Chủ thể phái sinh của luật quốc tế là gì năm 2024

tổ chức quốc tế liên chính phủ (gọi tắt là tổ chức quốc tế) được công nhận rộng rãi là một chủ thể của luật quốc tế. Mặc dù vậy, cho đến hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp lý quốc tế nào định nghĩa chính xác về tổ chức quốc tế, hay ít nhất đưa ra được một số các tiêu chí pháp lý quan trọng.

Trong giới học giả, vấn đề định nghĩa tổ chức quốc tế cũng là một trong những vấn đề khó khăn nhất. Thông thường chúng ta biết một thực thể là một tổ chức quốc tế mà không thể giải thích rõ ràng dựa trên tiêu chí chung nào. Nhìn chung, các học giả trong các giáo trình phổ biến về luật tổ chức quốc tế cho rằng có ba tiêu chí cơ bản cần được thỏa mãn để được xem là một tổ chức quốc tế:

  1. Thực thể đó phải được thành lập bởi các Quốc gia,
  1. Trên cơ sở một điều ước quốc tế; và
  1. Có ý chí riêng biệt với các Quốc gia Thành viên (a distinct will).

Ngoài ra, Philippe Sands và Pierre Klein còn đưa thêm hai yếu tố khác là 4) thành viên của thực thể đó phải là các quốc gia hoặc các tổ chức quốc tế khác, và 5) phải có quyền năng thông qua các quy tắc (norms) theo nghĩa rộng áp đặt lên các quốc gia thành viên.

Năm 2011, khi thông qua dự thảo Các điều khoản về trách nhiệp pháp lý của các tổ chức quốc tế (Draft Articles on the Responsibility of International Organizations), Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) đã định nghĩa rằng tổ chức quốc tế phải có tư cách pháp lý quốc tế riêng biệt.

  1. Tư cách pháp lý của tổ chức quốc tế

Tư cách pháp lý của tổ chức quốc tế đã được Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) xem xét từ rất sớm trong Ý kiến tư vấn cho Vụ Yêu cầu khắc phục hậu quả phát sinh khi phục vụ cho Liên hợp quốc năm 1949. Trong ý kiến tư vấn của mình, Tòa ICJ cho rằng “Chủ thể của luật pháp trong bất kỳ hệ thống pháp lý nào cũng không nhất thiết phải giống nhau về bản chất hay về phạm vi các quyền của chúng; bản chất của chúng phụ thuộc vào yêu cầu của từng cộng đồng.“

Xét riêng về Liên hợp quốc, Tòa cho rằng Tổ chức này có tư cách pháp lý của một chủ thể của luật quốc tế, bởi vì nhu cầu từ đời sống quốc tế ngày càng tăng về hợp tác giữa các quốc gia, do đó:

“[…] để đạt được các mục đích này việc trao tư cách pháp lý quốc tế là một điều đương nhiên không thể thiếu. Hiến chương không quy định rằng Tổ chức này được thành lập chỉ để trở thành một trung tâm ‘hài hòa các hoạt động của các quốc gia vì mục tiêu chung’ (Điều 1, đoạn 4). Hiến chương còn trang bị cho trung tâm này các cơ quan, và trao cho nó các nhiệm vụ đặc biệt. Hiến chương xác định vị trí của các Thành viên trong quan hệ với Tổ chức thông qua việc yêu cầu các thành viên phải hỗ trợ hết mức cho các hoạt động của Tổ chức (Điều 2, đoạn 5), và phải chấp nhận và thực thi tất cả các quyết định của Hội đồng Bảo an; trao quyền cho Đại hội đồng đưa ra các khuyến nghị cho các Thành viên; trao cho Tổ chức các quyền năng pháp lý, các ưu đãi và miễn trừ trên lãnh thổ của mọi Thành viên; và trao cho Tổ chức quyền ký kết các thỏa thuận với các Thành viên. Thực thế – đặc biệt là liên quan đến ký kết điều ước quốc tế mà Tổ chức là thành viên – đã khẳng định tính chất này của Tổ chức, một tổ chức có được vị trí tách biệt với các Thành viên trong một số khía cạnh, và có nghĩa vụ phải nhắc nhở các Thành viên phải thực thi các nghĩa vụ khi cần thiết.”

[…] Cần phải thừa nhận rằng các Quốc gia thành viên, thông qua việc trao cho tổ chức này một số chức năng nhất định, cùng với các nghĩa vụ và trách nhiệm, đã khoát lên mình tổ chức này một quyền năng cần thiết để cho phép các chức năng trên được thực thi một cách hiệu quả.”

Tuy nhiên, đồng thời với việc khẳng định tư cách pháp lý của Liên hợp quốc như một chủ thể của luật quốc tế, Tòa ICJ cũng lưu ý rằng tư cách pháp lý đó:

“[…] không đồng nghĩa với việc cho rằng tổ chức quốc tế là một Quốc gia, điều mà rõ ràng không phải là, hay rằng tư cách pháp lý và quyền và nghĩa vụ của tổ chức quốc tế giống với các Quốc gia. Điều này cũng càng không đồng nghĩa với việc cho rằng tổ chức quốc tế là “một siêu-quốc gia”, bất kể từ này có nghĩa gì đi nữa. Nó cũng không hàm ý rằng các quyền và nghĩa vụ của tổ chức quốc tế phải tổn tại trong môi trường quốc tế nhiều hơn tất cả các quyền và nghĩa vụ của một Quốc gia trong cùng môi trường đó. [Khi kết luận rằng một tổ chức quốc tế là một chủ thể quốc tế] chỉ có nghĩa là tổ chức này là một chủ thể của luật pháp quốc tế và có khả năng có các quyền và nghĩa vụ quốc tế, và rằng nó có khả năng bảo vệ các quyền này thông qua việc khiếu kiện quốc tế.“

Trần H. D. Minh

Xem thêm: Tư cách pháp lý của ASEAN được thảo luận trong bài Trách nhiệm của ASEAN với các vấn đề an ninh trong khu vực.

——————————————————————————–

Jan Klappers, An Introduction to International Institutional Law (CUP 2002) 9 – 13; Philippe Sands & Pierre Klein, Bowett’s Law of International Institutions (6th ed., Sweet & Maxwell 2009) 15 – 16; Henry G Schermers & Niels M Blokker, International Institutional Law: Unity within Diversity (5th ed., Martinus Nijhoff Publishers 2011) 37, § 33. Như trên, Philippe Sands & Pierre Klein.

ILC, ‘Draft articles on the responsibility of international organizations with commentaries’, Article 2 in ILC, Yearbook of the International Law Commission 2011, vol. II (United Nations 2018) 46, 49.

Reparation for injuries suffered in the service of the United Nations, Ý kiến tư vấn của Tòa ICJ năm 1949, tr. 178. Như trên, tr. 178 – 179. Như trên, tr. 179. Như trên.