Có nên giấu bố mẹ chuyện yêu đương hẹn hò

Trẻ “rung động” sớm có đáng chê trách?

Được cô giáo chủ nhiệm thông báo con mình học lớp 5 đang “hẹn hò” với một bạn gái cùng lớp, chị N. T. H. lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Theo cô giáo chủ nhiệm chia sẻ, mấy tháng nay, con chị H. và cô bạn gái cùng lớp thường rủ nhau đi ăn cùng, đi đâu cũng có nhau và thường xưng “vợ”, “chồng” với nhau.

Cô giáo chủ nhiệm cũng cho biết, hiện trong lớp đang có mấy cặp đôi như vậy và dường như đang có một “trào lưu” trong trường về chuyện các học sinh bắt cặp với nhau.

Chị H. và chồng đã có buổi nói chuyện rất căng thẳng với con trai. Hay nói đúng hơn là đã vừa ngọt nhạt, vừa hăm he, mắng mỏ con. Cậu bé đã ngồi hơn một tiếng đồng hồ để nghe bố mẹ la mắng, rằng chuyện có bạn gái ở tuổi cấp 1 là “không thể chấp nhận được”, như thế là hư đốn, không lo học tập và chẳng mấy chốc mà học hành sa sút, làm thất vọng cả cha mẹ và thầy cô.

Đồng thời, anh chị cũng tìm được số điện thoại phụ huynh của cô bé “bạn gái” con trai mình, gọi điện trao đổi để cùng nhau tìm ra giải pháp cấm cản hai đứa trẻ “yêu đương” sớm. Kết quả là chị H. và chồng được như ý, cậu con trai và cô “bạn gái” cùng lớp không còn nói chuyện với nhau nữa, thậm chí không nhìn mặt nhau. Hai vợ chồng chưa kịp yên tâm được bao lâu thì cậu con trai đột ngột đòi ba mẹ nghỉ học, chuyển lớp. Truy hỏi con đến cùng, anh chị được con thổ lộ là chuyện ba mẹ cấm cản hai đứa “yêu nhau” khiến cậu bé không thể nào nhìn mặt “bạn gái cũ” và đối diện với lời trêu chọc của các bạn cùng lớp. Khi vợ chồng chị H. gạt đi, không đáp ứng, cậu bé ngày càng trở nên lầm lì, ít nói, không tương tác với gia đình, học hành sa sút. Đỉnh điểm là cậu bé rơi vào rối loạn tâm lý khiến hai vợ chồng phải đưa con đến bệnh viện khám.

Có nhiều phụ huynh, khi phát hiện con “yêu sớm”, từ cấp 1, cấp 2 đã rất lo lắng, hoảng loạn, cho rằng đó là hành vi sai trái, nguy hiểm, ra sức cấm cản, dùng các biện pháp mạnh với con. Và hậu quả là ngày càng đẩy con ra xa mình, càng khiến sự việc đi xa hơn.

Cách đây không lâu, một cậu bé đã bỏ nhà đi và được tìm thấy cách nhà hơn 200km. Cậu bé 12 tuổi đi quyết tâm “đi theo tiếng gọi tình yêu” sau khi cha mẹ phát hiện cậu hẹn hò bạn gái, cũng là học sinh cấp 2 qua mạng xã hội và đã chửi mắng, đánh đập, cấm con tuyệt đối không được lên mạng nữa.

Hiểu con để dạy con

Thực tế cho thấy, chính sự cấm đoán, chính những biện pháp mạnh, thậm chí là dùng vũ lực của cha mẹ khi phát hiện con “yêu sớm” mới khiến đứa trẻ trở nên nổi loạn và “hư” chứ không phải bản chất chuyện yêu sớm là “hư hỏng”.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, trẻ con ngày nay được thụ hưởng chế độ dinh dưỡng tốt, dễ phát triển sớm về cả thể xác, sinh lý. Đồng thời sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội cùng các trào lưu trên mạng dễ dàng khiến trẻ ý thức sớm hơn về chuyện tình cảm, dễ dấn thân vào chuyện “yêu đương” ngay cả khi mới là học sinh cấp 1, cấp 2.

Chuyên gia Lê Thị Minh Nga đưa ra lời khuyên, các bậc cha mẹ không nên đưa thế hệ mình hay các thế hệ trước để so sánh, làm hệ tham chiếu của các thế hệ con cái hiện nay. Khi phát hiện con “yêu sớm”, thay vì nổi giận, chất vấn hay cấm đoán, phụ huynh nên cố gắng tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con xem thực chất mối quan hệ của con là như thế nào, có trong sáng hay là đã đi đến ranh giới nguy hiểm, để từ đó có phương pháp xử lý hiệu quả nhất. Và cho dù phương pháp nào đi nữa thì cũng không nên dùng bạo lực ngôn ngữ hay hành động mà nên trên tinh thần tôn trọng cảm xúc của con, chia sẻ và gỡ rối cùng con. Có như thế mới có thể tạo được niềm tin ở con và giải quyết được vấn đề một cách ôn hoà, tốt đẹp.

Chị Hồ Thị Cẩm Linh, giáo viên trung học ở quận 10, TPHCM đã chia sẻ bài học kinh nghiệm trong xử lý chuyện con “yêu sớm” hiệu quả. Chị Linh cho biết, sau khi biết con gái lớp 6 đã bắt đầu “hẹn hò” với một bạn trai cùng khoá, chị đã cùng chồng thảo luận cách để có thể tiếp cận, trò chuyện cùng con.

Sau nhiều cuộc trò chuyện lân la, cởi mở, chị hiểu ra con và cậu bạn kia hoàn toàn “trong sáng”, vì cùng là học sinh giỏi tiếng Anh đi thi cấp quận, mến phục nhau trong học tập mà kết thành đôi. Từ đó, chị thường bảo con mời “bạn trai” về nhà cùng học. Vợ chồng chị cũng đối xử rất tử tế với cậu con trai kia, thậm chí còn giúp “gỡ rối” khi hai đứa giận nhau. Nhờ sự khéo léo trong cách dạy con ấy mà vợ chồng chị giúp con duy trì mối quan hệ “hẹn hò” trong sáng cho đến khi kết thúc cấp 2, mỗi đứa học ở một trường khác nhau và “chia tay”.

Có thể thấy, chuyện con “yêu sớm” có nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào cách hành xử, giáo dục của cha mẹ đối với con. Lựa chọn cách đồng hành, trở thành người bạn lớn của con thay vì đối đầu, áp bức con là phương pháp mà cha mẹ hiện đại cần cân nhắc để chuyện con “yêu sớm”’được hoá giải thành chuyện nhỏ, kỉ niệm vui thời học sinh của con trẻ.

Thay vì nổi giận khi con yêu ở tuổi teen, cha mẹ hãy nhớ lại thời mình còn trẻ, chấp nhận tình cảm đó một cách nhẹ nhàng,

cute1-2833-1433995392.jpg

Ảnh minh họa: Glogster.

Tôi dám chắc các cha mẹ luôn nghĩ rằng con quá nhỏ với tuổi yêu, nhưng các cha mẹ đừng quên, tuổi dậy thì của con là 12-13 chứ không phải là 24 tuổi. Dậy thì xong, đương nhiên con sẽ có nhu cầu tình cảm và tình dục. Đó là chưa kể chuyện tiếp xúc với bạn khác giới hàng ngày rất dễ khiến con nảy sinh tình cảm. Các mối tình từ thủa 12-13 đâu phải là hiếm gặp trên đời. Vì vậy, các cha mẹ đừng cuống lên nếu một ngày nọ phát hiện con đã có người yêu.

Các cha mẹ cần nhớ, tình yêu và tình dục là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tình yêu là một thứ tình cảm đặc biệt chỉ phát sinh giữa hai con người. Tình yêu có tính ích kỷ cao độ, nó chỉ dành cho đúng người đó, cho dù chẳng có lý do gì. Nếu bị ai đó xông vào can thiệp, người đang yêu có thể xù lông như nhím để tự vệ.

Vì vậy, các cha mẹ đừng dại gì va đầu vào đá. Thứ đá đó có thể biến cô con gái ngoan hiền, dễ thương của các cha mẹ thành một người sẵn sàng nghênh chiến với bậc sinh thành đáng kính. Nó có thể biến một cậu con trai cách đây một tháng vẫn yêu mẹ nhất thành một thằng bé hoàn toàn vô cảm với mọi cảm xúc của mẹ cha.

Thay vào đó, cha mẹ nên:

1. Chấp nhận tình yêu đó một cách nhẹ nhàng 

Thay vì nổi đóa lên khi con yêu sớm, cha mẹ hãy chấp nhận tình cảm đó một cách nhẹ nhàng nhất. Cha mẹ hãy lùi lại một bước, tĩnh tâm lại một chút trước khi hành động.

2. Nhớ lại thuở teen điên rồ của mình

Ngày xưa, các bậc phụ huynh cũng từng thích cô bé ngồi bàn bên hay chàng trai dáng thư sinh học lớp đối diện. Tình yêu đó đâu có xấu xa như người lớn vẫn lo sợ. Vì thế, chúng ta không cần phải cuống lên lo lắng. Đó là thứ tình cảm trong sáng, dễ thương chứ không phải là một biểu hiện của sự hư hỗn.

3. Đừng gắn tình yêu với học hành

Rất nhiều cha mẹ cho rằng tình yêu của teen là nguyên nhân của hiện trạng lười học. Điều này không chính xác đâu. Cảm xúc đẹp, thăng hoa sẽ chỉ giúp các bạn teen học tốt hơn. Vì vậy, các cha mẹ hãy dẹp sự lo lắng đó đi nhé. Tình yêu và học hành không quá liên quan đến nhau.

4. Trở thành bạn của con ngay và luôn

Nếu các cha mẹ chưa phải là bạn của con thì ngay lập tức phải thành bạn đi thôi. Cha mẹ phải tâm sự mối tình đầu của mình cho con nghe. Cha mẹ cần phải xóa tan lo lắng của con khi nghĩ rằng cha mẹ sẽ phản đối, việc đó sẽ giúp con cân bằng cuộc sống của mình hơn.

5. Hãy tiếp đớn bạn trai/bạn gái của con nhiệt tình

Khi con có người yêu, hãy luôn tỏ ý sẵn sàng gặp gỡ để chào đón người bạn đặc biệt ấy. Thái độ trân trọng của cha mẹ sẽ khiến con vui vẻ vô cùng và cũng khiến con tin yêu cha mẹ hơn và biết đâu con sẽ dễ dàng nghe theo lời cha mẹ khuyên khi cần thiết.

6. Giáo dục giới tính cho con từ 6 tuổi và nâng cao liên tục theo từng năm

Điều các cha mẹ lo lắng nhất là lũ trẻ dấn tới món gì đó cao và xa hơn. Kiến thức và kỹ năng giới tính sẽ giúp con có những cách ứng xử phù hợp với lứa tuổi để mọi việc đi không quá xa.

Ví dụ: Cha mẹ có thể cho con biết những đặc trưng phát triển giới tính để con hiểu con chưa sẵn sàng cho những tiếp xúc gần gũi, điều đó gây nguy hiểm cho chính con.

Khi con đã lớn hơn, đã đủ 18 tuổi, hãy chủ động bỏ vào túi con những bao cao su để con tự phòng thân. Cha mẹ đừng mơ con sẽ giữ trinh tiết như mình ngày trước, thời đó quá xưa rồi. 

7. Dạy con về pháp luật

Các cha mẹ đừng quên những tội trạng mà con trai mình sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nếu quan hệ với các bạn gái vị thành niên. Những kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình cần được cung cấp đầy đủ cho cả các bạn nam và nữ. Các bạn ấy sẽ biết phải kiềm chế cho chính mình và cho người mình yêu.

8. Dạy con giá trị của một con người

Quan hệ quá xa có thể sẽ tạo ra các em bé. Những em bé ra đời hoàn toàn vô tội và sẽ vô cùng đáng thương nếu phải gánh nghiệp chướng do cha mẹ nhí của chúng tạo ra. Nếu cha mẹ cho con biết mọi thứ trước thì con sẽ có đủ kiến thức để phòng ngừa những chuyện đau đớn xảy ra với chính con và những người con vô cùng yêu quý.

9. Hãy hướng con đến tương lai

Tụi trẻ yêu nhau đương nhiên sẽ muốn sống với nhau. Đám trẻ sẽ sẵn sàng kiên nhẫn nếu nhìn thấy tương lai phía trước. Vì vậy, hãy chỉ cho con rằng con có thể sẽ cùng bạn đó chung sống suốt đời nếu kiên nhẫn vượt qua quãng thời gian thử thách tính bằng số năm học còn lại cộng với một hoặc vài năm đi làm kiếm sống. Như vậy, chuyện vượt rào có lẽ sẽ khó xảy ra hơn.

10. Lâu lâu tỏ thái độ ghen tị một chút với bạn của con

Chút ghen tuông này là cần thiết, vì con sẽ hiểu cha mẹ cảm thấy thế nào khi bị con bỏ rơi. Như vậy, con sẽ có thể dành một chút thời gian không nghĩ đến bạn kia để quay lại với hai mối tình từ khi mới chào đời là cha và mẹ. Tình cảm của gia đình từ đó cũng được nhân lên.

11. Luôn khẳng định tình yêu của mình dành cho con

Trong lúc yêu, chắc chắn con sẽ có khi giận hờn, có khi ghen tuông, có khi mệt mỏi. Lúc đó, nếu con luôn biết ngoài người yêu kia, con còn có cha mẹ là những người luôn yêu con vô điều kiện và sẵn sàng làm mọi việc vì con thì con sẽ không làm chuyện dại dột. Vì thế, tình yêu của cha mẹ luôn là thứ mà con rất cần.

Tớ biết có nhiều cha mẹ sẽ lo âu khi đọc bài này nhưng tình yêu của con đương nhiên sẽ đến như một tất yếu của cuộc sống. Vì thế, thay vì đối đầu với nó, hãy nhận thua nó ngay từ phút đầu tiên đi, rồi các cha mẹ sẽ thấy mọi việc nhẹ nhàng hơn.

Tiến sĩ Vu Thu Hương
Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội