Che là ai

Ngay từ năm 1953, khi mới tốt nghiệp Đại học Y khoa, Che đã định hướng đấu tranh giải phóng nhân dân bị áp bức bóc lột. Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu đã đem đến cho ông niềm tin thắng lợi...

Ernesto Che Guevara de la Serna  (14/6/1928 - 8/10/1967) được nhân dân Mỹ Latinh, nhân dân thế giới tôn vinh: Người du kích anh hùng. Tên tuổi và sự nghiệp của ông được lưu truyền như một huyền thoại; hình ảnh của ông  sống mãi trong lòng hàng triệu chiến sĩ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, vì hòa bình, tự do và công lý trên thế giới.

Ernesto Che Guevara sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Argentina. Ngay từ lúc còn nhỏ, Che đã thể hiện lòng nhân ái, tinh thần hy sinh vì nghĩa lớn:  Khi là sinh viên y khoa, ông luôn sẵn sàng giúp người nghèo chữa bệnh đồng thời suy nghĩ đến việc làm sao giải phóng giai cấp cần lao bị áp bức bóc lột.

Chính vì lẽ đó, ông đã tạm từ bỏ nghề bác sĩ để tìm đến những nơi có phong trào cách mạng như Colombia, Venezuela, Guatemala... như  nhiều người đã thấy qua bộ phim “Nhật ký mô-tô”, trong đó Che và người bạn đồng hành Alberto Granados đã vượt hàng nghìn cây số trên chiếc xe  máy cũ  kỹ với khát vọng tìm cho mình con đường cách mạng đúng đắn.

Tại Guatemala, với sự can thiệp quân sự của Mỹ dưới thời Tổng thống Dwight Eisenhower  (tháng 6/1954), chính phủ tiến bộ vừa được thành lập sau thắng lợi của bầu cử đã bị lật đổ; Che nhận thấy con đường dẫn đến thắng lợi  thời ấy phải là đấu tranh vũ trang.

Ông rời Guatemala đến Mexico. Và tại đây ông gặp một số thanh niên yêu nước Cuba để rồi đến với Fidel, Raul như chính  Fidel  đã thuật lại: "... Đó là vào tháng 7 hay tháng 8/1955 khi tôi gặp Che. Và trong một đêm - như Che đã kể lại sau này - Che đã trở thành một chiến sĩ của con tàu  “Granma”... Raul Castro và Che là hai chiến sĩ đầu tiên trong danh sách các chiến sĩ của tàu “Granma”...

Che là một trong những người mà tất cả đều cảm thấy mến ngay khi tiếp xúc do tính giản dị, phong cách tự nhiên, tình thân ái, nhân cách và tính độc đáo. Vào một ngày cuối tháng 11/1956, Che đã cùng chúng tôi tiến về Cuba.

Cuộc vượt biển ấy đối với Che thật là gian khổ, bởi vì không thể có đủ thuốc mà Che cần và suốt cuộc vượt biển, đồng chí đã lên cơn hen suyễn dữ dội, nhưng đồng chí không một lời than.

Chúng tôi đổ bộ lên bờ biển Cuba, Che tiếp tục là bác sĩ. Sau trận đánh đầu tiên, rồi trận thứ hai, Che là bác sĩ đồng thời là người xuất sắc nhất trong số các chiến sĩ tham gia trận đánh. Che là một chiến sĩ, một cán bộ chỉ huy xuất sắc không ai hơn được.

Chính vì thế mà Che đã được phong làm Tư lệnh và Chỉ huy trưởng đạo quân thứ hai vừa được thành lập. Che là một người chỉ huy đặc biệt có năng lực, dũng cảm phi thường, một nghệ sĩ trong chiến tranh cách mạng...”.

Sau 12 năm phấn đấu và cống hiến xuất sắc vào thành quả xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Cuba xã hội chủ nghĩa, "ngọn đèn pha" của phong trào cách mạng ở Tây bán cầu, Che lại quyết định lên đường tiếp tục đấu tranh giải phóng các dân tộc khác đang còn bị áp bức, bóc lột ở châu Phi và Mỹ Latinh.

Từ tháng 1/1965, Che rời Cuba để đến với Congo và sau đó là Bolivia “nhằm mục đích khởi động một cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”. Chọn Bolivia, Che cho rằng ở đó có truyền thống đấu tranh anh hùng của các tầng lớp lao động đã từng bị áp bức, bóc lột.

Từ đây, Che đã liên hệ với phong trào du kích các nước láng giềng như Peru và Argentina.  Sau hơn một năm xây dựng lực lượng, quân du kích đã tiến đánh một số căn cứ địch và giành thắng lợi bước đầu. Quân đội giải phóng dân tộc (ELN) ra đời, công bố năm thông báo và lời kêu gọi gửi nhân dân Bolivia.

Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn và âm mưu thâm độc của CIA câu kết với chính phủ bù nhìn  thời kỳ Tổng thống Barrientos  cầm đầu ở Bolivia, phong trào du kích do Che lãnh đạo bị bao vây và chịu những tổn thất nặng nề; Che bị thương trong một trận đánh ở vùng núi rừng Yoro; kẻ thù đã bắt ông và theo sự điều khiển của CIA, chúng đã giết hại Che vào lúc 13h10h ngày 9/10/1967.

Tại Lễ truy điệu ông tổ chức ở Quảng trường Cách mạng của thủ đô La Habana Cuba ngày 18/10/1967, Chủ tịch Fidel đã nói: “Che đã hy sinh không phải để bảo vệ lợi ích và sự  nghiệp nào khác hơn là lợi ích và sự nghiệp của những người bị áp bức bóc lột trên lục địa này...

Che đã trở thành người mẫu không chỉ cho nhân dân ta mà còn cho bất kỳ dân tộc nào ở Mỹ Latinh... Máu của Che đã đổ xuống trên đất nước ta, đã đổ xuống ở Bolivia...; dòng máu ấy đã đổ cho tất cả các dân tộc ở châu Mỹ và đã đổ cho Việt Nam... Che đã biết là mình hiến dâng cho Việt Nam mối tình đoàn kết cao cả nhất”.

Và đúng như  Fidel đã nói, Che đã trở nên gần gũi và thân thiết với nhiều người Việt Nam, vì  chính ông đã gắn bó với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Ngay từ  năm 1953, khi mới tốt nghiệp Đại học Y khoa, Che đã định hướng đấu tranh giải phóng nhân dân bị áp bức bóc lột. Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu đã đem đến cho ông niềm tin thắng lợi.

Ông tìm đọc tác phẩm “Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và coi đó là một tài liệu quý giá để xây dựng các lực lượng du kích trong suốt chặng đường đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng của các dân tộc bị áp bức ở châu Phi và Mỹ Latinh.--PageBreak--

Chính  ông là người đã viết lời tựa cho cuốn sách đó  khi được xuất bản và phổ biến rộng rãi ở Tây bán cầu: “Tác phẩm này vượt qua giới hạn của một giai đoạn lịch sử và có giá trị cho cả khu vực..., chứa đựng nhiều vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt cho các dân tộc Mỹ Latinh đang bị chủ nghĩa đế quốc Bắc Mỹ thống trị”.

Mùa hè năm 1964, Anh hùng Núp được mời sang thăm Cuba, Che đã tiếp đón anh Núp như người anh từ xa trở về và cùng nhau trao đổi ý kiến nhiều buổi đến tận khuya vẫn chưa muốn nghỉ.

Sau lần gặp Anh hùng Núp, Che rời Cuba cùng với đội ngũ gồm các chiến sĩ du kích kiên trung lên đường đi chiến đấu giải phóng các dân tộc anh em còn bị áp bức ở Mỹ Latinh. Và cũng từ đấy trên Đài Phát thanh và Truyền hình Cuba hàng ngày phát đi, phát lại vở kịch với nhan đề “Người anh hùng của núi rừng” chuyển thể theo nội dung cuốn tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc.

Anh hùng Núp và Che không gặp lại nhau, nhưng ở Cuba vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm về cuộc gặp lịch sử giữa hai người. Ngày Anh hùng Núp qua đời, từ Tây bán cầu những người thân của Che đã gửi sang Việt Nam bức ảnh chụp lúc Che và phu nhân - bà Adelaida March - tiếp đón Anh hùng Núp năm xưa.

Che còn dành thời gian tiếp thân mật đoàn 35 sinh viên Việt Nam lần đầu tiên sang Cuba học tập ngay tại văn phòng của ông tại Bộ Công nghiệp ở Quảng trường Cách mạng của thủ đô La Habana.

Ông dành nhiều thời gian trò chuyện rất thân tình và cùng mọi người hát các bài ca cách mạng của Việt Nam, trong đó có bài “Giải phóng miền Nam” cùng nhiều bài hát của Cuba và Mỹ Latinh, như “Hành khúc dân quân”, "Hành khúc 26-7”...

Những năm 60 của thế kỷ XX, nhân dân Việt Nam đấu tranh gian khổ chống kẻ thù xâm lược, Che đã nói: “Chủ nghĩa đế quốc là thủ phạm của sự xâm lược... Chúng ta đang giương cao ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với tất cả nhiệt tình, không phải chỉ vì chủ nghĩa quốc tế vô sản, mà còn vì lòng thiết tha với chính nghĩa cách mạng đã in sâu trong chúng ta.

Chúng ta làm việc này còn vì chúng ta đang cùng trận tuyến đấu tranh với những người anh em của mình. Đó là điều cực kỳ quan trọng đối với tương lai của cả châu Mỹ”.

Che là người đã  cùng với Chủ tịch Fidel chủ trương thành lập Ủy ban Toàn quốc của Cuba đoàn kết với Việt Nam. Tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Ủy ban này, Che  đã chủ trì và có bài phát biểu quan trọng.

Ông nói: “Chúng ta chào mừng nhân dân miền Nam Việt Nam như người anh em chiến đấu, như người đồng chí gương mẫu trong giai đoạn lịch sử thế giới khó khăn hiện nay. Dù đế quốc Mỹ có dùng phương tiện chiến tranh gì thì  thắng lợi sẽ là giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước Việt Nam... Chúng ta biết chắc chắn là nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giành được tự do hoàn toàn”.

Với niềm tin và tình cảm nồng nàn đối với cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Che luôn hướng về Việt Nam và động viên các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Ngày 16/4/1966, Che đã gửi tới các dân tộc trên thế giới bức thông điệp lịch sử. Che viết: “Thái độ của chúng ta không phải chỉ là chúc mừng thắng lợi của người bị xâm lược mà phải cùng nhau chia sẻ số phận, cùng hy sinh hoặc cùng nhau chiến thắng. Dân tộc Việt Nam thật vĩ đại!

Dân tộc Việt Nam thật kiên cường và dũng cảm!

Cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam đã mang lại cho toàn thế giới một bài học thật vĩ đại! Việt Nam đã dạy cho chúng ta một bài học vĩnh viễn về chủ nghĩa anh hùng... Trước mắt, chúng ta sẽ là một tương lai xán lạn và gần gũi như thế nào nếu hai, ba... nhiều Việt Nam nở hoa trên thế giới.

Hãy tạo ra hai, ba... nhiều Việt Nam, là khẩu hiệu đấu tranh!”.

Đó chính là ý chí, nguyện vọng thiết tha và mệnh lệnh trái tim đưa Che đến với nhiều nơi trên trái đất này đòi hỏi sự nỗ lực khiêm tốn của ông như chính ông đã viết trong thư từ biệt Chủ tịch Fidel, từ biệt cha mẹ và vợ con, trước khi rời Cuba đi chiến đấu tại Congo và tiếp đó là Bolivia.

Tuy ở xa Việt Nam, nhưng Che là người hiểu biết sâu sắc cuộc đấu  tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam và luôn dành cho sự nghiệp vẻ vang đó sự ủng hộ kiên quyết, mạnh mẽ và vô tư.

Che, như chính bà Melba Hernandez, nguyên Chủ tịch Ủy ban đoàn kết với Việt Nam của Cuba đã từng nói, “là người đi đầu trong phong trào đoàn kết với Việt Nam”

Trung Đức