Cần xử lý bất cập về cơ chế giám hộ

Bộ luật Dân sự (BLDS) 1995 quy định 3 cơ chế giám hộ cho những người chưa thành niên mà không còn cha mẹ và những người mắc bệnh tâm thần là: “Giám hộ đương nhiên của những người gần gũi thân thích của người được giám hộ dựa trên nguyên tắc xác lập tự động và không phụ thuộc vào ý muốn của người giám hộ; Giám hộ của những cá nhân và tổ chức từ thiện trong xã hội; Giám hộ của Nhà nước thông qua cơ quan LĐTB&XH”.

Ba cơ chế giám hộ như nêu trên là hợp lý, đã thể hiện được mối tương quan giữa gia đình-xã hội-Nhà nước trong trách nhiệm trợ giúp cho những người thuộc thế yếu của xã hội.

Việc giám hộ trước hết do những người gần gũi, thân thích nhất của người được giám hộ đảm trách, là giám hộ đương nhiên, không phụ thuộc vào bất cứ thủ tục hành chính nào. Nếu những người gần gũi, thân thích nhất này không đảm trách được việc giám hộ thì đến lượt các cá nhân hảo tâm và các tổ chức từ thiện trong xã hội đảm trách theo sự tự nguyện. Cuối cùng, nếu không có ai trong số nêu trên thì Nhà nước sẽ nhận trách nhiệm giám hộ.

Tuy nhiên, trong BLDS 2005 có hai thay đổi lớn trong cơ chế giám hộ.

Thay đổi thứ nhất, BLDS 2005 quy định những người mắc bệnh tâm thần sẽ chỉ được xác lập giám hộ sau khi người mắc bệnh tâm thần đó được Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự. Điều này dường như không phù hợp với nhận thức pháp lý của số đông người dân. Do vậy những người mắc bệnh tâm thần được giám hộ sẽ là rất ít chỉ vì họ chưa được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Thứ hai, BLDS 2005 đã lược bỏ quy định về cơ chế giám hộ của Nhà nước (thông qua cơ quan LĐTB&XH). Việc Nhà nước đảm trách việc giám hộ là một trong những biểu hiện tốt đẹp nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân”. Do vậy, việc bãi bỏ cơ chế giám hộ của Nhà nước trong BLDS 2005 là không hợp lý.  

Dự thảo BLDS (sửa đổi) chưa xử lý được các bất cập nêu trên của BLDS 2005. Hơn thế nữa, Dự thảo lại bổ sung một số thay đổi chưa hợp lý như lược bỏ cơ chế giám hộ đương nhiên (mặc nhiên xác lập) của những người gần gũi thân thích trong gia đình. Theo quy định tại Dự thảo thì mọi trường hợp giám hộ đều chỉ được xác lập theo quyết định của UBND cấp xã.

Dự thảo bổ sung quy định, việc giám sát việc giám hộ cũng cần phải được xác lập theo quyết định của UBND cấp xã, “UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có thẩm quyền cử người giám hộ, người giám sát” (khoản 1 Điều 72). Tiếp theo đó, khoản 4 Điều 72 quy định “Việc giám hộ, giám sát phải được đăng ký theo quy định của pháp luật về hộ tịch”.

Những thay đổi này làm cho việc giám hộ phải qua những thủ tục hành chính quá rườm rà mà những người yếu thế khó có thể thực hiện được, việc xác lập giám hộ trở nên khó khăn hơn, từ đó càng làm cho những người mắc bệnh tâm thần và người chưa thành niên khó có cơ hội được hưởng cơ chế giám hộ.

Qua các phân tích trên, người viết kiến nghị, nên khôi phục lại các quy định về giám hộ trong BLDS 1995 để bảo vệ tốt hơn quyền của những người được giám hộ.

PGS.TS Bùi Đăng Hiếu

Trường Đại học Luật Hà Nội


Bộ luật Dân sự năm 2005 qui định tương đối cụ thể những nội dung liên quan đến chế định giám hộ từ Điều 54 đến Điều 72 thuộc mục 4 chương III.

Nhìn chung, những qui định chi tiết từ chế định giám hộ của Bộ luật Dân sự đã phần nào đáp ứng đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống, góp phần không nhỏ trong việc tạo lập một định chế pháp lý thống nhất, giải quyết hiệu quả những nhu cầu bứt thiết trong nhân dân liên quan đến việc giám hộ. Tuy nhiên, do dự thay đổi nhanh chóng và phức tạp của các quan hệ xã hội dân sự nên theo chiều hướng phát triển của xã hội, qui phạm pháp luật thuộc chế định giám hộ trong Bộ luật dân sự đã phát sinh một vài vấn đề bất cập, gây khó khăn, trở ngại cho việc áp dụng pháp luật dân sự vào thực tiễn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Những nội dung qui định của chế định giám hộ đã được khái quát rõ trong các điều luật của Bộ luật Dân sự, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được phép đi sâu vào trao đổi những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn áp dụng chế định pháp luật này.

I. Thực tiễn thực hiện việc giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự.

Điều 58 Bộ luật Dân sự đã xác định rõ hai đối tượng được giám hộ là người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu và người mất năng lực hành vi dân sự.

Theo chúng tôi, việc pháp luật đặc vấn đề giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự là cần thiết, bởi vì đây là yếu tố pháp lý then chốt để các cá nhân, tổ chức trong xã hội cùng có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ những người có điều kiện khó khăn khi bị mất năng lực hành vi dân sự. Nhưng để xác định người như thế nào được coi là mất năng lực hành vi dân sự thì chúng ta phải quay lại Điều 22 của Bộ luật Dân sự. Điều luật này qui định: Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Nội dung qui định trên cho thấy, một người bị bệnh tâm thần hay mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ để xác định người đó đã mất năng lực hành vi dân sự, mà pháp luật chỉ thừa nhận việc giám hộ cho những người này khi có kết luận của Toà án là họ đã mất năng lực hành vi dân sự. Theo chúng tôi, pháp luật qui định là rõ ràng, nhưng so với thực tiễn và đặc biệt là đối với hoàn cảnh kinh tế và điều kiện xã hội của những gia đình có người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến không nhận thức được hành vi thì những qui định về thủ tục trên gây cho họ rất nhiều khó khăn, nhiều người không có khả năng về chi phí cũng như về thời gian thực hiện các bước theo luật định nên phần nào chế định giám hộ cho người bị mất năng lực hành vi dân sự không có giá trị nhiều trong thực tiễn áp dụng.

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A đã 19 tuổi, là lao động chính trong gia đình của ông B. Trong một lần tham gia xây dựng công trình cùng Công ty C, anh A bị tai nạn 81% thương tích, không còn khả năng nhận thức được hành vi của mình. Trên cơ sở bệnh án của anh A, ông B đứng đơn kiện yêu cầu Công ty xây dựng nơi anh A làm việc phải chịu chi phí cứu chữa cho anh A. Nhưng khi Toà án nhận đơn,  Toà yêu cầu ông B phải dẫn anh A đi giám định tâm thần, sau đó tiếp tục làm đơn yêu cầu Toà án tuyên bố anh A mất năng lực hành vi dân sự. Sau khi có quyết định của Toà án tuyên bố anh A mất năng lực hành vi dân sự thì ông B mới có quyền khởi kiện đòi bồi thường.

Hoàn cảnh gia đình của ông B quá khó khăn, toàn bộ khả năng kinh tế có thể đã lo hết cho  việc cứu chữa anh A. Nhưng pháp luật qui định như vậy khiến điều kiện của ông B càng bế tắc hơn, không những phải lo chạy vạy tiền để đi giám định tâm thần cho anh A mà còn phải chờ một thời gian dài để làm thủ tục tuyên bố anh A mất năng lực hành vi dân sự, trong điều kiện chưa được đền bù, nợ nần chồng chất, gia đình không biết nương nhờ vào đâu khi anh A nằm một chỗ, không tự chăm sóc được.

Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, việc Toà án căn cứ vào kết quả giám định của cơ quan có thẩm quyền để tuyên bố hoặc không tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự là việc làm mang tính hình thức, nặng về sự công nhận giá trị của kết luận giám định, chưa thể hiện được tính pháp lý cần thiết của Toà án. Do vậy, theo chúng tôi pháp luật qui định thủ tục tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự của Toà án là không cần thiết, gây trở ngại, phiền hà cho nhân dân. Do vậy, chúng tôi mạnh dạng đề nghị sửa lại Điều 22 của BLDS như sau: “Khi có kết luận của tổ chức giám định xác định một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì họ đương nhiên được xem là mất năng lực hành vi dân sự”. Nếu làm được điều này thì chế định giám hộ đối với người bị mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện dễ dàng, thuận tiện và có lợi hơn cho nhân dân.

II. Khó khăn khi cử người giám hộ theo Điều 63 Bộ luật Dân sự.

Điều 63 BLDS qui định: “Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật này thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ”.

Điều luật xác định chủ thể chịu trách nhiệm cử người giám hộ là Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ. Theo Luật cư trú thì nơi cư trú có thể là nơi có hộ khẩu thường trú, nơi người đó thường xuyên sinh sống, nơi tạm trú…

Điều vướng mắc thứ nhất phát sinh là một người có hộ khẩu ở nơi khác nhưng cư trú ở nơi khác thì thẩm quyền cử người giám hộ thuộc chính quyền địa phương nào?

Ví dụ như: Anh A là người cần được cử người giám hộ, anh A có hộ khẩu tại xã C huyện T nhưng lại sinh sống thường xuyên với bà con tại xã D huyện M. Khi có yêu cầu cử người giám hộ cho anh A thì xã C bảo việc làm đó thuộc thẩm quyền của xã D vì anh A cư trú thường xuyên ở đó. Trong khi đó xã D lại bảo anh A có hộ khẩu ở xã C thì xã C có trách nhiệm cử người giám hộ cho anh A. Sự việc lùng bùng qua lại dẫn đến việc cử người giám hộ cho anh A qua nhiều năm vẫn không thực hiện được, không những làm mất giá trị thực tiễn của chế định giám hộ mà còn gây phiền hà, thiệt thòi cho bản thân anh A.

Điều vướng mắc thứ hai phát sinh là nơi người cần được cử người giám hộ sinh sống lại không phải là nơi cư trú của anh, chị, em….bà con họ hàng họ. Do vậy, Uỷ ban nhân dân cấp xã không biết cơ sở nào để cử người giám hộ, hay cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết vụ việc liên quan cũng không xác định được ai là người giám hộ trong trường hợp này.

Ví dụ: Anh A là người cần được giám hộ hiện sống ở quê hương là xã B huyện C. Anh A có hai người anh nhưng hiện nay địa phương chỉ biết một người đang làm thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, người còn lại không biết làm ăn ở đâu. Họ hàng không ai xác định được địa chỉ của những người này. Hiện điều kiện của anh A không có ai chăm sóc, không xác định được ai là người giám hộ. Trên nguyên tắc, các anh của anh A còn sống do vậy vẫn còn người giám hộ đương nhiên theo Điều 62 Bộ luật Dân sự nên Uỷ ban nhân dân xã B không thể làm thủ tục cử người giám hộ cho anh A, trong khi đó các anh của anh A không liên lạc gì với gia đình. Và cứ như vậy, trong thời gian dài không xác định được ai là người giám hộ của anh A. Và đương nhiên người thiệt thòi trong việc này chỉ là anh A và những người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của anh A gây ra trong điều kiện mất năng lực hành vi dân sự.

Do vậy, để khắc phục được khuyết điểm trên, theo chúng tôi, Điều 63 của BLDS cần được sửa lại như sau: “Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có hoặc không xác định được nơi đang cư trú của người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật này thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người được giám hộ đang cư trúcó trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ”.

Nguyễn Văn Dũng