Trương công định là ai

.

Cập nhật lúc: 10:16, 20/08/2021 (GMT+7)

(Báo Quảng Ngãi)- Vào dịp tưởng nhớ 157 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết (20/8/1864 - 20/8/2021), trong mỗi người dân lại bùi ngùi xúc động nhớ về ông với niềm tôn kính vô bờ. Anh hùng dân tộc Trương Định đã khơi dậy mạnh mẽ trong nhân dân lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất. 

Vị nguyên soái của lòng dân

Vào dịp lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định, nhiều người dân đến đền thờ ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), để thắp nén hương bày tỏ lòng thành kính tri ân. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lễ tưởng niệm được Sở VH-TT&DL, Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ tổ chức đơn giản nhưng vẫn đảm bảo trang nghiêm. Gia đình ông Trương Thanh, ở thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê, cháu họ của Anh hùng dân tộc Trương Định, thì năm nào cũng đều làm giỗ vọng. Thắp hương tưởng nhớ vị Anh hùng của dân tộc, ông Thanh tự hào chia sẻ, Bình Tây đại nguyên soái Trương Định là niềm tự hào đối với nhân dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung. Ông là tấm gương sáng về lòng yêu nước, kiên trung để thế hệ con cháu noi theo.

Trương công định là ai
Học sinh tham gia chào cờ, hát Quốc ca trước Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). (ảnh chụp trước ngày 26/6/2021). ẢNH: Kim Ngân
Anh hùng dân tộc Trương Định sinh năm 1820, tại thôn Trường Định, xã Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi). Cha ông là Trương Cầm, giữ chức lãnh binh tỉnh Gia Định. Vào thời vua Thiệu Trị, ông theo cha vào Nam, lấy vợ và sinh sống tại huyện Tân Hòa (nay là huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Trương Định là người đứng đầu trong việc khai hoang lập ấp và được triều đình phong cho chức Quản cơ. Ông tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công. Đến năm 1862, nhà Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất, giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang. 

Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp. Ngày 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân, Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng.

Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, nhưng Trương Định đã để lại tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân và tinh thần kiên trung, bất khuất. Tinh thần Trương Định và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo mãi mãi lưu danh cùng non sông đất nước.

Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2014. Hằng năm có hơn 18 nghìn lượt khách đến viếng, tham quan đền thờ. Để ghi nhớ công lao của vị Anh hùng dân tộc, tại TP.Quảng Ngãi hiện có một tuyến đường mang tên Trương Định.

Tri ân vị Anh hùng dân tộc

Sau khi Bình Tây đại nguyên soái Trương Định hy sinh, người dân ở tỉnh Tiền Giang đã lập đền thờ để tưởng nhớ vị anh hùng. Năm 1881, ở quê nhà Tịnh Khê, nhân dân đã lập đền thờ Trương Định. Trải qua chiến tranh ác liệt, đền thờ bị tàn phá. Năm 2007, UBND tỉnh xây dựng Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, với diện tích hơn 2ha, dưới chân núi Đầu Voi, thuộc xóm Khê Thuận, xã Tịnh Khê. Đây là nơi lúc thiếu thời, Trương Định thường tập bắn cung, luyện võ nghệ.

Trương công định là ai
Học sinh các trường tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp Anh hùng dân tộc Trương Định tại Đền thờ ông ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). (ảnh chụp trước 26/6/2021) Ảnh: K.Ngân
Năm 2009, Sở VH-TT&DL giao đền thờ cho Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ quản lý. Từ đó đến nay, đền thờ được quan tâm đầu tư, trùng tu nên ngày một khang trang. Tại đền thờ có khu trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định. Hiện tại có 4 bản trích, gần 50 ảnh tư liệu, hơn 40 hiện vật và hàng chục tài liệu.

Em Nguyễn Lê Hoàng Phương, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ, nhà trường đã tổ chức cho chúng em tham quan Đền thờ Anh hùng Trương Định. Đến đây, em hiểu hơn về những cống hiến của ông đối với đất nước và rất đỗi tự hào về người con của quê hương Quảng Ngãi. 

Theo Giám đốc Ban Quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ Phan Thị Vân Kiều, trong thời gian đến, đơn vị sẽ tiếp tục sưu tầm hiện vật liên quan đến Anh hùng Trương Định và đổi mới trưng bày hình ảnh, hiện vật để phục vụ khách tham quan. Qua đây góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, nhớ về Anh hùng dân tộc Trương Định để ra sức lao động, học tập, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

KIM NGÂN

     Theo kế hoạch đi nghiên cứu thực tế của chi bộ, sau một thời gian chuẩn bị, đúng 8 giờ 00 ngày 11/6/2019  chuyến xe chở đoàn công tác của chi bộ chúng tôi đã khởi hành đi về Tiền Giang quê hương của những mỹ nữ - anh hùng nổi tiếng Nam bộ. Ngồi trên xe mà trong tôi chợt chợt nhớ những nhân vật nổi bật trong lịch sử dân tộc như: Nam Phương hoàng hậu, bà Từ Dũ, tả quân Lê Văn Duyệt, Anh hùng Dân tộc Trương Định, Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu...

     Sau khi ghé thăm Di tích chùa Tôn Thạnh với bao câu chuyện huyền thoại về những bậc cao tăng, những vị anh hùng dám “ cởi áo cà sa, khoác chiến bào” đứng lên đấu tranh vì tự do cho đất nước, Đoàn chúng tôi lại thẳng tiến hướng Tiền Giang.11 giờ 00 đoàn nghiên cứu thực tế đến lăng anh hùng dân tộc Trương Định ở Gò Công. Được cán bộ khu lăng mộ nhiệt tình giới thiệu, chúng tôi biết rằng đây là quê hương thứ hai của Trương Định (quê gốc của ông là ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng chính là nơi ông chiêu mộ nghĩa quân kháng Pháp và hy sinh oanh liệt.

    Tuy sinh ra ở Quảng Ngãi nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Trương Định gắn bó với nhân dân Gò Công. Tại nơi đây, ông đã lập gia đình với hai người phụ nữ, vợ đầu là Lê Thị Thưởng và vợ sau là bà Trần Thị Sanh. Với sự giúp đỡ ít nhiều của cả hai gia đình bên vợ, từ năm 1854, theo chính sách đồn điền của Nguyễn Tri Phương, Trương Định đã chiêu mộ dân chúng, khai khẩn đất hoang, lập ra đồn điền Gia Thuận để khai hoang đất đai phát triển sản xuất, chăm lo cho đời sống của nhân dân địa phương, đồng thời chú ý luyện tập quân sự cho dân binh đồn điền, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước. Chính vì lẽ đó, màTrương Định luôn được nhân dân Gò Công hết lòng tin yêu. Cho nên, năm 1861, khi Trương Định kháng lệnh triều đình, phát động cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược thì nhân dân Gò Công đã tích cực hưởng ứng và tham gia. Có lúc lực lượng nghĩa quân lên đến 6.000 người, bao gồm các tầng lớp nhân dân Gò Công mà đa số là nhân dân lao động và dân binh đồn điền.

Trương công định là ai

     Đền thờ Trương Định tại Tiền Giang. ảnh: Sưu tầm từ internet.

      Nói về đạo quân của Trương Định nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu mô tả đó là những người nông dân:

“. . . Cui cút làm ăn, riêng lo nghèo khó,

Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung,

Chỉ biết ruộng trâu, ở theo làng bộ

Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy. . . tay vốn quen làm

Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ. . . mắt chưa từng ngó

. . . Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng  ở lính diễn binh.

Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ”

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – Nguyễn Đình Chiểu)

     Tháng bảy năm Nhâm Tuất (1862), sau khi ký hòa ước dâng cho thực dân Pháp đảo Côn Lôn và ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, và Định Tường, triều đình Tự Đức phong Trương Định làm Lãnh binh tỉnh An Giang và ra lệnh cho ông phải chấm dứt cuộc kháng chiến ở Gò Công. Thế nhưng, trước yêu cầu của nhân dân Gò Công, Trương Định đã quyết định ở lại cùng nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu kể lại:

“. . . Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền.

Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại

Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ phu lắm kẻ vui theo.

Tom muôn dân gầy sổ mộ quân, luật lệnh nào ai dám nhạy.

Văn thời Tham Biện, Thượng Biên, giúp các cơ bàn bạc nhung công.

Võ thời Tổng binh, Đốc binh, coi mấy đạo sửa sang khí giới”

(Văn tế Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu)

      Phải nói đây là quyết định rất đúng đắn của Trương Định trong bối cảnh lúc bấy giờ.  Đứng trước quyền lợi bản thân và nguyện vọng của nhân dân, ông đã dũng cảm đứng về phía nhân dân  quyết định đi cùng với nhân dân chiến đấu: “Bằng son ứng nghĩa thắm lòng dân” (Nguyễn Đình Chiểu)

      Trên thực tế cuộc chiến đấu của nghĩa quân Trương Định hợp với lòng dân, nên được nhân dân hết lòng đùm bọc che chở và ủng hộ. Chính nhờ đó mà mặc dù, tương quan lực lượng có sự chênh lệch lớn có lợi cho thực dân Pháp, nghĩa quân Trương Định vẫn tạo nên những chiến công hiển hách như các cuộc tập kích đồn Rạch Tra (Tây Ninh), Long Thành (Biên Hòa), tấn công 2 chiếc Lorcha tại Bến Lức, pháo thuyền Alarne và trận địa pháo trên rạch Gò Công, đốt chiếc Lorcha số 10 hay tập kích đồn Thuộc Nhiêu, đồn Rạch Kiến…nổi bật là trận tấn công Chợ Lớn – trung tâm kiểm sóat của thực dân Pháp lúc bấy giờ.

       Cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược của Trương Định chỉ tồn tại được 5 năm (1859 -1864), nhưng đã trở thành cuộc đấu tranh tiêu biểu trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta. Từ ngày Trương Định hy sinh đến nay đã tròn 155 năm (1864 - 2019), nhưng cuộc khởi nghĩa của anh hùng dân tộc Trương Định mãi mãi là biểu tượng về tinh thần yêu nước và sức mạnh của nhân dân Gò Công nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung trong lịch sử dân tộc.

       Cuộc khởi nghĩa đã để lại cho các thế hệ sau nhiều bài học vô giá: về uy tín, năng lực và phẩm chất đạo đức của người lãnh đạo; về sự quy tụ sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp dựng nước giữ nước, phát huy tinh thần yêu nước, bất khuất của người Việt  Nam…

       Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay thiết nghĩ nếu Đảng và nhà nước xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự ưu tú có đủ bản lĩnh, có năng lực đạo đức trong sáng thì dứt khoát chúng ta sẽ tiếp tục phát huy được tốt hơn nữa những truyền thống tốt đẹp trong mỗi con người Việt Nam và sự nghiệp đổi mới đất nước sẽ mau chóng đạt được nhiều thành công tốt đẹp.

      Đứng trước khu lăng mộ của Người anh hùng dân tộc, tuy mỗi người có cảm nhận khác nhau nhưng mỗi thành viên của đoàn đều vô cùng tự hào về thế hệ cha anh đi trước. Chúng tôi nguyện rằng sẽ luôn cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ của cơ quan để góp phần công sức của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

Hà Thị Vân Khanh