Họ nào chỉ có ở việt nam và hàn quốc

Gần 1.000 năm nay (tính từ khi thành lập vương triều Lý), người dân làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) vẫn truyền tụng câu hát "Đền Đô đến hẹn lại lên…" để nói về lễ hội lớn tại nơi thờ tự 8 vị vua nhà Lý. Quả thật, lễ hội đền Đô ngày càng thu hút sự tham gia đông đảo của không chỉ con cháu nhà Lý mà cả những người dân trên khắp Việt Nam.

Đáng chú ý là, từ năm 1994, khi ông Lý Xương Căn, người thuộc dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc tìm về cố hương thì lễ hội nơi đây càng thêm nhộn nhịp. Gần 20 năm qua, hàng chục thế hệ dòng họ Lý Hoa Sơn đã về Đình Bảng, Bắc Ninh, thắp hương cho liệt tổ, liệt tông và khẳng định dòng máu "con Rồng cháu Lạc" thiêng liêng. Và nay, có thêm đoàn con cháu dòng họ Lý Tinh Thiện ở Hàn Quốc gồm Lý Châng Kil, Lý Man Su và Lý Chul Sik cũng đã có mặt tại đền Đô đúng ngày giỗ tổ.

Đặt chân lên mảnh đất tổ tông, ông Lý Man Su, Chủ tịch Ủy ban trù bị thành lập Ban lãnh đạo dòng họ Lý Tinh Thiện không kìm nổi xúc động, nói: "Chúng tôi là hậu duệ của vị vua thứ ba của dòng họ Lý. Từ rất lâu rồi, tổ tiên luôn luôn dặn dò rằng Tổ quốc của chúng tôi là Việt Nam. Vậy mà mấy trăm năm nay, bây giờ, lần đầu tiên chúng tôi mới thực hiện được ước nguyện đó".

Ông Lý Man Su cho biết, các hậu duệ của họ Lý đều mong muốn tìm về cội nguồn và làm cầu nối văn hóa, lịch sử, kinh tế với Việt Nam. Cũng giống như những người con họ Lý ở Việt Nam, các con cháu nhà Lý ở Hàn Quốc đều coi ngày rằm tháng 3 âm lịch là ngày giỗ tổ và họ đều muốn có mặt tại Đình Bảng để tham gia lễ hội, tìm hiểu về lịch sử nhà Lý.

Còn theo ông Lý Châng Kil, kể từ khi hậu duệ đời thứ 31 của dòng họ Lý trở về Việt Nam đến từ đường họ Lý ở làng Đình Bảng làm lễ cúng bái tổ tiên ở đền Lý Bát Đế, con cháu dòng họ Lý đã được chào đón và tạo điều kiện về mọi mặt để nhận lại tổ tiên, làm ăn và sinh sống.

Bản thân những người con cháu dòng họ Lý dù trở về quê hương hay còn ở Hàn Quốc vẫn cố gắng đóng góp xây dựng và làm rạng danh nước nhà. Chính vì vậy, những đại diện đầu tiên của dòng họ Lý Tinh Thiện hôm nay sẽ tiếp nối truyền thống của những người đi trước, sẽ nỗ lực trở thành cầu nối cho kiều bào xa quê và tình hữu nghị Việt - Hàn.

"Chuyến đi này sẽ mở ra một giai đoạn sôi động giữa những người con họ Lý với quê hương", ông Lý Châng Kil nói. Với tư cách là Chi hội trưởng Chi hội Seoul của dòng họ Lý Tinh Thiện, ông Lý Châng Kil cho biết, sau chuyến trở về Việt Nam đầu tiên này, ông sẽ cùng những người con cháu họ Lý Tinh Thiện thành lập một tổ chức của dòng họ.

Họ cũng sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội nhằm giúp cho hơn 32.000 cô dâu Việt hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc và giúp cho những chàng rể Hàn Quốc hiểu về phong tục, tập quán cũng như đất nước, con người Việt Nam để biết cách xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Bên cạnh đó, đại diện của dòng họ Lý Tinh Thiện cũng sẽ có những buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bắc Ninh để tìm hiểu cơ hội đầu tư mới.

"Chúng tôi là người Việt Nam"

Điều khiến cánh nhà báo chúng tôi xúc động khi được trò chuyện với những người thuộc dòng họ Lý Tinh Thiện chính là lòng tự tôn, tự hào dân tộc của họ. Ngay từ phút đầu gặp gỡ, cả 3 ông Lý Châng Kil, Lý Man Su và Lý Chul Sik đều khẳng định họ chính là người Việt Nam, là con cháu của dòng họ Lý ở Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh).

Trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Lý Man Su còn ngỏ ý muốn xin phép Ủy ban tạo điều kiện để Chính phủ sớm công nhận là người Việt Nam. Ông Lý Man Su khẳng định, con cháu dòng họ Lý Tinh Thiện phần lớn đều thành danh ở Hàn Quốc, nhưng không bao giờ quên dòng máu Việt. Vì thế, trở về Việt Nam, họ không những muốn được công nhận là người Việt Nam mà còn mong được đồng bào người Việt biết đến dòng họ Lý Tinh Thiện, niềm tự hào của nhà Lý tại Hàn Quốc.

Họ nào chỉ có ở việt nam và hàn quốc
Ông Lý Hi Uyên (thứ 2 từ phải sang) trong trang phục thời nhà Lý tại lễ hội đền Đô ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh).

Có dịp trở lại cố hương, ông Lý Man Su kể với chúng tôi rằng tâm niệm lớn nhất của ông bây giờ là làm sao để những thế hệ sau này của dòng họ Lý Tinh Thiện luôn nhớ đến quê cha đất tổ, nhớ về ngày cúng bái lễ đường. Ông đã cùng với ông Lý Châng Kil xây dựng cả một kế hoạch chi tiết về hội của dòng họ Lý Tinh Thiện. Hiện tại, ở Hàn Quốc đang có khoảng 3.600 người mang họ Lý có nguồn gốc ở Việt Nam.

Vì thế, ông Lý Man Su mong mỏi có nhiều hoạt động gắn bó chặt chẽ với một nhánh khác của dòng họ Lý tại Hàn Quốc là Lý Hoa Sơn. Trước khi về Việt Nam, ba người họ Lý Tinh Thiện đã tìm tới Hội trưởng dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị giao lưu Hàn - Việt Lý Hi Uyên nhờ giúp đỡ và dẫn đường.

Được may mắn hơn "những người em" họ Lý Tinh Thiện, ông Lý Hi Uyên đã về Việt Nam từ năm 1994. Kể từ đó đến nay, ông đã trở lại cố hương không dưới 40 lần và không bao giờ vắng mặt trong Ngày Hội đền Đô rằm tháng 3 âm lịch.

Riêng năm ngoái, ông Lý Hi Uyên về cố hương tới 5 lần và lần nào cũng đầy ắp kỷ niệm ngọt ngào. Nước mắt nhòe đi sau đôi kính cận, ông Lý Hi Uyên cho biết, ông thực sự hạnh phúc khi được ủy quyền dẫn dắt thêm những người thuộc dòng dõi nhà Lý bị ly tán cách đây hàng mấy trăm năm trở lại quê nhà.

Là người từng trải qua những thăng trầm lớn trong cuộc hành trình tìm về cố hương, Lý Hi Uyên hiểu nỗi lòng của những người anh em Lý Tinh Thiện. Ông nguyện sẽ đem hết sức mình để giúp họ Lý Tinh Thiện sớm có được sự công nhận chính thức như dòng họ Lý Hoa Sơn.

Ông Lý Hi Uyên cho biết, gần 20 năm qua, nhiều con cháu của dòng họ Lý Hoa Sơn đã tìm về Việt Nam đầu tư, kinh doanh, góp một phần công sức cho sự nghiệp phát triển của cố hương. Tuy nhiên, những hoạt động đó vẫn mang tính chất cá nhân như việc kinh doanh và mở công ty của ông Lý Xương Căn (người con họ Lý đầu tiên trở về Việt Nam sau khi hòa bình lập lại) và Lý Tường Tuấn (Chủ tịch Tập đoàn Golden Bridge).

Thời gian tới, dòng họ Lý Hoa Sơn sẽ cùng với dòng họ Lý Tinh Thiện tổ chức các chương trình lớn với mục đích trở thành cây cầu hữu nghị cho tình đoàn kết, tình hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc, đồng thời cũng là những món quà tri ân mà những người thuộc dòng họ Lý ở Hàn Quốc muốn gửi lại những người anh em Việt Nam cùng chung huyết thống.

Đi tìm dòng họ Lý Tinh Thiện

Là người trẻ tuổi nhất trong 3 anh em dòng họ Lý Tinh Thiện về Việt Nam, Lý Chul Sik giới thiệu với chúng tôi những gì mà ông sưu tầm được về dòng họ của mình. Qua người phiên dịch cũng là một người con nhà Lý đang sinh sống ở Bắc Ninh là Lý Thế Vọng, ông Lý Chul Sik cho biết, tuy ghi chép trong gia phả của dòng họ ông có lúc bị gián đoạn, song con cháu luôn ý thức gìn giữ từ đời này qua đời khác để có bằng chứng tìm về cố quốc.

Theo như lời người dịch và xác nhận của ông Lý Chul Sik thì cụ tổ của dòng họ Lý Tinh Thiện là Hoàng tử Lý Dương Hoán (nhưng thực chất là Hoàng tử Lý Dương Côn), con vua Lý Càn Đức (tức vua Lý Nhân Tông). Sau một chuyến công cán sang Trung Quốc và qua thăm đất nước Triều Tiên cổ, Hoàng tử đã quyết định định cư tại miền Bắc nước này. Cái tên Lý Tinh Thiện chính là tên ghép của họ Lý và địa danh nơi Hoàng tử sinh sống. Như vậy đến nay, dòng họ Lý Tinh Thiện đã sinh sống tại Hàn Quốc được hơn 900 năm.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà sử học Hàn Quốc và Việt Nam mới được công bố thì cụ tổ của dòng họ Lý Tinh Thiện là Hoàng tử Lý Dương Côn, con nuôi của vua Lý Nhân Tông, em vua Lý Thần Tông 1128 -1138 (tức Lý Dương Hoán). Vua Lý Nhân Tông không có hoàng nam nên đã nhận con của các thân vương trong hoàng tộc làm con nuôi. Khi vua Lý Thần Tông băng hà, Thái tử Thiên Tộ còn ẵm ngửa, triều thần muốn tôn con của Thành Quảng hầu là Lý Dương Côn lên nối ngôi. Nhưng vợ của vua Lý Thần Tông là Cảm Thánh Thái hậu nhờ có tình nhân là Đỗ Anh Vũ giúp đỡ, đã loại hết các địch thủ, âm mưu giết hết tông tộc của các thân vương.

Bấy giờ Kiến Hải vương Lý Dương Côn đang là đô đốc Thủy quân, bèn đem gia tộc xuống chiến thuyền chạy sang Cao Ly. Cũng theo thông tin của các nhà sử học thì Hoàng tử Lý Dương Côn lưu lạc và định cư ở vùng Tinh Thiện (Cao Ly) trước Hoàng tử Lý Long Tường khoảng 100 năm.

Các tài liệu cho biết nhiều hậu duệ của Hoàng tử Lý Dương Côn làm quan to trong các triều đại ở Hàn Quốc.

Chẳng hạn, đời thứ 2 là Lý Lan làm đến chức Kim tử Quang lộc đại phu Lễ nhi phán thư. Đời thứ 3 là Lý Mậu Trinh làm đến chức Khuông Tĩnh đại phu Chính đường văn học. Đặc biệt là hậu duệ đời thứ 6 Lý Nghĩa Mẫn được phong Đại Tướng quân, Tây Bắc bộ binh mã sứ … Công lao của ông đối với Cao Ly cũng được thể hiện trong một bộ phim dã sử do Đài truyền hình KBS (Hàn Quốc) thực hiện, trong đó nói rõ Lý Nghĩa Mẫn là dòng dõi hoàng tộc nhà Lý ở An Nam (Việt Nam).

Như vậy, tại Hàn Quốc hiện nay tồn tại hai chi của dòng họ Lý có nguồn gốc Việt Nam. Hai Hoàng tử Lý Dương Côn và Lý Long Tường dù phải trốn khỏi quê hương do loạn lạc, đã lưu danh sử sách nơi xứ người bằng những cống hiến to lớn cho lịch sử. Và nỗi nhớ cố hương khôn nguôi của những "cụ tổ" họ Lý ở Hàn Quốc này đã thôi thúc hậu duệ hàng mấy chục đời sau tìm lại cội nguồn của mình.

Lịch sử Việt Nam mãi khắc ghi công đức của các vị vua đời Lý và cả tấm lòng hướng về nguồn cội nơi con cháu họ