Cách tính điểm thi năng khiếu TDTT

Ngoài việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Sinh học (theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trường Đại học TDTT I cũng có những thay đổi trong Quy chế tuyển sinh Đại học năm 2007.

Ngoài việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Sinh học (theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo), Trường Đại học TDTT I cũng có những thay đổi trong Quy chế tuyển sinh Đại học năm 2007. Đó là, mỗi thí sinh sẽ phải trải qua 2 phần thi, Năng khiếu chung (NKC) và năng khiếu chuyên môn (NKCM). Nét mới này đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi ngay từ khi kỳ thi chưa diễn ra và khi kỳ thi tuyển sinh trường Đại học TDTT I đã kết thúc: Chúng tôi đã có dịp trao đổi với một số cán bộ quản lý, các giảng viên hiện đang công tác tại trường và thí sinh dự thi - những người trực tiếp "thụ hưởng" và thực hiện việc đổi mới về quy chế thi năm nay.

Về cơ bản, cách tính điểm vẫn như các năm trước (năng khiếu nhân hệ số 2). Tuy nhiên, thay vì chỉ phải thi NKCM như các năm trước, thì nay các thí sinh phải dự thi 2 phần (NKC và NKCM), nhưng trên thực tế, trong nội dung thi năng khiếu của những năm trước đây (do bộ môn tiến hành kiểm tra, đánh giá) cũng đã có phần thi NKC trong đó. VD như ở môn Cờ vua, ngoài giải các bài cờ thế, bài tập kiểm tra trí nhớ (NKCM), thí sinh phải thực hiện bài thi nhảy dây (NKC). Vì vậy, nhiều người cho rằng như thế quá "rườm rà, không cần thiết", chỉ cần thí sinh đó đạt thành tích cao tại môn đã lựa chọn và đảm bảo tiêu chuẩn vào trường (gồm thể hình, sức khoẻ..) là được. Nhưng có thể khẳng định rằng việc thực hiện bài thi năng khiếu đã phản ánh tương đối chính xác kết quả của thí sinh, giúp Nhà trường tuyển chọn đúng đối tượng, là những người thực sự có tố chất thể thao. Điều này hoàn toàn phù hợp với tiêu chí nâng cao chất lượng đào tạo. Vậy không có lý do gì lại không chấp nhận hình thức trên?

Điểm khác biệt của kỳ thi tuyển sinh năm nay chính là nhằm đảm bảo một cách đánh giá khách quan nhất, toàn diện nhất. 3 test (Nằm sấp chống đẩy, Bật xa tại chỗ và Chạy zichzắc) thể hiện được rất nhiều các tố chất mà một sinh viên cần có khi theo học TDTT: sức nhanh, sức mạnh, sức bật, sự linh hoạt khéo léo... Nếu tất cả các thí sinh đều đảm bảo có được những tố chất này thì dù theo học chuyên ngành nào đi nữa cũng hết sức thuận lợi. Giảng viên Trịnh Hồng Sơn cho rằng: 3 test này có thể đánh giá tương đối chính xác mặt bằng chung về năng lực của các thí sinh tham dự.

Đây cũng là ý kiến nhận được sự đồng tình của nhiều cán bộ, giảng viên làm công tác tuyển sinh năm nay. Việc đánh giá Năng khiếu chung là rất cần thiết, sẽ góp phần hạn chế tối đa sự chênh lệch về trình độ thể lực giữa các môn chuyên sâu, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường trong thời gian tới.

Vấn đề đảm bảo công bằng và quyền lợi của thí sinh luôn là mối quan tâm lớn nhất của các sỹ tử khi tham dự bất cứ kỳ thi nào. Sự lo sợ về tình trạng tiêu cực, đặc biệt là tại các trường thi Năng khiếu (về kiểu chấm điểm theo cảm tính) sẽ không còn là điều băn khoăn của các thí sinh tham dự kỳ thi Đại học TDTT I năm 2007. Bởi thành tích của các thí sinh đều được công bố công khai sau khi các em thực hiện xong bài thi của mình.

Hơn nữa, để có kết quả đầy đủ chính xác các bài thi của một thí sinh phải cần tới nhiều cán bộ vào cuộc (như nằm sấp chống đẩy, mỗi đợt thi gồm 4 thí sinh thì có tới 7 người phục vụ, trong đó có 5 giám thị và 2 thư ký; chạy zichzăc cũng 4 thí sinh/1đợt có11 cán bộ phục vụ, trong đó có 9 giám thị, 2 thư ký...). Như vậy, có thể thấy tính khách quan được thể hiện rõ nét qua phần thi này và chắc chắn thành tích của các thí sinh được xác định chính xác.

Dưới góc độ của Nhà quản lý, ông Đinh Hùng Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT I cho biết: Có thể những test này vẫn còn một số hạn chế và không thể đánh giá được hết năng lực của các thí sinh, song với tiêu chí đổi mới giáo dục và chuẩn bị cho quá trình phát triển lâu dài của Nhà trường, những test đó đã được lựa chọn làm nội dung thi NKC kỳ tuyển sinh 2007. Rất có thể, để đánh giá chính xác nhất năng lực của từng thí sinh, năm sau Nhà trường lại tiếp tục có những đổi mới với nhiều hình thức khác phù hợp. Ông Đinh Hùng Sơn cũng cho biết thêm: Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, có thể các yêu cầu tối thiểu về chiều cao, cân nặng của thí sinh dự thi vào trường cũng sẽ được nâng lên.

Vấn đề đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm của các trường, của ngành Giáo dục và của toàn xã hội. Có thể những phương án, hình thức đổi mới hiện tại còn chưa phù hợp và cần có thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm nhưng bước đột phá trong phần thi Năng khiếu của Trường Đại học TDTT I đến thời điểm này đã nhận được nhiều sự ủng hộ. Hy vọng, trong tương lai không xa, Trường Đại học TDTT I sẽ trở thành một trong những trường "điểm" với đẩy đủ các tiêu chí của một trường chuẩn quốc tế.

Thịnh Hường

Cùng chuyên mục