Trào lưu tik tok 2023

Nhiều trào lưu làm đẹp lan truyền trên TikTok như làm mặt nạ thủ công, chế kem chống nắng hay tự lăn kim đều ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Mới đây, một gia đình Mỹ đã kiện TikTok vì con gái chết khi tham gia thử thách ngạt thở…

Trào lưu tik tok 2023
TikTok nhiều lần bị kiện vì đề xuất nội dung nguy hiểm cho trẻ em. Nguồn ảnh: Picsmart

Mạng xã hội có thể tạo nên bất cứ trào lưu nào. Đặc biệt, các thủ thuật và mẹo làm đẹp kỳ lạ là chủ đề được theo dõi và sao chép nhiều nhất trên các nền tảng, bao gồm Instagram, TikTok và Reddit.

Nhiều người say mê thử những mẹo này vì cho rằng chúng vô hại, dễ dàng thực hiện chỉ với các loại thực phẩm hay đồ gia dụng thông thường.

Tuy nhiên, việc áp dụng các mẹo làm đẹp bừa bãi mà không cân nhắc đến tình trạng da của mình có thể gây nguy hại. Nhiều người lầm tưởng rằng bất kỳ mẹo nào sử dụng các "sản phẩm tự nhiên" chắc chắn an toàn, song thực tế chúng có thể vô hại khi ăn nhưng chưa chắc phù hợp để thoa trực tiếp lên da.

CNA Lifestyle đã tổng hợp những mẹo làm đẹp đang là trào lưu trên TikTok, và nhờ bác sĩ da liễu Eileen Tan phân tích xem liệu các phương pháp này có thật sự an toàn.

Mặt nạ tự chế

Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da handmade như mặt nạ, tẩy tế bào chết, toner hay kem dưỡng ẩm trở nên phổ biến hơn khi nhiều người chia sẻ chúng trong thời gian giãn cách xã hội.

Hầu hết công thức sử dụng các thực phẩm phổ biến trong nhà bếp như trái cây, rau, trứng, sữa chua, mật ong và dầu dừa nên mọi người cho rằng chúng hiển nhiên an toàn.

Nhiều loại tinh dầu dưỡng da cũng được chiết xuất từ các loại thực phẩm này. Tuy nhiên, việc sử dụng trực tiếp các loại tinh dầu có trong thực phẩm mà chưa qua xử lý có thể gây dị ứng.

"Tác dụng của các loại sản phẩm chăm sóc da DIY (thủ công) rất khó đánh giá, và hiệu quả của chúng có lẽ không nhất quán. Ví dụ, dầu dừa có công dụng dưỡng ẩm nhưng không phù hợp với tất cả loại da. Với da dầu, nó có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông dẫn đến mụn trứng cá", Tan chia sẻ.

Vị bác sĩ cũng chỉ ra rằng sử dụng trực tiếp lên da một số thực phẩm như rượu táo hay nước trái cây có tính axit như họ cam, quýt có thể gây kích ứng, hoặc tệ hơn là bỏng da.

Tẩy tế bào chết bằng baking soda

Baking soda là chất được dùng rộng rãi trong ngành thực phẩm, có nhiều công dụng trong đời sống thường ngày như làm sạch, làm trắng răng, là nguyên liệu làm bánh.

Nhiều người đã chia sẻ mẹo dùng baking soda như một loại mặt nạ để tẩy tế bào chết, làm sáng da hay thậm chí loại bỏ mụn đầu đen và hàng loạt công dụng thần kỳ khác.

Theo bác sĩ Tan, sự thật là baking soda có đặc tính tẩy tế bào chết trên da. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nên sử dụng nó thường xuyên lên da với số lượng lớn.

"Sử dụng baking soda nhiều lần có thể khiến sự cân bằng độ pH trên da bị phá vỡ. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn như kích ứng, bong tróc và mẩn đỏ. Đừng thử dùng nếu bạn có làn da nhạy cảm hoặc dễ nổi mụn trứng cá".

Chà mặt bằng nước đá

Trên TikTok, nhiều người chia sẻ loạt công dụng khi rửa mặt với nước đá như thu nhỏ lỗ chân lông, giảm mụn trứng cá, giảm dầu và tan bọng mắt, hạn chế các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, vết chân chim.

Đây là xu hướng làm đẹp có vẻ an toàn và khả thi. Nhiều phụ nữ, bao gồm cả những người đẹp nổi tiếng như Bella Hadid, cũng rửa mặt bằng nước đá để thu nhỏ lỗ chân lông.

Tan đồng ý rằng chườm đá trên mặt có thể giảm sưng, tấy đỏ và giảm đau tạm thời với những nốt mụn viêm vì nó làm co mạch máu. Song nữ bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên quá tin tưởng vào những hiệu quả được đồn thổi.

Chườm đá không thể khiến mụn trứng cá biến mất, và chắc chắn không giúp giảm nếp nhăn trên da mặt. Với những người có làn da quá nhạy cảm, chườm đá lên mặt có thể gây kích ứng, mẩn đỏ.

Tự chế kem chống nắng

Dù có rất nhiều loại kem chống nắng với mức giá khác nhau, có những người vẫn háo hức khi thử trend tự làm kem chống nắng. Một số lo ngại về yếu tố hóa học trong kem chống nắng mua ở cửa hàng, họ nghĩ loại tự làm thủ công sẽ an toàn và lành mạnh hơn.

Có thể tìm thấy nhiều công thức kem chống nắng khác nhau được chia sẻ trên mạng, đa số bao gồm dầu dừa và oxit kẽm dạng bột. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có hiệu quả hay không.

Bác sĩ Tan nhấn mạnh rằng các công thức kem chống nắng thủ công không ổn định. Nói cách khác, chúng không thể bảo vệ tốt cho làn da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tự lăn kim

Lăn kim tái tạo da là phương pháp làm đẹp không mới. Quy trình của phương pháp thẩm mỹ này bao gồm chích vào da bằng thiết bị lăn chứa hàng nghìn mũi kim, tạo ra những vết thương cực nhỏ để kích thích sản sinh collagen và elastin giúp da lành lại.

Tuy nhiên, thay vì tới các bệnh viện thẩm mỹ để được bác sĩ thực hiện lăn kim như trước đây, ngày càng nhiều người tìm cách tự làm nó tại nhà bằng các dụng cụ microneedling…

Không chỉ những trào lưu làm đẹp nêu trên gây nguy hiểm, mới đây, một gia đình người Mỹ cũng đã kiện TikTok vì con gái chết khi tham gia thử thách ngạt thở.

Ngày 5/7, gia đình của Lalani Erika Renee Walton (8 tuổi, bang Texas) và Arriani Jaileen Arroyo (9 tuổi, bang Wisconsin), 2 bé gái qua đời vào năm ngoái khi tham gia thử thách ngạt thở (blackout challenge), đâm đơn kiện lên tòa án cấp cao quận Los Angeles. Thử thách trên khuyến khích người tham gia tự bóp nghẹt mình cho đến khi bất tỉnh, theo The Guardian.

Người thân nạn nhân cáo buộc thuật toán nguy hiểm của TikTok liên tục đề xuất các video về thử thách ngạt thở vào nguồn cấp dữ liệu của trẻ em, khuyến khích chúng tham gia thử thách và dẫn đến sự việc đáng tiếc.

Matthew P Bergman, đến từ hãng luật đại diện cho gia đình nạn nhân, cho biết: “TikTok cần phải chịu trách nhiệm cho cái chết của 2 em nhỏ. Nền tảng này đầu tư hàng tỷ USD nhằm lan truyền nội dung nguy hiểm dù nhận thức chúng có thể dẫn đến cái chết của người dùng”.

Lalani được nhận xét là “cô bé ngọt ngào và hướng ngoại”, “thích mặc đồ công chúa”. Cảnh sát điều tra cho rằng cái chết của em vào ngày 15/7/2021 là hậu quả của việc tham gia thử thách ngạt thở.

Sau khi được tặng điện thoại vào sinh nhật 8 tuổi, nạn nhân nhanh chóng nghiện lướt TikTok. Em thường xuyên đăng tải video hát và nhảy với hy vọng nổi tiếng.

Gia đình nhận thấy vết bầm tím trên cổ Lalani. Họ cho rằng cô bé đã tham gia thử thách trên TikTok. Vào ngày xảy ra vụ việc, trong chuyến du lịch cùng gia đình, Lalani dành hàng giờ để xem video, bao gồm thử thách ngạt thở.

“Một em bé 8 tuổi sao có thể nhận thức mức độ nguy hiểm của nội dung TikTok đang khuyến khích”, đơn kiện cho biết. Tương tự Lalani, Arriani cũng ám ảnh với việc đăng video nhảy và nghiện ứng dụng này.

Gia đình nạn nhân từng nói về trường hợp người dùng trẻ tuổi chết khi tham gia trào lưu nhưng em đảm bảo mình sẽ không làm thế.

Tuy nhiên, ngày 26/2/2021, em trai 5 tuổi phát hiện Arriani trong tình trạng ngừng thở. Em được đưa đến bệnh viện địa phương nhanh chóng nhưng không qua khỏi.

“Ứng dụng này biết rõ thuật toán của mình đang lan rộng những thử thách nguy hiểm đến trẻ em”, đơn kiện ghi.

Ngoài ra, một số khiếu nại khác được liệt kê, bao gồm quảng bá nội dung có hại, cho phép người dùng chưa đủ tuổi sử dụng và không cảnh báo về tính chất gây nghiện của ứng dụng.

Năm 2021, thử thách thùng sữa (milk crate challenge) từng bị bác sĩ khuyến cáo có thể dẫn đến trật khớp vai, đứt dây chằng và thậm chí là chấn thương tủy sống.

Năm 2020, một cô gái 15 tuổi tử vong sau khi tham gia thử thách benadryl (benadryl challenge) - khuyến khích người dùng sử dụng lượng lớn thuốc dị ứng nhằm chìm vào ảo giác…

(tổng hợp)