Duolingo đọc như thế nào

Bài viết sẽ giới thiệu về ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo, cách thức học trên ứng dụng này đồng thời tác giả cũng đưa ra những ưu điểm và nhược điểm khi học tiếng Anh trên ứng dụng này.

Published onNgày 04 tháng 8, 2022

Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng học ngôn ngữ xuất hiện do nhu cầu học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ngày căng tăng nhanh, và Duolingo là một trong những ứng dụng phổ biến nhất được sử dụng rộng rãi bởi nhiều người học trên toàn thế giới. Bài viết sẽ giới thiệu về ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo, cách thức học trên ứng dụng này đồng thời tác giả cũng đưa ra những ưu điểm và nhược điểm khi học tiếng Anh trên ứng dụng này.

Key takeaways

1. Duolingo là nền tảng học ngoại ngữ miễn phí và có độ phổ biến nhất tính đến thời điểm hiện tại. Duolingo được hình thành với sứ mệnh tạo ra một nền tảng giáo dục miễn phí, thú vị và dễ tiếp cận với các khóa học đều tương ứng với tiêu chuẩn quốc tế về mức độ thành thạo ngôn ngữ.  

2. Mỗi Unit trong Duolingo sẽ có nhiều bài học khác nhau với các dạng bài tập nghe-nói, flashcard, sắp xếp câu và các câu hỏi trắc nghiệm. Duolingo cũng đề xuất cách học giúp người học vừa có thể củng cố kiến thức cũ và học kiến thức mới qua việc sau khi lên được level 1 ở bài học mới thì người học sẽ quay lại học để nâng level ở bài học cũ. Ngoài ra, ứng dụng này cũng đưa ra các tính năng khác để hỗ trợ người học như podcast, câu chuyện và bảng xếp hạng.

3. Duolingo mang đến rất nhiều kiến thức cũng như lợi ích cho người học ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Một vài điểm cộng tiêu biểu khi người học học tiếng Anh trên ứng dụng này bao gồm:

  • Phù hợp cho tất cả mọi người 

  • Giúp người học ghi nhớ từ vựng

  • Giảm bớt căng thẳng trong quá trình học tiếng Anh

  • Tiện lợi trong việc học tiếng Anh 

4. Tuy nhiên, Duolingo vẫn còn một vài điểm trừ hiện hữu trong quá trình học tiếng Anh như:

  • Cách học kỹ năng nói chưa thực tế

  • Không thể lựa chọn chủ đề từ vựng

Duolingo là gì?

Duolingo là một trong những nền tảng học ngoại ngữ miễn phí phổ biến và là ứng dụng giáo dục được tải xuống nhiều nhất trên thế giới hiện nay, với hơn 300 triệu người dùng. Tính đến tháng 6 năm 2021, Duolingo cung cấp 106 khóa học ngôn ngữ khác nhau bằng 40 ngôn ngữ với nhiều cấp độ.

Duolingo được hình thành với sứ mệnh tạo ra một nền tảng giáo dục miễn phí, thú vị và dễ tiếp cận tất cả mọi người. Dựa trên nguyên lý: ‘’Khi vui vẻ bạn sẽ học tốt hơn’’, Duolingo được thiết kế để tạo cảm giác như một trò chơi để giúp người học vừa có thể tiếp thu kiến thức vừa thư giãn. Phương pháp xây dựng Duolingo được chứng minh là khuyến khích người học nhớ tốt hơn và khuyến khích học sử dụng những kiến thức đã học trong giao tiếp đời thường. 

Các khóa học của Duolingo đều được tham khảo và tương ứng với Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR) - một tiêu chuẩn quốc tế về mức độ thành thạo ngôn ngữ. Không những cung cấp khóa học về ngôn ngữ, Duolingo còn đưa ra những bài đánh giá ngắn khi người học hoàn thành một Unit trong khóa học. Qua bài đánh giá này, không chỉ người học được ôn tập kiểm tra kiến thức đã học mà Duolingo còn dựa vào đây để nhận biết, đánh giá tính hiệu quả của việc giảng dạy và đưa ra những cải thiện cần thiết giúp người học trải nghiệm và tiếp thu kiến thức tốt nhất có thể.

Cách thức học trên ứng dụng Duolingo

Bài học trên ứng dụng Duolingo

Bài học ở ứng dụng Duolingo được chia thành từng unit với chủ đề riêng, và trong mỗi unit sẽ có nhiều bài học và mỗi bài học sẽ có 5 level với độ khó tăng dần. Chỉ khi người học đã hoàn thành các bài ở unit cũ thì ứng dụng sẽ tiếp tục giới thiệu những unit mới. 

Những từ vựng mới sẽ được dạy qua phương pháp hình ảnh và điểm ngữ pháp sẽ được giải thích ở đầu bài học. Tuy nhiên, người học vẫn có thể xem lại từ vựng và ngữ pháp qua phần ‘’tips’’ ở mỗi bài học. Ngoài ra, Duolingo còn cung cấp các bài học qua các dạng bài tập nghe-nói, flashcard, sắp xếp câu và các câu hỏi trắc nghiệm để người học có thể tìm hiểu các từ, cụm từ và đặt câu. Đặc biêt ở dạng bài sắp xếp câu, người học sẽ được cho một câu từ ngôn ngữ nguồn (source language) và yêu cầu phải sắp xếp thành một câu đúng ngữ pháp bằng ngôn ngữ mục tiêu (target language), điều này cũng có thể ngược lại ở trong vài bài tập. 

Duolingo đọc như thế nào

Vào cuối mỗi bài học, người học sẽ nhận được một bản báo cáo về tiến độ cũng như là là số ngày mà người học đã hoàn thành trên Duolingo. Khi người học đã hoàn thành bài học, người học sẽ thấy một màn hình khác với những sự lựa chọn như ‘’regular practice’’ hoặc ‘’hard practice’’ để chọn mức độ bài tập bình thường hoặc khó cho phần ôn tập của người học. Ngoài ra, người học cũng sẽ được nhận những lời nhắc từ ứng dụng hàng ngày để nhắc nhở về việc học và duy trì chuỗi ngày học của bản thân.

Cách học được khuyến khích bởi Duolingo

Duolingo không hề có sự bắt buộc nào về cách học ngôn ngữ trên nền tảng này nhưng Duolingo vẫn khuyến khích người học tham khảo cách học sau để có thể vừa ôn tập được bài cũ và học được bài mới. Đó chính là sau khi đạt được được level 1 ở một bài học mới người học sẽ dành thời gian quay lại học bài học cũ để nâng level của bài học đó lên, và cứ tiếp tục như vậy ở những bài tiếp theo.

Duolingo đọc như thế nào
Cách học này được Duolingo khuyến khích bởi vì nó sẽ giúp người học vừa có cái nhìn tổng quan và bao quát cho bài học mới vừa có thể ôn tập, củng cố kiến thức cũ. Đồng thời, sự kết hợp giữa việc học bài học cũ và mới cùng lúc sẽ giúp người học nhớ kiến thức lâu hơn và cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc nhớ kiến thức cũ. Đây cũng là cách để người học không cảm thấy quá nhàm chán trong việc học một bài học với những ngữ pháp và từ vựng giống nhau trong trong một thời gian dài.

Duolingo cũng sử dụng biểu tượng ‘’trái tim’’ để hiển thị số lần mà người học có thể làm sai bài tập trong một bài học. Nếu người học không còn biểu tượng ‘’trái tim’’ do đã làm sai quá nhiều lần thì người học sẽ phải quay lại bài học cũ và dành thời gian học lại những kiến thức cũ để có thêm biểu tượng này. Những biểu tượng này cũng sẽ được cập nhật mỗi ngày. Duolingo có cách làm như vậy là do nhiều nghiên cứu của nền tảng này cho biết nhiều người học thường bỏ qua việc ôn lại kiến thức cũ mà chỉ tập trung vào những bài học mới. Đây là cách mà Duolingo khuyến khích người học chú trọng hơn vào kiến thức và ôn tập lại những kiến thức đã được tiếp thu trước đó.

Những hoạt động khác hỗ trợ việc học trên ứng dụng Duolingo

Ngoài những bài học trên nền tảng, Duolingo còn cung cấp thêm các nguồn tài liệu khác nhau để người học có thể trau dồi thêm kiến thức. Duolingo nhận ra rằng người học ngôn ngữ luôn cần có động lực để quay lại ứng dụng và học ngôn ngữ nên Duolingo đã thêm một số tính năng khác khiến người học luôn kết nối và giúp việc học thêm phần thú vị.

1. Podcast

Duolingo đã cung cấp thêm Duolingo Podcast để giúp người học cải thiện khả năng nghe hiểu của bản thân. Mỗi podcast sẽ là một câu chuyện hấp dẫn có thật được người bản xứ kể lại bằng ngôn ngữ mục tiêu giúp người học có thể tăng cường khả năng nghe hiểu qua những câu chuyện với nội dung thú vị. 

2. Câu chuyện

Ngoài ra, một tính năng khác được giới thiệu trên nền tảng này chính là Duolingo Story (những câu chuyện của Duolingo). Đây là những mẩu chuyện ngắn và được lồng tiếng sẵn, và được thiết kế với mục đích nhằm giúp cải thiện khả năng nghe- hiểu và đọc- hiểu của người học. Mỗi câu chuyện đều được xây dựng dựa trên những Unit mà người học đã học để ôn tập kiến thức cũ.

3. Bảng xếp hạng

Một tính năng khác của Duolingo đó chính là bảng xếp hạng cho những người dùng nền tảng này. Bảng xếp hạng dựa vào phần điểm kinh nghiệm người học có được sau mỗi bài học. Mỗi tuần người học sẽ được xếp vào một bảng chung với 50 người học ngẫu nhiên, 10 người học có điểm kinh nghiệm cao nhất trong bảng xếp hạng đó sẽ lên hạng và ngược lại với 10 người học có kinh nghiệm thấp nhất sẽ bị rớt xuống một hạng thấp hơn, còn lại sẽ giữ nguyên hạng. Duolingo có tổng cộng 10 hạng lần lượt là Bronze, Silver, Gold, Sapphire, Ruby, Emerald, Amethyst, Pearl, Obsidian, và Diamond.

Bảng xếp hạng sẽ giúp người học cảm thấy có động lực hơn trong quá trình học trên nền tảng và cố gắng để dành thời gian học trên nền tảng để có thêm nhiều điểm kinh nghiệm.

Ưu điểm khi học tiếng Anh trên ứng dụng Duolingo

Dựa trên khảo sát được thực hiện vào năm 2020, Duolingo cho biết Tiếng Anh là ngôn ngữ được học nhiều nhất trên ứng dụng này. Điều này chứng tỏ có rất nhiều người học đã tin tưởng và chọn ứng dụng này để có thể tự học tiếng Anh. Ứng dụng Duolingo có rất nhiều ưu điểm khiến quá trình học tiếng Anh của người học dễ dàng hơn và dưới đây là một vài ưu điểm nổi bật khi học tiếng Anh trên ứng dụng này.

1. Phù hợp cho mọi người học tiếng Anh

Duolingo là một nền tảng học tiếng Anh vô cùng thích hợp cho tất cả mọi người vì các bài học của ứng dụng này đều đã được cá nhân hóa. Duolingo liên tục hỏi người học liệu tốc độ và mức độ của bài học có phù hợp hay không để cá nhân hóa việc học tập dựa vào nhịp độ của người học. Và với Duolingo, người học trên nền tảng này, ngay cả với những người mới bắt đầu học tiếng Anh cũng không cần lo lắng về tốc độ và mức độ của bài học. 

2. Giúp người học ghi nhớ từ vựng

Ngoài ra, những bài học của Duolingo sử dụng kỹ thuật Spaced Repetition (kỹ thuật Lặp lại cách quãng). Đây là một kỹ thuật sử dụng sự lặp lại các kiến thức cần học theo các quãng thời gian dài dần và kỹ thuật này nhằm tận dụng đặc điểm về tâm lý cũng như trí nhớ của con người. Những bài học của Duolingo luôn hướng đến việc ghi nhớ từ vựng của người học nên Duolingo luôn lặp đi lặp lại từ vựng đó. Với việc ứng dụng kỹ thuật này, việc học tập tiếng Anh đặc biệt là ở việc học và ghi nhớ từ vựng của người học sẽ vô cùng hiệu quả.

3. Giảm bớt căng thẳng trong quá trình học tiếng Anh

Vì Duolingo được thiết kế như một trò chơi nên quá trình học của người học sẽ vô cùng thư giản. Duolingo còn giúp người học có những trải nghiệm thú vị và thêm động lực khi đưa ra những tính năng phụ như podcast, câu chuyện hoặc bảng xêp hạng để có thể cạnh tranh cùng nhiều người học khác. 

4. Tiện lợi trong việc học tiếng Anh 

Duolingo là một ứng dụng học tiếng Anh vô cùng tiện lợi vì người học có thể học trên máy tính hoặc ngay cả trên điện thoại của mình. Người học có thể dành thời gian để học bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu.

Đọc thêm: Học tiếng Anh qua phim ảnh như thế nào cho hiệu quả?

Nhược điểm khi học tiếng Anh trên ứng dụng Duolingo

Mặc dù ứng dụng Duolingo mang đến cho người học ngôn ngữ nói chung, người học tiếng Anh nói riêng khá nhiều ưu điểm nhưng ứng dụng này vẫn có một vài nhược điểm chủ yếu là do khi học bằng Duolingo người học chỉ có thể tương tác với thiết bị điện tử. Điều này sẽ dẫn đến một vài vấn đề như sau:

1. Cách học kỹ năng nói chưa thực tế

Các bài học của Duolingo đều sử dụng giọng nói được ghi âm sẵn hoặc tạo ra từ máy tính cho nên đôi khi người học sẽ bị hạn chế trong việc học cách phản xạ và giao tiếp trong ngữ cảnh ngoài đời sống thật. Mặc dù ứng dụng cũng đã đưa dạng bài nghe và nói lại câu mẫu để giúp nâng cao kỹ năng nói nhưng điều này cũng không cải thiện được vấn đề vì trong vài trường hợp công nghệ không đủ dữ liệu và sự chính xác để nhận ra liệu cách phát âm của người học có thực sự tốt và dễ hiểu hay không.

2. Không thể lựa chọn chủ đề từ vựng

Vì người học phải hoàn thành tất cả bài học cùng một chủ đề trong một Unit sau đó mới có thể chuyển sang chủ đề khác ở Unit sau nên người học sẽ không thể lựa chọn và học từ vựng cho chủ đề mà bản thân thực sự cần. 

Đọc thêm: Hướng dẫn học tiếng Latin cơ bản qua ứng dụng Duolingo phiên bản tiếng Anh

Tổng kết và lời khuyên 

Bài viết trên đã giới thiệu cho người học về ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo, cách thức học trên ứng dụng này đồng thời tác giả cũng đưa ra những ưu điểm và nhược điểm khi học tiếng Anh trên ứng dụng này. Với nhu cầu học tiếng Anh nói riêng và các ngoại ngữ khác nói chung ngày càng tăng nhanh thì Duolingo là một ứng dụng vô cùng tiện lợi và thích hợp cho người học ngôn ngữ. Tuy Duolingo còn vài điểm trừ hiện hữu nhưng những điểm ấy không quá đáng kể so với những lợi ích mà nền tảng này đem lại. 

Người học vẫn có thể khắc phục những điểm bất cập ấy song song với quá trình học trên nền tảng này bằng việc tự luyện tập nói thêm ở nhà dựa vào những podcast, nhạc và phim ảnh hoặc làm quen với người bản ngữ để cải thiện kỹ năng nói của bản thân. Ngoài ra, nếu có nhu cầu học thêm từ vựng thuộc chủ đề khác, người học có thể tìm hiểu và mở rộng vốn từ của mình qua các tài liệu trên internet hoặc sách, báo.