Cách cầm len móc

Xin chào, cảm ơn bạn đã ghé thăm blog của mình.

Giới thiệu qua một chút nếu bạn chưa biết mình là ai nha: mình là Ngọc Anh (nhưng cứ gọi mình là Khúc Cây cho thân mật nhé), sinh năm 1992. Mình là một amigurumi designer – công việc chính của mình là thiết kế, viết hướng dẫn (crochet pattern) và sách dạy móc thú len. Cuốn sách đầu tay của mình là Sweet Crochet Friends – xuất bản tháng 9/2019, viết bằng tiếng Anh (đã được dịch sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và Tây Ban Nha). Bật mí một chút là cuốn sách thứ 2 của mình viết bằng tiếng Pháp, dự kiến sẽ xuất bản trong năm nay. Mình hiện đang sống tại Pháp.
Các bạn có thể xem các sản phẩm của mình ở instagram @lespetitesmainsdekhuccay hoặc facebook page KHUC CAY ạ ^^

Dạo gần đây có nhiều các chị, các bạn gửi tin nhắn cho mình hỏi về việc nên học móc thú len từ đâu, cần những gì…, rất khó để nói thật chi tiết trong một hai tin nhắn, cũng khó để trả lời từng người một và mình chợt nhớ ra là trên web của mình có một ngăn blog mà lâu nay mình bỏ quên. Trước đây mình cũng ít dùng facebook để chia sẻ những vấn đề mang tính “chuyên môn” về móc thú len, nhưng từ giờ sẽ cố gắng vượt lười để viết nhiều hơn, hy vọng bạn sẽ tìm được một vài thông tin bổ ích ở đây!

Thử đoán xem mình biết móc len từ bao giờ nào? 1, 2, 3… câu trả lời là hơn 2 năm! Chính xác là mình bắt đầu biết đến móc len từ cuối tháng 12 năm 2017. Trước đó mình hoàn toàn không biết đến hình dạng cái móc, cũng chẳng biết kỹ thuật này có tồn tại luôn. Mình vẫn nhớ hồi còn nhỏ được mẹ đan áo len cho, chiếc áo mình nhớ nhất là một chiếc áo cài đan xen các hàng đầy màu sắc, cực kỳ nổi bật trong đám đông. Mình đòi mẹ dạy đan cho, lúc ý 7 tuổi, chỉ đan được vài hàng là chán vì nó cứ lặp đi lặp lại, thế là câu chuyện với những cuộn len bị bỏ dở từ đó. 

Mình đã chỉ luôn nghĩ rằng liên quan đến len thì chỉ có đan thôi, thật sự là một sự thiếu sót to đùng nhỉ ^^

Một ngày mùa đông gần Giáng sinh 2017, trong lúc ngồi lướt instagram thì mình tình cờ thấy một chiếc ảnh chụp một chiếc mũ và đôi giày rất xinh làm từ len – của một bà mẹ tự làm cho con của mình – và nó không phải là kỹ thuật đan (knit) mình từng biết mà chính là móc (crochet) thứ lạ lẫm với mình hoàn toàn. Mình rất tò mò và cũng muốn tự làm mấy thứ đó cho con gái (Anna – khi ấy con được 1 tuổi 1 tháng). Mình bắt đầu gõ lên google “crochet” và vô cùng bất ngờ về những thông tin tìm hiểu được, lúc ấy mới cảm thấy mình thật là gà quá đi :)) Bạn có từng như mình không, và có tò mò rằng mình tự học móc len như thế nào không? Mong là những tips mình kể dưới đây sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn <3


Học từ sách

Nghe có vẻ hơi bài bản và học thuật có phải không, nhưng thực sự là rất rất có ích nhé! Nếu như bạn gõ “crochet” hoặc “móc len” lên google, chắc chắn sẽ thấy vô vàn nguồn tài liệu có thể học được. Đấy là một ưu điểm, nhưng cũng là nhược điểm khi phải ngụp lặn trong quá nhiều thông tin. Vậy thì tại sao không bắt đầu bằng một cuốn sách cơ bản nhỉ.Thường thì các sách dạy móc (móc cơ bản, móc thú, móc quần áo,…) sẽ luôn có phần về các kỹ thuật cơ bản nhất cho người mới bắt đầu. Không chỉ vậy, ngoài kỹ thuật cơ bản ra, các tác giả còn thường xuyên chia sẻ những nguyên liệu bạn cần, những mẹo nhỏ để có một sản phẩm đẹp nhất. Những thông tin này thường đã được chọn lọc chi tiết, được kiểm duyệt bởi các tác giả, nhà xuất bản, nên ta cũng có thể yên tâm về độ chính xác.Vì ở Pháp nên mình không rõ lắm về sách dạy móc tiếng Việt, mọi nguồn tài liệu mình học ngay từ những ngày đầu tiên là bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Đừng ngại nếu như bạn chưa thông thạo tiếng Anh cho lắm vì các kỹ thuật này thường rất cơ bản, dễ hiểu. Khi đã quen với việc đọc hướng dẫn tiếng Anh thì các bạn sẽ sử dụng được rất nhiều các loại sách, tài liệu phong phú. Mà biết đâu đấy, nhờ việc học móc bằng tiếng Anh, bạn còn cải thiện được cả trình độ tiếng Anh của mình nữa thì sao, lợi quá phải không nào!

Sau đây là một số sách mà mình highly recommend cho các bạn mới bắt đầu học móc và có nhu cầu học móc thú len giống mình nha: Cutest Crochet Creations (Alison North), Sweet Crochet (Tournicote), Kawaii Crochet (Melissa Bradley), Amigurumi Treasures (Erinna Lee), Animal Friends of Pica Pau (Yan Schenkel), và Sweet Crochet Friends (Khuc Cay) – chính là cuốn sách của mình.

Cách cầm len móc
Một vài cuốn sách yêu thích

Cách cầm len móc
Cuốn sách đầu tay của mình ^^

Viết thêm một chút về sách của mình nè: có 16 mẫu móc bao gồm cả búp bê và thú bông, các mẫu có kích cỡ từ nhỏ (15cm) đến lớn (32cm), các mẫu trung bình khoảng 21-22cm, phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính. Ngoài phần hướng dẫn chi tiết bao gồm rất nhiều ảnh minh hoạ ra thì còn có phần nguyên liệu và kỹ thuật mà mình đã viết đầy đủ. Các mẫu móc có các độ khó dễ khác nhau, phù hợp cho người mới bắt đầu và cả những người đã có kinh nghiệm móc lâu năm. Sách viết bằng tiếng Anh (US crochet terminology), in ở khổ 21,6×27,9cm trên chất giấy lì dày dặn, gồm 128 trang. Các bạn có thể mua trên Amazon hoặc ở Việt Nam thì bạn có thể nhắn tin cho facebook page Tiệm thủ công mùa hè nhờ đặt giúp trên Amazon – mình không trực tiếp bán sách.

Nếu so sánh giá tiền giữa việc mua các mẫu móc lẻ của các tác giả và mua 1 cuốn sách, thì mình khẳng định là mua sách có lợi hơn rất nhiều, vì giá rẻ, bạn học được nhiều tips hay, và với riêng mình thì cảm giác cầm một cuốn sách thì luôn thích hơn là nhìn màn hình máy tính. Chúc bạn tìm được những cuốn sách thật ưng ý.

Học từ Youtube

Đối với những người tự học như mình thì mình nghĩ là chỉ sách thôi chưa đủ. Bởi vì tuy sách viết hướng dẫn rất chi tiết, nhưng mới đầu không khỏi lóng ngóng và khó hiểu như cách cầm kim móc, cầm len ra sao, nên nếu được nhìn trực tiếp ai đó làm thì sẽ dễ hơn rất nhiều.Mình dùng cả sách và youtube để xem song song cách thực hiện một kỹ thuật, ví dụ như mũi móc đơn (single crochet – sc) chẳng hạn. Mình sẽ mở sách phần kỹ thuật về mũi móc đơn, sau đó search single crochet trên youtube để ra video tutorial. Có thể chọn 1, 2 video mà mình cảm thấy dễ hiểu nhất. Khi mới bắt đầu học móc, nên chọn làm thử một vài thứ dễ nhất: mũ, khăn, nơ, móc chìa khoá v.v… những thứ nhỏ xinh gọn nhẹ thì sẽ nhanh chóng ra sản phẩm tránh trường hợp móc mấy thứ khó quá rồi nản 😛Hãy thử móc 1 chiếc mũ hoặc túi đơn giản theo 1 video trên youtube trước. Sau đó khi bạn đã quen với cách cầm kim móc và len, hiểu phải xuyên kim vào vị trí nào rồi thì chuyển sang dùng pattern – không nên mãi phụ thuộc vào các video tutorial trên youtube vì sẽ làm cho tốc độ học của mình chậm hơn, kiểu mình chỉ biết làm theo chứ không có tư duy vì sao lại thế ấy, đọc pattern và đọc sách thì sẽ tốt hơn. Mình thường đọc phần giải thích các ký hiệu dùng trong pattern, sau đó mình sẽ tra sách và youtube cách thức thực hiện các ký hiệu này, và làm theo từng bước trong pattern.

Có rất nhiều các kênh youtube về đan móc, một trong những kênh mình thấy dễ hiểu nhất cho người mới bắt đầu đó là kênh của Bella Coco. Còn bạn thì sao?

Thực hành thật nhiều

Cách cầm len móc
Chiếc mũ đầu tiên móc cho con gái.

Cách cầm len móc
Thú bông đầu tiên – mình chọn móc con pokemon này vì chồng mình là fan của pokemon á :”>

Giống như các việc khác, chỉ có thực hành thật nhiều mới giúp cho chúng mình làm nó tốt hơn. Làm sai thì tháo ra làm lại, làm cái này chưa đẹp lắm thì mình sẽ rút kinh nghiệm cho cái tiếp theo. Đừng nản nhé!Mình vẫn nhớ như in cái cảm giác sung sướng khi hoàn thành chiếc mũ đầu tiên cho con gái. Thực sự là nó mắc chi chít lỗi nhưng lúc ý mình vẫn thấy đẹp, và dùng thường xuyên đội cho con đến tận hết mùa đông luôn :))

Lời khuyên cho các bạn mới bắt đầu là nên mua ít nguyên liệu dụng cụ thôi, chưa cần mua những thứ tốt nhất xịn nhất. Hãy thử trải nghiệm với nhiều loại khác nhau, cũng là để xem coi mình có phù hợp với bộ môn này không rồi hẵng tiếp tục nha, không có thì … phí lắm 😛 Mình sẽ viết bài về các dụng cụ cơ bản cho người mới học móc len và chia sẻ tips để có được một sản phẩm (amigurumi) thật đẹp, đón đọc các bài viết tiếp theo của mình nha 😀

Nghề thiết kế thú len móc – amigurumi designer

Sau khi móc được những sản phẩm đầu tiên cho con gái, mình phát hiện ra ứng dụng của móc không chỉ là quần áo giày mũ túi thảm v.v… mà còn có cả một mảng to đùng và kì diệu đó chính là amigurumi – đan móc thú bông/ búp bê.
Amigurumi là một từ ngữ thông dụng dành cho thú bông, búp bê làm từ kỹ thuật đan móc ngày nay, nguồn gốc của nó bắt nguồng từ tiếng Nhật, ami nghĩa là đan hoặc móc, nuigurumi nghĩa là thú nhồi bông. Trước kia mọi người chỉ công nhận amigurumi là những sản phẩm bé xíu, nhưng càng ngày từ này càng được dùng phổ biến hơn, và không còn quy chuẩn về kích thước nữa. Việc đan móc đồ chơi không chỉ phổ biến ở Nhật, nó được biết đến rộng rãi bởi các bà các mẹ ở khắp nơi trên thế giới từ trước cả khi từ amigurumi ra đời. Vậy nên bạn có thể dùng từ amigurumi cũng được, hoặc crochet toys cũng được!Móc thú len mà cũng là một nghề ư? Thế thì làm việc cũng như chơi ấy nhỉ :)) Cái này vừa đúng vừa không đúng 😀 Thiết kế thú len không chỉ đơn giản là móc, việc móc chỉ là 1 phần nhỏ trong cả một chuỗi các công việc để hình thành một sản phẩm từ thú len mà thôi.Hiểu đơn giản nhất thì công việc này chính là sáng tạo/nghĩ ra một mẫu (ví dụ búp bê chẳng hạn), rồi làm ra sản phẩm bằng cách móc len, sau đó ghi chép lại quá trình làm, chụp ảnh các bước, cuối cùng là viết thành một bản hướng dẫn chỉn chu để giúp người khác cũng có thể làm ra được sản phẩm giống của mình. Các bạn Việt Nam thường gọi bản hướng dẫn móc (crochet pattern) là chart, đúng ra thì từ chart này thường dùng cho các hướng dẫn dưới dạng các biểu đồ ký hiệu hơn là dạng hướng dẫn bằng chữ, nhưng chắc từ này đã được Việt hoá ý nghĩa và cách dùng rồi, nên cứ gọi là chart cũng được!Điều lôi cuốn mình vào công việc này đấy chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa sáng tạo nghệ thuật và tư duy khoa học. Nếu như việc nghĩ ra một mẫu móc, có một ý tưởng hay ho hoàn toàn phụ thuộc vào trí tưởng tượng của mình (ở đây mình không đề cập đến những mẫu thú có sẵn dựa trên các bộ phim hoạt hình, truyện tranh, nhân vật có sẵn – mà là nhân vật tự mình nghĩ ra ấy!), thì để biến nó thành một tác phẩm móc ta lại cần dùng đến tính toán logic, kiểu như là phải tăng giảm ra sao, kết hợp các mũi móc thế nào để tạo texture hay hình thù khác nhau, làm sao cân đối tỉ lệ để có được sản phẩm đúng như ý mình. Ngoài ra thì nó cũng đòi hỏi một vài kỹ năng cơ bản khác ví dụ như là chụp hình này – ôi chắc đây là thứ mình luôn nghĩ mình kém nhất, phải chụp làm sao cho nó có hồn và thật đẹp giống như sản phẩm ở ngoài ý.

Đằng sau những bức hình chụp sản phẩm xinh lung linh còn có vô số những khó khăn – cũng giống như bao nghề khác, nếu bạn muốn biết thêm về ng này thì hãy để lại comment hoặc câu hỏi liên quan, mình sẽ chia sẻ thêm những thứ mình biết và học được trong gần 2 năm làm việc này nhé.

Cách cầm len móc
Những lần móc sai – chưa được đúng ý, sản phẩm nháp.

Cách cầm len móc
Một phần thú bông sau gần 2 năm làm việc 😀
(chưa kể các mẫu đã bán, tặng, gửi cho NXB …)

Bản quyền chart móc. Vì sao nên tôn trọng bản quyền?

Khi mới bắt đầu học móc len, tham gia vào các hội nhóm, chắc hẳn bạn sẽ nghe đến từ “bản quyền chart móc”, copyright, mẫu này của tác giả này, mẫu kia của tác giả kia v.v… Bạn có bao giờ tò mò ai là người nghĩ ra mẫu các mẫu đó, hay tại sao lại mọi người lại đề cập đến vấn đề bản quyền, không nên chia sẻ các mẫu móc? Bản quyền ở đây chúng ta đề cập đến, không chỉ đơn thuần là quyền tác giả, mà nó còn có ý nghĩa bảo vệ lợi ích kinh tế cho tác giả. Để sáng tạo ra một sản phẩm, viết ra một bản hướng dẫn, hay thậm chí cả quyển sách, tác giả có thể mất một vài tuần, tháng hoặc tính bằng năm. Đối với một số người, công việc này chỉ là nghề tay trái – làm vì đam mê, sở thích trong thời gian rảnh, ngược lại nó cũng có thể là công việc chính mang lại thu nhập, đóng thuế như các ngành nghề khác (như mình chẳng hạn – đây là công việc toàn thời gian của mình). Vậy thì việc bạn bỏ tiền ra mua chart móc, hay sách của tác giả, chính là trả lương cho tác giả tiếp tục làm việc – giống như bạn đi làm và được nhận lương hàng tháng vậy. Còn nếu mẫu móc đó tác giả làm free – đơn giản thôi, hãy share post/ blog của tác giả thay vì copy lại về trang của mình, hành động nhỏ thôi nhưng thực sự là có ý nghĩa. Đọc thêm để biết những gì bạn có thể/ không thể làm với những hướng dẫn hay sách dạy móc len của mình ở đây nhé! Ở Việt Nam, nghề thiết kế amigurumi chưa thực sự phổ biến (những ngày mình mới bắt đầu tìm hiểu về móc len thì chưa thấy một tác giả người Việt nào được bạn bè quốc tế biết đến cả), có thể do mọi người ở Việt Nam hầu hết chỉ làm và bán sản phẩm, chưa kể các chart của các tác giả thường bị share free nữa (tình trạng này đương nhiên là không chỉ ở Việt Nam – nó diễn ra ở khắp mọi nơi, và các tác giả thường đau đầu với nó dù nói hay không nói ra trên trang cá nhân của mình). Mình nghĩ bất cứ một công việc chân chính nào, cũng nên nhận được sự ghi nhận và trân trọng, vậy thì tại sao không làm vậy đối với công việc thú vị này? Nếu như bạn yêu thích tác phẩm đó, tác giả đó, hãy ủng hộ họ bằng việc tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của họ.

Hy vọng nếu bạn đã đọc đến đây rồi, thì hãy góp phần vào việc tôn trọng bản quyền góp phần xây dựng một cộng đồng đan móc thật văn minh cùng với mình nha. Càng ngày càng có nhiều những tác giả mới, mang lại luồng gió mới cho cộng đồng đan móc thú bông đến từ Việt Nam và mình thấy rất tự hào về điều đó. Bạn có muốn thử khám phá không, bắt đầu bằng việc tập móc ngay hôm nay? ^_^

Cách cầm len móc