Tác phẩm văn học về kháng chiến chống Mỹ

 “Ta đi làm ánh sao băng giữa đời”-có lẽ không khó để tìm thấy những âm điệu lạc quan và tràn trề hứng khởi ấy trong văn học kháng chiến chống Mỹ. Cũng tinh thần chủ đạo ấy đã làm nên một nền văn học cách mạng khỏe khoắn, cổ vũ tinh thần cho cuộc chiến đấu trên các mặt trận. Chưa bao giờ chủ nghĩa anh hùng cách mạng được khơi dậy một cách mãnh liệt như trong giai đoạn này.

Đồng hành với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, trong văn học nghệ thuật Việt Nam đã hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ với những nhận thức mới, hành trang mới. Cống hiến của họ cho sự nghiệp chung của đất nước không chỉ được ghi nhận qua sáng tác, mà rất nhiều trong số họ đã trực tiếp cầm súng chiến đấu và hy sinh. Những đóng góp ấy đã đưa “văn học, nghệ thuật nước ta xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay” (Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, dẫn theo “Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước”, NXB Khoa học xã hội, 1979).

Đặc biệt, giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), với mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã ghi nhận sự phong phú, đa dạng hóa các đề tài, nội dung, thể loại văn học, đồng thời chứng kiến sự “chín muồi” của các cây bút trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là sự xuất hiện của một thế hệ tác giả mới đầy nhiệt huyết.

Tác phẩm văn học về kháng chiến chống Mỹ
Cán bộ, chiến sĩ tham quan triển lãm sách chào mừng ngày Chiến thắng 30-4.

Về văn xuôi, có thể kể đến: Nguyễn Trung Thành với các tác phẩm “Rừng xà nu”, “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”; Nguyễn Thi với “Những đứa con trong gia đình”; Nguyễn Minh Châu với “Dấu chân người lính”, “Mảnh trăng cuối rừng”; Phan Tứ với “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi”; Anh Đức với “Bức thư Cà Mau”, “Hòn đất”; Trần Đình Vân với “Sống như anh”...

Về thơ có: Giang Nam với “Tháng Tám ngày mai”, “Quê hương”; Nguyễn Khoa Điềm với trường ca “Mặt đường khát vọng”; Thu Bồn với trường ca “Bài ca chim Chơ rao”; Phạm Tiến Duật với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”; Lê Anh Xuân với “Hoa dừa”; Xuân Quỳnh với “Hoa dọc chiến hào”, “Gió Lào cát trắng”...

Về kịch có: Lưu Trọng Lư với “Tuổi 20”; Tào Mạt với “Trong phòng trực chiến”; Thiết Vũ với “Mầm xanh, tội ác”; Tất Đạt với “Một vùng trời”...

Sống giữa chiến trường mà “cái chết còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm” (Đặng Thùy Trâm), họ viết về Tổ quốc, nhân dân, về ước mơ hòa bình, về khát vọng thống nhất hai miền Nam-Bắc, về hiện thực khói lửa khốc liệt... Những sáng tác ra đời trong bom đạn có máu, có nước mắt, có nỗi đau mất mát, nhưng luôn sáng lên những giai điệu hành quân hào sảng: "Thế là đã bắt đầu rồi. Đốt lửa lên!... Đứng trên đồi xà nu gần con nước lớn, suốt đêm nghe cả rừng Xô-man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng" (“Rừng xà nu”-Nguyễn Trung Thành); "Chúng con đi từng trận gió rừng/ Cả thế hệ xoay trần đánh giặc" (“Những người đi tới biển”-Thanh Thảo).

Trong đoàn quân từ miền Bắc xung phong vào Nam chiến đấu, đặc biệt những năm 1960-1970, không thể không nói tới một thế hệ “tài hoa ra trận”. Họ là những cây bút chuyên nghiệp hoặc đơn giản là người chiến sĩ yêu thích văn chương như: Nhà báo Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Chu Cẩm Phong, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chàng sinh viên Nguyễn Văn Thạc... Đó là những con người mà số phận của họ đã góp phần làm nên những hồi ức thăng hoa của lịch sử đất nước. Chiến tranh từ cái nhìn của những con người “văn chương” này bi tráng, hào hùng, đau thương, tổn thất, nhưng giữa bom đạn, họ vẫn dành những góc riêng tư trong tâm hồn để mơ mộng, để hy vọng và say sưa với những vẻ đẹp giản dị, tinh tế của miền Bắc yêu thương mà họ đã phải rời xa.

Từ văn xuôi đến thơ ca, kịch thời kỳ này đều mở rộng phạm vi miêu tả, phản ánh chuyển biến của từng giai đoạn chiến đấu, đồng thời phản ánh đời sống gian khổ mà kiên cường của nhân dân miền Nam. Thực tiễn chiến đấu đã hình thành nên những hình ảnh đẹp về người lính. Trước hết, đó là vẻ đẹp của tư thế chính nghĩa, chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước, đó còn là vẻ đẹp của những con người luôn đứng trong tập thể, chiến đấu cùng tập thể. Không ít tác phẩm khắc họa được những chân dung tập thể, những đội ngũ quần chúng cách mạng như: “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” (Hồ Phương); “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật)... “Giờ đây khi số phận mỗi cá nhân đều gắn bó khăng khít với nhân dân, với đất nước, khi tầm vóc của con người dường như đã được nâng lên tầm dân tộc, thì câu chuyện về một con người..., cũng không thể được định đoạt trong một giới hạn chật hẹp nữa rồi” (“Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước”, NXB Khoa học xã hội, 1979). Đặc biệt, rất nhiều nhân vật trong văn học 1945-1975 đã trở thành điển hình cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Anh hùng Núp, Nguyễn Văn Trỗi, chị Tư Hậu, chị Út Tịch...

Nhìn chung, văn học kháng chiến chống Mỹ là một nền văn học chiến đấu, được tiếp sức từ nguồn mạch văn học cách mạng, đã có sự phát triển về lượng và chất để nhập cuộc một cách mãnh liệt vào thực tế kháng chiến. Những sáng tác văn học thời kỳ này là nguồn cổ vũ lớn lao cho cả tiền tuyến và hậu phương, thậm chí có “sức mạnh của một sư đoàn” (lời đánh giá thơ Phạm Tiến Duật) trong thời chiến, đến nay trong thời bình, vẫn gợi những cảm xúc mãnh liệt về một thời hào hùng không thể nào quên. Còn gì đẹp hơn lòng lạc quan và ý chí sắt đá này của những con người trẻ tuổi khi Tổ quốc lâm nguy: "Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/… nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc" (Thanh Thảo); “Cái gì mọi người vượt qua được thì mình đều có thể vượt qua được. Phải lao vào cuộc sống với một tinh thần như thế. Và mình nghĩ: Khi sức sống đã dồi dào, có lẽ chả có sức mạnh độc ác nào vùi dập nổi sự vươn lên... Những chồi non mạnh khỏe không hề biết sợ... Đáng sợ nhất là lòng ta nguội lạnh, chính ta tự hủy nhựa sống trong ta. Còn nếu ta vẫn còn nguyên vẹn nhiệt tình và sức sống thì không một thế lực nào, một sự tàn phá nào, một khó khăn nào khiến ta chùn bước, khiến ta gục ngã” (Chu Cẩm Phong).

Khó có thể có tinh thần nào khác như vậy được, bởi “thế hệ chúng tôi còn có sự lựa chọn nào khác hơn là chọn niềm vui trong sự dấn thân vì đại nghĩa của dân tộc và con người?” ("Dương Thị Xuân Quý-Nhật ký, tác phẩm", NXB Hội Nhà văn, 2007).

Và cũng không có khúc khải hoàn nào xứng đáng hơn cho tinh thần ấy bằng khúc khải hoàn ngày 30-4-1975 lịch sử!

Nguồn: QĐND

THPT Sóc Trăng hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 18 sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 phần soạn bài Khái quát văn học Việt Nam từ đầu cách mạng tháng tám 1945 đến thế kỉ XX chi tiết nhất.

Đề bài:

Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 phát triển qua mấy chặng? Nêu những thành tựu chủ yếu của mỗi chặng.

Bạn đang xem: Bài 2 trang 18 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Trả lời bài 2 trang 18 SGK văn 12 tập 1

Để soạn bài Nghị luận về một tư tưởng đạo lí lớp 12 kì 1 tối ưu nhất, THPT Sóc Trăng tổng hợp nhiều cách trả lời khác nhau cho nội dung câu hỏi bài 2 trang 18 trong phần nội dung Soạn văn 12 như sau:

Cách trả lời 1

Văn học từ 1945 – 1975 chia thành 3 chặng:

– Văn học thời chống Pháp ( 1945- 1954)

– Văn học thời kì xây dựng XHCN ( 1955- 1964)

– Văn học thời chống Mỹ (1965- 1975)

* Thành tựu

– Văn học thời chống Pháp: gắn với cách mạng, hướng tới đại chúng, ca ngợi dân tộc, niềm tin tương lai kháng chiến

+ Truyện ngắn và kí: Một lần tới thủ đô (Trận Phố Ràng – Trần Đăng); Đôi mắt (Nam Cao); Làng (Kim Lân); Kí sự Cao Lạng (Nguyễn Huy Tưởng), Xung kích (Nguyễn Đình Thi) …

+ Thơ ca: Cảnh khuya, Rằm tháng Giêng (Hồ Chí Minh), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm); Đồng chí (Chính Hữu) …

+ Kịch ngắn: Bắc Sơn, Những người ở lại (Nguyễn Huy Tưởng) …

+ Lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học: Nhận đường, Mấy vấn đề về nghệ thuật (Nguyễn Đình Thi), Nói chuyện thơ ca kháng chiến (Hoài Thanh) …

– Văn học 1955- 1964: tập trung thể hiện hình ảnh người lao động, ngợi ca những thay đổi của đất nước và con người trong XHCN

+ Văn xuôi : Đi bước nữa (Nguyễn Thế Phương); Mùa lạc (Nguyễn Khải); Anh Keng (Nguyễn Kiên), …

_Viết về kháng chiến chống Pháp đã qua: Sống mãi với thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng); Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai); Trước giờ nổ súng (Lê Khâm) …

_Hiện thực trước CM: Mười năm (Tô Hoài); Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi); Cửa biển (Nguyên Hồng) …

_Hợp tác hóa nông nghiệp hóa XHCN miền Bắc: Mùa lạc (Nguyễn Khải); Cái sân gạch (Đào Vũ) …

+ Thơ ca với hai cảm hứng nổi bật:

Hiện thực cuộc sống, vẻ đẹp của con người trong CNXH: Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, … (Huy Cận); Gió lộng (Tố Hữu); Ánh sáng và phù sa (Chế Lan Viên) ….

+ Kịch nói: Ngọn lửa (Nguyên Vũ), Chị Nhàn, Nổi gió (Đào Hồng Cẩm) …

– Văn học thời kì 1965- 1975: khai thác đề tài chống Mĩ cứu nước, chủ đề ca ngợi tinh thần và chủ nghĩa anh hùng

+ Sáng tác miền Nam: Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi); Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành); Hòn đất (Anh Đức) …

+ truyện kí: Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng), Mẫn và tôi (Phan Tứ) …

+ Thơ ca: Ra trận, Máu và hoa (Tố Hữu); Những bài thơ đánh thắng giặc (Chế Lan Viên); Đầu súng trăng treo (Chính Hữu) …

+ Kịch: Đại đội trưởng của tôi (Đào Hồng Cẩm); Đôi mắt (Vũ Dũng Minh) …

Cách trả lời 2

Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến 1975 trải qua các chặng:

+ Chặng đường từ 1945 đến 1954.

+ Chặng đường từ năm 1955 đến 1964.

+ Chặng đường từ 1965 đến 1975.

Những thành tựu chủ yếu:

* Chặng đường từ 1945 đến 1954

– Từ năm 1945 – 1946: một số tác phẩm phản ánh không khí hồ hởi, vui sướng của nhân dân ta khi đất nước vừa giành được độc lập.

– Từ năm 1946 – 1954:

+ Thể loại truyện và ký: đây là thể loại mở đầu cho văn xuôi kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm tiêu biểu: Đôi mắt, Nhật ký ở rừng ( Nam Cao)…

+ Thơ ca: đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, cảm hứng xuyên suốt là tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc, ca ngợi cuộc kháng chiến và con người và con người kháng chiến. Tác phẩm tiêu biểu: Cảnh khuya, Rằm tháng giêng (Hồ Chí Minh), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm)…

+ Kịch: Một số vở kịch gây được sự chú ý, phản ánh hiện thực cách mạng và kháng chiến.

Ngoài ra còn lí luận, nghiên cứu, phê bình văn học…

* Chặng đường từ năm 1955 đến 1964:

– Văn xuôi: bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, ký. Các tác giả mở rộng đề tài, bao quát được khá nhiều vấn đề và phạm vi của hiên thực cuộc sống.

– Thơ ca phát triển mạnh mẽ, cảm hứng chủ đạo là sự hồi sinh của đất nước sau những năm kháng chiến chống Pháp, thành tựu bước đầu của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, nỗi đau chia cắt hai miền Nam – Bắc. Những tác phẩm tiêu biểu: tập Gió lộng (Tố Hữu), tập thơ Ánh sáng và phù sa (Chế Lan Viên)…

* Chặng đường từ 1965 đến 1975:

– Văn xuôi: những truyện ký, viết trong máu lửa và chiến tranh đã phản ánh nhanh nhạy và kịp thời cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam anh dũng. Miền Bắc truyện ký cũng phát triển mạnh.

– Thơ ca: đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, là một bước phát triển mới của thơ ca Việt Nam hiện đại.

+ Tập trung thể hiện cuộc gia quân vĩ đại dân tộc.

+ Khám phá sức mạnh của con người.

+ Sự xuất hiện những đóng góp của thế hệ nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ cứu nước, họ đem đến cho thơ Việt nam hiện đại một tiếng thơ mới mẻ, sôi nổi và vẫn thấm đợm suy tư, triết lí.

Cách trả lời 3

Văn học Việt Xam 1945 – 1975 phát triển qua ba giai đoạn:

a. 1945 – 1954

–   Chủ đề bao trùm trong những ngày đầu đất nước vừa giành được độc lập (1845 – 1946) là ca ngợi Tổ Quốc và quần chúng cách mạng. Những tác phẩm tiêu biểu: Dân khí miền Trung (Hoài Thanh), Huế tháng Tám, bất tuyệt (Tố Hữu), Ngọn quốc kì, Hội nghị non sông (Xuân Diệu) Tình sông núi (Trần Mai Ninh)…

–   Sau năm 1946, văn học tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng chiến; hướng tới đại chúng, phản ánh sức mạnh của quần chúng nhân dân, thế hiện niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai tất thắng của cuộc kháng chiến.

–  Các thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch, lí luận, nghiên cứu và phê bình văn học,… đều đạt được những thành tựu mới. Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu: (Đôi mắt (Nam Cao), Làng (Kim Lân), Vùng mỏ (Vò Huy Tâm), Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), tập truyện Truyện Tây Bắc (Tô Hoài), tập thơ Việt Bắc (Tố Hữu), các bài thơ kháng chiến của Hồ Chí Minh: Cảnh khuya, Nguyên tiêu, Báo tiệp… Tây tiến (Quang Dũng), Đồng chí (Chính Hữu), Bản báo cáo Chủ nghĩa Mác –  và vấn đề văn hoá Việt Nam (Trường Chinh).

b. 1955 – 1964

–   Chúng ta vừa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa đấu tranh thống nhất đất nước. Văn học tập trung thể hiện hình ảnh người lao động, ca ngợi những đổi thay của đất nước và con người mới trong bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội đồng thời thể hiện tình cảm sâu nặng với miền Nam ruột thịt, nói lên nỗi đau chia cắt và thể hiện ý chí thống nhất đất nước.

–  Văn học đạt được nhiều thành tựu trên cả ba thể loại:

+ Văn xuôi mở rộng đề tài, bao quát được khá nhiều vấn đề, nhiều phạm vi hiện thực đời sống.

+ Thơ phát triển mạnh mẽ với nhiều cảm hứng lớn từ đất nước, dân tộc trong sự hài hoà giữa cái riêng và cái chung và đã có nhiều thành tựu nổi bật.

+ Kịch đã có những tác phẩm được dư luận chú ý như: Một đảng viên (Học Phi), Ngọn lửa (Nguyễn Vũ), Quẫn (Lộng Chương), Chị Nhàn và Nổi gió (Đào Hồng Cẩm)…

c. 1965 – 1975

Toàn bộ nền văn học của cả hai miền Nam, Bắc tập trung vào cuộc chiến đấu chống Mĩ cứu nước với chủ đề bao trùm là ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

–  Ở tiền tuyến lớn miền Nam, những tác phẩm viết trong máu lửa của chiến tranh đã phản ánh nhanh nhạy và kịp thời cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam anh dũng. Văn học thành công với những tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Trần Hiếu Minh, Phan Tứ, thơ của Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Giang Nam, Thanh Hải…

–  Ở miền Bắc phải kể đến những tác phẩm truyện kí của Nguyễn Tuân, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Nguyên Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Chu Văn… và nhiều tập thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Chính Hữu… Các tác phẩm của các nhà thơ đã phản ánh chân thực, sinh động đời sống chiến trường, sự ác liệt, những hi sinh, tổn thất… trong chiến tranh. Đặc biệt, họ đã dựng nên bức chân dung tinh thần của cả một thế hệ trẻ chống Mĩ. Họ đă đem đến cho nền thơ Việt Nam một tiếng thơ mới mẻ, trẻ trung, sôi nổi.

–   Kịch chống Mĩ cũng có những thành tựu với nhiều tác phẩm đáng ghi nhận đã tạo được tiếng vang lúc bấy giờ như: Quê hương Việt Nam, Thời tiết ngày mai (Xuân Trình); Đại đội trưởng của tôi (Đào Hồng cẩm); Đôi mắt (Vũ Dung Minh)…

–   Nhiều công trình nghiên cứu, lí luận phê bình ra đời và có giá trị, tiêu biểu là những công trình của Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…

d. Đánh giá những thành tựu chủ yếu của văn học giai đoạn 1945 – 1975

–  Dựng lên được hình tượng những con người mới trong lao động sản xuất và chiến đấu.

–  Ca ngợi công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà; ca ngợi sự đổi thay của đất nước và con người cùng tinh thần lạc quan, tin tưởng.

–  Ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; khơi dậy được tinh thần yêu nước của toàn dân.

–  Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao biểu hiện sự tìm tòi cách thể hiện mới và cách tân, đánh dấu một bước tiến mới của nền thơ Việt Nam hiện đại: tập trung thể hiện cuộc ra quân của toàn dân tộc, khám phá sức mạnh của con người Việt Nam; khái quát tầm vóc dân tộc trong thời đại mới, tăng cường chất suy tư chính luận, tạo âm vang rộng lớn mang hơi thở thời đại.

–  Mang đến cho văn học tính chất trẻ trung, sôi nổi, lạc quan, yêu đời…

Cách trả lời 4

Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 có thể chia làm 3 chặng. Thành tựu chủ yếu của mỗi chặng đường như sau:

a. Văn học từ 1945 – 1954

– Chủ đề: là ca ngợi Tổ Quốc và quần chúng cách mạng, kêu gọi tinh thần đoàn kết, cổ vũ phong trào Nam tiến, biểu dương những tấm gương vì nước quên mình. Từ 1946 trở đi văn học tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp, thẻ hiên tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai tất thắng của cuộc kháng chiến.

– Thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, kịch, lí luận, nghiên cứu và phê bình văn học,… đều đạt được những thành tựu mới. Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu: (Đôi mắt (Nam Cao), Làng (Kim Lân), Vùng mỏ (Vò Huy Tâm), Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), tập truyện Truyện Tây Bắc (Tô Hoài), tập thơ Việt Bắc (Tố Hữu), các bài thơ kháng chiến của Hồ Chí Minh: Cảnh khuya, Nguyên tiêu, Báo tiệp… Tây tiến (Quang Dũng), Đồng chí (Chính Hữu), Lí luận phê bình: chưa phát triển lắm nhưng có một số sự kiện và tác phẩm có ý nghĩa quan trọng, như  chủ nghĩa Mác và những vấn đề văn hóa (Trường Chinh).

b. Văn học từ 1955 – 1964

– Chủ đề: Văn học tập trung thể hiện hình ảnh người lao động,  ca ngợi công cuộc đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đồng thời thể hiện tình cảm sâu nặng với miền Nam ruột thịt, nói lên nỗi đau chia cắt và thể hiện ý chí thống nhất đất nước.

– Thể loại:

+ Truyện ngắn: mở rộng đề tài, mở rộng phạm vi thâm nhập đến từng ngóc ngách của đời sống xã hội.

_Đề tài kháng chiến chống Pháp: Sống mãi với thủ đô, Cao điểm cuối cùng.

_Đề tài hiện thực cuộc sống: Vợ nhặt, Tranh tối tranh sáng.

_Công cuộc xây dựng CNXH: Người lái đò sông Đà, Mùa lạc, Cái sân gạch.

+ Thơ: có sự kết hợp giữa yếu tố lãng mạn và yếu tố hiện thực: Gió lộng, Ánh sáng và phù sa, Riêng chung.

+ Kịch đã có những tác phẩm được dư luận chú ý như: Một đảng viên (Học Phi), Ngọn lửa (Nguyễn Vũ), Quẫn (Lộng Chương), Chị Nhàn và Nổi gió (Đào Hồng Cẩm)…

c. Văn học từ 1965 – 1975

– Chủ đề: Toàn bộ nền văn học của cả hai miền Nam, Bắc tập trung vào cuộc chiến đấu chống Mĩ cứu nước với chủ đề bao trùm là ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Ở tiền tuyến lớn miền Nam, những tác phẩm viết trong máu lửa của chiến tranh đã phản ánh nhanh nhạy và kịp thời cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam anh dũng. Tác giả tiêu tiểu: Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Trần Hiếu Minh, Phan Tứ, thơ của Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Giang Nam, Thanh Hải…

Ở miền Bắc phải kể đến những tác phẩm truyện kí của Nguyễn Tuân, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Nguyên Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Chu Văn… và nhiều tập thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Chính Hữu… Các tác phẩm của các nhà thơ đã phản ánh chân thực, sinh động đời sống chiến trường, sự ác liệt, những hi sinh, tổn thất… trong chiến tranh. Đặc biệt, họ đã dựng nên bức chân dung tinh thần của cả một thế hệ trẻ chống Mĩ. Họ đă đem đến cho nền thơ Việt Nam một tiếng thơ mới mẻ, trẻ trung, sôi nổi.

– Thể loại: Phát triển mạnh mẽ các thể loại truyện kí, thơ, kịch…

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 18 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Khái quát văn học Việt Nam từ đầu cách mạng tháng tám 1945 đến thế kỉ XX

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục