Thi hành an tử hình là gì

Theo quy định tại Bộ luật hình sự Việt nam thì Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội nhất định.

Nhắc đến hai chữ Tử hình chắc hẳn ai cũng rất sợ, bởi đây được coi là án chết với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Pháp luật Việt nam coi tử hình là biện pháp cuối cùng để ngăn chặn các hành vi phạm tội, để loại bỏ những đối tượng, thành phần sấu ra khỏi xã hội.

Song không phải với tất cả tội danh phạm tội, đều có thể tuyên án tử hình. Việc tuyên án tử hình còn phụ thuộc vào từng nhóm tội nhất định. Vậy tử hình là gì? Những tội như thế nào sẽ bị áp dụng mức phạt cao nhất là tử hình?

Hãy cùng tham khảo nội dung bài viết sau đây để hiểu hơn về quy định liên quan đến án tử hình.

Tử hình là hình phạt cao nhất dành cho các tội phạm thuộc các lĩnh vực liên quan đến vi phạm về an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

Như vậy rõ ràng không phải tội nào cũng bị áp dụng hình phạt tử hình. Bản án cuối cùng là tử hình theo quy định tại bộ luật hình sự chỉ áp dụng với những tội phạm được coi là đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn thì mới phải chịu tử hình.

Pháp luật Việt nam bên cạnh việc ngăn chặn, loại bỏ những đối tượng xấu ra khỏi xã hội thì pháp luật Việt nam cũng rất nhân văn và tình nghĩa, luôn có sự khoan hồng. Nên với những người phạm tội thì căn cứ vào mức độ nguy hiểm, tính chất của hành vi phạm tội từ đó cơ quan có thẩm quyền mới áp dụng các khung hình phạt khác nhau.

Bởi nâng cao tính nhân văn trong pháp luật, nên Bộ luật hình sự Việt nam đã bãi bỏ rất nhiều trường hợp tội phạm theo những quy định cũ sẽ bị áp dụng mức phạt cao nhất là tử hình thì đến nay án tử hình với những đối tượng phạm tội này đã được bãi bỏ. Cụ thể có thể kể đến một số tội đó là: tội hoạt động phỉ, tội cướp tài sản, tội chống mệnh lệnh…

Các đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình khi phạm tội hay xét xử là những đối tượng nào?

Với những chia sẻ trên, Khách hàng chắc hẳn đã hiểu được tử hình là gì? theo quy định pháp luật Việt nam. Việc tiếp theo chúng tôi sẽ giải đáp sẽ liên quan đến việc giải thích về các đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình.

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 tại điều 40 có nêu rõ, các đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình khi phạm tội hay xét xử bao gồm có những đối tượng sau:

– Người dưới 18 tuổi khi phạm tội

– Người đủ 75 tuổi trở lên

– Phụ nữ có thai

– Phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Ngoài ra trong quy định này cũng có chỉ rõ các đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình bao gồm có:

– Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn

– Người đủ 75 tuổi trở lên

– Phụ nữ có thai

– Phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Lưu ý: Đối với những trường hợp không phải thi hành mức phạt cao nhất của cơ quan có thẩm quyền tuyên mức án tử hình mặc dù đã bị kết án hoặc trường hợp người phạm tội bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Trên đây là nội dung tư vấn trả lời cho câu hỏi về tử hình là gì? cùng các vấn đề có liên quan đến quy định pháp luật về tử hình. Khách hàng muốn tìm hiểu rõ hơn hoặc để biết thêm thông tin chi tiết, Khách hàng có thể liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật theo số 1900.6557 để được nhân viên Luật Hoàng Phi giải đáp kỹ càng hơn.

Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

Theo quy định tại Điều 40 – Bộ luật hình sự, quy định hình phạt tử hình là:

1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

b) Người đủ 75 tuổi trở lên;

c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

4. Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Bình luận về hình phạt tử hình theo Bộ luật hình sự

Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt. Tính chất đảm bảo của hình phạt này thể hiện trên các mặt chủ yếu sau đây:

+ Về nội dung cưỡng chế, tử hình là hình phạt có nội dung cưỡng chế nghiêm khắc nhất, nó tước bỏ quyền sống của người bị kết án. Khi áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội, Nhà nước đã loại bỏ hoàn toàn sự tồn tại của họ trong xã hội vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

+ Về tác dụng, tử hình không phải là sự trả thù của Nhà nước, mặc dù nó đã thể hiện tối mức tối đa khả năng trừng trị người phạm tội. Hình phạt tử hình không đặt ra mục đích cải tạo và giáo dục bản thân người kết án, bởi vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi phạm tội và những đặc điểm nhân thân của người phạm tội đã phủ nhận hoàn toàn khả năng thực hiện những mục đích đó.

Mặc dù vậy, hình phạt tử hình vẫn có mục đích phòng ngừa riêng thê hiện sự loại bỏ hoàn toàn khả năng phạm tội mới từ phía người bị kết án. Đồng thời tử hình có tác dụng răn đe mạnh mẽ đối với những phần tử không vững vàng trong xã hội, ngăn ngừa họ bước vào con đường phạm tội, động viên khuyến khích quần chúng nhân dân tích cực đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

+ Về phạm vi áp dụng, tử hình áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Thực tiễn xét xử cho thấy hình phạt tử hình chỉ được áp dụng trong những trường hợp phạm tội gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội… có ảnh hưởng rất sâu sắc đến tình hình an ninh, trật tự xã hội, bị dư luận xã hội kịch liệt lên án và không có những tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, tính chất đặc biệt của hình phạt tử hình còn thể hiện ở chế độ thi hành (do Luật tố tụng hình sự quy định).

Điểm mới hết sức cơ bản trong việc sửa đổi chế định hình phạt tử hình là việc thu hẹp phạm vi áp dụng tử hình. Cụ thể là:

+ Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.

+ Điều luật cũng quy định không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới ba mươi sáu tháng tuổi… trong trường hợp này, hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.

Quy định trên đây thể hiện sâu sắc tính nhân đạo, dân chủ, ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta; chú ý đến những đặc điểm, sinh lý của người chưa thành niên và phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, ảnh hưởng của những đặc điểm đó đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ thời điểm phạm tội.