So sánh cước di động trong khu vực

Nhiều gói cước đang được tung ra đón nhu cầu sử dụng Internet di động dịp nghỉ hè, đi du lịch - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nếu so sánh kỹ để lựa chọn, người dân có thể có những gói cước rẻ và phù hợp hơn.

Đa dạng gói cước

MobiFone vừa tung ra gói cước buffet với chi phí từ 10.000 đồng/ngày. Khách được tùy ý chọn gói cước viễn thông kèm một trong số các dịch vụ số như ClipTV, Nhaccuatui, MobiEdu, MobiOn...

Trong đó, khách hàng được sử dụng đến 8GB dữ liệu/ngày, miễn phí cuộc gọi nội mạng dưới 10 phút (trong nước, không roaming), miễn phí nhắn tin nội mạng, miễn phí 5 phút/ngày gọi ngoại mạng trong nước...

Với những "tín đồ" của Facebook, Messenger, Instagram, Vinaphone có gói cước "chuyên trị" mang tên FB với cước phí chỉ từ 3.000 đồng/ngày, 10.000 đồng/tuần và 25.000 đồng/tháng. Người dùng gói cước này được miễn phí hoàn toàn dữ liệu khi sử dụng các dịch vụ mạng xã hội nêu trên. Với những khách hàng "nghiện" TikTok, Vinaphone cũng có gói cước TK với các mức phí tương ứng gói cước FB.

Hướng đến mục tiêu giữ chân khách hàng, Viettel tung ra các gói cước ưu đãi nhiều hơn cho thuê bao trả sau. Chẳng hạn, khách hàng chuyển từ trả trước qua trả sau có thể dùng gói cước V120T (120.000 đồng/tháng) với ưu đãi 2GB dữ liệu/ngày, 20 phút gọi ngoại mạng và 50 phút gọi nội mạng.

Theo đánh giá của đại diện Viettel: "Gói này rẻ ngang trả trước, nhưng nếu dùng trả sau thì cước gọi sẽ rẻ hơn trả trước". Những khách hàng chịu tốn thêm mức phí cao hơn sẽ được hưởng thêm nhiều ưu đãi hơn.

Đặc biệt, Viettel đã điều chỉnh cho khách hàng vẫn tiếp tục truy cập Internet với tốc độ ngang ngửa ADSL khi hết dung lượng của gói, thay vì dừng truy cập như trước đây.

Trong khi đó, dù nhỏ nhưng nhà mạng Vietnamobile luôn tung ra những gói cước có độ ưu đãi thuộc hàng "khủng" nhất. Nhà mạng này vừa tung ra chương trình mua 2 SIM King tặng 1 SIM Vô Hạn miễn phí dành cho những khách hàng gia đình, nhóm bạn thường xuyên liên lạc, đi du lịch...

Theo đó, khách hàng mua SIM King được ưu đãi dữ liệu đến 300GB/tháng cộng thêm 100 phút gọi ngoại mạng và miễn phí nội mạng. Giá sim là 80.000 đồng, cước phí tháng là 60.000 đồng.

Đối với SIM Vô Hạn (được tặng khi mua 2 SIM King), người dùng được sử dụng dữ liệu 120GB/tháng (tương đương 4GB/ngày), miễn phí nội mạng. Người dùng SIM Vô Hạn không phải trả bất cứ chi phí nào với điều kiện 2 SIM King còn hoạt động.

Nâng chất giữ chân khách lâu dài

Với dịch vụ chuyển mạng giữ số, người dùng hoàn toàn có thể rời bỏ một mạng di động có chất lượng dịch vụ kém, phục vụ tệ, chăm sóc không tốt. Do đó, các nhà mạng đều đặt trọng tâm nâng chất chính mình mới mong giữ chân khách hàng ở lại lâu dài, song song với các gói cước ưu đãi cạnh tranh để thu hút khách hàng tức thời.

Ông Raymond Ho, tổng giám đốc Vietnamobile, cho rằng: "Viễn thông là thị trường cạnh tranh để giữ thuê bao hiện tại cũng như phát triển thuê bao mới". Vì vậy, dù là nhà mạng nhỏ và đang phải cạnh tranh đầy khó khăn nhưng Vietnamobile vẫn tỏ ra quyết tâm với chiến lược cung cấp dữ liệu hào phóng.

Theo ông Lê Văn Khoa, phó giám đốc kỹ thuật mạng lưới Vietnamobile, hãng này đã hoàn thành nâng cấp gấp đôi tốc độ truy cập Internet di động tại 20 tỉnh thành phía Nam vào tháng 3 và 4 năm nay. Hiện nhà mạng này đã phủ sóng 4G trên 20 tỉnh thành với mật độ 83%.

"Tốc độ tải dữ liệu trung bình của chúng tôi đạt 20 Mbps. Một khảo sát qua gọi điện thoại với 20.500 khách hàng cho kết quả hơn 55% khách hàng nhận thấy tốc độ dữ liệu của Vietnamobile được cải thiện", ông Khoa nói.

Mới đây, Tập đoàn Nokia và VNPT công bố hợp tác triển khai hạ tầng băng rộng cáp quang tốc độ tới 10.000 Mbps đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, Nokia cũng đã công bố triển khai thành công mạng không dây có tốc độ truyền tải đến 600 Gbps cho nhà mạng Viettel tại Việt Nam.

Đáng chú ý, "ông lớn" Viettel cũng đã tự triển khai thành công hệ thống tổng đài thoại cho mạng 4G/5G (hệ thống IMS). Đây là một trong những thành phần quan trọng trong lớp mạng lõi, giúp thời gian thiết lập cuộc gọi nhanh hơn 3 lần, chất lượng cuộc gọi đạt tiêu chuẩn HD call, giảm lượng tiêu thụ pin của thiết bị đầu cuối từ 30 - 50%...

Tốc độ mạng di động Việt Nam vượt mức bình quân thế giới

Theo báo cáo kỹ thuật số 2023 phiên bản tháng 4-2023 của Tổ chức We Are Social, tốc độ truy cập Internet di động trung bình của Việt Nam là 43,94 Mbps trong khi tốc độ trung bình của thế giới là 39,77 Mbps.

Việt Nam xếp trên cả các quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines... nhưng vẫn có khoảng cách rất xa với các quốc gia hàng đầu thế giới về tốc độ Internet di động như: UAE (179,6 Mbps), Hàn Quốc (138,46 Mbps), Na Uy (131,23 Mbps), Đan Mạch (123,66Mbps), Trung Quốc (116,7 Mbps)...

Với gói cước dịch vụ Internet trung bình chỉ 11,27 USD/tháng, Việt Nam là một trong những quốc gia có giá cước Internet rẻ nhất châu Á nói riêng và thế giới nói chung.

Mạng Internet đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới, nhưng mức giá cước của dịch vụ mạng Internet hiện đang rất khác nhau tại các quốc gia trên toàn cầu.

Cable.co.uk, công ty chuyên tư vấn và so sánh các dịch vụ truyền hình cáp, Internet và viễn thông có trụ sở tại thành phố Lichfield (Anh) đã thực hiện một nghiên cứu và so sánh về mức giá cước sử dụng dịch vụ mạng Internet tại 211 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, để tìm ra quốc gia nào có giá cước mạng Internet đắt nhất và rẻ nhất thế giới.

Dữ liệu của Cable.co.uk được thu thập từ 3.288 nhà cung cấp dịch vụ mạng cố định tại 211 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2020. Mức giá cước Internet trung bình tại các quốc gia đều được quy đổi từ đơn vị tiền tệ địa phương ra USD để tiện so sánh.

Theo kết quả nghiên cứu của mình, Cable.co.uk cho biết số tiền trung bình mà người dùng trên thế giới phải chi ra để sử dụng một tháng dịch vụ Internet là 78,14 USD. Trong đó, Ukraine là quốc gia có giá cước Internet trung bình rẻ nhất thế giới, với mức giá trung bình chỉ 6,41 USD cho một tháng sử dụng Internet.

Xếp thứ 2 trong danh sách này là Syria, với mức giá cước Internet trung bình 6,49 USD/tháng. Đây là kết quả khá bất ngờ khi hiện tại Syria đang bị chiến tranh tàn phá, nhưng vẫn có một mức giá cước Internet rất rẻ.

So sánh cước di động trong khu vực
Danh sách 20 quốc gia có giá cước Internet thấp nhất thế giới (Việt Nam ở vị trí thứ 12).

Đáng chú ý, Việt Nam xếp thứ 6 tại khu vực châu Á, thứ 12 trên thế giới và số 1 tính riêng tại khu vực Đông Nam Á về mức giá dịch vụ Internet rẻ. Trung bình người dùng tại Việt Nam sẽ phải chi ra 11,27 USD (tương đương 260.000 đồng) cho một tháng sử dụng Internet. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có mức giá cước biến động theo từng năm thấp nhất thế giới, khi mức giá cước trung bình trong năm 2020 chỉ tăng thêm khoảng 0,04 USD (tương đương 900 đồng) so với năm 2019.

Ở chiều hướng ngược lại, các quốc gia châu Phi với cơ sở hạ tầng viễn thông thiếu thốn, thiếu tính cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ và mức thu nhập bình quân thấp cũng khiến giá cước Internet di động tại các quốc gia châu Phi cao nhất thế giới.

Theo nghiên cứu của Cable.co.uk thì có đến 4/5 quốc gia có giá cước Internet trung bình cao nhất thế giới thuộc về khu vực châu Phi, trong đó, người dùng tại Eritrea sẽ phải tốn trung bình 2.666,24 USD/tháng để sử dụng mạng Internet. Xếp thứ 2 về mức giá cước Internet đắt đỏ là Mauritania, với mức giá 712,46 USD cho một tháng sử dụng Internet.

Những cái tên còn lại trong top 5 quốc gia có giá cước Internet trung bình đắt nhất thế giới còn có Comoros (414,01 USD/tháng), Burundi (370 USD/tháng) và Macau (307,74 USD/tháng).

So sánh cước di động trong khu vực
Danh sách 20 quốc gia có giá cước Internet cao nhất thế giới.

Kết quả nghiên cứu của Cable.co.uk cũng cho thấy Yemen là quốc gia có mức biến động giá cước Internet lớn nhất thế giới, khi mức giá cước trung bình trong năm 2019 là 2.466,67 USD/tháng, nhưng sang năm 2020, mức giá này đã giảm xuống còn 39,34 USD/tháng, giảm đến 2.427,32 USD/tháng.