Chủ đề đại hội xiii của đảng nhiệm kỳ 2020 2025: là gì

Những điểm mới trong chủ đề Đại hội XIII của Đảng

Ngày đăng: 08:56, 24/03/2021

Chủ đề đại hội xiii của đảng nhiệm kỳ 2020 2025: là gì
ảnh cuốn văn kiện

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/01 đến 01/02/2021 đã thành công rất tốt đẹp. Đại hội lần thứ XIII là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, của dân tộc và của đất nước ta. Năm 2021 là thời điểm để chúng ta đánh giá lại những kết quả đạt được sau 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Đồng thời cũng là thời điểm nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Hiện nay, tình hình chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh trên thế giới có những diễn biến phức tạp. Hòa bình, hợp tác dù có phải đối mặt với nhiều thách thức hơn song vẫn là những xu thế lớn; đa số các quốc gia vẫn ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tự do hóa thương mại, đầu tư. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển của đất nước… Và đúng như Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Bên cạnh những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội, chúng ta còn phải đối mặt với nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến tồn vong của đất nước, của chế độ. Trong đó, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn; việc phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội còn nhiều hạn chế. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của đất nước. Các vấn đề xã hội, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng ngày càng lớn đến sự phát triển đất nước…
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thể rất rõ những định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Chủ đề Đại hội XIII đã thể hiện rất rõ định hướng, đó là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Theo đó, Chủ đề Đại hội XIII có nhiều điểm mới so với Đại hội XII ở tất cả các thành tố. Đó là:
Thành tố về Đảng: So với Chủ đề Đại hội XII, đã được bổ sung “chỉnh đốn” và “hệ thống chính trị” vào nội dung “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” để thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Nhìn lại 90 năm qua đã khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngày nay, đất nước có nhiều thời cơ, vận hội mới, song cũng cho thấy đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi Đảng phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân... làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định, phát triển đất nước, uy tín của Đảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 4 của nhiệm kỳ XI, XII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thực tiễn cho thấy trong bối cảnh có sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, để xây dựng Đảng phải chỉnh đốn thì mới xây dựng được Đảng trong sạch, vững mạnh. Do đó, cần phải bổ sung “chỉnh đốn” vào nội dung “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” trong chủ đề Đại hội XIII. Đồng thời, trong bối cảnh Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo tổ chức và hoạt động của Nhà nước, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, của cả hệ thống chính trị. Sự trong sạch, vững mạnh của Đảng gắn liền với sự trong sạch, vững mạnh của cả hệ thống chính trị. Vì thế, bổ sung “hệ thống chính trị” vào “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh” để thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” là đúng đắn và cần thiết.
Thành tố về dân tộc: Chủ đề Đại hội XIII bổ sung cụm từ “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí”, và “kết hợp với sức mạnh của thời đại ” vào nội dung “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” thành “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”.
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cho thấy tinh thần, ý chí, khát vọng của một dân tộc là một sức mạnh mà không thế lực nào ngăn cản nổi. Khát vọng cháy bỏng về một đất nước độc lập, tự do đã tạo nên sức mạnh thần kỳ, sức mạnh Phù Đổng để dân tộc ta đánh bại các thế lực phong kiến phương Bắc và rồi thế kỷ XX đánh bại các đế quốc, thực dân hùng mạnh nhất thế giới. Chính khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nắm bắt, tận dụng tốt mọi thuận lợi, thời cơ, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. Và đây là cũng chính là yêu cầu, là lời hiệu triệu của Đảng, của đất nước đối với mỗi người Việt Nam yêu nước.
Ngày nay, kỷ nguyên số và cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Xu thế của thời đại không cho bất cứ quốc gia nào có thể đứng riêng lẻ, các quan hệ quốc tế, sự hợp tác, ủng hộ của các nước, cộng đồng quốc tế là nguồn sức mạnh to lớn để Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định, phát triển nhanh, bền vững. Nối tiếp, bổ sung nội dung trong chủ đề Đại hội XII về “phát huy sức mạnh toàn dân tộc”, Đảng ta xác định khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phải gắn liền với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam trong thời gian tới. Đây là nguồn sức mạnh to lớn để đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục giành những thắng lợi quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Vì vậy Chủ đề Đại hội XIII đưa nội dung “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc két hợp với sức mạnh của thời đại” vào chủ đề Đại hội XIII là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng.
Thành tố về đổi mới: Chủ đề Đại hội XIII bổ sung cụm từ “tiếp tục” thành “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”. Nhìn lại thực tiễn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã giành được những thắng lợi quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Bên cạnh đó, Đảng ta cũng nhìn nhận và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, trong đó chỉ rõ việc thực hiện công cuộc đổi mới đã được tiến hành toàn diện, nhưng chưa đồng bộ, nhất là chưa đồng bộ giữa chính trị và kinh tế. Vì thế, chủ đề Đại hội XIII xác định “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới”.
Thành tố về bảo vệ Tổ quốc: Đảng ta nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ hữu cơ với nhau. Kế thừa nội dung được xác định từ Đại hội XII, Đại hội XIII đã phát triển thành “xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”. Đây chính là yếu tố “Bất biến”, xuyên suốt trong tiến trình lịch sử, là giá trị cốt lõi trong mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đều phải hướng đến.
Thành tố về mục tiêu: Chủ đề Đại hội xác định mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nội dung này phát triển nhận thức từ Chủ đề Đại hội XI. Đảng ta từng xác định mục tiêu “tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và “phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đề ra mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI “phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”./.

Trần Ngọc Minh