Chức năng của bộ nội vụ là gì năm 2024

Bộ Nội vụ ngay từ ngày đầu thành lập đã là một trong 13 bộ của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có vị trí, vai trò đặc biệt trong cơ cấu Chính phủ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời giao chức năng, nhiệm vụ quan trọng, đó là “Tổ chức xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự và đảm nhiệm một phần chức năng của Chủ tịch phủ, theo dõi, điều hành công tác nội trị pháp chế hành chính công và điều phối hoạt động của các Bộ khác”. Tất cả các lĩnh vực công tác của Bộ Nội vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao đều là những lĩnh vực có tính chất nội trị quốc gia.

1. Vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Bộ Nội vụ trong bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam

Vị trí, vai trò quan trọng của Bộ Nội vụ trong cơ cấu Chính phủ thể hiện ở chức năng tham mưu cho Chính phủ thiết kế tổ chức, tuyển dụng, bố trí và sắp xếp nhân sự trong bộ máy hành chính Trung ương, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý các lĩnh vực có tính chất nội trị quốc gia. Bộ Nội vụ thời gian này có vị trí, vai trò quan trọng như Bộ Lại - Bộ đứng đầu lục bộ trong tổ chức triều đình quân chủ Á Đông trước đây, được xem như là rường cột của quốc gia.

Ngày 03/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58/SL về tổ chức Bộ Nội vụ. Theo Sắc lệnh này “Bộ Nội vụ có chức năng, nhiệm vụ kiểm soát về hành chính và chính trị; quản trị công chức, kế toán; công việc pháp chế hành chính; thông tin - tuyên truyền; trị an và công tác dân tộc”. Như vậy, trong văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức, Bộ Nội vụ có vị trí, vai trò là một bộ trong cơ cấu Chính phủ - cơ cấu chính quyền hành pháp, được Chính phủ liên hiệp kháng chiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao quản lý các lĩnh vực nội vụ, nội trị quan trọng của đất nước.

Đến tháng 8/1953, Thứ Bộ Công an thuộc Bộ Nội vụ được đổi tên thành Bộ Công an, kể từ đó chức năng trị an được tách ra khỏi Bộ Nội vụ.

Vị trí, vai trò của Bộ Nội vụ tiếp tục được khẳng định trong Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 29/9/1961 của Chính phủ. Theo Nghị định này: “Bộ Nội vụ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm quản lý công tác tổ chức và dân chính theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước bảo đảm hoàn thành tốt công tác xây dựng và kiện toàn, bộ máy nhà nước và công tác dân chính, nhằm phát huy tác dụng của bộ máy chính quyền nhân dân trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Theo Nghị định số 130/NĐ-CP ngày 29/9/1961 của Chính phủ, Bộ Nội vụ có các nhiệm vụ quan trọng sau đây: nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ và thể lệ thuộc phạm vi quản lý của Bộ; chỉ đạo xây dựng và kiện toàn bộ máy nhà nước các cấp; trình Hội đồng Chính phủ phê duyệt việc thành lập hoặc bỏ các văn phòng, vụ, cục, viện, sở, ty và các đơn vị tổ chức tương đương; trình Hội đồng Chính phủ dự án điều chỉnh địa giới hành chính; chỉ đạo việc tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp; quản lý Trường Hành chính Trung ương, chỉ đạo việc huấn luyện ủy viên Ủy ban hành chính các cấp và cán bộ hành chính văn phòng của các ngành, các cấp; thống kê lực lượng cán bộ, nhân viên hành chính sự nghiệp trong bộ máy nhà nước, kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc thủ tục tuyển dụng cán bộ, nhân viên của các ngành, các cấp; quản lý công tác biên chế các cơ quan nhà nước thuộc khu vực không sản xuất; trình Hội đồng Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện những chế độ đãi ngộ chung đối với cán bộ các ngành, các cấp, các chính sách, chế độ đối với thương binh, liệt sĩ, quân nhân phục viên, Việt kiều về nước; quản lý hộ tịch, quốc tịch, lập hội, họp hội, di dân, lạc quyên, mồ mả, hàng binh Âu Phi, công tác phòng cháy, chữa cháy.v.v…

Có thể thấy, từ năm 1946 đến năm 1961, Bộ Nội vụ có vị trí, vai trò rất quan trọng trong cơ cấu tổ chức Chính phủ, cơ cấu chính quyền hành pháp, hành chính nhà nước có chức năng tham mưu cho Chính phủ quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực quan trọng có tính chất nội vụ, nội trị quốc gia.

Trong những năm 1970, địa vị pháp lý của Bộ Nội vụ có một số thay đổi. Đa số chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ được chuyển giao cho Ban Tổ chức của Chính phủ - cơ quan được thành lập theo Nghị định số 29/CP ngày 20/02/1973 của Hội đồng Chính phủ. Đến năm 1990, Ban Tổ chức của Chính phủ được đổi tên thành Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ. Năm 1994, Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ được đổi tên thành Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ. Theo Nghị định số 181/CP ngày 09/11/1994 của Chính phủ thì Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: tổ chức bộ máy nhà nước; công chức và viên chức nhà nước; lập hội quần chúng và tổ chức phi chính phủ, phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tài liệu quốc gia.

Đến ngày 05/8/2002, theo Nghị quyết số 02/2002/QH11 của Quốc hội, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ được đổi tên thành Bộ Nội vụ (thực chất là trở lại tên gọi ban đầu của Bộ Nội vụ). Vị trí, vai trò của Bộ Nội vụ tiếp tục được khẳng định trong các Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003, Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17/4/2008, Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10/8/2012, Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Hiện nay, theo Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 26/6/2017 của Chính phủ “Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: tổ chức hành chính sự nghiệp nhà nước; cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi Chính phủ; thi đua - khen thưởng; tôn giáo, văn thư, lưu trữ nhà nước; quản lý nhà nước đối với dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, trong suốt 75 năm từ ngày thành lập đến nay, Bộ Nội vụ luôn là một bộ trong cơ cấu Chính phủ - cơ cấu hành pháp, hành chính nhà nước có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tham mưu cho Chính phủ quản lý các lĩnh vực có tính chất nội vụ, nội trị quốc gia. Vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ Nội vụ trong bộ máy hành chính nhà nước còn được thể hiện rõ trong quản lý hành chính nhà nước đối với các ngành, các lĩnh vực được Chính phủ giao.

2. Vị trí, vai trò của Bộ Nội vụ trong quản lý hành chính nhà nước

Quản lý (quản trị) ngày nay trở thành chức năng vốn có của mọi tổ chức, trong đó có tổ chức hành chính nhà nước. Nó phát sinh từ sự phân công lao động xã hội, từ sự cần thiết phải phối hợp hành động và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cá nhân, các bộ phận trong tổ chức dưới sự điều khiển của các nhà quản lý nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu của tổ chức. Quản lý là yếu tố quyết định sự thành công của tổ chức. Peter Drucker, nhà khoa học nổi tiếng về quản lý đã nhấn mạnh “Quản lý, năng lực quản lý, tính nhất quán của quản lý và việc thực hiện quản lý có ý nghĩa quyết định đối với nước Mỹ và các nước khác trong các thập niên tới”. Quản lý giỏi đồng nghĩa với cầm quyền và trị nước giỏi, quyết định đến sự hưng thịnh hay suy vong của quốc gia, dân tộc. Quản lý nói chung là sự tác động có chủ đích của chủ thể quản trị đến đối tượng quản lý thông qua các hoạt động: hoạch định, tổ chức lãnh đạo, kiểm tra nhằm đạt được mục tiêu đề ra của tổ chức.

Quản lý hành chính nhà nước là sự tác động có tổ chức và điều hành bằng quyền lực nhà nước đến các quá trình kinh tế - xã hội và hành vi hoạt động của công dân thông qua các hoạt động: hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra nhằm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng hành pháp, hành chính của Chính phủ, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển và phục vụ người dân. Chủ thể quản lý hành chính nhà nước là Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp. Để thực hiện các chức năng quản lý hành chính nhà nước, Chính phủ giao cho mỗi bộ thực hiện một số chức năng nhất định. Trong đó, Bộ Nội vụ được giao thực hiện chức năng tham mưu, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác tổ chức và cán bộ của Nhà nước.

Trong tiến trình quản lý hành chính nhà nước, chức năng tổ chức là chức năng cơ bản, chức năng quan trọng của quản lý. Một khi mục tiêu, chiến lược và kế hoạch hoạt động quản lý đã được xác định nhà quản lý cần phải thiết lập một bộ máy tối ưu và xác định một cơ chế hoạt động hợp lý, nhằm thực hiện được mục tiêu đó. Chức năng tổ chức đứng ở vị trí thứ hai trong chu trình quản lý nhưng có ý nghĩa quyết định hiệu quả của quản lý. Chức năng tổ chức bao gồm nhiệm vụ thiết kế cơ cấu tổ chức bộ máy và nhiệm vụ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và thực chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực làm việc trong bộ máy. Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất thì chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ bao hàm lĩnh vực công tác tổ chức và lĩnh vực công tác cán bộ của Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, lĩnh vực công tác tổ chức bộ máy và lĩnh vực tổ chức cán bộ là lĩnh vực công tác có nhiệm vụ thiết kế cơ cấu tổ chức bộ máy, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực trong bộ máy.

Đây là lĩnh vực công tác phức tạp và quan trọng nên những người lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành từ vi mô đến vĩ mô đều phải quan tâm chỉ đạo sát sao trong suốt quá trình từ khi xác định được mục tiêu, chủ trương, chính sách đến tổ chức thực hiện, biến chúng thành hiện thực. Lĩnh vực tổ chức hay công tác tổ chức nhà nước có nội dung và phạm vi hoạt động tương đối rộng lớn, liên quan đến tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến cơ sở. Cấp nào, ngành, lĩnh vực nào, cơ quan, tổ chức nào cũng phải xây dựng bộ máy tổ chức và triển khai công tác tổ chức trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quản lý của mình. Điều này thêm một lần nữa khẳng định chức năng tổ chức trong quản lý hành chính nhà nước mà Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ là cực kỳ quan trọng.

Theo Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ quản lý các lĩnh vực: tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Đó là các lĩnh vực thuộc chức năng tổ chức trong quản lý hành chính nhà nước. Để thực hiện chức năng này, Bộ Nội vụ phải triển khai các nhiệm vụ sau đây:

2.1. Hoạch định thể chế, chính sách tạo cơ sở pháp lý và công cụ hữu dụng cho quản lý hành chính nhà nước

Theo Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ tham mưu, nghiên cứu, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội ban hành thể chế, chính sách về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính, về nguồn nhân lực hành chính nhà nước, đó là các đạo luật quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, như Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức… Sau khi các đạo luật quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước được ban hành, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các đạo luật đó.

Khi được luật, nghị định ủy quyền, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng, ban hành thông tư để tổ chức thực hiện đưa các đạo luật và nghị định về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Hoạch định thể chế, chính sách thực chất là để tạo cơ sở pháp lý và công cụ hữu dụng cho quản lý hành chính nhà nước. Đây là chức năng quan trọng hàng đầu trong quản lý hành chính nhà nước của Bộ Nội vụ.

2.2. Thực hiện chức năng quản lý tổ chức hành chính sự nghiệp nhà nước và tổ chức chính quyền địa phương

Theo Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ thiết kế tổ chức bộ máy hành chính nhà nước bao gồm bộ máy hành chính Trung ương và bộ máy hành chính địa phương, cụ thể như: trình Chính phủ đề án cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội; đề án, dự thảo nghị định của Chính phủ về thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; dự thảo nghị định quy định việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp nhà nước.

- Thẩm định các dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thẩm định đề án thành lập, sáp nhập, giải thể, tổ chức lại tổng cục và tương đương, vụ, cục và tương đương do bộ, cơ quan ngang bộ trình Chính phủ; thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục và tương đương, đề án và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, sáp nhập, giải thể, tổ chức lại các tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước và các tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh cải cách tổ chức hợp lý chính quyền địa phương.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổng hợp, báo cáo Chính phủ quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.v.v…

2.3. Thực hiện chức năng quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước

Đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước là bộ phận cấu thành nguồn nhân lực nhà nước, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước. Hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước phụ thuộc phần nhiều vào trình độ, năng lực và kết quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có đủ trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quản lý hành chính nhà nước, Bộ Nội vụ phải thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch, nâng ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp; đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, xin thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu, đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.v.v…

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế là nhiệm vụ rất quan trọng đặt ra hiện nay đối với Bộ Nội vụ.

2.4. Thực hiện quản lý đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp không thể thiếu trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì trình độ, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, kiến thức, kỹ năng tác nghiệp hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ thuộc vào công tác đào tạo, bồi dưỡng. Mục tiêu của đào tạo, bồi dưỡng là nhằm trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức những kiến thức, kỹ năng cần thiết để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra trong quản lý hành chính nhà nước, nhiệm vụ chủ yếu đặt ra trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là:

- Xác định nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ trình độ, năng lực, kinh nghiệm làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

- Đầu tư kinh phí tài chính, công nghệ và các nguồn lực khác cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;

- Thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh, chức vụ, lãnh đạo, quản lý và theo tiêu chuẩn ngạch, bậc, hạng cán bộ, công chức, viên chức.

Đào tạo, bồi dưỡng trang bị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức những kiến thức, kỹ năng của khoa học hành chính, tổ chức và quản lý là chức năng, nhiệm vụ không kém phần quan trọng của Bộ Nội vụ, khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Nội vụ trong bộ máy hành chính nhà nước và trong quản lý hành chính nhà nước.

2.5. Thực hiện các nhiệm vụ khác trong quản lý hành chính nhà nước

Ngoài các chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng nêu trên, Chính phủ còn giao cho Bộ Nội vụ quản lý các ngành, lĩnh vực khác như sau:

2.5.1. Quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ

Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, dân chủ xã hội được mở rộng, trình độ dân trí ngày một nâng cao, cải cách khu vực công, với mục tiêu phục vụ người dân, lấy người dân làm trung tâm của tiến trình cải cách, thu hút mạnh mẽ người dân tham gia vào quản lý, quản trị nhà nước thì vai trò của hội, tổ chức phi chính phủ được đề cao, quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ thành chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ giao Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ thống nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ.

Quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ là sự tác động có tổ chức và điều hành bằng quyền lực của Nhà nước đến các hội, tổ chức phi chính phủ nhằm bảo đảm quyền lập hội, tổ chức phi chính phủ của người dân, phát huy vai trò của các hội, tổ chức phi chính phủ vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ không phải là sự cấm đoán, ngăn chặn sự phát triển của hội, tổ chức phi chính phủ mà là sự quản lý thông qua thể chế, chính sách tạo điều kiện cho các hội, các tổ chức phi chính phủ tham gia tích cực và có hiệu quả vào quản lý nhà nước, tư vấn, phản biện cho thể chế và chính sách của Nhà nước thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nhà nước chuyển giao trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công.

Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ phải tham mưu, nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện thể chế, chính sách quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ.

Đồng thời, để đảm bảo công bằng trong việc tạo điều kiện cho các hội, tổ chức phi chính phủ hoạt động, quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ đề xuất các giải pháp, biện pháp khắc phục triệt để tình trạng hành chính hóa và đặc thù hóa tổ chức và hoạt động của hội, tổ chức phi chính phủ.

2.5.2. Quản lý công tác văn thư, lưu trữ nhà nước

Công tác văn thư, lưu trữ là hai ngành, lĩnh vực quan trọng trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Công tác văn thư là lĩnh vực hoạt động quan trọng không thể thiếu của các cơ quan, tổ chức nhà nước, bao gồm toàn bộ công việc xây dựng văn bản, tổ chức quản lý giải quyết văn bản hình thành trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; cung cấp thông tin phục vụ cho lãnh đạo, quản lý của cơ quan, tổ chức; phục vụ cho việc ban hành thể chế chính sách, chương trình, kế hoạch công tác; tổ chức điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng cầm quyền, Nhà nước nói chung và cho từng cơ quan, tổ chức nói riêng.

Công tác văn thư có tính chính trị, cơ mật, khoa học nghiệp vụ, kỹ thuật và pháp chế. Mục đích của công tác văn thư phục vụ quản lý có chất lượng hiệu quả, công việc của cơ quan, tổ chức. Quản lý tốt công tác văn thư sẽ đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ cho công tác quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, cải cách thủ tục hành chính, khắc phục tệ quan liêu giấy tờ, giữ gìn bí mật của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu trữ. Đặc biệt, trong quá trình hiện đại hóa nền hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn thảo văn bản, quản lý văn bản đi và đến, xử lý phân tích thông tin phục vụ ra quyết định quản lý, hình thành hệ thống văn bản, tài liệu điện tử.v.v… Văn thư truyền thống chuyển thành văn thư điện tử thì vai trò của công tác văn thư càng trở nên quan trọng trong quản lý hành chính nhà nước và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Đối với việc quản lý nhà nước về lưu trữ: lưu trữ theo nghĩa rộng là lĩnh vực hoạt động quan trọng của Nhà nước, bao gồm các mặt chính trị, khoa học, pháp chế và thực tiễn về bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lưu trữ thể hiện ở ý nghĩa, vai trò của tài liệu lưu trữ, với tính chất và kết quả là sản phẩm hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Tài liệu lưu trữ là tài liệu có giá trị phục vụ hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử được lựa chọn để lưu trữ. Tài liệu lưu trữ có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học to lớn. Tài liệu lưu trữ dưới ánh sáng của khoa học hiện đại là cơ sở hình thành nên bộ nhớ của dân tộc, nhân loại và thời đại. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các tài liệu lưu trữ, thông tin quá khứ trong tài liệu lưu trữ là cơ sở hình thành nên cơ sở dữ liệu quốc gia (Big data) có vai trò cực kỳ quan trọng. Công tác lưu trữ, sự nghiệp lưu trữ là sự nghiệp chính trị, sự nghiệp khoa học, sự nghiệp bảo quản an toàn và sử dụng có hiệu quả tài liệu Phông lưu trữ quốc gia, nguồn tài sản vô giá của quốc gia.

Xuất phát từ nghĩa, tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ thống nhất thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ quản lý nhà nước về công tác văn thư và lưu trữ. Để thực hiện chức năng này, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ tham mưu, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công tác văn thư, lưu trữ; xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền hệ thống các định mức kinh tế, kỹ thuật trong công tác văn thư, lưu trữ.

Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức triển khai thực hiện đưa thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật kinh tế của công tác văn thư, lưu trữ vào cuộc sống. Đồng thời, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm thể chế, chính sách, các định mức, tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật của công tác văn thư, lưu trữ .v.v… Làm tốt công tác văn thư, lưu trữ sẽ tạo ra các công cụ và cơ sở dữ liệu thông tin quan trong cho quản lý hành chính nhà nước. Ý nghĩa và tầm quan trọng của quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ là minh chứng rõ ràng về vị trí, vai trò rất quan trọng của Bộ Nội vụ trong bộ máy hành chính nhà nước và trong quản lý hành chính nhà nước.

2.5.3. Quản lý cải cách hành chính nhà nước

Cải cách hành chính nhà nước là quá trình đổi mới nhận thức đầy đủ đặc điểm, vai trò của nền hành chính để xác định và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp nhằm mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cải cách hành chính nhà nước là nhiệm vụ đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiệm vụ chủ yếu của cải cách hành chính nhà nước là xây dựng, hoàn thiện thể chế hành chính; cải cách thủ tục hành chính; cải cách kiện toàn bộ máy hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính nhà nước là cải cách, hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ trình độ, năng lực chuyên môn thực sự là công cụ hữu dụng trong quản lý hành chính nhà nước. Đa số các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước nằm trong chức năng tổ chức của quản lý hành chính nhà nước. Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của cải cách hành chính nhà nước, Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ là cơ quan thường trực về cải cách hành chính nhà nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Nội vụ có trách nhiệm tham mưu, xây dựng trình Chính phủ ban hành các chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện. Cải cách hành chính nhà nước nếu được thực hiện tốt sẽ giúp cho quản lý hành chính nhà nước có hiệu lực, hiệu quả cao, tạo tiền đề cho kinh tế - xã hội của đất nước phát triển nhanh và bền vững. Điều này khẳng định thêm vị trí, vai trò quan trọng của Bộ Nội vụ trong bộ máy hành chính nhà nước và trong quản lý hành chính nhà nước.

3. Vị trí, vai trò của Bộ Nội vụ trong mối quan hệ với các bộ, ngành khác

Trong cơ cấu tổ chức Chính phủ hiện nay gồm 22 bộ và cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Mỗi bộ được Chính phủ giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước các ngành, lĩnh vực khác nhau. Để quản lý các ngành, các lĩnh vực được giao, các bộ đều phải thực hiện chức năng thiết kế tổ chức bộ máy, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành mình theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Nội vụ về chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, để quản lý các hội, tổ chức phi chính phủ, công tác văn thư, lưu trữ, cải cách hành chính, thi đua - khen thưởng trong bộ, ngành mình, các bộ đều phải thực hiện theo các quy định của pháp luật, quy định và hướng dẫn của Bộ Nội vụ về chuyên môn, nhiệp vụ. Các bộ, ngành đều phải thiết lập quan hệ chặt chẽ với Bộ Nội vụ; đó là sự khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Bộ Nội vụ trong mối quan hệ với các bộ, ngành khác.

Qua phân tích vị trí, vai trò của Bộ Nội vụ trong bộ máy hành chính nhà nước, có thể khẳng định Bộ Nội vụ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu Chính phủ, trong bộ máy hành chính nhà nước từ năm 1945 đến nay và mãi về sau. Trong 75 năm xây dựng và phát triển (1945-2020), các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, quản lý hiệu quả các lĩnh vực có tính chất nội vụ, nội trị quốc gia. Với niềm tự hào về 75 năm truyền thống lịch sử vẻ vang, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quyết tâm duy trì, phát huy vị thế và vai trò của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước./.

-------

Tài liệu tham khảo:

1. Việt Nam dân quốc công báo, các số 1945, 1946, 1947.

2. Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Nxb CTQG, H.2005.

3. Lịch sử Bộ Nội vụ, Nxb CTQG, H.2005.

4. Sắc lệnh số 58/SL ngày 03/5/1946 của Chính phủ về tổ chức Bộ Nội vụ.

5. Hội đồng Chính phủ, Nghị định số 130/ NĐ-CP ngày 29/5/1961 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

6. Hội đồng Chính phủ, Nghị định số 29/CP ngày 20/2/1973 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Ban Tổ chức của Chính phủ.

7. Hội đồng Bộ trưởng, Nghị định số 135/HĐBT ngày 07/5/1990 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ.

8. Chính phủ, Nghị định số 81/CP ngày 09/01/1994 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ.

9. Chính phủ, Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

10. Chính phủ, Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17/4/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

11. Chính phủ, Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10/8/2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

12. Chính phủ, Nghị định số 58/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

13. Chính phủ, Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 26/6/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.

14. TS Văn Tất Thu, Ngành Tổ chức nhà nước 60 năm xây dựng và trưởng thành, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 7/2005.

15. PGS.TS Văn Tất Thu, Bộ Nội vụ, bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 8/2012.