Vùng đất Hậu Giang được hình thành như thế nào

Nhớ lại thời điểm mới chia tách từ tỉnh Cần Thơ (cũ), Hậu Giang có địa bàn nông thôn rộng, nông dân chiếm phần lớn số dân, hộ nghèo đông, cơ sở vật chất thiếu thốn, lực lượng cán bộ của tỉnh ít về số lượng, không bảo đảm về chất lượng, quy mô nền kinh tế thấp nhất vùng. Nhưng 15 năm sau, Hậu Giang đã có những bứt phá khá ấn tượng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá, từ 6,6 đến 8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 1.800 tỷ đồng (2004) tăng lên hơn 41.410 tỷ đồng; thu ngân sách từ 179 tỷ đồng tăng lên hơn 20 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng; giá trị gia tăng bình quân đầu người từ gần 6 triệu đồng tăng lên 38,32 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23% xuống còn khoảng 9%, theo tiêu chí mới… có một đơn vị cấp huyện và 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Ấn tượng hạ tầng giao thông

Có lẽ ấn tượng nhất là hạ tầng giao thông của Hậu Giang đã kết nối được với toàn vùng. Thời điểm mới chia tách, Hậu Giang chỉ có tuyến quốc lộ 1 đi qua chưa đầy 30 km và tuyến quốc lộ 61 dẫn về trung tâm tỉnh, nhưng chỉ là tuyến đường theo chuẩn cấp 5 đồng bằng. Đường giao thông nông thôn chưa hoàn chỉnh, việc đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Xác định giao thông là mũi nhọn đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã dồn sức đầu tư xây dựng nhiều dự án quan trọng như: Nâng cấp quốc lộ 61; xây mới các tuyến đường nam sông Hậu, quốc lộ Quản lộ - Phụng Hiệp nối Hậu Giang với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn, nạo vét kênh Xáng Xà No thuộc tuyến đường thủy phía nam TP Hồ Chí Minh - Cà Mau, xây cầu Cái Tư nối liền với Kiên Giang, đón đầu đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2... Dấu ấn nổi bật nhất là sự ra đời của dự án đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, theo chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng giai đoạn 1, với hai làn xe - đánh dấu giai đoạn phát triển mới của “dòng Xà No trên cạn”. Tuyến đường này dài 47 km, kéo Vị Thanh - thành phố thứ 13 của đồng bằng xích lại gần hơn với “Tây Đô”.

Mạng lưới giao thông cấp tỉnh cũng được đầu tư rộng khắp, với 13 tuyến hiện hữu, chiều dài gần 240 km. Ở khu vực nông thôn, Hậu Giang là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình xây dựng phát triển hệ thống giao thông nông thôn bằng mặt cứng. Nhờ nền tảng này, 15 năm qua, từ nguồn vốn huy động được, đã nâng cấp và xây mới hơn 6.500 km đường, gần 3.300 cây cầu nông thôn... đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang Nguyễn Ngọc Long cho biết: “Cùng với hệ thống giao thông đối ngoại, hệ thống giao thông đô thị trung tâm tỉnh cũng từng bước được nâng cấp, chỉnh trang, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, từng bước đưa Vị Thanh từ đô thị loại III thành đô thị loại II trong tương lai gần”.

Tạo đột phá trong phát triển ngành nông nghiệp

“Điểm nhấn” của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang là đã chọn giải pháp đột phá đúng hướng. Đó là, trong 5 năm đầu (2004-2009), tỉnh tập trung quy hoạch xây dựng thành công các vùng sản xuất hàng hóa lớn. Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và hạ tầng phục vụ nông nghiệp - Chiến dịch Giao thông, Thủy lợi mùa khô. Trong 5 năm tiếp theo (2009 - 2014): Biến đổi khí hậu - hạ tầng phục vụ sản xuất. Tập trung dự án Kè Xà No. Đê ngăn mặn ứng phó với biến đổi khí hậu và chiến dịch thủy lợi - giao thông nông thôn. Trong 5 năm tiếp theo (2014 - 2018): Tập trung tái cơ cấu trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, trên cơ sở xây dựng và triển khai mạnh mẽ các chương trình, đề án, dự án phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đến nay, đã hình thành 915 vùng thủy lợi khép kín, có diện tích từ 30 đến 100 ha/vùng, thực hiện hoàn chỉnh với diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 77.657 ha, chiếm 57,1% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hầu hết diện tích sản xuất lúa, cây ăn trái, mía, khóm và hơn 70% diện tích trong rau màu đều được bơm tưới bằng máy. Đã có 10 nông sản chủ lực được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nông sản, gồm: Bưởi năm roi Phú Hữu Hậu Giang; cam sành Ngã Bảy; chanh không hạt Hậu Giang; lúa Hậu Giang 2; cá rô Hậu Giang; quýt đường Long Trị; cá thát lát Hậu Giang; khóm (dứa) Cầu đúc Hậu Giang; xoài cát Hậu Giang; cam xoàn Phụng Hiệp. Trong đó, ba nông sản (cam sành, khóm (dứa) và cá thát lát) đã phát triển thành thương hiệu được thị trường cả nước biết đến.

Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa được người dân đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện. Lợi nhuận tính trên một héc-ta khi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp so thu hoạch thủ công là 4,3 triệu đồng, tiết giảm gần 20% chi phí sản xuất cho cây lúa... Nhiều chương trình, đề án khác phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp như đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; đề án nâng cao chất lượng hoạt động HTX; đề án phát triển trạm bơm điện... cũng đã và đang được triển khai thực hiện, các dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (ODA), như: Dự án Quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL (WB6); Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015-2020 cũng đang phát huy hiệu quả. Từ đó, góp phần rất lớn vào việc xây dựng thành công 25/54 xã đạt chuẩn nông thôn mới; một đơn vị cấp huyện (thị xã Ngã Bảy) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015...

Nhìn chung Hậu Giang khá thành công trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nhiều mô hình sản xuất dựa trên thế mạnh sẵn có, kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà khoa học, phát động phong trào, quảng bá thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực. Song song với phát triển nông nghiệp có định hướng, Hậu Giang tìm cách giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, hướng đến phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư.

Nơi “đất lành chim đậu”

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: “Không có cơ hội nào từ trên trời rơi xuống, không có nhà đầu tư nào tự tìm đến Hậu Giang, nếu chúng ta không chủ động mời gọi, không cho họ điều kiện để làm giàu”. Biết vậy, nhưng với một tỉnh còn non yếu cả về kết cấu hạ tầng lẫn kỹ năng và kinh nghiệm điều hành quản lý, làm sao “biến” Hậu Giang thành nơi “đất lành chim đậu” để thu hút các nhà đầu tư? Đây là câu hỏi khó, bởi trong điều kiện ban đầu, từ hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ, chưa có các khu, cụm công nghiệp nào, chỉ có 475 doanh nghiệp hoạt động “lèo tèo”. Thế nhưng, với sự quyết tâm bằng nhiều giải pháp, tỉnh vừa lo phần cứng (công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng), vừa làm phần mềm (cơ chế chính sách), đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thu hút đầu tư kinh doanh thông thoáng…

Nhờ vậy, đến nay Hậu Giang đã có hai khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích hơn 1.100 ha, tỷ lệ lấp đầy 55%. Bình quân mỗi năm Hậu Giang có 350 doanh nghiệp đăng ký mới, 3.000 giấy đăng ký kinh doanh cá thể, toàn tỉnh có 47.500 cơ sở kinh doanh cá thể; cấp chủ trương đầu tư cho 310 dự án, với tổng mức đầu tư 121 nghìn tỷ đồng, trong đó, 256 dự án ngoài khu cụm công nghiệp (25 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn là 35.500 tỷ đồng; 48 dự án trong khu công nghiệp với tổng số vốn là 85.500 tỷ đồng (14 dự án đầu tư nước ngoài); thu hút 28 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn hơn 808 triệu USD… Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Hậu Giang trong 15 năm qua đạt khoảng 210 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 30 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp 9 lần so năm 2014 (3.400 tỷ đồng).

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hữu Nghĩa, đạt kết quả nêu trên, là nhờ chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phù hợp và công tác cải cách hành chính luôn được tăng cường, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chẳng hạn như thời gian làm các thủ tục giấy tờ cho doanh nghiệp đều giảm xuống còn một nửa so với thời gian quy định. Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại tỉnh Hậu Giang hiện nay giảm xuống chỉ còn trung bình 1,5 ngày (quy định là 3 ngày). Thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh chỉ nửa ngày; thời gian cấp chủ trương đầu tư giảm xuống còn 15 ngày (quy định là 32 ngày); thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư giảm còn 2 ngày (quy định là 5 ngày). Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất cũng giảm so với quy định. Trong lĩnh vực công thương, việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ kiều kiện kinh doanh xăng dầu… giảm còn 3 ngày (quy định là 15 ngày).

Bên cạnh đó, Hậu Giang cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của bộ phận một cửa và một cửa liên thông, cấp phép qua mạng ở cấp độ 2, 3 và 4 một số lĩnh vực như: Đăng ký kinh doanh, xây dựng, đất đai… từ đó giúp giảm chi phí về thời gian, giảm phiền hà khi nhà đầu tư đến liên hệ công tác, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...

Có thể nói, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư phát triển là điểm nổi bật của Hậu Giang. Nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hạ tầng giao thông đã xây dựng được mạng lưới giao thông từng bước đồng bộ, nối liền từ ấp đến xã, huyện, tỉnh và kết nối vào hệ thống quốc lộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Hạ tầng đô thị cũng được đầu tư phát triển, thành phố Vị Thanh đã đạt 53/59 tiêu chí đô thị loại II; thị xã Long Mỹ đã đạt 52/59 tiêu chí đô thị loại III. Hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phát triển nhanh. Giáo dục đã thoát khỏi “vùng trũng” với 206/340 trường đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt, năm 2013, Hậu Giang là tỉnh đầu tiên của ĐBSCL xóa các xã trắng trường mầm non, mẫu giáo; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lữ Văn Hùng khẳng định: Sự đổi thay khá toàn diện của Hậu Giang sau 15 năm phát triển thể hiện rõ trên các mặt: Quy mô nền kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, và nguồn thu ngân sách của tỉnh lớn hơn gấp nhiều lần; chăm lo an sinh xã hội cho người dân tốt hơn, hệ thống chính trị vững chắc. Đó là kết quả của tư duy tìm tòi và cách làm sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dám nghĩ, dám làm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh.

Hậu Giang vẫn là một trong bốn tỉnh khó khăn nhất của vùng ĐBSCL. Dẫu sao những kết quả bước đầu sau 15 năm thành lập tỉnh cũng đã tạo ra những tiền đề mới đối với sự phát triển kinh tế của Hậu Giang; nhất là sự ổn định về chính trị - xã hội, là nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện trong giai đoạn mới. Trước mắt là phấn đấu đến năm 2020, Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng ĐBSCL mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Bài và ảnh: PHÙNG DŨNG