Người dạy chữ nho thời trước gọi là cụ gì năm 2024

Website: Gia Phả

Trang chủ > Các chữ thường được dùng trong gia phả, bài vị, bia mộ

Các chữ thường được dùng trong gia phả, bài vị, bia mộ

06/10/2022 15:21:53

Sau đây là một số chữ thường gặp trong gia phả, bài vị, bia mộ… Hãy thử tìm hiểu ý nghĩa và cách dùng của chúng…

  1. Khảo, tỷ

Trong dân gian, các vị tổ tiên sau khi an táng, khi đặt thụy hiệu bài vị cụ ông thường ghi khảo [考], cụ bà ghi thêm tỷ [妣] (đời cha, mẹ không gọi phụ, mẫu, mà gọi là khảo, tỷ và thường hay thêm chữ hiển [顯,giản thể 显] nếu cha mẹ đã mất thành hiển khảo, hiển tỷ). Tại nông thôn, nhiều vùng tới nay vẫn còn dùng khảo để gọi cha mẹ ngay cả khi họ còn sống (ông khảo, bà khảo).

Hai chữ khảo và tỷ này xuất phát tử đâu?

Người Trung Hoa có câu thành ngữ "như táng khảo tỷ" [如喪考妣], chỉ sự đau thương tột cùng như khi táng cha mẹ, có thể thấy "khảo" và "tỷ" dường như không liên quan đến ý nghĩa mất, chết mà chính nghĩa là công lao bố, mẹ, sau này được dùng kết hợp trong bài vị để ca tụng, dần dần chuyển mang nghĩa: cha mẹ đã mất. Theo "Khảo công ký" giải thích: "Khảo, tức thành. Tỷ, tức sánh bằng". Ý rằng, công nghiệp dưỡng dục con cái của cha đã cáo thành, viên mãn. Đức nghĩa, công lao của mẹ với con cái và với gia đình cũng to lớn, sánh tày. Khảo, tỷ phản ánh tư tưởng truyền thống "nam chủ ngoại, nữ chủ nội" trong tâm thức người Trung Hoa.

Trước khảo, tỷ thường đặt chữ "hiển". "Hiển" tức ý thanh danh thâm viễn, đức hạnh rực rỡ. "Hiển khảo", "hiển tỷ" tức công ơn, đức hạnh của cha mẹ sau khi mất vẫn hiển rạng, còn mãi. Khi lập bài vị, thường viết "hiển khảo", "hiển tỷ" để biểu dương ca ngợi đức hạnh của cha mẹ và tỏ tấm lòng thành kính hàm ơn của con cháu.

Cổ đại giảng về Tam bất mục (Ba điều không mục nát) có: "Thái thượng lập đức, kỳ thứ lập công, kỳ thứ lập ngôn". Công và ngôn không phải gia đình nào cũng có, nhưng đức thì luôn luôn rạng tỏ, bởi vậy mà hiển khảo, hiển tỷ là từ đặt thụy phổ thông của con cháu với tổ tiên của mình.

  1. Phủ quân, nhụ nhân, tiên sinh, phu nhân

Cuối tên họ và trước hai chữ thần vị (nếu có) trong các bài vị, văn bia thường đề thêm các chữ:

1. Với nam: tiên sinh, phủ quân.

2. Với nữ: phu nhân, nhụ nhân.

Xuất xứ của các chữ này đến từ đâu?

- Tiên sinh, nguyên là từ tôn xưng những người có học, hoặc làm nghề trí thức, dạy học thời Hán, tới nay vẫn dùng để chỉ đàn ông có tri thức, học vấn.

- Phủ quân, nguyên là từ tôn xưng quận tướng, thái thú thời Hán và tôn xưng thần linh nói chung. Người xưa cũng dùng từ này để tôn xưng người đã quá cố là nam, đặc biệt dùng nhiều trong văn bia, mộ chí.

- Phu nhân, nguyên là tên tôn xưng vợ của chư hầu thời Chu. Đến đời Hán dùng tôn xưng vợ của liệt hầu. Liệt hầu chết, con kế vị, gọi mẹ là "Thái phu nhân". Vợ cả của hoàng đế đời Hán cũng gọi là phu nhân. Đời Đường, mẹ hoặc vợ của chư hầu, quan nhất phẩm, quốc công gọi là "Quốc phu nhân"; mẹ hoặc vợ của quan tam phẩm trở lên gọi là "quận phu nhân". Đời Tống, vợ của quan viên nhất phẩm, nhị phẩm đều được phong là "phu nhân". Đời Thanh, vợ của người được phong tới "phụ quốc tướng quân" được gọi là "phu nhân". Vào thời cổ, phu nhân cũng là từ tôn xưng phụ nữ nói chung.

- Nhụ nhân: thời cổ nguyên là tôn xưng vợ của quan đại phu, đời Thanh là phong hiệu vợ hoặc mẹ của quan thất phẩm. Đây cũng là từ tôn xưng người phụ nữ nói chung.

Các gia đình có học thức, hiểu biết hoặc có chức sắc thường thêm vào cuối tên họ cha mẹ, ngay trước chữ "thần vị", bia mộ hai chữ Tiên sinh - phu nhân hoặc Phủ quân - Nhụ nhân. Sau trong dân gian cũng học tập dùng các chữ này để tôn xưng cha mẹ sau khi mất, không phân biệt có chức sắc và không chức sắc, trở thành một lệ thường.

  1. Tên húy, tự, thụy, hiệu

- Tên húy 諱: là tên thật do cha mẹ đặt. Khi chết gọi là tên húy, mà lúc sống gọi là danh. Thí dụ “Võ gia sinh húy bộ”, là tập sách ghi ngày sinh và tên húy của các vị đã mất nhà họ Võ. “Tổ khảo Phan tam lang húy Chỉnh”, câu này có nghĩa: Ông nội là con thứ ba họ Phan tên Chỉnh, lúc sanh thời có tên là Chỉnh.

- Tên tự 字: trên 20 tuổi, mỗi người được đặt thêm 1 tên mới gọi là tự, gọi là biểu tự, và thường có 2 chữ. Thí dụ: Nguyễn Du tự là Tố Như, Khổng-tử tên là Lí 鯉, tên tự là Bá-ngư 伯 魚… Theo kinh lễ, có một lễ gọi là Quan (còn đọc là quán) 冠 - một trong tứ lễ theo sách Gia Lễ của Chu Tử : quan, hôn, tang, tế. Ngày xưa, con trai 20 tuổi thì làm lễ đội mũ, cho nên con trai mới 20 tuổi gọi là nhược quán 弱 冠, chưa đến 20 tuổi gọi là vị quán 未冠.

- Thụy 諡, 謚, 谥: lúc người sắp chết người khác đem tính hạnh của người sắp chết ấy so sánh rồi đặt cho một tên khác để khi cúng giỗ khấn đến gọi là thụy, ta gọi là tên cúng cơm.

- Hiệu 號, 号: tên dùng ngoài đời, không phải tên thật.

Thí dụ tên cha mẹ đặt cho là Hiển - Nguyễn Doãn Hiển. Trong gia phả lại ghi “Nguyễn quý công tự Phúc Hiển”, điều này có nghĩa, lúc sinh thời ông Hiển không có tên tự, khi mất thầy cúng lấy luôn tên khai sinh đó làm tên tự. Nếu người đó hưởng dương từ 50 tuổi trở lên thì đặt trước tên chữ "Phúc", còn dưới 50 tuổi đến 20 tuổi thì chữ "Trực", còn dưới 20 là chết yểu thì không ghi tên tự. Việc này để viết giấy sớ và cúng khấn hay bia mộ, phú ý thôi.

Đây là cách xưng hô dành cho người mất ở mỗi độ tuổi có một danh từ khác nhau:

1-10 gọi là đào hoa

10-20 gọi là thanh xuân

20-30 gọi là xuân quang

30-40 gọi xuân dương

40-50 gọi là dương quang

50-60 gọi là thu sương

60-70 gọi là hà linh

70-80 gọi là thọ kỳ

80-90 gọi là mạo điệt

90-100 gọi là kỳ di

Còn một cặp từ nữa là “ông mãnh”, “bà cô”:

- Ông mãnh là người nam chết trẻ còn chưa lập gia đình, độ tuổi từ 13 tuổi trở lên hoặc là người đàn ông sống độc thân khi chết trung tuổi hoặc cao tuổi.