Hình ảnh con đường trong đoạn thơ hiện lên thật đẹp

Đề 1. Cho hai câu thơ:

“Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ”

1. Hai câu thơ trên nằm trong bài thơ nào? Của ai? Trình bày hoàn cảnh ra đời của bài thơ?

Hai câu thơ trên nằm trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương.

Hoàn cảnh ra đời: Bài thơ ra đời vào năm 1980, khi đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Từ hiện thực khó khăn ấy, nhà thơ viết bài thơ này để tâm sự với chính mình, động viên mình, đồng thời để nhắc nhở con cái sau này.

2. Chép chính xác 9 câu thơ tiếp để hoàn chỉnh đoạn thơ có chứa hai câu thơ trên. Nêu nội dung của đoạn thơ đó?

Đoạn thơ:

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Nội dung của đoạn thơ: Đoạn thơ nói lên cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người. Đó là lời tâm tình ấm áp, là một lời dặn dò đầy tin cậy của người cha dành cho con. Nhà thơ muốn nói với con rằng: Vòng tay yêu thương của cha mẹ, gia đình, nghĩa tình sâu nặng của quê hương là cái nôi nuôi con khôn lớn.

3. Em hiểu “Người đồng mình” là gì? Cách gọi “Người đồng mình” của tác giả có gì sâu sắc?

“Người đồng mình” là người bản mình, người vùng mình, người dân quê mình gần gũi, thân thương.

Cách gọi “Người đồng mình” của tác giả khiến lời thơ trở nên tha thiết, trìu mến. Cách gọi ấy rất đỗi thân thương, đầy tình cảm tha thiết. “Người đồng mình” là những con người đáng yêu, đáng quý.

4. Viết đoạn văn tổng – phân – hợp (10-12 câu) phân tích đoạn thơ trên. Đoạn văn có sử dụng thành phần tình thái.

Khổ thơ đầu trong bài “Nói với con” của Y Phương nói đến cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người. Đầu tiên, Y Phương muốn nói với con cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người chính là tình yêu thương vô bờ bến mà cha mẹ dành cho con – tình gia đình. Bằng những hình ảnh thơ cụ thể, giàu chất thơ kết hợp với những nét độc đáo trong tư duy, cách diễn đạt của người miền núi, tác giả đã tạo ra khung cảnh một gia đình ấm cúng, đầy ắp tiếng cười. Tình cha mẹ – con cái thiêng liêng, sâu kín đó là mối dây ràng buộc, gắn kết gia đình bền chặt đã hình thành từ những giây phút hạnh phúc bình dị. Cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người không chỉ là gia đình mà còn là quê hương, là thiên nhiên tươi đẹp thấm đượm nghĩa tình. Quê hương hiện ra qua hình ảnh người đồng mình, cách gọi thật tha thiết, trìu mến gợi sự gần gũi, thân thương. “Người đồng mình” đáng yêu bởi cốt cách tài hoa, tinh thần vui sống. Quê hương ấy chính là cái nôi để đưa con vào cuộc sống êm đềm. Mạch thơ có sự đan xen, mở rộng từ tình cảm gia đình mà nói tới quê hương, đoạn thơ vừa là lời tâm tình ấm áp, vừa là lời dặn dò đầy tin cậy của người cha trao gửi cho con. Bằng những hình ảnh thơ đẹp, giản dị với cách nói cụ thể, sinh động mà gần gũi, người cha muốn nói: vòng tay yêu thương của cha mẹ, gia đình, nghĩa tình sâu nặng của quê hương chính là cội nguồn sinh dưỡng của con.

5. Kể tên một tác phẩm trong chương trình ngữ văn 9 viết về tình cha con?

Bài “Chiếc lược ngà: của Nguyễn Quang Sáng.

Đề 2. Trong bài “Nói với con”, Y Phương viết:

“Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc”

1. Nêu chủ đề và mạch cảm xúc của bài thơ?

Chủ đề: Tình cảm gia đình – quê hương.

Mạch cảm xúc:

Mở đầu là lời người cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng: Con lớn lên trong tình yêu thương, sự nâng đỡ của cha mẹ, trong cuộc sống lao động nên thơ của quê hương. Sau đó nhà thơ nói lên đức tính tốt đẹp của người đồng mình, người cha bộc lộ lòng tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ về truyền thống cao đẹp của quê hương và mong ước con hãy kế tục xứng đáng truyền thống ấy.

2. Vì sao ở phần đầu tác giả dùng từ “yêu” (Người đồng mình yêu lắm con ơi) nhưng sang khổ thơ này lại dùng từ “thương” (Người đồng mình thương lắm con ơi)?

Nếu ở trên “yêu lắm con ơi” – yêu cuộc sống bình dị vui tươi, yêu bản làng thơ mộng, yêu những tấm lòng chân thật nghĩa tình, thì đến đây người cha nói “thương lắm con ơi”. Bởi sau từ “thương” đó là những nỗi vât vả, gian khó của con người quê hương. Người cha biểu lộ tình cảm yêu thương chân thành về những gian truân, thử thách cùng ý chí mà người đồng mình đã trải qua.

3. Xác định thành ngữ trong khổ thơ trên. Em hiểu ý nghĩa của thành ngữ đó như thế nào?

Thành ngữ được sử dụng là: “Lên thác xuống ghềnh”.

Ý nghĩa của thành ngữ: Đó là nỗi vất vả, lam lũ, những khó khăn mà con người nơi đây phải trải qua.

Đề 3. Cho câu thơ:

Người đồng mình thô sơ da thịt

1. Chép lại chính xác 3 câu thơ tiếp theo?

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

2. Hình ảnh “người đồng mình thô sơ da thịt” và “người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” cho thấy một cách diễn đạt như thế nào? Phân tích hai hình ảnh thơ đó?

Cách diễn đạt này đậm ngôn ngữ dân tộc, độc đáo mà vẫn chứa đựng ý vị sâu xa. Cách diễn đạt ấy đã tạo ra nét riêng biệt, độc đáo. Hình ảnh “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” vừa mang tính tả thực – chỉ truyền thống làm nhà kê đá cho cao của người miền núi, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Người đồng mình sử dụng chính bàn tay, khối óc, sức lao động của mình để làm đẹp cho quê hương.

Còn quê hương là điểm tựa vững chắc về tinh thần, phong tục tập quán nâng đỡ những con người có ý chí và niềm tin.

3. Viết đoạn văn diễn dịch để phân tích khổ thơ trên?

Qua bốn câu thơ ngắn gọn, với cách diễn đạt mộc mạc, nhà thơ Y Phương đã khiến người đọc cảm nhận sâu sắc lời tâm sự tha thiết về dân tộc mình. Người đồng mình mặc dù “thô sơ da thịt” – mộc mạc, giản dị, chất phác nhưng “chẳng nhỏ bé”, học có ý chí lớn lao, cốt cách và niềm tin vững chắc. Sự tương phản này đã tôn lên tầm vóc của người đồng mình. Học mộc mạc nhưng giàu ý chí. Họ có thể thô sơ da thịt nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, về mong ước xây dựng quê hương. Hình ảnh “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” vừa mang tính tả thực – chỉ truyền thống làm nhà kê đá cho cao của người miền núi, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Người đồng mình sử dụng chính bàn tay, khối óc, sức lao động của mình để làm đẹp cho quê hương. Còn quê hương là điểm tựa vững chắc về tinh thần, phong tục tập quán nâng đỡ những con người có ý chí và niềm tin. Câu thơ đã khái quát tinh thần tự tôn dân tộc, về ý thức bảo vệ nguồn cội, bảo tồn những truyền thống quê hương tốt đẹp của người đồng mình.

Trên đây là trọn bộ câu hỏi ôn tập văn 9 “Nói với con” của tác giả Y Phương mà Novateen đã soạn riêng dành tặng quý phụ huynh có con chuẩn bị thi vào 10 và các em học sinh cuối cấp 2. Chúc các em ôn thi thật hiệu quả và thành công nhé!

1. Những bài thơ được viết ngay trong khói lửa đạn bom của ông đã làm sống lại hình ảnh của tuổi trẻ, đặc biệt là lớp trẻ trên tuyến đường Trường Sơn như nhà thơ Tố Hữu đã có lần ca ngợi:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai.

Lớp trẻ ấy chính là những anh lính lái xe, cô thanh niên xung phong băng mình trong lửa đạn. Những nhân vật ấy là hình tượng trung tâm trong nhiều thi phẩm như Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ, Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi... Có một tác phẩm như thế được bao thế hệ học sinh yêu mến là Bài thơ về tiểu đội xe không kính trong chương trình Ngữ văn 9.

Điều làm nên vẻ đẹp và nét độc đáo ở Bài thơ về tiểu đội xe không kính, trước tiên tác giả đã dụng công xây dựng nhiều hình tượng đẹp xuyên suốt bài thơ: Những chiếc xe không kính – hình ảnh trần trụi đậm chất hiện thực.

Bàn về thơ Phạm Tiến Duật, nhà phê bình Vũ Quần Phương từng nói: “Cái đặc sắc trong thơ Phạm Tiến Duật chính là lấy cuộc sống để nói tình cảm, cái tình cảm sâu sắc của thơ anh phải tìm trong cuộc sống, không tìm trong chữ nghĩa”.

2. Nhưng bên cạnh đó còn có một hình tượng nghệ thuật khác mà nhiều bạn đọc còn ít quan tâm, đó là hình tượng con đường. Trong khuôn khổ một bài viết nhỏ tôi muốn lý giải thêm về điều này mong góp thêm một cách hiểu để làm đậm thêm nét đẹp vốn có của bài thơ.

Có thể nói rằng, hình tượng con đường trước hết là một không gian nghệ thuật độc đáo trong bài thơ. Chính vì thế, con đường dường như có mặt xuyên suốt từ đầu đến cuối, có khi hình ảnh ấy diễn ra, hiện lên một cách trực tiếp nhưng cũng có khi xuất hiện gián tiếp.

Đó là một con đường cụ thể, con đường Trường Sơn huyền thoại, con đường mang tên Bác, con đường mịt mù khói lửa, con đường từng ngày từng giờ đang phải hứng chịu bom rơi đạn nổ mà quân thù đánh phá ác liệt. Trên con đường ấy con người cũng đang phải đối mặt với cái chết, phải chịu tất cả những hiểm nguy, tàn lụi của chiến tranh. Chính hình ảnh những chiếc xe không kính đã nói lên điều đó:

Xe không kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi...

…Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước.

Đó còn là một con đường khúc khuỷu, gập ghềnh, đầy đèo dốc trên dải đất miền Trung, trên dãy núi Trường Sơn bên mưa bên nắng. Có đôi lúc người đọc dường như được hoá thân vào những người lính lái xe để cảm nhận thật rõ những con đường như thế với nhịp phanh gấp của chiếc xe qua nhịp thơ: Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng. Thế nhưng qua cảm nhận của người lính lái xe, đó còn là một con đường đậm chất thơ, là một tiểu vũ trụ chứa cả đất trời, cả nắng gió và cả những cánh chim.

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái.

Trên con đường ấy thiên nhiên đã trở thành người bạn đồng hành cùng người lính trong dặm dài ra trận. Trong khó khăn, các anh vẫn ung dung, hiên ngang bình tĩnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của một anh lính lái xe. Vượt lên tất cả khó khăn những chiếc xe vẫn ngạo nghễ lên đường.

Chưa cần thay lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi...

...Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu

thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Cấu trúc các câu thơ vẫn cân đối, nhịp nhàng theo nhịp rung cân đối của những bánh xe lăn gợi một cảm giác nhẹ nhõm, ung dung rất lạc quan, thanh thản. Đó là khúc nhạc sôi nổi của tuổi mười tám, đôi mươi. Câu thơ rộn rã, sôi động như sự hối hả của đoàn xe trên đường đi tới.

3. Con đường ấy còn là một hình ảnh trừu tượng hoá bởi đó chính là con đường cách mạng, con đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, con đường tiến về phía trước, hướng về tương lai tràn đầy lạc quan, tin tưởng: Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước.

Con đường ấy đã được biết bao thế hệ người Việt Nam tiếp bước, lớp này ngã xuống lớp khác lại lên đường Mà lòng phơi phới dậy tương lai hay Đường ra trận mùa này đẹp lắm mà nhà thơ Tố Hữu hay chính Phạm Tiến Duật đã từng khẳng định.

Con đường ấy còn là tình yêu cháy bỏng trong trái tim người lính khi nhà thơ để nhân vật trữ tình “nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim”. Điều đó xuất phát từ một thực tế là khi xe chạy nhanh con đường như chạy ngược lại làm cho người lính có một liên tưởng thật độc đáo. Đó là con đường chạy thẳng vào tim – ngay cả khi xe bị tàn phá, hư hại, biến dạng đến trơ trụi, méo mó thì nó vẫn vượt lên phía trước hướng ra tiền tuyến với tình cảm thiêng liêng.

Con đường chạy thẳng vào tim còn là con đường được nhìn thẳng từ trái tim mình để xác định một lẽ sống cao đẹp, hoặc là vì Tổ quốc mà chết, mà thành anh hùng bởi vì cuộc đời mãi mãi đẹp ở tuổi 20 và đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù như cách nói của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc hay như câu nói bất hủ của Hoàng Văn Thụ “Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản. Tinh thần trong suốt như pha lê, rắn chắc như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng” mà bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã đặt làm lời tựa như trong cuốn nhật ký của mình.

Chính tình yêu của người lính, trái tim của người lính đã cầm lái, hướng người đọc đến một chân lý của thời đại “Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Đó là sức mạnh quyết định của chiến thắng không phải vì vũ khí, không phải vì công cụ mà ở con người.

Trái tim chính là hình ảnh hoán dụ biểu tượng cho những con người với tâm hồn nồng nàn yêu thương, với ý chí kiên cường, dũng cảm, lạc quan luôn tin tưởng ở tương lai. Tất cả đã hoà quyện vào nhau để tạo nên vẻ đẹp chân dung người lính lái xe. Con đường ấy vẫn theo suốt họ cùng với những chiếc xe không kính để rồi trở thành những con người đẹp nhất của lịch sử Việt Nam một thời và mãi về sau.