đặc biệt sử dụng công nghệ hiện đại trong khai thác, tìm kiếm thông tin, cách xử lý tích hợp multimedia - đa phương tiện trên báo điện tử”.

Từ những ý kiến nêu trên cho thấy, việc đào tạo nhà báo đa phương tiện ở Việt Nam đang là vấn đề cấp thiết. Việc đào tạo ở các cơ quan báo chí cần được phát huy, song việc đào tạo nhà báo đa phương tiện một cách bài bản, căn cơ ở bậc đại học cũng cần được quan tâm một cách thích đáng. Từ năm 2013, Học viện Báo chí và Tuyên truyền bắt đầu mở ngành đào tạo cử nhân báo chí đa phương tiện. Đây là nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời thể hiện vai trò của một cơ sở đào tạo có uy tín về báo chí truyền thông trước đòi hỏi của thực tiễn. Việc đào tạo chuyên ngành này cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, quá trình đào tạo phải gắn giữa kỹ năng làm báo với khả năng sử dụng phương tiện kỹ thuật; vai trò của tác nghiệp thực tế, lăn lộn thực tế làm nghề được đề cao hàng đầu trong đào tạo… Hiện nay, các điều kiện kỹ thuật trong cơ sở đào tạo còn hạn chế, trong khi công nghệ, thiết bị đang thay đổi từng ngày. Người học không thể né tránh việc học sâu các thao tác kỹ thuật vì đó là đặc trưng của báo chí đa phương tiện. Sự tích hợp các phương tiện, các loại hình báo chí đang làm nên sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của báo chí đa phương tiện. Do đó, các cơ sở đào tạo cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất tương xứng ở mức cao nhất, đồng thời tận dụng các nguồn lực xã hội hoá, khả năng liên kết với các cơ quan báo chí, truyền thông để bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật cho nhu cầu đào tạo một chuyên ngành mới mẻ và đầy tính cạnh tranh này.

Thứ hai, việc đào tạo phải theo hướng mở, phát huy cao độ khả năng và nhu cầu của người học. Với quỹ thời gian đào tạo 4 năm như các chuyên ngành báo chí khác, chương trình, nội dung đào tạo cần được xây dựng theo hướng trang bị các tri thức và kỹ năng cơ bản, tạo khả năng thích ứng nghề nghiệp tốt nhất, đồng thời tạo cơ hội phát huy khả năng và thiên hướng cá nhân để đi vào một số kỹ năng cần thiết do từng sinh viên lựa chọn. Thực tế, xu hướng đa phương tiện ở các cơ quan báo chí mới đang bắt đầu, các cơ quan báo chí đa phương tiện thực sự chưa có nhiều. Nhiều sinh viên học ngành báo chí đa phương tiện ra trường có thể vẫn tác nghiệp ở một hoặc hai loại hình báo chí đơn nhất. Do đó, chuyên ngành báo chí đa phương tiện chính là việc phá rào quan niệm chia ngành quá hẹp, dẫn đến hạn chế trong thích ứng nghề nghiệp vốn đang thay đổi từng ngày.

Đào tạo nhà báo đa phương tiện ở Việt Nam vẫn đang là vấn đề mới mẻ. Các nghiên cứu trên đều mới chỉ là đề xuất bước đầu, chưa chạm đến những thao tác có tính chất “hậu trường”, “bếp núc” của nghề đào tạo. Về lâu dài, rất cần sự khảo sát, nghiên cứu công phu, bài bản để làm rõ hơn các khía cạnh của thực trạng đào tạo nhà báo đa phương tiện cũng như giải pháp thiết thực để thúc đẩy nhiệm vụ quan trọng này nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thực tiễn sôi động hiện nay.

(Theo HNB VN)