Vì sao HIV/AIDS không truyền từ người sang người qua đường muỗi đốt

Xin hỏi nếu muỗi hút máu người bị HIV xong tiếp tục chích người khác thì có bị lây bệnh không? Xin cảm ơn. (Mylove).

Ảnh: Health.

Trả lời:

Chào bạn,

HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường và vết côn trùng đốt (trong đó có muỗi). Đây là một nhận định đã được khoa học chứng minh.

Có nhiều lý luận để giải thích, chẳng hạn: HIV không sống trong cơ thể sinh vật khác ngoài con người. Khi vào trong cơ thể muỗi, virus HIV bị bất hoạt do đó mất khả năng lây nhiễm, hơn nữa muỗi chỉ hút máu chứ không bơm máu vào cơ thể, “kim tiêm” của muỗi rất bé không đủ để gây lây nhiễm… Tất cả các lý luận trên đều nhằm giải thích một sự thật đã được khẳng định bằng các số liệu thống kê cho thấy chưa có ca nhiễm nào ghi nhận lây qua đường muỗi chích.

Ở nước ta hoạt động chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV đã được triển khai rộng rãi trong 15 năm qua. Dù có vô số lần bị muỗi đốt trong thời gian công tác bên cạnh người bệnh, song chưa một bác sĩ, điều dưỡng hay nhân viên chăm sóc nào bị nhiễm HIV qua đường lây này.

Cá nhân tôi cũng quen biết nhiều nhân viên y tế làm cùng ngành về HIV với thời gian lên đến 10-15 năm mà vẫn không có dấu hiệu nhiễm bệnh. Ở nhiều gia đình, những người chăm sóc bệnh nhân HIV vẫn an toàn bất kể muỗi xuất hiện từng đàn vào mùa mưa. Nói như vậy để xác thực thêm tính vô hại của côn trùng trong việc gieo mầm bệnh HIV.

Do vậy, bạn không nên lo ngại về đường lây này. Có thể thoải mái tiếp xúc với người nhiễm vì các tiếp xúc thông thường như ngồi chung, ăn chung, ngủ chung giường…đều không làm lây nhiễm HIV.

Thân ái

Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ

Theo các chuyên gia của NAM, một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Vương quốc Anh, hoạt động với mục đích thay đổi cuộc sống bằng cách chia sẻ thông tin về HIV & AIDS, có ba nguyên nhân khiến muỗi không phải là tác nhân lây truyền HIV.

Vì sao HIV/AIDS không truyền từ người sang người qua đường muỗi đốt

Muỗi đốt không làm lây nhiễm HIV

Thứ nhất, do cơ thể của muỗi thiếu tế bào T, loại tế bào cần thiết để virus nhân bản và tồn tại. Điều này chứng tỏ muỗi không thể bị nhiễm HIV.

Thứ hai, ngay cả khi muỗi tiếp xúc với HIV, chúng cũng không thể lây truyền HIV do khi đốt người, muỗi hút máu vào trong ruột, tại đây axit trong dạ dày muỗi đã tiêu diệt HIV. Hơn nữa, cấu tạo của tuyến hút máu ở muỗi khá phức tạp khiến máu chỉ được hút theo một hướng và không bơm ngược ra. Do đó, người bị muỗi đốt không bị lây nhiễm HIV.

Thứ ba, để một con muỗi có thể truyền HIV từ người sang người, nó cần có khả năng mang đủ mức độ của virus. Chính vì thế, một con muỗi sẽ phải đốt rất nhiều vết trong thời gian ngắn, thời gian HIV tồn tại trong cơ thể chúng mà điều này là không thể.

2. Ăn chung với người bị nhiễm HIV có lây không?

Theo Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), HIV không lây truyền khi tiếp xúc hàng ngày trong môi trường xã hội, trường học hoặc nơi làm việc. Bạn không thể bị lây nhiễm khi bắt tay ai đó, ôm hôn ai đó, đi chung toilet hoặc uống chung ly, dùng chung bát với người nhiễm HIV hoặc tiếp xúc với ho hoặc hắt hơi của người bị nhiễm.

HIV chỉ lây truyền qua quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo; truyền máu, sử dụng chung kim tiêm bị ô nhiễm tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe và tiêm chích ma túy; giữa mẹ và trẻ sơ sinh trong thời kỳ mang thai, sinh nở và cho con bú.

3. Một người nhìn khỏe mạnh có thể bị nhiễm HIV không?

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ lây nhiễm HIV nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như quan hệ tình dục an toàn, không dùng chung bơm kim tiêm…

Hơn nữa, bạn không thể biết ai đó có bị nhiễm HIV hay không chỉ bằng cách nhìn vào họ. Một người bị nhiễm HIV có thể trông khỏe mạnh và cảm thấy dễ chịu, nhưng họ vẫn có thể truyền virus. Xét nghiệm HIV là cách duy nhất một người có thể biết được mình có bị nhiễm HIV hay không.

Do đó, để tránh lây truyền HIV, bạn cần tìm hiểu kỹ đối phương và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh như sử dụng bao cao su, quan hệ chung thủy một vợ một chồng…

Mời bạn xem tiếp video:

Dự báo- Sốt xuất huyết tại Hà Nội tiếp tục gia tăng, nguy cơ cao thành dịch lớn


Nhiều người cho rằng muỗi có thể hút máu của người nhiễm HIV và mang mầm bệnh truyền sang người khác. Điều này có đúng không?

HIV là loại virus gây suy giảm miễn dịch. Virus này tấn công các tế bào T-CD4 (nhóm tế bào có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch) và làm giảm khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể. Nếu không được điều trị, nhiễm HIV sẽ tiến triển sang giai đoạn cuối hay AIDS. Hiện nay, HIV/AIDS vẫn là một căn bệnh chưa có cách nào chữa trị khỏi.

Nhiều người cho rằng muỗi có thể mang máu chứa HIV từ cơ thể người bệnh và truyền sang người khác nhưng điều này không bao giờ xảy ra.

Bài viết dưới đây sẽ giải thích lý do tại sao muỗi đốt không phải là con đường lây truyền HIV.

Tại sao muỗi không thể lây truyền HIV?

Ngay cả khi muỗi đốt một người nhiễm HIV rồi sau đó lại đốt người khác thì cũng không thể lây truyền virus.

Lý do là bởi đặc tính sinh học của muỗi và HIV. Cụ thể, muỗi không thể truyền HIV vì những lý do sau đây.

HIV không thể lây nhiễm sang muỗi

HIV lây nhiễm vào cơ thể bằng cách bám vào các thụ thể trên bề mặt tế bào miễn dịch. Sau đó, virus xâm chiếm vào các tế bào, nhân lên và tiếp tục lây lan.

Muỗi và tất cả các loại côn trùng khác đều không có thụ thể mà HIV cần sử dụng để nhận biết và xâm nhập vào các tế bào miễn dịch. Điều này có nghĩa là muỗi không thể bị nhiễm HIV. Sau khi vào cơ thể của muỗi, HIV sẽ bị phân hủy và tiêu hóa trong dạ dày.

Và vì muỗi không thể bị nhiễm HIV nên sẽ không truyền virus này sang người.

Cơ chế hút máu của muỗi

Vòi (phần dài trên miệng) của muỗi gồm có hai ống.

Một ống được sử dụng để hút máu. Ống còn lại sẽ đưa nước bọt của muỗi vào vết cắn. Điều này có nghĩa là khi bị muỗi đốt thì sẽ chỉ có nước bọt của chúng đi vào cơ thể chứ muỗi không hề truyền máu.

HIV không lây truyền qua nước bọt, dù là nước bọt của người hay của động vật nên virus này sẽ không thể lây qua đường muỗi đốt.

Số lượng HIV trong muỗi quá ít

Chỉ khi bị nhiễm một lượng HIV đủ nhiều thì mới mắc bệnh.

Cho dù chưa được tiêu hóa thì số lượng HIV trong cơ thể muỗi cũng chỉ rất ít và không đủ để khiến người bị đốt lây nhiễm virus.

Theo một số ước tính, một người phải bị đốt 10 triệu lần bởi những con muỗi mang HIV thì mới nhiễm đủ lượng virus để mắc bệnh.

HIV lây truyền như thế nào?

HIV lây truyền qua sự tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch cơ thể chứa virus. Những chất dịch này gồm có:

  • Máu
  • Tinh dịch và dịch tiền xuất tinh
  • Dịch tiết âm đạo
  • Dịch hậu môn
  • Sữa mẹ

Những chất dịch này phải xâm nhập vào trong cơ thể thì mới bị lây nhiễm HIV.

HIV chủ yếu lây truyền khi quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác và lây truyền do dùng chung bơm kim tiêm.

Người mẹ nhiễm HIV cũng có thể truyền virus sang con khi mang thai, sinh nở hoặc cho con bú. Tuy nhiên, hiện nay nhờ các loại thuốc kháng virus mà nhiều phụ nữ dương tính với HIV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh, âm tính với HIV.

HIV không lây truyền qua nước bọt, mồ hôi, tiếp xúc da, không khí và dùng chung vật dụng.

Hơn nữa, một người nhiễm HIV sẽ chỉ lây virus sang người khác khi có tải lượng virus ở mức có thể phát hiện được. Việc dùng thuốc kháng virus đều đặn hàng ngày sẽ có thể làm giảm tải lượng virus xuống mức không thể phát hiện và lúc này HIV sẽ không còn lây sang người khác.

>> Các con đường lây truyền HIV

Muỗi lây truyền những bệnh nào?

Mặc dù muỗi không thể lây truyền HIV nhưng lại có thể gây ra nhiều bệnh khác.

Muỗi ở mỗi một vùng trên thế giới sẽ lây truyền những bệnh khác nhau vì mỗi nơi lại có những mầm bệnh riêng. Ngoài ra, mỗi loài muỗi cũng sẽ lây truyền các bệnh không giống nhau.

Các bệnh do muỗi lây truyền gồm có:

  • Bệnh chikungunya
  • Sốt xuất huyết
  • Viêm não tủy ngựa miền đông
  • Bệnh giun chỉ bạch huyết, còn được gọi là bệnh phù chân voi
  • Viêm não Nhật Bản
  • Viêm não La Crosse
  • Bệnh sốt rét
  • Bệnh viêm não St. Louis
  • Viêm não Venezuela
  • Sốt tây sông Nile
  • Viêm não tủy ngựa miền tây
  • Bệnh sốt vàng
  • Virus Zika

Các bệnh do muỗi lây truyền là vấn đề khá phổ biến và tác hại lớn nhất của ​​muỗi. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, bản thân vết muỗi đốt cũng gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Cảm giác ngứa ngáy sau khi bị muỗi đốt là một dạng phản ứng dị ứng nhẹ. Nhưng một số người có phản ứng mạnh hơn với các biểu hiện như phát ban hoặc tổn thương da xung quanh vết đốt.

Nếu cảm thấy khó thở hoặc sưng phù mặt, cổ họng sau khi bị muỗi đốt thì cần đến ngay bệnh viện gần nhất. Đây có thể là các dấu hiệu của sốc phản vệ - một phản ứng dị ứng nghiêm trọng và có thể gây tử vong nếu không can thiệp kịp thời.

Tóm tắt bài viết

Muỗi là vật trung gian lây truyền nhiều bệnh nhưng trong đó không có HIV.

HIV từ cơ thể người không thể lây nhiễm sang muỗi vì chúng không có các thụ thể tế bào mà HIV cần sử dụng. Hơn nữa, muỗi không truyền máu khi đốt và số lượng HIV có trong muỗi cũng quá ít để lây bệnh sang người khác.

Tuy nhiên, vẫn phải chú ý tránh bị muỗi đốt để bảo vệ bản thân khỏi các bệnh do loài côn trùng này gây ra.