Dấu hiệu chuyển phôi that bại

Chuyển phôi thất bại là tình trạng không có thai sau khi đưa phôi vào trong buồng tử cung. Nguyên nhân thường gặp nhất là bất thường phôi, bất thường niêm mạc tử cung hoặc bất thường tương tác phôi – niêm mạc tử cung…

Dấu hiệu chuyển phôi that bại

Quá trình chuyển phôi diễn ra từ 3-6 ngày sau khi tinh trùng thụ tinh với trứng

Thụ tinh trong ống nghiệm là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong đó tinh trùng và noãn (trứng) được thụ tinh và tạo phôi trong phòng thí nghiệm. Sau một khoảng thời gian nuôi cấy, phôi sẽ được chuyển vào tử cung để làm tổ và người phụ nữ có thể mang thai.

Một chu kỳ IVF thường bao gồm:

  • Kích thích buồng trứng
  • Chọc hút lấy noãn
  • Lọc rửa tinh trùng
  • Tinh trùng thụ tinh với noãn
  • Nuôi cấy phôi
  • Chuyển phôi
  • Trữ lạnh phôi
  • Hỗ trợ hoàng thể sau chuyển phôi

Chuyển phôi là quá trình phôi thai bám vào niêm mạc tử cung trong thời gian làm tổ của người phụ nữ. Nó diễn ra trong vòng 3-6 ngày sau khi tinh trùng thụ tinh với trứng. Đây là  là giai đoạn cuối cùng nhưng có vai trò rất quan trọng, vì chỉ cần sai sót nhỏ trong vấn đề kỹ thuật của người chuyển phôi là có thể dẫn đến kết quả không mong muốn.

Trước thời điểm chuyển phôi, bác sĩ sẽ xem xét kết quả phôi của bệnh nhân và tư vấn số lượng phôi được chuyển. Số lượng phôi được chuyển sẽ ảnh hưởng đến việc mang thai và tỷ lệ đa thai. Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khuyến khích bệnh nhân chuyển một phôi. Những phôi có chất lượng phù hợp còn lại sẽ được trữ lạnh cho chu kỳ chuyển phôi trữ. Phôi không đủ điều kiện sử dụng sẽ bị loại bỏ.

Quá trình chuyển phôi được chia thành hai giai đoạn:

  • Giai đoạn trước khi chuyển phôi: gồm thời kỳ chuẩn bị của lớp nội mạc tử cung, sự phân tách phôi sớm và sự cấy ghép phôi thai vào tử cung.
  • Giai đoạn chuyển phôi: phôi bám vào niêm mạc tử cung.

Chuyển phôi không thành công có dấu hiệu gì?

Sau khi chuyển phôi, bệnh nhân thường được bác sĩ kê các loại thuốc để hỗ trợ khả năng làm tổ và giúp phôi phát triển. Các loại thuốc này có thể gây ra triệu chứng đau bụng, cương ngực, buồn nôn, một số người có cảm giác giống như ốm nghén… Tuy nhiên, tất cả các dấu hiệu này không phải là dấu hiệu sớm của việc đậu thai. Chẩn đoán có thai sớm, chính xác nhất là dựa vào xét nghiệm beta hCG máu sau chuyển phôi (thường lấy mốc 12 ngày sau chuyển phôi).

Xem thêm: Thử thai sau chuyển phôi bao nhiêu ngày thì có kết quả?

Nguyên nhân chuyển phôi thất bại

Nguyên nhân dẫn đến thất bại trong quá trình làm tổ của phôi rất đa dạng, có thể chia làm 3 nhóm nguyên nhân chính: bất thường phôi, bất thường nội mạc tử cung, bất thường tương tác phôi – niêm mạc tử cung.

1. Nguyên nhân phôi thai

Phôi thai được kết hợp từ trứng và tinh trùng. Nếu một trong hai nhân tố này có chất lượng kém thì sẽ tạo ra một phôi thai “yếu từ trong trứng”. Khi đó, thất bại sau chuyển phôi là điều dễ hiểu.

Chất lượng phôi thai được đánh giá trong quá trình nuôi cấy. Khi đó, bác sĩ sẽ quan sát tiến trình phát triển của phôi và đánh giá chất lượng khi phôi được 3 và 5 ngày tuổi.

  • Đối với phôi 3 ngày tuổi: bác sĩ sẽ dựa trên tiêu chí số lượng, kích thước tế bào và sự phân mảnh của phôi để đánh giá phôi tốt hay không. Phôi loại 1 là phôi tốt nhất, khả năng thành công cao. Phôi loại 2 là trung bình, loại 3 là kém, tỷ lệ thành công thấp.
  • Đối với phôi 5 ngày tuổi: tiêu chí đánh giá là độ lớn của xoang phôi nang. Phôi tốt sẽ có xoang lớn hơn so với các phôi khác (ở cùng thời điểm đánh giá). Ngoài ra còn có số lượng, chất lượng tế bào trong các phần khác nhau của phôi. Những phôi tốt là phôi có nhiều tế bào, nén chặt và không bị phân mảnh.

Dựa vào kết quả phân tích chất lượng phôi, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận phôi có đủ chất lượng để tiến hành chuyển phôi hay không. Nếu phôi có chất lượng kém thì chu trình IVF sẽ tạm hoãn để chờ phôi tốt.

2. Bất thường niêm mạc tử cung

Niêm mạc tử cung là lớp mỏng bao quanh bề mặt phía bên trong lòng tử cung, có vai trò quan trọng đối với quá trình thụ thai và sẽ thay đổi kích thước (dày lên hoặc mỏng đi) vào từng thời điểm khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ.

Niêm mạc tử cung quá dày hay quá mỏng đều có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thụ thai. Độ dày 8-13mm của niêm mạc tử cung được xem là lý tưởng cho việc thụ thai. Nếu niêm mạc tử cung tại thời điểm chuyển phôi có độ dày < 7mm thì tỷ lệ thất bại sẽ cao hơn. 

Ngoài kích thước, một số yếu tố làm giảm khả năng tiếp nhận của niêm mạc tử cung bao gồm:

  • Tình trạng viêm niêm mạc tử cung mãn tính
  • Những bất thường trong buồng tử cung, chẳng hạn như polyp, vách ngăn tử cung hoặc dính buồng tử cung
  • Quá trình chuyển phôi xảy ra sớm (trước thời gian làm tổ) hoặc muộn (sau thời gian làm tổ).

Dấu hiệu chuyển phôi that bại

Viêm nhiễm niêm mạc tử cung, bất thường trong lòng tử cung là yếu tố nguy cơ của thất bại chuyển phôi nhiều lần

3. Bất thường tương tác phôi – niêm mạc tử cung

Có các bệnh nhân, mặc dù có phôi chất lượng tốt, niêm mạc tử cung hình thái đẹp trên siêu âm, đã khảo sát qua nội soi buồng tử cung bình thường, tuy nhiên vẫn không đậu thai sau chuyển phôi. Vấn đề có thể nằm ở bất thường tương tác phôi – niêm mạc tử cung. Một khía cạnh nhỏ trong bất thường này là lệch cửa sổ làm tổ.

Quá trình này có thể giải thích đơn giản như sau: để phôi thai bám và phát triển trong buồng tử cung thì phôi phải được chuyển vào tử cung ở giai đoạn niêm mạc tử cung có khả năng tiếp nhận phôi. Giai đoạn này có thể khác nhau ở từng bệnh nhân.

Hiện nay, có nhiều kỹ thuật, liệu pháp tiên tiến giúp cải thiện độ dày niêm mạc tử cung. Trong đó, sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu tự thân là phương pháp hiện đại đang được áp dụng tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Hệ thống BVĐK Tâm Anh. Phương pháp này sẽ tăng tỷ lệ thành công khi làm IVF cho những trường hợp có nguy cơ thai khó làm tổ do niêm mạc tử cung mỏng hay giảm khả năng chấp nhận của niêm mạc tử cung. 

Các phương pháp hỗ trợ tăng tỷ lệ chuyển phôi thành công

Khi được bác sĩ thông báo quá trình chuyển phôi đã thất bại, không có nghĩa là mọi chuyện đã chấm hết và vợ chồng bạn không thể có con. Bác sĩ luôn thực hiện các kỹ thuật để tối đa hóa tỷ lệ thành công cho mỗi lần chuyển phôi, và việc chỉ định các kỹ thuật này sẽ dựa vào rất nhiều yếu tố: tiền sử, bệnh sử, số lượng phôi, chất lượng phôi, đặc điểm của chu kỳ chuẩn bị niêm mạc trước đó… từ đó cân nhắc tiến hành một số kỹ thuật để giúp tăng tỷ lệ thành công khi chuyển phôi. Các kỹ thuật đó là:

1. Xử lý các bất thường tử cung

Để tạo thuận lợi cho việc phôi thai làm tổ, tất cả các bất thường trong lòng tử cung như dính buồng tử cung, tử cung có vách ngăn, tử cung đôi, u xơ tử cung… đều cần được xử lý nếu có bằng chứng quan hệ nhân quả giữa các bất thường này và các kết cục bất lợi sau chuyển phôi.

2. Nuôi cấy phôi nang

Theo thống kê, tỷ lệ thành công khi chuyển phôi ngày 5 cao hơn gấp 1,35 lần so với chuyển phôi ngày 3. Phôi ngày 5 thường có chất lượng tốt, vì chỉ có phôi tương đối tốt trở lên mới có thể phát triển đến ngày 5. Chuyển phôi ngày 5 sẽ hợp với sinh lý hơn, khả năng bám vào niêm mạc tử cung làm tổ cao hơn. Nuôi phôi ngày 5 kết hợp sàng lọc phôi ở bệnh nhân có đúng chỉ định giúp tăng cơ hội có con, giảm tỷ lệ hỏng thai, sảy thai. Chuyển phôi ngày 5 cũng giúp hạn chế khả năng đa thai vì mỗi lần chuyển phôi ngày 5, bác sĩ sẽ chuyển ít phôi mà vẫn đảm bảo tỷ lệ có thai cao.

3. Xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ (PGT) sàng lọc bất thường NST

Tình trạng lệch bội nhiễm sắc thể ảnh hưởng lớn đến khả năng làm tổ và quá trình phát triển của thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Trong số các ca sảy thai được ghi nhận, số ca do hiện tượng phôi/thai lệch bội lên đến 70%. PGT giúp sàng lọc lựa chọn các phôi nguyên bội để chuyển cho bệnh nhân, giúp tăng tỷ lệ đậu thai và giảm nguy cơ sảy thai, thai lưu, thai bất thường.

4. Phân tích độ nhạy cảm của niêm mạc tử cung (ERA)

Nhờ sử dụng công nghệ mới nhất, xét nghiệm này giúp phân tích mức độ biểu hiện của hàng trăm gen ở niêm mạc tử cung, qua đó tối ưu hóa thời gian đặt phôi vào tử cung để thúc đẩy quá trình làm tổ và mang thai. Thời gian này được gọi là “Window of Implantation” – Giai đoạn cửa sổ cấy ghép.

Không chỉ vậy, ERA còn có thể phát hiện những bất thường trong tử cung. Nếu tìm thấy bất thường, bệnh nhân được khuyến cáo trữ lạnh phôi nang. Việc chuyển phôi IVF sẽ được hoãn lại cho đến khi niêm mạc tử cung của họ dễ tiếp nhận phôi hơn.

Sau chuyển phôi thất bại nên làm gì?

Bên cạnh việc thực hiện các kỹ thuật hiện đại, để tăng tỷ lệ thành công khi chuyển phôi trong lần kế tiếp, bạn cần: (3)

1. Tìm hiểu nguyên nhân thất bại

Biết được nguyên nhân chính xác của việc chuyển phôi không thành công sẽ giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp để sớm có tin vui.

Việc chuyển phôi thất bại liên quan đến các vấn đề miễn dịch có thể dễ dàng điều trị bằng thuốc. Nếu nguyên nhân là do các vấn đề về tử cung, phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy từng trường hợp cụ thể.

Nếu sự thất bại trong quá trình chuyển phôi là do các vấn đề về phôi thai, phương pháp điều trị bao gồm:

  • Chuyển phôi từ 3 đến 6 ngày sau khi thụ tinh.
  • Xét nghiệm di truyền thể dị bội (PGT-A) để chuyển phôi không có bất thường nhiễm sắc thể.
  • Hỗ trợ phôi thoát màng

Dấu hiệu chuyển phôi that bại

Tìm hiểu được nguyên nhân chuyển phôi thất bại sẽ giúp tìm được phương pháp khắc phục hiệu quả, giúp vợ chồng sớm đón con yêu

2. Giữ tinh thần thoải mái

Thụ tinh ống nghiệm IVF là một chặng đường dài mà nếu vợ chồng bạn không kiên trì, sẽ rất khó để đi đến tận cùng. Do đó, chuẩn bị tâm lý để “chiến đấu” lâu dài là bước vô cùng quan trọng. Quá hy vọng hay quá lo lắng, nóng vội, căng thẳng khi bắt đầu hoặc suy sụp, chán nản khi thụ tinh một lần không thành công là những rào cản trong hành trình tìm con bằng IVF.

Có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh

Một phần nguyên nhân thất bại sau chuyển phôi là tình trạng sức khỏe của hai vợ chồng và chất lượng trứng, tinh trùng. Vì thế, trước khi bước vào quá trình thụ tinh ống nghiệm, vợ chồng bạn nên cải thiện sức khỏe bằng cách xây dựng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất cần thiết và thiết lập giờ giấc sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, stress; tập thể dục đều đặn, đi du lịch để thư giãn tinh thần.

Chọn lựa trung tâm IVF chất lượng, uy tín

Có rất nhiều yếu tố để cân nhắc trước khi quyết định lựa chọn nơi mà mình sẽ tin tưởng đi theo trên con đường tìm con yêu: chất lượng chuyên môn và chất lượng dịch vụ, tỷ lệ thành công và giá thành, trang thiết bị máy móc, trình độ của bác sĩ, phác đồ điều trị, tay nghề kỹ thuật viên, quy trình kiểm soát chất lượng…

Để lực chọn một trung tâm IVF tốt, các cặp đôi không nên bỏ qua 3 tiêu chí cốt lõi:

  • Tỷ lệ thành công cao

Tỷ lệ thành công là tiêu chí quan trọng hàng đầu do đó bạn nên tìm hiểu số liệu về tỷ lệ thành công IVF của trung tâm đó. Tuy nhiên, tỷ lệ này cần được kiểm chứng bởi các thông tin quan trọng như: tỷ lệ đó công bố trên số lượng bao nhiêu bệnh nhân, tỷ lệ có ổn định theo thời gian hay không, trung tâm đó có tiếp nhận các ca khó như: hiếm muộn lâu năm, tuổi cao, có bệnh lý kèm theo; nam giới không có tinh trùng, tinh trùng bất động; nữ có tử cung dị dạng, buồng trứng đa nang, suy buồng trứng… hay không? Vì nếu chỉ xác định tỷ lệ thành công trên các ca bệnh dễ, bệnh nhân trẻ tuổi thì rất khó để xác định chất lượng thực sự của trung tâm này.

  • Bác sĩ tốt và có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản

Thụ tinh trong ống nghiệm IVF là một kỹ thuật gồm nhiều bước phức tạp, đòi hỏi bác sĩ thực hiện là người không chỉ có chuyên môn cao mà còn phải có kinh nghiệm. Đặc biệt, đối với những ca có nguyên nhân vô sinh hiếm muộn phức tạp, bác sĩ sẽ phải quyết định có cần thực hiện phẫu thuật/ điều trị trước IVF hay không? có cần thực hiện các kỹ thuật liên quan chuyên sâu như nuôi trứng non, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), hỗ trợ phôi thoát màng, xét nghiệm di truyền tiền làm tổ… hay không?

Quyết định hướng điều trị và kỹ thuật được tiến hành chính xác sẽ quyết định tỷ lệ thành công và giúp giảm chi phí, thời gian tiến hành mà còn giúp tránh được những rủi ro về sức khỏe cho người mẹ.

  • Có sự liên kết, hỗ trợ chặt chẽ giữa các các khoa liên quan đến quá trình điều trị

IVF là một kỹ thuật rất cần được sự kết hợp giữa khoa như khoa Nam học (điều trị vô sinh hiếm muộn nam); Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (điều trị trước thụ tinh, thực hiện các kỹ thuật trong IVF); khoa Sản (chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho bà mẹ) và Nhi khoa (chăm sóc sức khỏe cho em bé), đặc biệt là Đơn vị Sơ sinh.

Vì thế, nếu được tiến hành IVF tại một bệnh viện đa khoa, sự hỗ trợ và liên kết chặt chẽ giữa các khoa giúp các cặp vợ chồng được chăm sóc kỹ càng từ khi đang mong con, thực hiện hỗ trợ sinh sản cho đến khi sinh, dưỡng nhi và cuối cùng là bế con về nhà một cách khỏe mạnh chứ không chỉ dừng lại ở việc thụ thai thành công.

Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (IVFTA) là nơi hội tụ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, trang bị hệ thống máy móc và trang thiết bị hiện đại bậc nhất, thường xuyên cập nhật và làm chủ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến nhất trên thế giới, xứng đáng là địa chỉ tin cậy để các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn trao gửi niềm tin.

IVFTA sở hữu phòng Lab ISO 5 siêu sạch đầu tiên tại Đông Nam Á. Tại đây, các chuyên gia phôi học có thể thực hiện được tất cả các kỹ thuật cao cấp phục vụ quá trình hỗ trợ sinh sản như hỗ trợ phôi thoát màng (AH), sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGT), nuôi phôi ngày 5, trữ lạnh phôi, noãn và tinh trùng… Đặc biệt, BVĐK Tâm Anh còn có sự phối hợp liên khoa IVF – Nam học – Sản Phụ khoa – Sơ sinh, giúp chăm sóc toàn diện cho cả mẹ và bé từ lúc còn trong giai đoạn phôi thai đến khi mẹ tròn con vuông, chăm sóc trẻ những năm tháng đầu đời.

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, TP.Hà Nội
    • Hotline: 1800 6858 – 024 7106 6858
  • TP.HCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh
    • Hotline: 0287 102 6789 – 0287 300 6858
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Chuyển phôi thất bại chưa hẳn là dấu chấm hết với các cặp vợ chồng. Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ngày nay đã có thể giúp tăng tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm. Điều quan trọng nhất là cần chọn lựa đúng cơ sở thực hiện uy tín cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, đồng thời giữ một tinh thần thoải mái, lạc quan trong hành trình “tìm con”.