Ý nghĩa lịch sử bài học kinh nghiệm của cách mạng Tháng Tám năm 1945

Trong trang sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi, một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc.

Ý nghĩa lịch sử bài học kinh nghiệm của cách mạng Tháng Tám năm 1945
Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội (năm 1945). Ảnh: TL

Thời gian đã dần xa, nhưng tinh thần và ý chí quật cường cùng những bài học lớn từ Cách mạng Tháng Tám vẫn tiếp tục soi đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức đưa đất nước vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

* Bước ngoặt đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới

Chỉ 15 năm sau ngày thành lập, với kinh nghiệm lãnh đạo 3 cao trào cách mạng: cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945), Đảng đã lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, mở đường đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Từ đây, nhân dân ta thoát khỏi kiếp nô lệ, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam đứng lên vũ đài chính trị trở thành Đảng cầm quyền.

Về tầm vóc của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc.

* Phát huy những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám

76 năm đã trôi qua, nhưng những bài học được rút ra từ Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Nổi bật là bài học phải có một Đảng tiên phong thật sự cách mạng, luôn nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, có phương pháp và hình thức đấu tranh phù hợp; là bài học về nắm bắt thời cơ, đề ra được những quyết sách chính xác và kịp thời đưa cách mạng đến thắng lợi quyết định; đó còn là bài học về sức mạnh to lớn của nhân dân và sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân. Thắng lợi của tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 là một minh chứng hùng hồn trong thực tiễn, khẳng định ý nghĩa, giá trị của những bài học kinh nghiệm đó.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Mỗi khi đất nước đứng trước những thời cơ, thách thức mới, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có thư kêu gọi toàn quốc như: Thư kêu gọi khởi nghĩa vào tháng 8-1945; Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946); Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1966) để huy động sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Nhờ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, dù phải đương đầu với những kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần, nhưng dưới dự lãnh đạo của Đảng, con thuyền cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, phát huy tinh thần, ý chí, trí tuệ và những bài học kinh nghiệm của cuộc cách mạng, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng và giành được những thắng lợi vang dội. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu; thắng lợi oanh liệt của cuộc trường chinh chống đế quốc Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; trong sự nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới đất nước với cuộc hành trình từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, vượt qua bao vây, cấm vận, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiến hành sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử để đến hôm nay. Đất nước ta đã ra khỏi nhóm nước kém phát triển và trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm, khó lường, hơn lúc nào hết đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải đoàn kết một lòng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân, xây dựng nên thế trận lòng dân tạo thành sức mạnh tổng lực nhằm tạo động lực mới cho cách mạng để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đó là vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa bảo đảm thật tốt an sinh và phúc lợi xã hội, hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2021 để làm tiền đề bứt phá cho thập niên mới.

* Đoàn kết vượt qua dịch bệnh

Tại Đồng Nai, trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai luôn thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương; chủ động, linh hoạt ứng phó với dịch bệnh. Cùng với cả nước, Đồng Nai đã xác định quyết tâm chính trị cao, chống dịch như chống giặc và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân trong cuộc chiến này. Công tác phòng, chống dịch được triển khai thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân với nhiều biện pháp phù hợp. Dù bằng biện pháp nào, tinh thần đoàn kết toàn dân luôn được cấp ủy, chính quyền Đồng Nai xác định là tinh thần chủ đạo, xuyên suốt.

Tuy nhiên, trước tình hình hết sức cấp bách do chủng mới Delta diễn biến nhanh, khó lường, để kiểm soát được dịch bệnh, tỉnh đã quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh đến hết ngày 31-8 và hạ quyết tâm sẽ kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1-9. Quyết định này cho thấy cấp ủy, chính quyền Đồng Nai không chỉ coi trọng mục tiêu phát triển kinh tế mà luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

Để hiện thực hóa quyết tâm Đồng Nai sẽ kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1-9, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất cao hơn nữa, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải quyết tâm hơn nữa, với những giải pháp quyết liệt hơn nữa, tập trung mọi nguồn lực ở mức cao nhất để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Vì vậy, ngày 12-8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ra Lời kêu gọi gửi đi thông điệp: Để tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết và trước hết, ổn định sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, sớm ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh và đưa Đồng Nai trở lại trạng thái bình thường mới, tôi thay mặt Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai kêu gọi toàn thể đồng bào, các vị nhân sĩ trí thức, chức sắc các tôn giáo cùng cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân ủng hộ, tin tưởng, cảm thông, chia sẻ và tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31-8-2021.

Lời kêu gọi của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh như là lời hiệu triệu, tiếp thêm động lực, ý thức trách nhiệm chung cho cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch. Lời kêu gọi này cần được hưởng ứng với quyết tâm cao nhất. Một lần nữa, tinh thần, quyết tâm, ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cần được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Đồng Nai tiếp tục phát huy để đưa Đồng Nai đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình yên cho người dân.

Sao Khuê