Bài văn nhận xét sự tích quả dưa hấu năm 2024

Ngày xửa ngày xưa, tại một nước xa xôi tận vùng biển phía Nam, có một chàng trai tên là Mai An Tiêm. Một ngày nọ, chàng bị bọn lái buôn mang đến đất Việt bán cho vua Hùng Vương làm nô lệ.

Vốn là một người rất thông minh, An Tiêm học nói tiếng Việt rất giỏi và nhanh chóng thể hiện được tài năng trong nhiều công việc, nên chàng được vua Hùng vô cùng yêu mến, luôn giữ bên mình để bầu bạn.

Năm An Tiêm 35 tuổi, chàng được vua thăng chức lên làm quan hầu cận, và cho phép được xây dinh thự riêng ở gần cung vua. Lúc này, chàng đã có vợ và một cậu con trai 5 tuổi. Vợ chàng là con gái nuôi của vua Hùng. Trong nhà An Tiêm đông đúc kẻ hầu người hạ, của ngon vật lạ không thiếu thứ gì. Do đó, ở trong triều đã có những kẻ mang lòng ghen ghét đố kỵ.

Một hôm, trong một bữa tiệc chiêu đãi quan khách, khi nghe mọi người hết lời ca tụng sự phú quý của mình, An Tiêm đã nhún nhường đáp lại rằng: “Có gì đâu! Tất cả mọi thứ trong nhà này của tôi đều là phúc đức từ đời trước mà mang lại cả đó mà!”

Mặc dù An Tiêm nói rất vô tư, nhưng những kẻ ghen ghét có mặt ở đó đều cho rằng chàng đang thể hiện sự ngạo mạn. Họ bèn vội vàng về tâu lại với vua.

Vua Hùng nghe nói, thì vô cùng tức giận: “Thật hỗn xược! Hôm nay mà hắn còn nói thế, thì ngày mai hắn sẽ nói đến những gì nữa. Quân nô lệ phản trắc! Giam cổ nó lại cho ta!”

Ngay lập tức, An Tiêm bị bắt giam vào ngục tối. Bấy giờ chàng mới hiểu ra là mình đã lỡ lời. An Tiêm tự nhủ: “Nếu từ nay trở đi ta bị đày đọa là vì kiếp trước ta đã ăn ở không tốt”.

Sáng hôm sau, trong buổi chầu triều, vua quan bàn bạc về việc xử án An Tiêm. Có người đề nghị xử chàng tội chết, có người đề nghị xử bằng hình phạt cắt gót chân. Tuy nhiên, lúc đó có một ông quan già tấu rằng, nên đày An Tiêm ra đảo hoang, để An Tiêm chết dần, chết mòn vì đói và cô độc. Vua Hùng liền chấp thuận ngay. Trước khi ban lệnh, vua còn dặn: “Cho hắn lương thực vừa đủ dùng trong một mùa thôi, các ngươi nghe chưa!”

Hôm An Tiêm bị đưa đi đày, vợ chàng đòi đi theo. Mặc dù người nhà hết lời can ngăn, nhưng vợ Mai An Tiêm vẫn kiên quyết bồng con trai theo chồng ra đảo hoang. Trước hoàn cảnh khó khăn ấy, nàng vẫn tin tưởng tuyệt đối vào lời chồng của mình: “Trời sinh voi trời sinh cỏ. Lo gì!”

Nhưng khi đến nơi, nhìn hòn đảo hoang vắng mịt mù, người vợ cũng không ngăn nổi cảm giác tủi thân, nức nở gục vào vai chồng: “Chúng ta đành chết ở đây mất thôi”.

An Tiêm ôm con, bảo vợ: “Trời luôn có mắt, mình à! Phấn chấn lên. Đừng lo!”

Một tháng trôi qua, vợ chồng An Tiêm gắng sức lao động, sinh sống qua ngày. Họ lấy hốc đá để làm nhà ở, và đan thêm phên để che sương gió. Họ dùng nước suối để uống, dùng nước biển để làm muối ăn. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn còn ngổn ngang lo lắng cho những tháng ngày tiếp theo. Nhìn bồ gạo đã gần hết, hai vợ chồng ước ao: “Phải chi chúng ta có được một nắm hạt giống thì sẽ không còn lo gì cả”.

Bỗng một hôm, có một đàn chim lớn từ phương Tây bay tới khu đảo hoang. Chúng bay đến trước mặt hai vợ chồng, kêu lên những tiếng lớn và thả xuống năm sáu hạt giống. Ít lâu sau, từ những hạt ấy mọc ra một dây leo tươi tốt. Dây leo bắt đầu lan khắp nơi, nhanh chóng phủ xanh bãi đất hoang. Dây bò đến đâu, những quả xanh non mơn mởn nhú ra đến đấy.

Ít lâu sau, vợ chồng An Tiêm ra xem thì thấy các quả ấy lớn nhanh như thổi, da xanh mượt, tròn to bằng đầu người. An Tiêm hái một quả và bổ ra, thấy bên trong ruột đỏ hồng, còn có các hạt đen nhánh. Cả gia đình bảo nhau tới nếm thử quả lạ, thì cảm nhận thấy một vị thanh thanh dịu ngọt, mát rượi. Quá vui mừng, An Tiêm reo lên: “Ồ! Đây là một loại dưa lạ, mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Hãy gọi nó là dưa Tây, vì thứ dưa này được bầy chim đưa từ phương Tây đến cho chúng ta. Trời nuôi sống chúng ta rồi mình ơi!”

Từ hôm đó trở đi, hai vợ chồng đã trồng thêm thật nhiều dưa. Họ dự tính ăn dưa thay cơm để đỡ phải dùng số gạo đã gần hết.

Một hôm, có một chiếc thuyền đánh cá đi lạc ra đảo. Vợ chồng An Tiêm hết sức vui mừng đón tiếp họ rất chu đáo, và còn giúp họ sửa lại chiếc buồm lái bị hỏng của chiếc thuyền. Đến ngày tiễn họ quay trở về đất liền, An Tiêm còn đưa biếu họ vài quả dưa để họ mang về cho mọi người ăn thử. An Tiêm còn bảo họ chở gạo ra để đổi lấy dưa. Một thời gian sau, họ quả thực quay trở lại đảo và chở theo cho hai vợ chồng khá nhiều gạo để đổi lấy món quả lạ.

Từ đó trở đi, lời đồn vang xa, thuyền lái buôn các nơi lũ lượt kéo nhau ra đảo. Họ mang gạo, áo quần, gà lợn, dao búa, và cả các thứ hạt giống khác, để đổi lấy dưa mang về đất liền.

Những người lái buôn đã nói với An Tiêm rằng: “Từ xưa đến nay, chúng tôi chưa hề thấy có loại dưa nào quý đến thế. Ở vùng chúng tôi ai cũng ao ước được nếm một miếng thứ “dưa hấu” này, dù phải đổi bao nhiêu gạo cũng không tiếc”.

Người dân khắp nơi đều mua dưa lấy giống để trồng, nên chỉ sau vài ba năm thì giống dưa đã được trồng khắp mọi nơi. Tên tuổi vợ chồng Mai An Tiêm được lan truyền đi khắp các vùng gần xa. Mọi người tôn An Tiêm là “Bố cái dưa Tây”.

Lại nói về vua Hùng. Một hôm, vua quở trách viên quan hầu vì lơ là công việc mà để thợ dựng hỏng một ngôi nhà. Vua buột miệng than thở: “Phải chi có Mai An Tiêm thì đâu đến nỗi”.

Suốt ngày hôm đó, vua cứ nhắc mãi đến An Tiêm. Đã hai lần vua cho hỏi Lạc hầu xem hiện giờ An Tiêm đang làm gì, ở đâu. Lạc hầu đáp: “Chắc hắn bỏ xác nơi đảo hoang rồi bệ hạ!”

Nhà vua không tin, liền ra lệnh cho một người đi tìm Mai An Tiêm. Một tháng sau, người này mang về cho vua một thuyền đầy dưa Tây và nói: “Đây là lễ vật của ông bà Mai dâng bệ hạ”.

Rồi người này kể cho vua biết rõ cuộc sống của hai vợ chồng Mai An Tiêm.

“Bây giờ ông bà Mai đã có nhà cửa rất khang trang ở ngoài ấy, có đến hơn mười người hầu hạ, có bãi dưa, có ruộng lúa và rất nhiều lợn gà…”

Vua Hùng càng nghe càng sửng sốt. Vua nói với mấy viên quan hầu cận ngày nọ đã tố cáo Mai: “Hắn bảo là phúc đức của hắn mang lại, thật đúng chứ không sai!”

Vua bèn sai một đoàn lính hầu đi đón hai vợ chồng về, phục hồi chức quan cho An Tiêm và ban cho hai người hầu gái để an ủi chàng.

Hòn đảo mà vợ chồng An Tiên bị đi đày, nay được gọi là bãi An Tiêm. Những người dân trên đảo tiếp tục duy trì công việc của hai vợ chồng An Tiêm, khiến nơi đây ngày càng phát triển, trở nên đông đúc, sầm uất. Họ thành lập một ngôi làng, gọi là làng Mai-an. Ngôi nhà cũ của vợ chồng An Tiêm trở thành đền thờ hai vợ chồng chàng. Nhân dân tới nay vẫn gọi họ là “ông bà tổ dưa hấu”.