Xa vắng là gì

Thời xa vắng là tác phẩm tiêu biểu cho cả đời văn của tác giả Lê Lựu, được sáng tác vào năm 1986. Cuốn sách đã vẽ nên bức tranh xã hội Việt Nam khi bước vào Thời kỳ đổi mới, từ đó làm nổi bật lên hình ảnh cuộc sống những kiếp người trước và sau chiến tranh.

Lê Lựu và tình yêu của người con nặng lòng với đất nước

Lê Lựu sinh năm 1942, là một cây bút trưởng thành trong cách mạng. Tác giả lớn lên giữa thời kỳ đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và miền Nam chống Mỹ cứu nước nên ông thuộc lớp các nhà văn chứng kiến những thăng trầm đi qua trên đất nước.

Quê của nhà văn ở xã Tân Châu, huyện Hưng Yên, đây là làng quê nghèo nằm bên bờ đê sông Hồng, vì chưa được trị thủy nên quanh năm thường bị lũ lớn. Ông phải trải qua một tuổi thơ đầy gian nan và buồn bã khi nhà có tám người con nhưng đã có đến năm anh chị em qua đời.

Lên mười tuổi, với mong muốn bản thân sẽ trở thành một nhà báo nên ông đã cố gắng viết và gửi các tác phẩm của mình lên báo tỉnh nhưng không có hồi đáp. Năm 1959, vì muốn đi nhiều để học hỏi, viết báo nên nhà văn đã tham gia vào quân đội khi mà phong trào Ba nhất đang diễn ra sôi nổi.

Xa vắng là gì
Hình ảnh mộc mạc của nhà văn Lê Lựu

Nhắc đến văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, chúng ta có thể bắt gặp một số gương mặt nổi bật như Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp hay Nguyễn Khải trong số đó không thể bỏ qua Lê Lựu, cây bút luôn đi sâu vào đời sống nhân dân nhằm bày tỏ những khát vọng, tình cảm của họ.

Bởi lẽ bản thân là một nhà văn quân đội xuất thân từ nông dân nên đề tài mà Lê Lựu hướng đến trong hầu hết các tác phẩm của mình là những con người cầm súng đầu trần chân đất. Ở đó họ hiện lên với hình ảnh chân chất, mộc mạc nhất, với một trái tim vị tha và cũng không kém phần mãnh liệt.

Trước khi trở thành một nhà tiểu thuyết chuyên nghiệp, Lê Lựu từng là cây bút truyện ngắn với tác phẩm đầu tay là Tết ở làng Mụa, được in lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ Quân đội vào năm 1964 và thử sức một số thể loại khác như bút ký, phóng sự hay báo chí.

Nếu văn học Việt Nam từ năm 1945 đến 1975 mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, hiện thực thì văn học Việt Nam sau 1975 chính là dòng văn học đề cao cái tôi đa ngã, từ đó đi sâu nhằm khắc họa nên những hoàn cảnh đời thường và quan tâm đến số phận cá nhân.

Xa vắng là gì
Hình ảnh bìa sách Sóng ở đáy sông của nhà văn Lê Lựu

Truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu và Chuyện làng Cuội do Lê Lựu chắp bút là một trong những minh chứng tiêu biểu cho điều trên. Có thể thấy được, cảm hứng bi kịch đến giai đoạn này mới thực sự được quay lại đồng thời là phương thức cho các nhà văn sử dụng nhằm khám phá mối quan hệ giữa người với người.

Sau năm 1986 với chủ trương đổi mới, cởi trói cho văn học nghệ thuật do Đảng đề ra thì bộ mặt của văn học Việt Nam bắt đầu có sự khởi sắc hơn bao giờ hết. Nhiều cây bút trẻ sung sức thể hiện cá tính, tài năng của mình như Ma Văn Kháng, Lưu Quang Vũ và Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Trước công cuộc đổi mới toàn diện ấy, Lê Lựu cũng khẳng định tên tuổi của bản thân bằng cách đóng góp những tác phẩm như Trong làng nhỏ, Người cầm súng, Phía mặt trời hay Chuyện kể từ đêm trước và nổi bật trong số đó có Thời xa vắng, cuốn sách giúp ông gây được tiếng vang lớn trên văn đàn Việt Nam.

Đa phần các tác phẩm mang tên Lê Lựu đều khắc họa rõ hình ảnh của những trái tim luôn kiếm tìm và khao khát hạnh phúc. Họ là đại diện cho từng ước mơ mà tác giả hướng đến, để từ đó tập trung phản ánh lối sống cũng như cho người đọc thấy rõ được mặt trái xã hội lúc bấy giờ.

Hãy viết cái gì mà mình thân thuộc nhất như nhà phê bình Nhị Ca đã dạy. Phải biết lượng sức mình khi bắt tay viết để tiết chế mà viết ngắn hay viết dài ra sao. Và bài học thứ ba cực kỳ quan trọng, bao giờ cũng phải tâm niệm nghề văn là một nghề thiêng liêng, mình sẵn sàng hi sinh cho nó, kể cả khi cực khổ, gian nan nhất cũng không được từ bỏ con đường mình đã chọn.

Lê Lựu

Hiện lên trên từng trang viết ấy không chỉ là những con người cầm súng chiến đấu hay nhân dân lao động mang trên mình phẩm chất tốt đẹp mà còn là hình ảnh số phận của những người phụ nữ, tất cả họ đều hiện lên trong cuộc sống với tấn bi kịch mà bản thân phải nếm trải, chịu đựng.

Xa vắng là gì
Hình ảnh bìa sách Chuyện làng Cuội của Lê Lựu

Không chỉ dừng lại ở đó, nhà văn còn tập trung vào việc vẽ nên bức tranh làng quê Việt Nam trước và sau chiến tranh, từ đó dồn hết bút lực để ghi dấu một thời biến động, nhiễu nhương của đất nước cũng như thể hiện bước chuyển mình trong lối tư duy của văn học đương đại.

Bên cạnh đó, với những thể nghiệm đầu tay là hàng loạt truyện ngắn, Lê Lựu đã thành công gây dựng cho bản thân một vị trí vững chãi trên văn đàn Việt Nam cũng như nền tảng để phát triển trong việc chắp bút ở các tiểu thuyết sau này.

Mỗi trang viết mang tên Lê Lựu đều vang lên giọng điệu của cuộc sống đời thường được nhà văn sử dụng một cách tài tình và đậm nét. Có lẽ cũng chính vì thế mà từ con người đến hoàn cảnh trong tác phẩm đều mang sự suy tư, triết lý cũng như dòng tư tưởng được người cầm bút khéo léo đưa vào.

Thời xa vắng chính là một minh chứng rõ rệt, tác phẩm tiêu biểu trong đời văn Lê Lựu. Cuốn sách được xem như tiếng nói giãi bày tấm lòng, đấu tranh nội tâm trước thế sự nhằm hoàn thiện nhân cách và ý chí tư tưởng của con người trong thời đại lúc bấy giờ.

Tấn bi kịch cuộc đời trong Thời xa vắng

Sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, độc lập, tự do và thống nhất. Trước bối cảnh ấy, văn học cũng lặng lẽ đi vào cuộc sống nhân dân, từ đó phản ánh một góc nhìn bình đẳng hơn trên từng trang sách.

Nếu Nguyễn Minh Châu để nhân vật tự mình đấu tranh nhằm hoàn thiện nhân cách hay Nguyễn Khải, cây bút luôn đi sâu vào mỗi góc độ trong đời sống thường nhật của nhân dân thì Lê Lựu chính là gương mặt góp phần thay đổi bộ mặt văn học thời kỳ đổi mới, hướng đến quyền sống và số phận con người.

Xa vắng là gì
Hình ảnh bìa sách tác phẩm Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu

Giang Minh Sài là đứa con trai của ông đồ Khang. Khi đất nước vẫn còn chiến tranh, gia đình buộc anh kết hôn với cô Tuyết hơn mình ba tuổi, tuy rằng ngoài mặt đồng ý nhưng trong lòng vẫn không thể chấp nhận.

Họ cứ như thế duy trì được một năm, cho đến ngày nọ khi Tuyết đang giã ngô thì lỡ thụi vào tay Sài. Nỗi uất ức dồn nén bấy lâu nay khiến anh tức giận đến nỗi quay ra đánh liên tục vào mặt vợ. Mấy ngày sau khi gần đến Tết thì cô bỏ về nhà mẹ đẻ dù ông đồ Khang đã hết mực khuyên ngăn.

Thấy thế nào, anh cũng phải trị thằng em anh không được hỗn. Tý tuổi đầu đã mất đoàn kết với vợ con. Hỉ mũi chưa sạch đã lên mặt làm chồng đánh chửi con người ta. Đấy là tôi chưa kể quyền nam nữ bình đẳng, nhà nó mà kiện là mất hết, cả tôi, cả anh đeo mo vào mặt.

Thời xa vắng

Bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời Sài diễn ra khi bản thân vừa bước sang tuổi mười tám. Anh đã gặp Hương, cô bé ở phía nội đồng, vừa xinh đẹp vừa giỏi giang. Hai người họ hiểu nhau trong từng ý nghĩ chỉ sau vài ba lần gặp mặt.

Nhưng rồi chuyện tình ấy cũng nhanh chóng chấm dứt khi những lời yêu thương vẫn còn đang bỏ ngỏ, Hương đến và cho Sài nếm thử mùi vị của tình yêu đầu đời rồi nhanh chóng dập tắt ngọn lửa vừa bùng cháy bên trong trái tim anh.

Hương đã đến với anh như từ trên trời, Hương đến ban cho anh sự linh thiêng của tình yêu rồi lại Hương, tự Hương vứt bỏ không thương tiếc.

Thời xa vắng

Đó là khoảng thời gian trước và trong chiến tranh, Sài trở về làng Hạ Vị sau khi đất nước độc lập và quyết định ly hôn với Tuyết. Sau đó anh chỉ tập trung vào công việc, không còn để tâm đến bất cứ thứ gì xung quanh, kể cả chuyện bắt đầu có một mối quan hệ mới.

Xa vắng là gì
Hình ảnh bìa cuốn sách Thời xa vắng

Duyên số lại một lần nữa sắp đặt để anh gặp được Châu, người con gái ấy đem đến cho trái tim đầy vết thương của anh cảm giác được vỗ về như cách Hương đã làm. Họ ở với nhau bên hồ Tây, đó là báo hiệu ngầm khẳng định rằng, Sài và Châu sẽ trở thành vợ chồng.

Chuyện gì đến cũng sẽ đến, Châu có thai và được anh dẫn về ra mắt gia đình, hai người chính thức về một nhà. Từ lúc gả cho Sài, cô không phải làm gì cả, mọi việc anh lo hết, chuyện bếp núc, giặt giũ hay làm lụng kiếm tiền cũng một vai Sài gồng gánh.

Rồi bọn họ có với nhau hai đứa con, cứ tưởng rằng mọi thứ sẽ trôi qua êm đẹp nhưng vải thưa không che được mắt thánh, Sài phát hiện ra Giang Minh Thuỳ, đứa con đầu lòng là kết quả của Châu với người yêu trước.

Với tình yêu, kẻ biết dối trá thuần thục bao giờ cũng lôi cuốn người con gái hơn rất nhiều những người chỉ biết biểu hiện lòng thành thật.

Thời xa vắng

Lại một lần nữa Sài ra tòa làm đơn ly hôn, ngày anh đi hai đứa trẻ chạy theo chân cha trong tiếng khóc vỡ òa. Lấy lý do đi công tác xa, Sài rời khỏi mái ấm đã từng ngày cố gắng vun đắp, trở lại làng Hạ Vị, nơi anh sinh ra và lớn lên để tiếp tục sống hết quãng đời còn lại.

Thời xa vắng đã khắc họa nên số phận trái ngang của một kiếp người, Sài chính là đại diện cho điều trên. Đó là tấn bi kịch không những do xã hội tạo ra mà kết quả đó cũng nảy sinh từ chính bản thân nhân vật, để rồi họ phải tự mình gánh lấy trách nhiệm và vô số lần đánh đổi trong cuộc đời.

Bảo vệ giá trị đích thực của con người

Sài là hình ảnh đại diện cho những con người không thể làm chủ cuộc đời. Bởi vốn dĩ anh được sinh ra trong gia đình phong kiến nên chuyện tình cảm phải do cha mẹ sắp đặt. Sau này khi ở quân đội, ngay cả việc thân mật với vợ mà người ngoài cũng có tư cách chỉ đạo, nếu làm trái ý sẽ bị xem là phản động.

Một nề nếp, một thói quen, một thông tục cha truyền con nối từ mấy đời nay: Con cái không được quyền muốn sao được vậy vì như thế là trái với phép tắc gia phong.

Thời xa vắng

Không chỉ dừng lại ở đó, Thời xa vắng còn vẽ nên bức tranh thôn quê của ngôi làng Hạ Vị đang phát triển theo một cách rập khuôn và bảo thủ. Người dân và nhịp sống sinh hoạt luôn trì trệ, đi theo tư tưởng phong kiến, họ không tự mình cố gắng xây dựng sự nghiệp mà theo Lê Lựu thì chỉ muốn làm thuê, làm mướn.

Xa vắng là gì
Hình ảnh minh họa cho tác phẩm Thời xa vắng

Tuy rằng đề tài cách mạng chưa thực sự khép lại trong văn học thời kỳ đổi mới năm 1986 nhưng những tác phẩm được ra đời trong giai đoạn này vẫn được xem là cột mốc phân kỳ quan trọng, kết thúc chặng đường cũ để mở ra một khởi đầu khác và phản ánh đúng đời sống nhân dân sau chiến tranh.

Cách mạng rồi, giải phóng rồi, không thể để xã Hạ Vị diễn lại cảnh chết đói, chết rét, như năm ất dậu. Ai chống lại mệnh lệnh này sẽ bị coi là kẻ phản động và bị trừng trị đích đáng. Cái quyết định vừa đanh thép vừa thống thiết.

Thời xa vắng

Những yêu cầu về đổi mới tư duy trong cách thể hiện nội dung cùng sự xuất hiện của đội ngũ nhà văn mới đã làm cho văn học đương đại trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Thời xa vắng là một minh chứng tiêu biểu, dù được ra đời ở hoàn cảnh nào thì tiểu thuyết vẫn mang bản chất hướng đến sự hoàn thiện nhân cách con người.

Hãy kiên quyết, kiên quyết đến tàn nhẫn, đến độc ác, buộc tất cả mọi quân nhân chấp hành nghiêm ngặt những quy định của kỷ luật,của điều lệnh và pháp luật của Quân đội và nhà nước, của nhân phẩm và đạo đức con người xã hội chủ nghĩa.

Thời xa vắng

Thời xa vắng là khoảng thời gian nhân dân sợ hãi trước mọi thứ, họ không có đủ can đảm để tiến lên phía trước. Tác giả đã khắc họa rõ nét bản chất con người lúc bấy giờ thông qua hình tượng nhân vật Giang Minh Sài, anh có sự đấu tranh tâm lý sâu sắc nhưng không dám đứng lên làm chủ cuộc đời mình.

Đến cuối cùng, Lê Lựu đã để nhân vật tự giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc về tư tưởng trong cuộc đời, đó là một hành trình trải dài suốt tác phẩm, từ đó giúp độc giả nhận thức được từng tư tưởng, giá trị đạo đức mang ý nghĩa lớn lao.

Thời xa vắng mang trên mình những tinh túy nguyên bản của văn học thời kỳ đổi mới, đó là tiếng nói về sự cắn rứt lương tri và đấu tranh nội tâm diễn ra không ngừng trong suốt cuộc đời để rồi Lê Lựu có thể nói lên được số phận con người với nỗi đau giằng xé.

Xa vắng là gì
Hình ảnh bìa tác phẩm Thời xa vắng

Cuốn sách còn tái hiện lại nếp sống văn hóa của nhân dân, đặc biệt là hình ảnh thôn quê Việt Nam trong những ngày đầu đổi mới. Đó là một chế độ bao cấp bất hợp lý khiến cho họ phải cơ cực, nơi mà tiếng nói cá nhân luôn đứng phía sau tiếng nói tập thể hay thậm chí là tôn sùng ý kiến chủ quan, không một ai được bước ra khỏi khuôn mẫu đã đúc sẵn.

Lê Lựu để trái tim gắn bó sâu nặng với người nông dân nghèo khó trong xã hội Việt Nam, mỗi tác phẩm ít nhiều cũng sẽ để độc giả có cái nhìn đồng cảm hơn về nỗi oan ức nhẫn nhịn mà họ phải trải qua.

Thời xa vắng là một trong những minh chứng tiêu biểu cho văn học mang cảm hứng đời tư thế sự. Nhân vật trong tiểu thuyết dù có cuộc đời oái oăm hay bi kịch đến mấy thì chính nó là thứ giúp cho con người trưởng thành và nhận thức được giá trị của bản thân.

Minh Minh