Nhóm 1(dư nợ đủ tiêu chuẩn) theo nhóm nợ nhnn có ngày quá hạn là bao nhiêu?

Nợ quá hạn -một câu hỏi lớn

Một lãnh đạo cấp vụ của NHNN cho biết ngay sau khi Quyết định 127 được ban hành ông đã nhận được hàng chục cú điện thoại từ các tổ chức tín dụng (TCTD) bày tỏ mối quan tâm và cả... sự lo lắng. Mặc dù theo quan điểm cá nhân của ông này, "Quyết định 127 chỉ mới đạt 70% thông lệ quốc tế" nhưng đây là "bước đột phá mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trong việc đánh giá và kiểm soát chất lượng tín dụng của các ngân hàng". Bởi theo quy định mới, "khoản nợ vay không trả đúng hạn, được TCTD đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn...". Ngay cả trong trường hợp các khoản nợ không được trả đúng hạn và được TCTD chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ) thì toàn bộ số dư nợ vay gốc cũng bị "coi là nợ quá hạn". Quy định như vậy chắc chắn sẽ khiến cho tỷ lệ nợ quá hạn và nợ được coi là quá hạn ở nhiều TCTD sẽ "dềnh" lên đáng kể.

Các TCTD thực hiện phân loại nợ và trích lậpdự phòng cụ thể theo một trong hai phương pháp:

Phương pháp 1

Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn bao gồm: Các khoản nợ trong hạn được TCTD đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn.

Nhóm 2: Nợ cần chú ý bao gồm: Các khoản nợ quá hạn dưới 90 ngày.

Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày.

Nhóm 4: Nợ nghi ngờ bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày.

Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn bao gồm:

- Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày

- Các khoản nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý.

Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ

Nhóm 1: 0%

Nhóm 2: 5%

Nhóm 3: 20%

Nhóm 4: 50%

Nhóm 5: 100%. Riêng đối với các khoản nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý thì được trích lập dự phòng cụ thể theo khả năng tài chính của TCTD.

Phương pháp 2 (định tính)

Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn bao gồm: Các khoản nợ được TCTD đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn.

Nhóm 2: Nợ cần chú ý bao gồm: Các khoản nợ được TCTD đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi nhưng có dấu hiệu khách hàng suy giảm khả năng trả nợ.

Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn bao gồm: Các khoản nợ được TCTD đánh giá là không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. Các khoản nợ này được TCTD đánh giá là có khả năng tổn thất một phần nợ gốc và lãi.

Nhóm 4: Nợ nghi ngờ bao gồm: Các khoản nợ được TCTD đánh giá là có khả năng tổn thất cao.

Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn bao gồm: Các khoản nợ được TCTD đánh giá là không có khả năng thu hồi, mất vốn.

Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ

Nhóm 1: 0%

Nhóm 2: 5%

Nhóm 3: 20%

Nhóm 4: 50%

Nhóm 5: 100%

(Trích dự thảo Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòngđể xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD)

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng thương mại nhà nước cho biết tỷ lệ nợ quá hạn của ngân hàng này sẽ tăng từ 2 đến 3 lần so với con số công bố hiện nay. Tuy nhiên, vị này quả quyết rằng tỷ lệ đó sẽ không vượt quá 20% tổng dư nợ. Đấy là số liệu sơ bộ về tỷ lệ nợ quá hạn của một ngân hàng được đánh giá là quản lý tín dụng tương đối tốt. Còn số liệu về tỷ lệ nợ quá hạn chung của cả hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên bao nhiêu thì vẫn còn là "một câu hỏi lớn".

Đầu tháng 12 năm ngoái, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới ước tính tỷ lệ các khoản vay không sinh lời của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước vào khoảng 15% tổng dư nợ. Kèm theo đánh giá trên là lời chú: "Do chất lượng của các số liệu công bố còn thấp nên các ước tính như vậy vẫn hết sức sơ bộ". Một chuyên gia ngân hàng bình luận: "Có thể tỷ lệ nợ quá hạn theo cách phân loại mới sẽ khiến nhiều người cảm thấy giật mình nhưng đối với các ngân hàng thì không bởi nhiều ngân hàng đã lường trước việc này". Về sự cần thiết phải áp dụng cách phân loại nợ theo thông lệ quốc tế, bà Lê Thị Kim Nga - Trưởng phòng Quản lý tín dụng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam khẳng định: "Đây là việc làm cần thiết và nếu NHNN không buộc các TCTD phải thực hiện phân loại nợ theo tiêu chuẩn quốc tế thì Ngân hàng Ngoại thương cũng làm". Còn nhớ, vào tháng 5 năm ngoái, Hãng định mức tín nhiệm hàng đầu thế giới Standard&Poor's đã đánh giá tỷ lệ các khoản vay không sinh lời của hệ thống ngân hàng Trung Quốc lên tới 40% tổng dư nợ. Tuy nhiên, đánh giá này không làm "chùn bước" Chính phủ Trung Quốc trong việc đẩy mạnh cổ phẩn hoá các NHTM lớn của Nhà nước và tiếp tục nỗ lực cải cách hệ thống ngân hàng.

Quyết định 127 -những hệ quả đa chiều

Theo Quyết định 127, toàn bộ số dư nợ vay gốc của khách hàng có khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ bị coi là nợ quá hạn; phải phân loại vào các nhóm nợ "không đủ tiêu chuẩn" (từ nhóm 2 đến nhóm 5) và phải trích lập dự phòng rủi ro theo từng nhóm. Điều này chắc chắn sẽ khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng bị suy giảm đáng kể bởi họ phải dành những khoản tiền khá lớn để dự phòng rủi ro mà không được hạch toán vào thu nhập.

Một chi nhánh từng nhiều năm liền đạt danh hiệu "Chi nhánh ngân hàng xuất sắc trong toàn hệ thống" của một NHTM Nhà nước cho biết tỷ lệ nợ quá hạn theo tiêu chuẩn hiện hành chưa đến 0,5% tổng dư nợ. Nhưng số dư nợ gia hạn thường xuyên vào thời điểm cuối năm 2004 của chi nhánh lên tới trên 100 tỷ đồng. Năm 2004, lợi nhuận của chi nhánh này đạt xấp xỉ 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định mới thì tỷ lệ nợ quá hạn của chi nhánh này sẽ vào khoảng 6% và chắc chắn lợi nhuận sẽ phải giảm đi hàng chục tỷ đồng do phải dự phòng rủi ro cho trên 100 tỷ đồng nợ đã được gia hạn.

Nợ quá hạn tăng, lợi nhuận giảm là thách thức đối với tất cả các TCTD khi thực hiện Quyết định 127. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng thương mại cổ phần thì vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Lợi nhuận giảm sẽ khiến cho cổ tức giảm và giá cổ phần cũng giảm theo. Kết thúc năm 2004, một số ngân hàng thương mại cổ phần công bố lãi tới hàng trăm tỷ đồng và chia cổ tức hàng chục phần trăm. Năm 2005, tình hình có thể sẽ khác. Nhưng đổi lại, các ngân hàng sẽ buộc phải quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tín dụng và hoạt động lành mạnh hơn.

Quyết định 127 ra đời không phải là nguyên nhân khiến cho năng lực tài chính của các TCTD giảm đi. Thực trạng tài chính của từng TCTD vẫn vậy. Chỉ có điều thông qua việc thực thi quyết định này, những "con bệnh" bên trong mỗi TCTD được nhận diện và đánh giá đúng mức độ nguy hiểm để từ đó có liệu pháp chữa trị kịp thời.

Tuấn Anh