Ví dụ về quyền và lợi ích của công dân

Quyền công dân và cơ chế bảo vệ quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013

01/06/2015

PGS, TS.VŨ CÔNG GIAO

Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

ThS.NGUYỄN MINH TÂM

Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

*

1. Khái niệm quyền công dân

“Công dân” (citizen), theo Từ điển Merriam-Webster online, là một khái niệm xuất hiện từ thế kỷ XIV, có nghĩa là “một cá nhân [hợp pháp] thuộc về một quốc gia và có các quyền và sự bảo vệ của quốc gia đó”[1]. Theo Từ điển Cambridge online, công dân “[là một cá nhân] là thành viên của một quốc gia cụ thể và có các quyền bởi được sinh ra tại đó hoặc bởi được trao cho các quyền”[2]. Còn theo Bách khoa toàn thư Stanford Encyclopedia of Philosophy, “công dân là thành viên của một cộng đồng chính trị, người mà được hưởng các quyền và thừa nhận các nghĩa vụ của [một] thành viên”[3].

Như vậy, có thể thấy, khái niệm công dân thường gắn với một quốc gia cụ thể (thông qua quốc tịch); và “quyền công dân” có thể được hiểu là những gì được hưởng, được bảo vệ mà một quốc gia dành cho công dân của nước mình. Cách hiểu này cũng giống như học thuyết các quyền pháp lý (legal rights) về nguồn gốc của quyền con người, trong đó cho rằng các quyền con người không phải là bẩm sinh, vốn có một cách tự nhiên mà do các nhà nước xác định và pháp điển hóa thành pháp luật hoặc xuất phát từ truyền thống văn hóa[4].

Quyền công dân và quyền con người là hai phạm trù rất gần gũi nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Sự khác biệt giữa quyền công dân và quyền con người thể hiện qua bảng sau:

Quyền con người

Quyền công dân

Thời gian xuất hiện

Tư tưởng đã có từ thời cổ đại (Bộ luật Hammurabi vào khoảng năm 1700 Tr.CN); Luật Nhân quyền quốc tế bắt đầu từ năm 1945.

Cách mạng tư sản (Luật về Quyền (Anh) 1689; Tuyên ngôn Độc lập (Mỹ) 1776; Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền (Pháp) 1789)

Công cụ ghi nhận, bảo vệ

Cả pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia

Pháp luật quốc gia

Nội hàm

Những quyền và tự do mà mọi cá nhân đều được hưởng và được (cộng đồng quốc tế) bảo vệ.

Những quyền và tự do mà một quốc gia dành cho công dân của nước mình.

Tính chất

Tự nhiên, bẩm sinh, vốn có; thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với quốc gia và với toàn thể cộng đồng nhân loại

Được các quốc gia xác định bằng pháp luật; thể hiện mối quan hệ giữa cá nhân với quốc gia

Đặc điểm

Mang giá trị phổ quát, được áp dụng bình đẳng với tất cả mọi người, trong mọi thời gian, địa điểm và hoàn cảnh.

Mang giá trị đặc thù, chỉ áp dụng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia và có thể bị thay đổi theo thời gian

Chủ thể của quyền

Mọi cá nhân là thành viên của cộng đồng nhân loại

Những cá nhân mang quốc tịch của một quốc gia

Chủ thể có nghĩa vụ

Các quốc gia (chủ thể chính), các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân,… (ở phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế)

Các quốc gia (chủ thể chính), các doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân,… (ở phạm vi quốc gia)

Cơ chế bảo vệ

Cơ chế quốc tế (chủ yếu của Liên hợp quốc), cơ chế khu vực, và cơ chế quốc gia

Cơ chế quốc gia (chủ yếu là cơ quan tư pháp và một số cơ chế tài phán quốc gia khác)[5]

Trên đây là một số điểm khác biệt cơ bản giữa quyền công dân và quyền con người. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ có thể nhận rõ trong một số bối cảnh. Ví dụ, theo Luật Nhân quyền quốc tế, một cá nhân là người nước ngoài hiện diện hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia cũng được hưởng các quyền con người cơ bản mà cộng đồng quốc tế và quốc gia đó thừa nhận, chỉ trừ một số quyền dành riêng cho công dân như quyền bầu cử[6], quyền ứng cử, hay quyền về quốc tịch. Ngoài ra, với sự giao lưu và hội nhập quốc tế ngày nay, các quốc gia thường có xu hướng chấp nhận và tham gia các cơ chế bảo vệ nhân quyền ở cả cấp độ khu vực và quốc tế. Các cơ chế này bổ sung, hỗ trợ cho cơ chế quốc gia, giúp cho việc bảo vệ các quyền con người nói chung, các quyền công dân có hiệu quả hơn.

2. Quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013

Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng trong chế định quyền con người, quyền công dân. Một trong số những sửa đổi, bổ sung đó là Hiến pháp năm 2013 đã không còn đồng nhất quyền con người với quyền công dân như Hiến pháp năm 1992. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ những quyền [chỉ] dành cho công dân và những quyền dành cho tất cả mọi người, bằng cách sử dụng hợp lý hơn các thuật ngữ “công dân, mọi người, không ai”[7]. Như vậy, với sự thay đổi này, sẽ có những quyền không chỉ dành cho công dân Việt Nam mà còn dành cho cả người nước ngoài hiện diện hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài điểm mới nêu trên, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận thêm một số quyền mới và củng cố hầu hết các quyền đã được nêu trong Hiến pháp năm 1992 bằng cách quy định rõ hơn hoặc tách ra thành điều riêng. Điều này làm cho những quy định của Hiến pháp năm 2013 tương thích hơn với nhận thức chung trên thế giới và quy định của Luật Nhân quyền quốc tế; đồng thời cũng phù hợp với chủ trương, chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Những sự thay đổi cơ bản trong chế định quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 có thể được khái quát qua bảng sau[8]:

Hiến pháp

năm 2013

Hiến pháp

năm 1992

Các quyền [chỉ] dành cho công dân

1.

Quyền không bị trục xuất, giao nộp cho Nhà nước khác (*)

Điều 17(2)

2.

Quyền có nơi ở hợp pháp(*)

Điều 22(1)

3.

Quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước

Điều 23

Điều 68

4.

Quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về

Điều 23

Điều 68

5.

Quyền tự do ngôn luận

Điều 25

Điều 69

6.

Quyền tự do báo chí

Điều 25

Điều 69

7.

Quyền tiếp cận thông tin (Hiến pháp năm 2013)/ Quyền được thông tin (Hiến pháp năm 1992)

Điều 25

Điều 69

8.

Quyền hội họp, lập hội

Điều 25

Điều 69

9.

Quyền biểu tình

Điều 25

Điều 69

10.

Quyền bầu cử, quyền ứng cử

Điều 27

Điều 54

11.

Quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội

Điều 28(1)

Điều 53

12.

Quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân

Điều 29

Điều 53

13.

Quyền được bảo đảm an sinh xã hội(*)

Điều 34

14.

Quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc

Điều 35(1)

Điều 55, 56

15.

Quyền học tập

Điều 39

Điều 59

16.

Quyền xác định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp(*)

Điều 42

Các quyền dành cho mọi người

17.

Quyền bình đẳng trước pháp luật

Điều 16(1)

Điều 52

18.

Quyền sống(*)

Điều 19

19.

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm

Điều 20(1)

Điều 71

20.

Quyền không bị tra tấn(*), bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm

Điều 20(1)

Điều 71

21.

Quyền không bị tước tự do một cách tùy tiện

Điều 20(2)

Điều 71

22.

Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác(*)

Điều 20(3)

23.

Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình(*)

Điều 21(1)

24.

Quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình(*)

Điều 21(1)

25.

Quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác

Điều 21(2)

Điều 73

26.

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở

Điều 22(2)

Điều 73

27.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Điều 24(1)

Điều 70

28.

Quyền khiếu nại, tố cáo

Điều 30(1)

Điều 74

29.

Quyền được suy đoán vô tội

Điều 31(1)

Điều 72

30.

Quyền được xét xử kịp thời, công bằng và công khai(*)

Điều 31(2)

31.

Quyền không bị xét xử hai lần vì cùng một hành vi phạm tội(*)

Điều 31(3)

32.

Quyền bào chữa trong tố tụng

Điều 31(4)

Điều 132

33.

Quyền được bồi thường trong tố tụng

Điều 31(5)

Điều 72

34.

Quyền sở hữu tài sản

Điều 32(1)

Điều 58

35.

Quyền thừa kế

Điều 32(2)

Điều 58

36.

Quyền tự do kinh doanh

Điều 33

Điều 57

37.

Quyền được kết hôn

Điều 36(1)

Điều 64

38.

Quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe

Điều 38(1)

Điều 39, 61

39.

Quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và hưởng thụ lợi ích từ các hoạt động đó

Điều 40

Điều 60

40.

Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa(*)

Điều 41

41.

Quyền được sống trong môi trường trong lành(*)

Điều 43

3. Cơ chế hiện hành bảo vệ quyền công dân hiến định ở Việt Nam

Trong lĩnh vực nhân quyền, thuật ngữ “cơ chế nhân quyền” thường được dùng để chỉ hệ thống các cơ quan (chuyên trách) và các quy tắc, thủ tục có liên quan được thiết lập với mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người; còn thuật ngữ “bảo vệ” được hiểu là (một) trách nhiệm (hay nghĩa vụ) của các quốc gia phải đưa ra những biện pháp và xây dựng các cơ chế nhằm ngăn ngừa và xử lý những hành vi vi phạm nhân quyền[9]. Như vậy, có thể hiểu “cơ chế bảo vệ nhân quyền” là hệ thống các cơ quan và các quy tắc, thủ tục có liên quan được thiết lập nhằm ngăn ngừa và xử lý những hành vi vi phạm nhân quyền. Thông thường ở các quốc gia trên thế giới, cơ chế bảo vệ nhân quyền được thực hiện bởi bốn nhóm cơ quan đó là: (i) cơ quan nhân quyền quốc gia (cơ quan chuyên trách); (ii) cơ quan tư pháp; (iii) cơ quan bảo vệ hiến pháp; và (iv) cơ quan ngoại giao (thực hiện việc bảo hộ công dân ở nước ngoài).

Cả về lý thuyết và thực tế, rất khó tách bạch cơ chế bảo vệ các quyền con người với cơ chế bảo vệ các quyền công dân, bởi việc bảo vệ cả hai dạng quyền này đều do những thiết chế và sử dụng những quy trình, thủ tục giống nhau. Chính vì vậy, trong mục này và những phần tiếp theo của bài viết, cụm từ “cơ chế bảo vệ các quyền công dân hiến định” có thể hiểu theo nghĩa rộng là “cơ chế bảo vệ các quyền con người, quyền công dân hiến định”.

Ở Việt Nam, hiện chưa có một cơ quan chuyên trách về bảo vệ các quyền con người, quyền công dân được hiến định, mà việc này được xem là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị. Trước Hiến pháp năm 2013, trách nhiệm bảo vệ các quyền con người, quyền công dân của các cơ quan nhà nước chưa được xác định rõ, thường chỉ gắn với cơ quan lập pháp (Quốc hội)[10]. Hiến pháp năm 2013 đã tăng cường cơ chế bảo vệ các quyền (công dân) được hiến định thông qua việc ghi nhận cả ba nghĩa vụ của Nhà nước trong lĩnh vực nhân quyền, đó là tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm (Điều 3, Điều 14(1). Cùng với đó, Hiến pháp năm 2013 đã ấn định nhiệm vụ mới là “bảo vệ quyền con người, quyền công dân” cho Chính phủ (Điều 96(6), Tòa án (Điều 102(3), và Viện kiểm sát (Điều 107(3). Đây là những quy định quan trọng có ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước này trong việc bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân trong thực tế.

Hiến pháp năm 2013 cũng lần đầu tiên quy định nguyên tắc giới hạn quyền (Điều 14(2) và đề cập đến cụm từ “cơ chế bảo vệ hiến pháp” (Điều 119(2). Đây là những cơ sở quan trọng nhằm hạn chế sự lạm dụng quyền lực của các cơ quan nhà nước dẫn tới những vi phạm nhân quyền; đồng thời cũng là tiền đề cho việc bảo vệ nhân quyền ở cấp cao nhất, bởi xét đến cùng, bảo vệ hiến pháp chính là bảo vệ các quyền được hiến định.

Ở Việt Nam, cơ chế bảo vệ hiến pháp hiện nay cơ bản vẫn theo mô hình nghị viện, được thực hiện thông qua hoạt động giám sát tối cao; hoạt động xây dựng, sửa đổi và giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, mô hình nghị viện có nhiều hạn chế bởi một cơ quan lập pháp sẽ khó bảo đảm tính độc lập, khách quan cũng như khả năng kiểm tra các đạo luật do mình ban hành. Bên cạnh đó, do là cơ quan mang tính chính trị nên Quốc hội/Nghị viện thường không có trình tự, thủ tục phù hợp và khả năng phát hiện những vi phạm hiến pháp để phán xét về tính hợp hiến[11].

Trên thực tế, ở Việt Nam chưa từng có trường hợp nào một văn bản pháp luật (dưới Hiến pháp) được tuyên bố về tính hợp hiến hay bất hợp hiến, cho dù đã có không ít trường hợp văn bản luật không phù hợp với Hiến pháp (ví dụ, Luật Công ty năm 1990). Thực tế này, cùng với việc các quy định của Hiến pháp chưa được áp dụng trực tiếp đòi hỏi phải xây dựng một mô hình bảo vệ hiến pháp có tính độc lập và chuyên trách hơn để có thể bảo vệ các quyền hiến định.

Nhìn chung, cơ chế hiện hành bảo vệ quyền công dân hiến định ở Việt Nam chủ yếu được thể hiện qua hoạt động xét xử và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong những hoạt động này, vai trò bảo vệ quyền công dân hiến định của tòa án là rất quan trọng. Thống kê của ngành tòa án những năm gần đây cho thấy, khối lượng công việc của tòa án là rất lớn và tỷ lệ công việc được giải quyết hàng năm thường đạt trên 90%[12]. Đây là một kết quả tương đối tốt, nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng án oan sai, án bị sửa, bị hủy, án không thi hành được hoặc có những vụ án kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được. Ngoài ra, tình trạng vi phạm quyền con người trong hoạt động tố tụng (như bức cung, dùng nhục hình, thậm chí dẫn đến tử vong) vẫn còn diễn ra. Mặc dù những vi phạm này chủ yếu diễn ra trong giai đoạn điều tra, song thực tế cho thấy, ngành tòa án chưa thể hiện tính hiệu quả trong việc ngăn ngừa, xử lý những vi phạm đó thông qua hoạt động xét xử.

Ngoài các chủ thể “mang tính nhà nước” nêu trên, trong cơ chế bảo vệ các quyền công dân hiến định không thể không kể đến vai trò của báo chí (truyền thông) và các tổ chức, đoàn thể xã hội. Với các chức năng của mình (đặc biệt là chức năng thông tin của báo chí), các chủ thể này tham gia giám sát việc thực hiện các quyền (công dân) hiến định, từ đó giúp phát hiện, ngăn ngừa và xử lý một cách kịp thời những sự vi phạm đến quyền con người, quyền công dân. Trong thời gian qua, vai trò giám sát và bảo vệ của các chủ thể này cho thấy những dấu hiệu tích cực như việc phát hiện, tố cáo các trường hợp vi phạm nhân quyền (các vụ án oan, sai, tham nhũng, gây ô nhiễm môi trường, …); tham vấn, tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật của Nhà nước; thúc đẩy và phát triển mạng lưới giáo dục nhân quyền trong xã hội … Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ nhân quyền của những chủ thể này vẫn tương đối hạn chế, do khuôn khổ pháp luật hiện hành còn thiếu hoặc chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể thực hiện hiệu quả vai trò của mình.

Xét tổng quát, cơ chế bảo vệ các quyền công dân hiến định ở Việt Nam hiện nay còn thiếu và có nhiều hạn chế, vì thế chưa bảo vệ hiệu quả các quyền. Trong lĩnh vực nhân quyền, bảo vệ các quyền con người vừa là một nghĩa vụ, đồng thời cũng là một yêu cầu khách quan để đảm bảo sự tồn tại của các chế độ, nhà nước. Trong những năm gần đây, Nhà nước Việt Nam luôn thể hiện những cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, mà một trong những ví dụ nổi bật là chế định quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013. Bối cảnh đó đang tạo ra những thuận lợi, song cũng có không ít thách thức trong việc hoàn thiện cơ chế bảo vệ các quyền công dân hiến định ở nước ta.

4. Hoàn thiện cơ chế bảo vệ các quyền công dân hiến định ở Việt Nam

Từ những phân tích trên, có thể nêu một số gợi mở cho việc hoàn thiện cơ chế bảo vệ các quyền công dân hiến định ở Việt Nam như sau:

Về chính sách, Nhà nước nên tiếp tục nghiên cứu tham gia thêm các điều ước quốc tế về nhân quyền khác, đặc biệt là các nghị định thư bổ sung về thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của Ủy ban giám sát các Công ước. Bởi như đã đề cập, các cơ chế quốc tế sẽ hỗ trợ, bổ sung cho cơ chế quốc gia, giúp việc bảo vệ các quyền con người có hiệu quả hơn. Đồng thời, cần tăng cường giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về nhân quyền cho mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là cho cán bộ của các cơ quan nhà nước có hoạt động liên quan trực tiếp đến các quyền con người, quyền công dân. Đây được coi là một biện pháp chủ động, tích cực và có hiệu quả lâu dài nhất nhằm bảo vệ các quyền con người.

Về pháp luật, đây là vấn đề cần được ưu tiên bởi ở nước ta hiện nay, các quy định của Hiến pháp chưa được áp dụng trực tiếp, do đó cần thể chế hóa các nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân và cơ chế bảo vệ quyền được hiến định trong các văn bản pháp luật để chúng có thể được thực thi trên thực tế. Do cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân là những vấn đề tương đối mới ở Việt Nam nên quá trình xây dựng pháp luật về vấn đề này nên chú ý tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.

Hiện nay, nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, có một số đạo luật có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ quyền hiến định của công dân đang trong tiến trình được sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới, như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Tiếp cận thông tin, … Những đạo luật này cần thể hiện được tinh thần và các nguyên tắc về đề cao, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013, đồng thời cần phù hợp hoàn toàn với những nghĩa vụ trong các điều ước nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Ví dụ, với các đạo luật về tố tụng, cần bổ sung các yếu tố về tranh tụng trong xét xử, tăng cường các bảo đảm về quyền con người trong hoạt động tố tụng (như nghiêm cấm tra tấn, bổ sung quyền được giữ im lặng, bảo đảm thực hiện quyền bào chữa, …); với đạo luật về tạm giữ, tạm giam, cần quy định đầy đủ các quyền con người trong giai đoạn này (bởi các đạo luật khác chỉ quy định những quyền tố tụng cơ bản), tăng cường các cơ chế giám sát các địa điểm giam giữ và mở rộng cho sự tham gia của công chúng; …

Đối với các chủ thể là các cơ quan báo chí (truyền thông), các tổ chức và đoàn thể trong xã hội, cần rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm củng cố và tạo cơ sở thuận lợi cho các chủ thể này thực hiện vai trò giám sát và bảo vệ các quyền công dân được hiến định của mình (ví dụ như các lĩnh vực luật về báo chí, tiếp cận thông tin, luật về hội, biểu tình, trưng cầu ý dân, luật về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, …).

Về xây dựng thể chế, cần tăng cường tính độc lập của hệ thống tòa án theo như Chiến lược cải cách tư pháp trong Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là cải cách tổ chức các cơ quan tư pháp, đặc biệt là tòa án.

Thực tế thì tính độc lập của hệ thống tòa án ở nước ta hiện nay được hiểu và thể hiện chủ yếu thông qua sự độc lập của thẩm phán, hội thẩm nhân dân trong xét xử[13]. Bởi vậy, để tăng cường tính độc lập của hệ thống tòa án, trước hết cần có các giải pháp tăng cường tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân. Một số giải pháp như nâng cao chế độ đãi ngộ; xây dựng bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp; sửa đổi quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm; xây dựng cơ chế xử lý kỷ luật độc lập… sẽ giúp duy trì và bảo đảm tính độc lập của thẩm phán và hội thẩm nhân dân, qua đó giúp bảo đảm và tăng cường tính độc lập của hệ thống tòa án.

Ngoài ra, về phương diện thể chế, hai thiết chế có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ nhân quyền rất cần được xúc tiến thành lập, đó là cơ quan nhân quyền quốc gia và cơ quan bảo vệ hiến pháp. Đối với cơ quan nhân quyền quốc gia, thực tiễn trên thế giới cho thấy, cơ quan này có vai trò quan trọng và là một cấu phần không thể thiếu trong cơ chế thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở các quốc gia. Việc lựa chọn thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia theo mô hình nào đòi hỏi cần có những nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm ở một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, một Ủy ban nhân quyền quốc gia trực thuộc Quốc hội tỏ ra thích hợp nhất trong bối cảnh hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay, nó sẽ có vị thế tốt nhất trong việc đóng vai trò như một cơ quan đầu mối về nhân quyền. Cơ quan này nên được giao các chức năng giám sát, tham vấn cho các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và triển khai các chính sách, pháp luật có liên quan đến nhân quyền; thực hiện việc nghiên cứu, phổ biến và giáo dục về nhân quyền; thậm chí có thể tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại về vi phạm nhân quyền, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý; …

Đối với cơ quan bảo vệ hiến pháp, như đã trình bày ở trên, mô hình bảo hiến nghị viện có nhiều sự hạn chế và thực tế trên thế giới còn rất ít quốc gia áp dụng mô hình này. Hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đều áp dụng các mô hình bảo hiến có tính độc lập và chuyên trách hơn, đặc biệt là mô hình tài phán hiến pháp (có 140/175 quốc gia áp dụng mô hình này thông qua việc thành lập Tòa án hiến pháp hoặc giao chức năng bảo vệ hiến pháp cho Tòa án tối cao hoặc Tòa án có thẩm quyền chung)[14].

Lựa chọn thành lập cơ quan bảo vệ hiến pháp ở Việt Nam theo mô hình nào cũng cần có thêm những nghiên cứu và những bước đi phù hợp. Một đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam là theo nguyên tắc tập quyền, theo đó quyền lực tối cao thuộc về Quốc hội, do đó, sẽ không có một cơ quan nào có thể kiểm tra tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành. Bên cạnh đó, năng lực và tính độc lập của hệ thống tòa án ở Việt Nam có nhiều hạn chế. Cho nên, mô hình cơ quan bảo vệ hiến pháp khả thi hơn cả đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là Hội đồng hiến pháp (theo mô hình của Pháp). Cơ quan này tuy mang nhiều đặc điểm của một cơ quan chính trị, nhưng nó vẫn chứa đựng một số yếu tố của tài phán hiến pháp và được đánh giá là mô hình tiến bộ hơn so với mô hình bảo hiến nghị viện bởi tính độc lập tương đối với các cơ quan nhà nước khác và tính chuyên trách của nó. Cơ quan này sẽ đóng vai trò bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật và bảo vệ các quyền công dân được hiến định theo Hiến pháp. Nhìn chung, trong khi triển vọng thành lập mô hình tài phán hiến pháp ở Việt Nam là chưa khả thi thì mô hình Hội đồng hiến pháp là phương án chấp nhận được, và có thể coi đây như là bước đệm cho sự phát triển của tài phán hiến pháp ở Việt Nam trong tương lai[15].

Trên đây chỉ là một số gợi mở về hoàn thiện cơ chế bảo vệ các quyền công dân hiến định ở Việt Nam theo tinh thần một số nội dung mới của Hiến pháp năm 2013. Như đã đề cập, cơ chế bảo vệ nhân quyền bao hàm cả các quy tắc, thủ tục và các thiết chế nhằm thực hiện việc bảo vệ các quyền công dân hiến định. Hiến pháp năm 2013 đã tạo ra những cơ sở và tiền đề quan trọng cho việc hoàn thiện cơ chế này ở Việt Nam. Nhìn chung, đây là quá trình đòi hỏi những sự cải cách sâu rộng và mạnh mẽ, tuy khó khăn nhưng là cần thiết trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, quyền công dân./.


* PGS, TS. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

**ThS. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.

[1] Xem: http://www.merriam-webster.com/dictionary/citizen, truy cập: 02/5/2015.

[2] Xem: http://dictionary.cambridge.org/dictionary/british/citizen, truy cập: 02/5/2015.

[3] Xem: http://plato.stanford.edu/entries/citizenship/, truy cập: 02/5/2015.

[4] Xem: Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011. tr.39.

[5] Trong một số trường hợp, các cơ chế quốc tế được áp dụng như giải pháp tiếp nối của cơ chế quốc gia. Ví dụ, trường hợp nạn nhân đã vận dụng hết các cơ chế sẵn có trong nước, họ có quyền tiếp tục gửi khiếu nại lên Ủy ban giám sát các Công ước nhân quyền quốc tế nếu quốc gia đó chấp nhận thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của Ủy ban. Trong một số trường hợp khác, cơ chế khu vực có thể được sử dụng thay thế cho cơ chế quốc gia. Ví dụ, Tòa án Nhân quyền châu Âu có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại giữa cá nhân với quốc gia (là thành viên của Hội đồng châu Âu) mà mình là công dân.

[6] Với công dân ở các quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu và khối Liên minh châu Âu, họ có quyền bầu cử ở cấp độ địa phương và ở cấp độ Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, những cuộc bầu cử này diễn ra tại quốc gia cư trú chứ không phải quốc gia mang quốc tịch. Do đó, có thể thấy số lượng những quyền chỉ dành riêng cho công dân cũng rất ít. Xem: Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, 1948: Mục tiêu chung của nhân loại, Nxb. Lao động - xã hội, Hà Nội, 2011, tr.466-467.

[7] Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định “công dân” mới là chủ thể của các quyền, và ngay tại Điều 50 đã thể hiện sự đồng nhất “quyền con người” với “quyền công dân”, đó là: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”.

[8] Ghi chú: Những quyền được đánh dấu (*) là những quyền mới trong Hiến pháp năm 2013. Tất cả các quyền được tham chiếu trong Hiến pháp năm 1992 là chỉ dành cho công dân.

[9] Xem: Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Sđd.

[10] Hiến pháp năm 1992 quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội (Điều 109), do đó, trách nhiệm bảo vệ các quyền công dân của Chính phủ có thể được hiểu là mang tính thực hiện (hay thụ động), cụ thể là chỉ “thi hành những biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình” (Điều 112(5)). Còn đối với Tòa án và Viện kiểm sát, trách nhiệm bảo vệ pháp chế, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước được coi trọng và đặt cao hơn trách nhiệm bảo vệ quyền công dân (Điều 127).

[11] Xem: Đặng Minh Tuấn (2012), “Thiết lập tài phán Hiến pháp: Xu thế thế giới và tương lai cho Việt Nam”, trong cuốn: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, tập II, Nxb. Hồng Đức, H., 2012, tr.328-329 của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[12] Theo các báo cáo tổng kết công tác năm của Tòa án nhân dân tối cao, trong các năm từ 2011 đến 2014, số lượng và tỷ lệ vụ án mà ngành tòa án đã giải quyết lần lượt như sau: 299.309/326.268 vụ (đạt 92%), 332.868/360.941 vụ (đạt 92%), 364.819/395.415 vụ (đạt 92,3%), 385.000/415.000 vụ (đạt 92,8%).

[13] Nguyên tắc “thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” được ghi nhận trong nhiều đạo luật quan trọng như: Hiến pháp năm 2013 (Điều 103(2)); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 (Điều 9); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 16); Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (Điều 12); Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (Điều 14). Tuy nhiên, hiện tượng can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án vẫn còn diễn ra.

[14] Xem: Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Một số vấn đề cơ bản của hiến pháp các nước trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 449-451.

[15] Xem: Đặng Minh Tuấn (2012), “Thiết lập tài phán Hiến pháp: Xu thế thế giới và tương lai cho Việt Nam”, tlđd, tr. 335.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 11(291), tháng 6/2015)