Sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam

Làm rõ hơn bản chất, giá trị cốt lõi của CNXH

Đánh giá cao về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong cuốn sách của Tổng Bí thư, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thực tế con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam đã chứng minh đây là con đường tất yếu, là quy luật khách quan mà chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra.

Tuy nhiên, con đường đi lên CNXH của chúng ta còn gập ghềnh, khó khăn và còn trong thời kỳ quá độ; trong khi CNXH trên thế giới hiện nay chỉ có một số nước đi theo mà mỗi nước lại có con đường riêng, không nước nào giống nước nào, bởi con đường đó được chọn theo quan điểm của mỗi quốc gia, mỗi Đảng cầm quyền.

Ở Việt Nam, Đảng ta cầm quyền có đủ uy tín, được lòng dân, được dân ủng hộ và Đảng ta đã lãnh đạo thắng lợi mọi cuộc cách mạng tại Việt Nam và sẽ lãnh đạo thắng lợi trong phát triển kinh tế, xây dựng CNXH.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương Lương Anh Tế cũng đánh giá các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lời lẽ dung dị, dễ hiểu, có sức cảm hóa, lan tỏa đặc biệt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tổng Bí thư đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn và từng bước lý giải từng câu hỏi đó bằng những lập luận sắc bén, bằng trí tuệ và sự kiên định của người chiến sĩ cộng sản.

Ông Lương Anh Tế - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương

Theo đó, Tổng Bí thư đã khẳng định, xã hội chủ nghĩa với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới là một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.

“Có thể thấy, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và sự phát triển sáng tạo, hoàn thiện tư duy lý luận, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; về mục tiêu, định hướng và giải pháp xây dựng đất nước trong bối cảnh mới; giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, nắm vững, quán triệt, tổ chức thực hiện thành công CNXH ở Việt Nam, tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc”, ông Tế nhấn mạnh.

Đề cao tư tưởng coi trọng văn hóa

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng đánh giá rất cao quan điểm văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Theo ông, quan điểm này là đúng hướng, đúng đường, là vấn đề hệ trọng và mới mà Tổng Bí thư đã nêu lên. Bởi văn hóa là “món ăn” tinh thần, là tiền đề, nền tảng để phát triển kinh tế. Thời gian qua, chúng ta ưu tiên phát triển kinh tế nhưng cũng phải quyết tâm, quyết liệt để đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị nhằm đảm bảo nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tập trung phát triển văn hóa trên tất cả lĩnh vực.

Tuy nhiên, ông Hòa nhận thấy, văn hóa của chúng ta vừa qua có sự mai một, như về giáo dục còn nhiều thứ phải bàn, phải sửa từ cấp mầm non đến đại học để ngang tầm với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hay trong hoạt động lễ hội, chúng ta đã phục hồi gần như hoàn toàn các lễ hội dân gian, nhưng chưa bài trừ triệt để tình trạng mê tín, kể cả trong đội ngũ cán bộ.

Sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Vấn đề quan trọng là chúng ta phải xem lại cách làm, cách thức thực hiện để nền văn hóa Việt Nam thực sự tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta bây giờ đã nhìn thấy, nhận thức rõ ràng, rành mạch phải đưa văn hóa phát triển ngang tầm, song hành cùng kinh tế, chính trị nhưng ông Hòa cho rằng, tùy thời điểm sẽ phải có lĩnh vực ưu tiên để chúng ta vừa có đủ điều kiện phát triển kinh tế, vừa củng cố nền văn hóa Việt Nam.

Ông Lương Anh Tế cũng thống nhất với quan điểm coi trọng văn hóa trong quá trình xây dựng đất nước của Tổng Bí thư đã nêu trong cuốn sách. Tổng Bí thư đã khẳng định: Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; “văn hoá còn thì dân tộc còn”, văn hóa “thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng”. Có như vậy mới tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra.

Đại tá, Nhà báo Phùng Kim Lân (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)   -   Thứ tư, 16/02/2022 09:13 (GMT+7)

Sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam
Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Loài người nhất định tiến tới CNXH

Để khẳng định con đường phát triển của lịch sử loài người là khách quan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu khi CNXH còn là một hệ thống thế giới. Tổng Bí thư chỉ rõ: “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định”. Nhưng diễn biến tình hình sau đó đã khác. Đúng như tác giả cuốn sách đề cập, sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì “vấn đề đi lên CNXH lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt”. 

Sau khi phân tích toàn diện và sâu sắc tình hình thế giới từ khi Liên Xô sụp đổ, đặc biệt những luận điệu xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch, những diễn biến tư tưởng trong hàng ngũ cách mạng, tư tưởng hoài nghi về tính đúng đắn, khoa học của CNXH, của chủ nghĩa Mác-Lênin... tác giả cuốn sách đã đặt ra các câu hỏi: “Thực tế có phải như vậy không? Thực tế có phải hiện nay chủ nghĩa tư bản, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?” 

Với tầm tư duy lý luận sắc bén, chặt chẽ, khúc triết và thuyết phục, tác giả cuốn sách đã trả lời từng câu hỏi nêu ra. Trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, mặt hạn chế, những mâu thuẫn nội tại, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng của thế giới nói chung và chủ nghĩa tư bản (CNTB) nói riêng, tác giả cuốn sách đã chỉ rõ bản chất bóc lột của CNTB là không thể che đậy và những mâu thuẫn vốn có của nó, cũng như các cuộc khủng hoảng “không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ TBCN”.

Tác giả đặt vấn đề “chỉ đi vào một số khía cạnh về CNXH từ góc nhìn thực tiễn của Việt Nam”. Nhưng thực chất đứng vững trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ những phân tích sự vận động, phát triển khách quan của xã hội loài người, những mâu thuẫn nội tại trong lòng chế độ tư bản và tính ưu việt của chế độ XHCN mà loài người đang hướng tới, tác giả cuốn sách khẳng định thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH bởi đó là quy luật tiến hóa khách quan của loài người, không thể khác.

Mô hình CNXH ở Việt Nam

Cùng với việc khẳng định CNXH vẫn là mục tiêu hướng tới của loài người, trên nền tảng tư duy lý luận sâu sắc, trọng tâm của cuốn sách là phân tích, lý giải những câu hỏi lớn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta, Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định: Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Điều này cũng đã được Đảng ta khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011). 

Bạn đọc dễ thấy những đặc trưng của CNXH ở Việt Nam qua cuốn sách này. Trong bài viết đầu tiên, tác giả đặt ra các câu hỏi về CNXH và lần lượt đưa ra câu trả lời. Bằng cách lập luận chặt chẽ, lý giải logic và văn phong đại chúng, dễ hiểu từng vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình CNXH ở Việt Nam đã được tác giả thể hiện rõ ràng, rành mạch. Tổng Bí thư chỉ rõ những điều chúng ta cần, đó là: Một xã hội mà trong đó “sự phát triển là thực sự vì con người”; “sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội”; “nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”; “sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”; “một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”. 

Những điều tốt đẹp mà Tổng Bí thư nêu chính là những giá trị đích thực của CNXH, đó là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. 

Nhận thức của Tổng Bí thư thể hiện trong cuốn sách, đồng thời là nhận thức mới của Đảng ta về những đặc trưng của CNXH ở Việt Nam. Mô hình ấy chính là sự sáng tạo riêng có của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những nhận thức mới ấy là hoàn toàn đúng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn Việt Nam. Có thể khẳng định, thành tựu phát triển lý luận và tổng kết thực tiễn mới nhất của Đảng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã được tác giả đúc kết, thể hiện rõ trong cuốn sách này. 

Thắng lợi chỉ đến khi trên dưới chung sức, đồng lòng

Không chỉ giúp cho người đọc nhận thức sâu sắc hơn về CNXH, tác giả cuốn sách còn chỉ ra cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu con đường chuyển biến từ chế độ TBCN lên CNXH không phải trải thảm đỏ, dải hoa hồng, không phải là một sớm một chiều mà nhiều chông gai, thử thách, quanh co và phức tạp.

Để giành thắng lợi trên con đường xây dựng CNXH, trong cuốn sách, tác giả nhiều lần nhấn mạnh tinh thần đổi mới, sáng tạo; quyết tâm cao; sự chung sức, đồng lòng; giữ nghiêm kỷ cương, phép nước... Dù bài viết về vấn đề gì, phát biểu với ngành nào, lĩnh vực, cơ quan nào, tác giả đều thể hiện rõ tình cảm, trách nhiệm và sự tâm huyết. Các bài viết, bài phát biểu đều đầy ắp thông tin, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc. Chính bằng sự tâm huyết ấy mà những bài phát biểu tại các hội nghị của Tổng Bí thư đều nhận được sự hưởng ứng rất cao.

Cùng với nhấn mạnh nhận thức về vị trí, vai trò; bám sát chức năng, nhiệm vụ bao giờ Tổng Bí thư cũng chỉ ra những định hướng, chỉ đạo có tính khái quát, tổng thể, toàn diện, sâu sắc, cả trước mắt và lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm và gợi mở những chủ trương, giải pháp, cách làm vừa chung cho nhân dân cả nước, vừa cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan. Cách khái quát của tác giả ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; không nặng nề, chung chung, dài dòng. Chẳng hạn trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa. Mượn lời của tiền nhân, Tổng Bí thư khái quát: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Chỉ bấy nhiêu thôi tác giả đã giúp người đọc hiểu rõ vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa.

Những vấn đề tưởng như khô cứng được tác giả “mềm hóa”, dễ tiếp thu. Chẳng hạn khi bàn về kỷ cương, phép nước trong bài phát biểu tại Hội nghị các cơ quan Nội chính toàn quốc, Tổng Bí thư ví như một gia đình muốn êm ấm, hoà thuận, giàu mạnh, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp: “Trên kính dưới nhường”, có tôn ti trật tự, chứ không thể vô lễ, vô phép, “cá mè một lứa”, “thượng hạ bằng đẳng”... Từ chuyện gia đình, Tổng Bí thư liên hệ với một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, pháp luật nghiêm minh... không có cái kiểu “nhà kia lối phép con khinh bố, mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” như cụ Tú Xương từng phê phán.

Cùng với đó trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, tác giả cuốn sách đặc biệt nhấn mạnh phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, nói đi đôi với làm. Theo Tổng Bí thư chỉ có như vậy thì kết quả mới được nâng lên, năm sau mới cao hơn năm trước, nhiệm kỳ sau mới cao hơn nhiệm kỳ trước. Về giải pháp, cách làm, tác giả nhấn mạnh phải có bài bản, lớp lang, khoa học trên tinh thần thường xuyên đổi mới, sáng tạo, linh hoạt. Để thành công Tổng Bí thư đã chỉ rõ vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng là phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Có thể nói tư tưởng, tinh thần đoàn kết “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt” luôn được Tổng Bí thư nhấn mạnh trong cuốn sách.

Không kinh viện, giáo điều, “tầm chương trích cú, nhưng cũng không vụn vặt, dễ dãi mà những gì thể hiện trong cuốn sách đều được chắt lọc từ thực tiễn sinh động sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn con đường chúng ta đang đi và đi như thế nào, từ đó thêm vững tin, thêm quyết tâm hành động vì những giá trị cốt lõi của CNXH, vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.