Đã bao nhiêu ngày kể từ 20/12/2022

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THUẬN AN, TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 04/2022/KDTM-ST NGÀY 11/03/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ

Ngày 11 tháng 3 năm 2022, tại phòng xử án Tòa án nhân dân thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 32/2021/TLST-KDTM ngày 29 tháng 10 năm 2021 về “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 34/2021/QĐXX-ST ngày 27 tháng 12 năm 2021; Thông báo về việc hoãn phiên tòa số 13/2022/TBHPT-KDTM ngày 20/01/2022; Thông báo về việc hoãn phiên tòa số 16/2022/TBHPT-KDTM ngày 18/02/2022 , giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Công ty cổ phần nội thất cao cấp H; trụ sở: Lô A19, đường số 6, cụm công nghiệp Uyên Hưng, phường U, thị xã T, tỉnh B.

Người đại diện hợp pháp: Bà Nguyễn Thị Thu P, sinh năm 1987; trú tại: C2.229 Ehome 4, khu phố H, phường V, thành phố T, tỉnh B (theo giấy ủy quyền ngày 20/12/2021).

Bị đơn: Công ty TNHH F; địa chỉ: 47/4 ĐT 743, khu phố B, phường B, thành phố T, tỉnh B.

Người đại diện hợp pháp: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1980; trú tại: 59 đường số A, khu dân cư H, thành phố T, tỉnh B (Theo giấy ủy quyền ngày 14/12/2021).

Các đương sự đều có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, quá trình tố tụng và tại phiên tòa đại diện hợp pháp nguyên đơn – bà Nguyễn Thị Thu P trình bày:

Ngày 03/01/2019 và ngày 04/01/2019 nguyên đơn bán cho bị đơn 01 thiết bị đúc sản phẩm kim loại đồng, model QD-SMZJ10TZ, 380V, 17.7KW và nguyên vật liệu cho việc sản xuất sản phẩm bàn ghế. Toàn bộ máy móc và nguyên vật liệu theo các phiếu xuất hàng sau: Phiếu xuất hàng 0002359 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002360 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002361 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002394 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002362 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002366 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002367 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002385 ngày 03/01/2019; Phiếu xuất hàng 002386 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002354 ngày 03/01/2019; Phiếu xuất hàng 002355 ngày 03/01/2019.

Sau khi nguyên đơn là người xuất hàng hóa, bị đơn là người trực tiếp đến nhận hàng tại kho công ty nguyên đơn và vận chuyển về công ty của bị đơn tại địa chỉ 47/4 ĐT 743, khu phố B, phường B, thành phố T, tỉnh B. Sau khi nhận hàng hóa xong thì bị đơn đã sử dụng máy móc, còn nguyên vật liệu như cát bột nhựa, cát, bột … thì phía bị đơn đã sử dụng hết. Hiện nay toàn bộ máy móc đang do bị đơn quản lý và sử dụng.

Sau khi giao hàng cho bị đơn một thời gian thì phía nguyên đơn và bị đơn mới tiến hành ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa số: 001/RC-FC/HĐMB ngày 01 tháng 6 năm 2020. Nội dung hợp đồng là nguyên đơn thanh lý cho bị đơn 01 thiết bị đúc sản phẩm sản phẩm kim loại đồng, model QD-SMZJ10TZ, 380V, 17.7KW và nguyên vật liệu cho việc sản xuất của bị đơn. Thực tế giao hàng là ngày 03, 04 tháng 01 năm 2019 nhưng đến ngày 01 tháng 6 năm 2020 hai bên ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa là vì bên mua yêu cầu khi nào các hệ thống giao xong xuôi và chốt được các hạng mục hàng hóa giao nhận, các bên sắp xếp được lịch thanh toán rồi mới ký hợp đồng. Nhiêu lần nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán nhưng phía bị đơn không đồng ý trả mặc dù phía nguyên đơn đã xuất hóa đơn giá trị giá tăng. Theo hợp đồng mua bán hàng hóa thì giá trị hợp đồng 3.174.792.787 đồng, nhưng theo hóa đơn giá trị gia tăng số 0000641 ngày 09/6/2020 là 3.104.308.912. Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu bị đơn trả tiền hàng là theo hóa đơn giá trị gia tăng 3.104.308.912 đồng đã bao gồm 10% VAT và lãi suất do chậm thanh toán là 12%/01 năm kể từ ngày chậm trả được tính từ ngày 01/6/2019 đến ngày 01/3/2022 là 651.904.871 đồng. Tổng số tiền yêu cầu thanh toán là 3.756.213.758 đồng. Yêu cầu thanh toán ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Tại phiên tòa đại diện hợp pháp của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Tài liệu, chứng cứ do nguyên đơn cung cấp gồm: Hợp đồng mua bán (bản pho to); Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần (bản pho to); Giấy ủy quyền (bản chính); hóa đơn giá trị gia tăng, phiếu cân xe, phiếu xuất hàng (bản pho to); đơn giải trình (bản chính)… Theo các lời khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa đại diện hợp pháp bị đơn – bà Nguyễn Thị L trình bày:

Nguyên đơn và bị đơn có mối quan hệ thân quen trong kinh doanh, trước đây có một công ty đều mua vốn góp của công ty Hoàng Gia và công ty Công ty TNHH Fnhưng hiện nay công ty nào đã thoái vốn không còn góp vốn 02 công ty này nữa.

Vì có mối quan hệ làm ăn thân thiết nên bị đơn nói với nguyên đơn có dư máy móc không sử dụng và hỏi bị đơn có cần không thì đem về sử dụng. Theo thỏa thuận bằng lời nói giữa hai bên thì bị đơn chỉ tạm thời mang về để kiểm tra thử nếu phù hợp sử dụng thì mới xác định mua. Mục đích giao dịch này chỉ là giúp đỡ lẫn nhau chứ không phải là mua bán gì, cũng vì tin tưởng nên bị đơn mới ký vào hợp đồng mua bán hàng hóa. Sau khi lấy máy móc từ nguyên đơn về phòng bảo trì của bị đơn xác định máy móc này không phù hợp để sử dụng nên rất muốn trả lại cho bị đơn nhưng vì nghĩ là thân quen nên phía bị đơn chỉ trao đổi với bên nguyên đơn bằng lời nói chứ không làm văn bản gì . Đại diện nguyên đơn ông Mr Ray nói với bị đơn không cần phải trả máy móc và đợi tình hình tốt hơn. Do tin tưởng là chỗ quen biết nên bị đơn vẫn để máy móc tại công ty bị đơn. Hiện nay giữa nguyên đơn và bị đơn không còn mối quan hệ làm ăn chung nữa nên phía nguyên đơn mới đi khởi kiện.

Bị đơn là người đi đến công ty nguyên đơn nhận hàng, hiện nay máy móc đang ở trong kho của bị đơn, còn nguyên vật liệu thì bị đơn thấy để lâu hư hỏng nên lấy sử dụng. Cách đây khoảng 01 năm thì bị đơn có sử dụng 01 số linh kiện máy móc theo Biên bản xem xét thẩm định của Tòa án.

Vào ngày 01/6/2020 hai bên có ký hợp đồng mua bán hàng hóa, do nguyên đơn nói với ông Jonathan M Sowter là đại diện hợp của bị đơn là ký hợp đồng để di chuyển tài sản qua công ty Công ty TNHH F không phải trả tiền gì hết. Khi ký hợp đồng thì ông Jonathan M Sowter hiểu rõ nội dung hợp đồng và chọn ngôn ngữ là tiếng việt. Nhưng do bị đơn tin tưởng mối quan hệ thân thiết với nguyên đơn và chỉ là quy trình hợp thức hóa tài sản của hai bên nên mới ký vào hợp đồng mua bán.

Nhiều lần ông Jonathan M Sowter yêu cầu nguyên đơn lấy lại hàng nhưng phía bị đơn nó để hàng đó đi không sao hết. Ông Jonathan M Sowter có tin nhắn qua điện thoại mời đến Công ty TNHH F làm việc nhưng hai bên chỉ làm việc bằng lời nói, gặp mặt chứ không trao đổi bằng văn bản.

Tại phiên tòa bị đơn chỉ chấp nhận 01 phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tự nguyện trả 350.000.000 đồng tương đương khoảng số lượng nguyên vật liệu và máy móc bị đơn đã sử dụng, yêu cầu nguyên đơn lấy lại số lương máy móc theo biên bản thẩm định của Tòa án, không đồng ý trả số tiền gốc còn lại và tiền lãi chậm thanh toán.

Tài liệu, chứng cứ bị đơn cung cấp gồm: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cồ phân (bản chứng thực); giấy ủy quyền (bản chính)...

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án: Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục được pháp luật quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự. Nguyên đơn và bị đơn chấp hành đúng pháp luật tố tụng.

Ý kiến của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án: Nguyên đơn và bị đơn thống nhất tháng 01/2019 hai bên thỏa thuận việc mua bán hàng hóa là thiết bị đúc sản phẩm kim loại đồng, model QD-SMZJ10TZ, 380V, 17.7KW và nguyên vật liệu cho việc sản xuất bàn ghế (hàng đã qua sử dụng ). Ngày 03 và ngày 04/01/2019, bị đơn trực tiếp nhận hàng tại kho của nguyên đơn theo các phiếu xuất kho của nguyên đơn. Đến ngày 01.6.2020, hai bên mới tiến hành ký kết hợp đồng mua bán số 001/RC-FR/HĐMB cho số hàng hóa đã giao nhận nói trên, giá trị thành tiền là 3.104.308.912 đồng (bao gồm thuế GTGT). Bị đơn đã sử dụng một số linh kiện máy móc và nguyên vật liệu, số máy móc còn lại đang để tại công ty bị đơn theo biên bản xem xét thẩm định tài sản của Tòa án. Đây là tình tiết sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự.

Nguyên đơn trình bày theo nội dung thỏa thuận tại hợp đồng thì bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn sau 60 ngày kể từ ngày giao hàng, nhưng đến nay bị đơn chưa thanh toán nên khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền gốc 3.104.308.912 đồng và lãi suất chậm thanh toán từ ngày 01/6/2020 đến ngày 01/3/2022, với lãi suất 12%/01 năm, tổng cộng là 21 tháng với số 651.904.871 đồng. Tổng số tiền yêu cầu thanh toán là 3.756.213.783 đồng. Nguyên đơn không đồng ý nhận lại hàng hóa.

Bị đơn trình bày người đại diện bị đơn ký kết hợp đồng mặc dù là người nước ngoài nhưng hiểu rõ nội dung hợp đồng và đã chọn ngôn ngữ của hợp đồng là Tiếng Việt. Trước đây nguyên đơn và bị đơn cùng chung tập đoàn công ty mẹ, nên giữa hai bên thỏa thuận việc thanh lý hàng hóa; Bên nguyên đơn nói bị đơn cứ lấy hàng hóa về dùng mà không phải trả tiền, việc ký hợp đồng chỉ là hình thức để chuyển tài sản. Sau đó, bị đơn đã nhiều lần yêu cầu nguyên đơn nhận lại hàng hóa nhưng nguyên đơn không nhận lại. Nay bị đơn yêu cầu trả lại số hàng hóa mà bị đơn không sử dụng, số hàng hóa bị đơn sử dụng được thì bị đơn thanh toán tiền cho nguyên đơn.

Xét thấy, theo nội dung thống nhất và thừa nhận của các bên về việc ký kết, thực hiện hợp đồng thì Hợp đồng mua bán hàng hóa số 001/RC-FR/HĐMB ngày 01.6.2020 được ký kết trên cơ sở tự nguyện, người ký kết hợp đồng là đại diện hợp pháp của hai pháp nhân do đó hợp đồng có hiệu lực, phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định tại Điều 401 Bộ luật dân sự.

Bị đơn cho rằng, việc ký kết hợp đồng chỉ là hình thức để chuyển giao tài sản mà bị đơn không phải trả tiền nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh. Bị đơn thừa nhận đã nhận đủ hàng theo các phiếu xuất kho, đưa vào sử dụng một số hàng hóa, số hàng hóa còn lại là hàng hóa theo nội dung xem xét, thẩm định của Tòa án. Bị đơn đã nhiều lần yêu cầu trả hàng cho nguyên đơn nhưng nguyên đơn không nhận lại hàng hóa, tuy nhiên, bị đơn cũng không cung cấp được chứng cứ đã yêu cầu trả hàng và lý do trả hàng. Bị đơn có yêu cầu trả lại số hàng hóa hiện còn tại công ty bị đơn nhưng nguyên đơn không đồng ý. Nay nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán tiền hàng là có căn cứ chấp nhận theo quy định tại Điều 50, Điều 55 Luật thương mại và thỏa thuận của các bên tại hợp đồng. Bị đơn tự nguyện thanh toán cho nguyên đơn 350.000.000 đồng nên đề nghị Hôi đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn.

Đối với yêu cầu thanh toán lãi chậm trả, nguyên đơn yêu cầu tính từ ngày 01/6/2020 đến ngày 01/3/2022 với mức lãi suất 1%/tháng. Xét thấy, các bên thỏa thuận tại Điều 3 của hợp đồng thời hạn thanh toán là sau 60 ngày kể từ ngày giao hàng; theo nội dung trình bày của các bên và các phiếu x uất kho thể hiện nguyên đơn giao hàng cho bị đơn vào ngày 03 và ngày 04 tháng 01 năm 2019, do đó việc nguyên đơn yêu cầu tính lãi từ ngày 01/6/2020 là có lợi cho bị đơn nên có căn cứ chấp nhận. Về mức lãi suất chậm trả do các bên không thỏa thuận tại hợp đồng nên áp dụng quy định tại Điều 306 Luật thương mại, yêu cầu lãi suất chậm thanh toán của nguyên đơn thấp hơn lãi suất quá hạn trung bình ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam và Ngân hàng ngoại thương Việt Nam, xét sự tự nguyện của nguyên đơn có lợi cho bị đơn nên cần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Từ những nội dung phân tích trên, căn cứ Điều 24, Điều 50, Điều 55, Điều 306 Luật thương mại; Điều 401 Bộ luật dân sự đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty cổ phần nội thất Hoàng Gia.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ tranh chấp: Nguyên đơn khởi kiện bị đơn yêu cầu thanh toán tiền hợp đồng mua bán hàng hóa nên quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại giữa các tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận được quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về thẩm quyền giải quyết: Bị đơn địa chỉ trụ sở chính tại khu phố B, phường B, thành phố T, tỉnh B. Do đó, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh B theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Nội dung vụ án: Ngày 03 và ngày 04/01/2019 nguyên đơn giao cho bị đơn 01 thiết bị đúc sản phẩm kim loại đồng, model QD-SMZJ10TZ, 380V, 17.7KW và nguyên vật liệu cho việc sản xuất sản phẩm bàn ghế. Toàn bộ máy móc và nguyên vật liệu theo các phiếu xuất hàng sau: Phiếu xuất hàng 0002359 ngày 04/01/2019;

Phiếu xuất hàng 002360 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002361 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002394 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002362 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002366 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002367 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002385 ngày 03/01/2019; Phiếu xuất hàng 002386 ngày 04/01/2019; Phiếu xuất hàng 002354 ngày 03/01/2019; Phiếu xuất hàng 002355 ngày 03/01/2019. Toàn bộ máy móc và nguyên vật liêụ đã được giao cho phía bị đơn quản lý sử dụng từ ngày 04/01/2019. Hàng hóa là máy móc cũ thuộc dạng hàng thanh lý và nguyên vật liệu dùng để sản xuất đồ gỗ nội thất. Ngày 0/6/2020 hai bên có tiến hành giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa đối với hàng hóa đã giao ngày 03 ngày 04/01/2019.

Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền gốc 3.104.308.912 đồng và lãi suất chậm thanh toán từ ngày 01/6/2020 đến ngày 01/3/2022, với lãi suất 12%/01 năm, tổng cộng là 21 tháng với số tiền lãi là 651.904.871 đồng. Tổng số tiền yêu cầu thanh toán là 3.756.213.783 đồng. Yêu cầu thanh toán ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

[4] Qúa trình tố tụng và tại phiên tòa bị đơn thừa nhận bị đơn có nhận các hàng hóa theo các phiếu xuất hàng như nguyên đơn cung cấp, hiện nay hàng hóa này đang tại công ty của bị đơn, một số hàng hóa là nguyên vật liệu thì bị đơn đã sử dụng hết, một số máy móc bị đơn đang sử dụng, còn lại máy móc là không sử dụng đang để trong kho. Bị đơn chỉ đồng ý thanh toán số tiền tương đương số lượng nguyên vật liệu và máy móc bị đơn đã sử dụng không đồng ý thanh toán toàn bộ theo yêu cầu của nguyên đơn. Ngày 01 tháng 6 năm 2020 giữa đại diện hợp pháp của nguyên đơn và bị đơn có ký kết hợp đồng mua bán hành hóa. Các bên khẳng định chữ ký trên hợp đồng là của người đại diện hợp pháp của nguyên đơn và bị đơn hiểu rõ nội dung hợp đồng và chọn ngôn ngữ là tiếng việt. Xét, lời thừa nhận của các đương sự là tài liệu, chứng cứ không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[5] Tại phiên tòa bị đơn đồng ý thanh toán cho nguyên đơn số tiền 350.000.000 đồng, xét đây là sự tự nguyện của bị đơn nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[6] Xét tính hợp pháp của hợp đồng mua bán hàng hóa số: 001/RC- FC/HĐMB ngày 01 tháng 6 năm 2020, về nội dung hợp đồng cac bên tham gia hợp đồng có năng lực hành vi dân sự, hoàn toàn tự nguyện; mục đích của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên phù hợp quy định tại Điều 117 của Bộ luật Dân sự 2015. Về hình thức của hợp đồng phù hợp theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật Dân sư năm 2015. Vì vậy hợp đồng nêu trên là hợp pháp nên phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng.

[7] Nguyên đơn trình bày lý do tại thời điểm giao hàng các bên không ký kết hợp đồng vì bị đơn yêu cầu khi nào hệ thống máy móc giao xong và chốt được các hạng mục hàng hóa giao nhận, các bên sắp xếp được lịch thanh toán rồi mới ký hợp đồng. Xét thấy, mặc dù thời điểm giao hàng và thời điểm ký hợp đồng không phù hợp về mặt thời gian nhưng về bản chất quyền sở hữu hàng hóa đã được bên nguyên đơn chuyển giao cho bị đơn vào ngày 03 và ngày 04 tháng 01 năm 2019. Vì vậy, căn cứ vào Điều 62 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao”. Như vậy có đủ căn cứ xác định hàng hóa thuộc quyền sở hữu của bên mua kể từ ngày 03/01/2019 và ngày 04/01/2019.

[8] Bị đơn cho rằng hàng hóa là hàng cũ, thuộc dạng thanh lý, bị đơn chỉ cho nguyên đơn mượn về dùng thử nếu đạt chất lượng thì mua nhưng do hàng hóa không đạt chất lượng nên bị đơn yêu cầu trả lại nhưng nguyên đơn không đồng ý nhận hàng lại. Xét thấy, hàng hóa máy móc là hàng cũ đã qua sử dụng, sự việc này bên nguyên đơn cũng thừa nhận và được thỏa thuận tại hợp đồng. Lẽ ra bị đơn phải thực hiện thủ tục khiếu khiếu nại chất lượng hàng hóa được quy định tại Điều 318 Bộ luật thương mại 2005 trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày giao hàng nhưng bị đơn không thực hiện quyền khiếu nại mà vẫn tiếp tục sử dụng hàng hóa điều này khẳng định bị đơn đã chấp nhận chất lượng hàng hóa. Vì vậy lời trình bày của bị đơn là không phù hợp với thực tế và không có căn cứ chứng minh. Ngoài ra ngày giao hàng là 03/01/2019, ngày 04/01/2019 nhưng đến ngày 01/6/2020 các bên tiến hành giao kết hợp đồng thể hiện bị đơn khẳng định lại một lần nữa về giao dịch các bên diễn ra trên thực tế. Bị đơn cho rằng giữa nguyên đơn và bị đơn trước đây có mối quan hệ quen biết nên tin tưởng nên bị đơn mới ký hợp đồng và để lại máy móc trong kho, xét thấy lời trình bày của bị đơn là không có căn cứ pháp lý.

Bị đơn cho rằng khi nhận hàng hóa thì bị đơn chỉ sử dụng một số hàng hóa thôi, còn lại để trong kho không sử dụng, như đã phân tích mục [7] thì hàng hóa đã thuộc quyền sở hữa của bị đơn kể từ ngày giao hàng nên việc bị đơn sử dụng hay không sử dụng là quyền của bị đơn.

Sau khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa ngày 01/6/2020 thì nguyên đơn có phát hành hóa đơn giá trị gia tăng cho bị đơn, bị đơn có trình bày có nhận đươc hóa đơn giá trị gia tăng của nguyên đơn nhưng bị đơn không khai báo thuế. Xét thấy, Tòa án đã tiến hành xác minh tại cục thuế tỉnh Bình Dương nhưng cục thuế tỉnh Bình Dương không cung cấp được thông tin hóa đơn 0000641 do công ty TNHH nội thất cao cấp Hoàng Gia phát hành đã được khai báo thuế hay không. Xét thấy, việc bị đơn không tiến hành khai báo thuế là bị đơn từ bỏ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc được giảm thuế đầu vào của doanh nghiệp nên cũng không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa. Vì vậy nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán tiền mua hàng 3.104.308.912 đồng thấp hơn số tiền tại hợp đồng là có lợi cho bị đơn nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[9] Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán tiền phạt chậm thanh toán từ ngày 01 tháng 6 năm 2020 đến ngày 01 tháng 3 năm 2022, theo mức lãi suất 12%/01 năm. Căn cứ Điều 306 Luật thương mại 2005 quy định “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Mức lãi suất chậm thanh toán mà nguyên đơn yêu cầu thấp hơn mức lãi suất quá hạn trung bình của Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

Như đã phân tích mục [7] [8] trong hợp đồng quy định thời hạn thanh toán là sau 60 ngày kể từ ngày giao hàng, nhưng nguyên đơn chỉ yêu cầu tính lãi suất kể từ ngày 01/6/2020, xét đây sự tự nguyện của nguyên đơn nên Hội đồng xét xử ghi nhận. Vì vậy số tiền chậm thanh toán được tính như sau: 3.104.308.912 *12%/01 năm* 21 tháng = 651.904.871 đồng.

Từ những nhận định trên, có đủ cơ sở để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[9] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát về việc có cơ sở nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[10] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Bị đơn phải chịu án phí đối với yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Khoản 1 Điều 30; Điểm b Khoản 1 Điều 35; Điểm a Khoản 1 Điều 39; Điều 92; Điều 266; Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Điều 117, Điều 119 Bộ luật dân sự 2015.

- Điều 62, Điều 306 và Điều 318 của Luật Thương mại;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty cổ phần nội thất cao cấp H đối với bị đơn - Công ty TNHH Fvề việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa.

Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty TNHH F thanh toán cho Công ty cổ phần nội thất cao cấp H số tiền 350.000.000 đồng (Ba trăm năm mươi triệu đồng).

Buộc Công ty TNHH F phải thanh toán cho Công ty cổ phần nội thất cao cấp H số tiền 3.406.213.783 đồng (Ba tỷ, bốn trăm lẻ sáu triệu, hai trăm mười ba ngàn, bảy trăm tám mươi ba đồng), trong đó nợ gốc là 2.754.308.912 đồng, nợ lãi chậm thanh toán 651.904.871 đồng.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, nếu người phải thi hành án chậm thi hành thì phải trả thêm tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí:

Công ty TNHH Fphải chịu 100.124.275 đồng (Một trăm triệu, một trăm hai bốn ngàn, hai trăm bảy mươi lăm đồng).

Hoàn trả cho Công ty cổ phần nội thất cao cấp H số tiền 55.367.431 đồng (Năm mươi lăm triệu, ba trăm sáu mươi bảy ngàn, bốn trăm ba mốt đồng) theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0001804 ngày 18 tháng 10 năm 2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Nguyên đơn và bị đơn được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2, Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn