Hướng dẫn bầu chi ủy trong đại hội chi bộ năm 2024

https://stp.binhdinh.gov.vn/hoat-dong-cua-dang-doan-the/dang-uy-so-tu-phap-huong-dan-mot-so-noi-dung-ve-dai-hoi-cac-chi-bo-truc-thuoc-nhiem-ky-2022-2025-2967.html /themes/egov/images/no_image.gif

Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp Bình Định https://stp.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png

- Nội dung đại hội: Tập trung tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2022 - 2025; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi ủy trong nhiệm kỳ 2020 - 2022 (nơi có chi ủy) và bầu chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2022 - 2025. - Công tác chuẩn bị: Cấp ủy chi bộ cần chuẩn bị kỹ các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của chi bộ gồm: Báo cáo tổng kết của chi bộ và báo cáo kiểm điểm của chi ủy trong nhiệm kỳ (đối với chi bộ không có chi ủy, báo cáo tổng kết trình đại hội của chi bộ lồng ghép việc kiểm điểm trách nhiệm của bí thư, phó bí thư chi bộ trong việc lãnh đạo thực hiện nghị quyết đại hội của chi bộ trong nhiệm kỳ) và xây dựng đề án nhân sự nhiệm kỳ 2022 - 2025 đảm bảo về cơ cấu, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ theo quy định. Việc xây dựng đề án nhân sự cần phải được thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, phát huy trí tuệ và tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong tập thể cấp ủy, chi bộ. - Thời gian đại hội: Thời gian tổ chức đại hội không quá 01 ngày, các chi bộ hoàn thành trước 30/7/2022. - Số lượng cấp ủy viên của các chi bộ thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 03/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “thi hành Điều lệ Đảng”, cụ thể: Chi bộ có 09 đảng viên chính thức trở lên bầu chi ủy, chi bộ có đông đảng viên (trên 20 đảng viên) bầu không quá 5 chi ủy viên. Đại hội chi bộ trực tiếp bầu chi ủy trước, sau đó bầu bí thư, phó bí thư trong số chi ủy viên. Chi bộ có dưới 09 đảng viên bầu bí thư, nếu cần bầu một phó bí thư. - Đại hội chi bộ có thể tiến hành hai phiên: Phiên trù bị và phiên chính thức và gồm các bước: Chào cờ (hát Quốc ca, Quốc tế ca); bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu (nếu đã bầu ở phiên trù bị thì mời lên làm việc); diễn văn khai mạc, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; báo cáo tình hình đảng viên tham dự đại hội; trình bày báo cáo tổng kết; trình bày báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành trong nhiệm kỳ (đối với chi bộ có cấp ủy); thảo luận của đảng viên trong chi bộ; phát biểu của đại diện Đảng ủy; thực hiện việc bầu cử (bầu ban kiểm phiếu và thực hiện các công việc theo quy trình bầu cử); thông qua nghị quyết đại hội; bế mạc (hát Quốc ca, Quốc tế ca). Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày bế mạc đại hội, cấp ủy khóa mới (hoặc đồng chí bí thư chi bộ) phải báo cáo và gửi Tờ trình đề nghị chuẩn y và các thủ tục theo quy định lên Đảng ủy. Đồng thời, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị chuẩn y của các chi bộ, Đảng ủy phải xem xét và có Quyết định chuẩn y kết quả bầu cử ban chấp hành (nếu có), bí thư, phó bí thư chi bộ. Việc giải quyết, xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trước, trong, và sau đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thực hiện kế hoạch sinh hoạt chuyên đề năm 2022 và xuất phát từ tình hình thực tiễn, Chi bộ Ban Tổ chức Đảng ủy Khối tổ chức sinh hoạt chuyên đề Quý II/2022 với nội dung: “Một số tình huống ở đại hội chi bộ và cách xử lý”.

Tình huống 1: Chi bộ A là chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đến nay đã 3 năm 6 tháng chưa tiến hành đại hội do một số vấn đề đang được cấp trên chỉ đạo kéo dài nhiệm kỳ. Về vấn đề này có 2 loại ý kiến:

Ý kiến thứ nhất: Chi bộ A không vi phạm Điều lệ Đảng vì Điều lệ quy định đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở 5 năm 2 lần, có thể nhiệm kỳ này 3 năm rưỡi, nhiệm kỳ sau 1 năm rưỡi, 2 lần đại hội vẫn đúng 5 năm.

Ý kiến thứ hai: Chi bộ A vi phạm Điều lệ Đảng vì Điều lệ cho phép 5 năm 2 lần nên là 2 năm 6 tháng phải đại hội.

Vậy ý kiến nào đúng?

Trả lời: Khoản 3, Điều 24, Điều lệ Đảng, quy định: “Đại hội chi bộ do chi ủy triệu tập 5 năm 2 lần; nơi chưa có chi ủy thì do bí thư chi bộ triệu tập. Khi được đảng ủy cơ sở đồng ý có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá sáu tháng".

Nhiệm kỳ của chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở mà Điều lệ Đảng quy định được gắn với năm kế hoạch, năm công tác, đồng thời còn quy định rõ cả thời gian được triệu tập sớm hoặc muộn hơn. Việc hiểu 5 năm 2 lần, một nhiệm kỳ có thể kéo dài 3,5 năm, một nhiệm kỳ 1,5 năm nêu ở ý kiến 1 là không đúng quy định của Điều lệ Đảng. Như vậy, ý kiến thứ 2 nêu trên trong tình huống này là đúng.

Tình huống 2: Trong đại hội chi bộ, có 1 đồng chí đảng viên không được chi ủy khóa cũ giới thiệu ứng cử nhưng được đại hội giới thiệu đề cử vào danh sách bầu chi ủy.

Đồng chí đó không rút, kết quả đồng chí đó trúng cử vào chi ủy khóa mới.

Có 2 loại ý kiến tranh luận trong chi bộ:

1. Đồng chí đó phải kiểm điểm vì không tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, không được phân công ứng cử, lẽ ra phải xin rút trước đại hội.

2. Đồng chí đó không có khuyết điểm theo Điều lệ Đảng, đảng viên chính thức có quyền ứng cử, đề cử vào ban chấp hành các cấp của Đảng.

Vậy ý kiến nào đúng?

Trả lời: Khoản 2, Điều 3, Điều lệ Đảng quy định, đảng viên có quyền: “ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương”.

Khoản 1, Điều 9, Quy chế bầu cử trong Đảng, quy định: “Đảng viên chính thức ứng cử tại đại hội đảng viên mà mình là thành viên của tổ chức đảng đó. Đại biểu chính thức của đại hội ứng cử tại đại hội đại biểu”; khoản 1, Điều 12, Quy chế bầu cử trong Đảng: “Ở đại hội đảng viên, đảng viên đề cử đảng viên chính thức của tổ chức đảng cấp mình bằng hình thức đề cử trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đoàn chủ tịch đại hội...”.

Do đó, trường hợp đồng chí nêu trên không vi phạm các quy định của Điều lệ Đảng, quyền quyết định cao nhất là đại hội chi bộ. Như vậy, loại ý kiến thứ 2 trong tình huống này là đúng.

Tuy nhiên, cần phân biệt với việc tổ chức đảng giới thiệu đồng chí ứng cử để bầu vào các cơ quan nhà nước và đoàn thể chính trị - xã hội với những chức danh phải do cấp ủy giới thiệu người ra ứng cử

Tình huống 3: Chi bộ A có 15 đảng viên chính thức, khi đại hội, bầu được chi ủy gồm 3 đồng chí. Sau đó, bầu được bí thư. Bầu phó bí thư trong 2 cấp ủy viên còn nhưng cả hai lần đều không đồng chí nào có phiếu quá bán. Chi bộ quyết định không bầu phó bí thư nữa.

Đến giữa nhiệm kỳ, trong kỳ họp chi bộ, đồng chí bí thư nêu ý kiến cần phải bổ sung 1 đồng chí phó bí thư và chọn 1 đồng chí ít tuổi hơn trong 2 đồng chí cấp ủy viên. Chi bộ không biểu quyết, nhưng đồng chí bí thư vẫn làm văn bản lên cấp ủy cấp trên đề nghị chỉ định 1 đồng chí làm phó bí thư.

Như vậy có đúng nguyên tắc không?

Trả lời: Khoản 4, Điều 24, Điều lệ Đảng, quy định: “...Chi bộ có 9 đảng viên chính thức trở lên, bầu chi ủy, bầu bí thư và phó bí thư chi bộ trong số chi ủy viên”.

Chi bộ A đại hội đã bầu được 3 cấp ủy viên, bầu được bí thư nhưng chưa bầu được phó bí thư.

Vận dụng Khoản 2, Điều 13, Điều lệ Đảng: “Việc bổ sung cấp ủy viên thiếu do cấp ủy đề nghị, cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định...”, chi bộ đồng chí chưa có phó bí thư nên về nguyên tắc chi ủy có thể đề nghị cấp ủy cấp trên chỉ định phó bí thư khi cần thiết mà không vi phạm quy định của Điều lệ Đảng.

Việc giữa nhiệm kỳ đề nghị chỉ định phó bí thư chi bộ không vi phạm nguyên tắc của Điều lệ Đảng.

Tình huống 4: Chi ủy của chi bộ có 3 đồng chí. Nay đồng chí bí thư bộ đi học tập trung 6 tháng và đã chuyển sinh hoạt tạm thời đến nơi học. Khi bàn việc kiện toàn chi ủy có hai loại ý kiến:

Ý kiến 1: Đồng chí bí thư chi bộ đi học, chỉ chuyển sinh hoạt tạm thời nên vẫn là bí thư chi bộ, không cần bổ sung chi ủy viên để bầu đồng chí bí thư chi bộ khác.

Ý kiến 2: Đồng chí bí thư chi bộ đi học đến qua nhiệm kỳ đại hội nên cần đề nghị cấp ủy cấp trên quyết định bổ sung chi ủy viên để chi bộ bầu bí thư chi bộ mới.

Vậy ý kiến nào đúng? Nếu đến kỳ đại hội, đồng chí bí thư chi bộ chưa học xong thì có được bầu tiếp làm bí thư chi bộ không?

Trả lời: Tại Điểm c, mục 6.3.2 Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định: “Đảng viên sinh hoạt đảng tạm thời không tính vào đảng số của đảng bộ nơi sinh hoạt tạm thời mà tính vào đảng số của đảng bộ nơi sinh hoạt chính thức…..; Cấp ủy viên khi chuyển sinh hoạt tạm thời thì vẫn là cấp ủy viên nơi sinh hoạt chính thức”.

Như vậy, ý kiến thứ nhất là đúng, do đồng chí bí thư chi bộ đi học chỉ chuyển sinh hoạt tạm thời nên vẫn là cấp ủy viên, là bí thư chi bộ. Trong thời gian đồng chí bí thư chi bộ đi học, chi ủy có thể cử đồng chí phó bí thư điều hành công việc của chi bộ. Đến thời gian đại hội chi bộ, chi ủy triệu tập đồng chí đó về dự và thực hiện quyền đề cử, ứng cử, bầu cử của mình. Nếu đồng chí đó không về dự được, chi bộ vẫn có thể giới thiệu và bầu đồng chí đó vào chi ủy, bầu làm bí thư chi bộ nếu đồng chí đó có đủ tiêu chuẩn và tín nhiệm

Tình huống 5: Tại đại hội chi bộ, khi bầu chi ủy, do điều hành không tốt, nên xảy ra tình trạng tổng số phiếu thu về nhiều hơn số phiếu phát ra. Đoàn chủ tịch đề nghị cử một đồng chí đảng viên cao tuổi nhất lên rút một số phiếu bất kỳ trùng với số lượng phiếu thừa rồi hủy ngay trước đại hội, sau đó Ban kiểm phiếu kiểm các phiếu còn lại và công bố kết quả.

Như vậy có vi phạm nguyên tắc bầu cử không?

Trả lời: Trong bầu cử số phiếu thu về cao hơn số phiếu phát ra là do điều hành bầu cử và quản lý phiếu bầu không chặt chẽ. Việc cử một đồng chí đảng viên cao tuổi nhất lên hủy một số phiếu bất kỳ để đảm bảo lượng phiếu bầu bằng lượng phiếu phát ra là cách làm tùy tiện, không đúng của Đoàn Chủ tịch và Ban kiểm phiếu, vi phạm nguyên tắc bầu cử trong Đảng. Trường hợp này khi Ban Kiểm phiếu báo cáo, Đại hội phải quyết định hủy toàn bộ phiếu hiện có trong hòm phiếu để tiến hành bầu lại.

Tình huống 6: Chi bộ A có chi ủy, bí thư và phó bí thư, còn 3 tháng nữa hết nhiệm kỳ thì đồng chí bí thư chi bộ chuyển công tác khác. Chi bộ quyết định bầu bổ sung bí thư chi bộ vào cuộc họp định kỳ có cần thiết không?

Trả lời: Khoản 3, Điều 24, Điều lệ Đảng, quy định: “Đại hội chi bộ do chi ủy triệu tập năm năm hai lần; nơi chưa có chi ủy thì do bí thư chi bộ triêu tập. Khi được đảng ủy cơ sở đồng ý có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá sáu tháng”; khoản 2, Điều 13, Điều lệ Đảng, quy định: “Việc bổ sung cấp ủy viên thiếu do cấp ủy đề nghị, cấp ủy cấp trên trực tiếp quyết định;...”.

Trường hợp chi bộ A nêu trên, do bí thư chi bộ chuyển công tác đi nơi khác nên việc bổ sung cấp ủy viên để kiện toàn chi ủy là cần thiết. Theo quy định của Điều lệ Đảng, chi bộ A có thể thực hiện theo 2 cách:

- Tiến hành đại hội chi bộ sớm hơn (3 tháng) để kiện toàn cấp ủy (Nếu được cấp ủy cấp trên đồng ý).

- Chi ủy đề nghị cấp ủy cấp trên chỉ định bí thư chi bộ để điều hành công việc của chi bộ.

Tình huống 7: Ở đại hội chi bộ bầu cử bí thư, bầu đến lần thứ hai mà không đạt số phiếu quá bán. Đại hội tiếp tục thảo luận và bầu lần thứ ba nhưng kết quả vẫn không đủ số phiếu quá bán.

Trong đại hội có 2 ý kiến:

Ý kiến thứ nhất: Đại hội tiếp tục bầu đến khi nào được thì thôi.

Ý kiến thứ hai: Đại hội ngưng bầu và báo cáo cấp trên.

Vậy ý kiến nào đúng?

Trả lời: Trường hợp này cần căn cứ vào:

- Điểm 6, Điều 16, Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành theo Quyết định số 244-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định: “Nếu bầu một lần chưa đủ số lượng quy định, có bầu tiếp hay không do đại hội (hội nghị) quyết định”.

- Mục 22.2, Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định: “Trường hợp chi bộ bầu đến lần thứ ba mà không có đồng chí nào đủ số phiếu trúng cử bí thư chi bộ, thì cấp uỷ cấp trên căn cứ vào tình hình cụ thể của chi bộ để chỉ định một đồng chí trong số chi uỷ viên hoặc đảng viên (nơi không có chi uỷ) làm bí thư để điều hành hoạt động của chi bộ”. Như vậy, ý kiến thứ hai là đúng và đảm bảo theo quy định.

Tình huống 8: Đại hội chi bộ cơ sở có nơi chi bộ trực tiếp bầu chi ủy, sau đó bầu bí thư, phó bí thư trong số chi ủy viên đó; nhưng lại có nơi chi bộ chi trực tiếp bầu chi ủy, sau đó, chỉ bầu bí thư, phó bí thư. Vậy bầu theo cách nào là đúng quy định?

Trả lời: Khoản 9, Điều 19, Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI ghi: “Đại hội chi bộ trực tiếp bầu chi ủy, sau đó bầu bí thư, phó bí thư trong số chi ủy viên; nơi không bầu chi ủy thì chi bộ bầu bí thư, nếu cần thì bầu một phó bí thư chi bộ”.

Như vậy, những nơi chi bộ chỉ bầu chi ủy, sau đó chi ủy bầu bí thư, phó bí thư là chưa đúng với quy định của Quy chế bầu cử trong Đảng.

Câu hỏi 9: Đại hội chi bộ đã bầu 5 đồng chí cấp ủy viên, song có một đồng chí có đơn thư tố cáo nên đồng chí đó chưa được cấp ủy cấp trên chuẩn y. Vậy, trong các cuộc họp của cấp ủy, đồng chí đó có được thực hiện quyền biểu quyết, ứng cử, đề cử, bầu cử trong ban chấp hành không?

Trả lời:

- Khoản 1, Điều 13, Điều lệ Đảng, quy định: “Cấp ủy khóa mới nhận sự bàn giao từ cấp ủy khóa trước, điều hành công việc ngay sau khi được bầu và được công nhận chính thức khi có quyết định chuẩn y của cấp ủy trên trực tiếp”.

- Mục 16.1.3, Quy định số 24-QĐ/TW, Quy định cụ thể thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chẩp hành Trung ương khóa XIII, quy định: “Sau đại hội, nêu phát hiện có sự vi phạm về tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục bầu cử thì cấp ủy cấp trên có quyền bác bỏ kết quả bầu cử của đại hội hoặc của cấp ủy cấp dưới, chỉ đạo tiến hành bầu lại; nếu thấy có một hoặc một số chức danh đã được bầu nhưng không bảo đảm nguyên tắc hoặc tiêu chuẩn quy định thì cấp ủy cấp trên có quyền không công nhận một hoặc một số chức danh đó”.

Căn cứ vào các quy định trên, đại hội chi bộ đã bầu 5 cấp ủy viên, Đảng ủy cơ sở đã chuẩn y công nhận 4 cấp ủy viên. Còn 1 cấp ủy viên do có đơn tố cáo chưa được xác minh làm rõ nên chưa được cấp ủy cấp trên trực tiếp chuẩn y. Do chưa được chuẩn y nên đồng chí đó chưa phải là thành viên chính thức của cấp ủy. Cấp ủy cấp trên cần chỉ đạo để sớm làm rõ các nội dung tố cáo.

Sau khi xác minh làm rõ các vấn đề mà đơn tố cáo nêu, nếu đồng chí đó được cấp ủy cấp trên trực tiếp chuẩn y mới được thực hiện đầy đủ quyền hạn cấp ủy viên của ban chấp hành chi bộ.

Câu hỏi 10: Trong đại hội chi bộ trực thuộc cấp ủy cơ sở, đồng chí A được dự kiến bầu bí thư chi bộ (chi bộ có 8 đảng viên chính thức). Khi phát phiếu thăm dò chức danh bí thư, đồng chí A được 5/8 phiếu. Đến phiên bầu cử chính thức, đồng chí A chỉ được 3/8 phiếu bầu, bị trượt chức danh bí thư. Sau đó, cấp ủy làm công tác tư tưởng cho đảng viên, chi bộ thống nhất tiến hành bầu lại lần 2. Lúc này đồng chí A được 8/8 phiếu, trúng cử bí thư. Tuy nhiên, khi báo cáo lên cấp trên để chuẩn y kết quả, Ban Thường vụ đảng ủy cấp trên có 2 luồng ý kiến:

Ý kiến thứ nhất: Thống nhất chuẩn y đồng chí A giữ chức danh bí thư.

Ý kiến thứ hai: Việc bầu lại lần 2 đối với đồng chí A vào chức danh bí thư là sai, vì bầu lần 1 chưa quá bán thì không thể giới thiệu ra lần 2 để bầu tiếp, mà phải giới thiệu đồng chí khác.

Xin hỏi, ý kiến nào là đúng?

Trả lời: Việc bầu cử bí thư là thẩm quyền của đại hội. Bầu 1 hay 2 lần đều do đại hội quyết định. Hiện nay theo Quy chế bầu cử trong Đảng 244, không quy định trường hợp bầu trượt lần đầu thì không được giới thiệu để bầu lần 2. Do đó ý kiến 1 là đúng. Cấp ủy cấp trên nên chuẩn y kết quả bầu cử của đại hội chi bộ.

Tình huống 11: Chi bộ đại hội nhiệm kỳ, đã bầu ra cấp ủy mới (bí thư và phó bí thư). Khi mọi người ra về hết, 3 đồng chí chi ủy cũ ở lại đã tự kiểm tra lại phiếu bầu, vì một đồng chí nghi ngờ kết quả bầu cử. Sau đó, các đồng chí này mới gọi tổ kiếm phiếu đến.

Làm như vậy có đúng nguyên tắc không? Cấp nào mới đủ thẩm quyền kiểm phiếu bầu cử?

Trả lời: Điều 37, Quy chế bầu cử trong Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI), quy định: “Phiếu bầu cử được ban kiểm phiếu niêm phong và chuyển cho đoàn chủ tịch để bàn giao cho cấp ủy lưu trữ trong thời hạn 6 tháng. Trong thời gian này, nếu không có quyết định của cấp có thẩm quyền, không ai được tự ý mở niêm phong. Qua 6 tháng, nếu không có khiếu nại, tố cáo về kết quả bầu cử thì cấp ủy cùng cấp quyết định cho hủy số phiếu đó”.

Theo quy định trên, sau đại hội, ban kiểm phiếu hoặc tổ kiểm phiếu niêm phong phiếu bầu. Ở chi bộ sau khi niêm phong phiếu bầu, tổ kiểm phiếu nộp cho chi ủy mới để chi ủy nộp cho ban tổ chức đảng ủy lưu trữ. Nếu có khiếu nại về bầu cử thì ủy ban kiểm tra cấp ủy trên thực hiện sau khi được ban thường vụ cấp ủy cấp trên cho ý kiến chỉ đạo.

Trường hợp mà đồng chí nêu trên là thực hiện không đúng quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Tình huống 12: Chi bộ bầu bí thư, phó bí thư trong số chi ủy viên. Vậy kết quả lần này có phải nhất thiết đạt trên 1/2 số phiếu tín nhiệm của đảng viên được triệu tập mới trúng cử không?

Trả lời: Trình tự bầu ban chấp hành chi bộ (gọi tắt là chi ủy) đã được Điều 24, Điều lệ Đảng quy định: Chi bộ bầu chi ủy, bầu bí thư và phó bí thư trong số chi ủy viên. Người trúng cử các lần bầu chi ủy, bí thư và phó bí thư đều phải bảo đảm đạt trên 1/2 số phiếu tín nhiệm của đảng viên được triệu tập.

Tình huống 13: Một chi bộ có 8 đảng viên chính thức, có mặt dự đại hội 8 đồng chí. Khi bầu bí thư, phó bí thư thì kết quả như sau:

- Bầu bí thư có 3 phiếu không hợp lệ, đồng chí A được 3/8 phiếu, đồng chí B được 2/8 phiếu. Bầu lần 2 cũng kết quả tương tự không ai quá bán. Đại hội quyết định không bầu bí thư nữa.

- Bầu phó bí thư đại hội quyết định giới thiệu bầu tròn. Đồng chí C đạt 4/8 phiếu.

Chủ tịch đại hội công bố đồng chí C trúng cử phó bí thư. Bí thư sẽ để bầu sau.

Quyết định này có đúng không?

Trả lời: Khoản 3, Điều 12, Điều lệ Đảng quy định: “...Người trúng cử phải được số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đại biểu được triệu tập hoặc so với tổng số đảng viên chính thức của đảng bộ, chi bộ được triệu tập”. Do đó, trường hợp đồng chí nêu trên cả 3 đồng chí A,B,C đều không trúng cử vì chưa đồng chí nào đạt quá một nửa số phiếu bầu.

Nếu đại hội chưa bầu bí thư, phó bí thư, thì cấp ủy cấp trên có thể chỉ định 1 đồng chí đảng viên làm bí thư đề điều hành công việc của chi bộ và tiếp tục làm công tác tư tưởng cho đảng viên trong chi bộ. Khi đủ điều kiện tín nhiệm, cấp ủy cấp trên chỉ đạo chi bộ tiến hành bầu bí thư, phó bí thư theo đúng quy định.