So sánh sóng trong thu điếi

Vịnh mùa thu là một đề tài truyền thống bắt đầu từ thi ca Trung Quốc. Nếu ai có chút ý thức so sánh thì dễ dàng nhận thấy Thu vịnh của Nguyễn Khuyến là bài thơ thuần túy Việt Nam.

Thật vậy, từ những bài thơ thu đời Hán, đời Ngụy Tấn, sang đời Đường Tống những bài thơ về mùa thu đều nhuốm màu sắc đau thương và u sầu. Mùa thu là mùa điêu linh và tàn tạ, là mùa nhớ thương của những kẻ xa nhà, mùa sầu muộn ai oán của những kẻ bị biếm trích tha hương. Không lấy đâu xa, chỉ dẫn hai bài thơ của Đỗ Phủ là cảm thấy được màu sắc ấy.

Bài Đăng cao :

Gió cấp trời cao vượn nỷ non,

Bến trong cát trắng lượn chim cồn.

Rào rào lá trút rừng cây thẳm,

Cuồn cuộn sông về sóng nước tuôn.

Thu quạnh nghìn khơi lòng khách não,

Đài cao trăm bệnh chiếc thân mòn.

Gian nan khổ hận đầu thêm bạc,

Quặt quẹo đành kiêng chén giải buồn.

(NAM TRÂN dịch)

Bài Thu hứng :

Lác đác rừng phong hạt móc sa,

Ngàn sơn hiu hắt, khí thu lòa.

Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,

Mặt đất mây đùn cửa ải xa.

Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,

Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.

Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,

Thành Bạch chiều vang bóng ác tà.

(NGUYỄN CÔNG TRỨ dịch)

Gió rít, mây đùn, lá rụng, nước cuốn, hiu hắt lạnh lùng… đó là những nét tiêu biểu của mùa thu phương Bắc, giục người may áo ấm, gợi nhớ người thân phương xa. Mùa thu là mùa của sầu hận và cảm khái.

Mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến rõ ràng là những nét thu phương Nam. Đó là mùa trong sáng, trời cao xanh thắm, gió nhẹ, nước trong yên tĩnh. Bài Thu vịnh của Nguyễn Khuyến rõ ràng bắt nguồn từ cảm xúc mùa thu của quê hương Việt Nam :

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu…

Nhà thơ Xuân Diệu bình luận :

“Trong ba bài thơ, bài này mang cái hồn của cảnh vật mùa thu hơn cả, cái thanh, cái trong, cái nhẹ, cái cao. Mang cái thần của cảnh mùa thu. Cái hồn, cái thần của cảnh thu là nằm ở trong bầu trời, ở trên trời thu”. Và rồi nhà thơ khai thác mọi chi tiết để phân tích cái cảm giác cao trong bài. Sự phân tích thật tinh tế. Song bài thơ đâu phải chỉ là tả chân, tả thực, cốt vẽ ra cho được cái thần, cái hồn. Đề bài thơ tuy gọi là Vịnh mùa thu, song không giản đơn là bài thơ tả cảnh, mà còn là bài thơ về sự vỡ mộng mùa thu, vỡ mộng nhàn ẩn theo chí Đào Tiềm. Chính vì vậy bài thơ như chia làm hai nửa : Năm câu đầu là niềm cao hứng về mùa thu, ba câu cuối là niềm cụt hứng.

Thật vậy, năm câu đầu đã miêu tả một cảnh thu làng quê điển hình tĩnh lặng và êm đềm. Trời thu xanh ngắt lồng lộng như thấy được nhiều tầng. Cái nhìn nhà thơ từ trời cao hạ dần xuống thấp. Cây trúc non vút lên bầu trời hơi uốn cong trong gió nhẹ như cần câu lơ phơ, chứng tỏ là gió nhẹ hắt hiu, trời rất yên tĩnh. Mặt nước ao hồ cũng rất tĩnh lặng, tựa hồ như ngưng kết lại thành khối : “Nước biếc trông như tầng khói phủ”.

Có bản chép là “từng khói”, có bản chép là “tầng khói”, đều chỉ một lớp không gian, do hơi nước bốc lên nhưng chưa tan trên mặt nước, do yên tĩnh quá, không có gió mạnh. Người xưa cảm nhận hơi nước mùa thu như là “khói thu xây thành” (Tản Đà) hay như “thành xây khói biếc” (Nguyễn Du). Đó là câu thơ nói về sự tĩnh lặng đến ngưng đọng. Nếu thay chữ “tầng khói” thành chữ “làn khói” thì mất nghĩa.

“Song thưa để mặc bóng trăng vào” là câu thơ nói tấm lòng rộng mở trước thiên nhiên, thể hiện qua chiếc cửa sổ có song thưa phóng khoáng. Ngôi nhà phương Đông thường không bao giờ khép kín, mà chỉ là tượng trưng với chiếc cửa sài, cửa song. Nguyễn Du từng gọi song trăng, song đào là vì vậy. Hai chữ “để mặc” mang một cử chỉ phóng khoáng làm cho thiên nhiên có được quyền chủ động, và con người thì đắm chìm vào cảnh thu, có thể nói “ta và vật hòa chung” trong giấc mộng thu. Đây là cảnh thu phương Nam ,khác hẳn mùa thu phương Bắc mang hơi gió rét mướt.

“Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” cũng nói cái ý yên tĩnh, bất biến. Hoa năm ngoái không phải là hoa của năm ngoái khô đi, sót lại, mà là hoa vẫn y như hoa năm ngoái, không đổi thay. Đây là nhà thơ kế thừa nét thi pháp thơ Trung Quốc miêu tả cảnh thiên nhiên bất biến. Thôi Hộ đời Đường có câu thơ tạm dịch ra là :

Người xưa không biết đi đâu,

Hoa đào xưa vẫn nở chào gió xuân.

Nguyễn Du trong Truyện Kiều lấy ý câu này mà dịch thành: “Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Câu thơ Nguyễn Khuyến với mấy chữ “hoa năm ngoái” chứng tỏ ông chịu ảnh hưởng của Nguyễn Du, một cách dùng ẩn dụ, vứt bỏ cái ý so sánh “vẫn như năm ngoái” của hai tiếng “y cựu” trong nguyên văn thơ Đường. “Hoa năm ngoái” gợi cái ý thời gian bất biến đến ngưng đọng. Vậy là từ “Nước biếc trông như tầng khói phủ” đến “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái “nhà thơ có đủ một ảo giác về một khung cảnh tĩnh lặng tuyệt đối cho tâm hồn đã mệt mỏi trước biến động của thời cuộc được nghỉ ngơi.

Nhưng câu thơ : “Một tiếng trên không ngỗng nước nào” đã phá tan cái ảo giác yên tĩnh ấy. Một tiếng trên không là âm thanh ngang trời. Ngỗng đây là ngỗng trời, không phải loài ngỗng nhà không biết bay, chữ Hán gọi là chim nhạn, hồng nhạn, loài chim nước, ở phương Bắc do mùa đông nước đóng băng, chúng phải dời về phương Nam kiếm thức ăn từ mùa thu. Tiếng nhạn kêu rất to, vang động tới một hai cây số vẫn nghe thấy. Theo truyền thống thì cứ nên gọi chim ấy là chim nhạn :

Một tiếng trên không nhạn nước nào ?

Về âm hưởng, “nhạn” hay “ngỗng” đều là vần trắc cả, nhưng nếu dịch thành “ngỗng” thì chưa chính xác, vì phải nói là ngỗng trời mới rõ nghĩa. Hơn nữa “nhạn” là tên gọi thi vị, là ngôn từ thơ, còn “ngỗng” là tên gọi cọc cạch, phi thơ. Nhà thơ Quách Tấn đã có nhận xét tinh tế về việc lựa chọn chữ “ngỗng” này. Nguyễn Khuyến đã chọn chữ “ngỗng” cọc cạch hẳn là có ý riêng của mình. Thêm nữa, xưa nay không ai lại đi hỏi “ngỗng nước nào” bởi biết nó ở phương Bắc, bởi chim nhạn, chim ngỗng trời đều thuộc vào loại chim trời, cá nước, không bao giờ ở trong một biên giới nào cả. Trong tâm thức mọi người, chim nhạn là từ phương Bắc bay về rồi, còn gì phải hỏi ! Phải có một ngữ cảnh đặc biệt nào đó mới nảy ra câu hỏi “ngỗng nước nào”. Một danh từ ngỗng phi thơ, lạc hệ thống và một câu hỏi phi lôgíc, nhưng chính vì thế mà nó gợi lên cái ý về một âm thanh xa lạ phá vỡ cái yên tĩnh của mùa thu phương Nam. “Ngỗng nước nào” là câu hỏi phủ nhận kiến thức thông thường để phiếm chỉ một giống chim nước khác xâm chiếm bầu trời ám chỉ sự hiện diện của thực dân Pháp. Thì ra khung cảnh mùa thu yên tĩnh trên kia chỉ là ảo giác !

Hiểu được hình ảnh ẩn dụ này ta sẽ dễ dàng đồng cảm với hai câu thơ cuối. Bình luận hai câu thơ cuối, nhà thơ Xuân Diệu viết : “Cả khung cảnh mùa thu thanh thoát ấy dẫn đến ý hai câu kết : Sao ta còn bị buộc chân ở đây, sa lầy trong vòng danh lợi ố bẩn phi nghĩa này ? Sao ta chưa trả mũ từ quan quy khứ như Đào Uyên Minh cho nhẹ nhõm trong sáng ?”. Ý nghĩ của nhà thơ Xuân Diệu có thể đúng nếu ai đó xác nhận bài thơ này làm vào lúc Nguyễn Khuyến chưa từ quan quy ẩn. Đào Uyên Minh từ quan về ở ẩn năm 41 tuổi, còn Nguyễn Khuyến về ở ẩn năm 49 tuổi, về tuổi có sau họ Đào. Nhưng chúng tôi hiểu cái thẹn của nhà thơ Nguyễn Khuyến theo một hướng khác. Về tài năng Nguyễn Khuyến có thể không thẹn với ai. Nhưng đất nước Việt Nam thời ấy đâu là nơi có thể quy ẩn ? Ông Đào Tiềm có cả một đào nguyên cách biệt của mình để mà cày cấy, ẩn cư tự do, còn Nguyễn Khuyến thì ẩn vào đâu được ? Đào Tiềm không thấy nói phải lo thuế má, còn Nguyễn Khuyến thì :

Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,

Nửa công đứa ở, nửa thuê bò…

(Nhà nông than thở)

Quan Tây đã can thiệp vào đời sống nông thôn của nhà thơ rồi.

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,

Ngẫm ra lại then với ông Đào.

Ông Đào đây là Đào Tiềm.

Trong hoàn cảnh ấy mà muốn làm thơ siêu thoát kiểu Đào Tiềm thì cũng đáng thẹn thật. Cái lớn của nhà thơ là biết thẹn cùng cái thẹn của đất nước.Bài thơ mới đầu siêu thoát mà rút cục chẳng siêu thoát được nào. Thu vịnh không đơn thuần là bài thơ tả cảnh mà là thơ giãi bày tâm sự, nó nói lên tâm trạng nhà thơ thân quy ẩn mà lòng không quy ẩn, thấm đượm một chút u hoài về hiện tình đất nước thời ấy.

THU ĐIẾU

Nguyễn Khuyến là nhà thơ viết nhiều bài thơ đặc sắc về quê hương, làng cảnh, thiên nhiên. Trong số đó, có chùm thơ thu khá nổi tiếng, bao gồm : Thu điếu (Câu cá mùa thu), Thu vịnh (Vịnh mùa thu), Thu ẩm (Uống ruợu mùa thu). Mỗi bài có một cái hay, riêng Câu cá mùa thu thể hiện tấm lòng tìm về nơi trong sạch, yên tĩnh.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã cho thấy một cảnh câu cá với ao thu và thuyền câu. Chiếc thuyền bé tẻo teo làm cho ao trở nên rộng ;

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Nhưng cái đáng chú ý trong cảnh này là không khí “lạnh lẽo” của mùa thu và làn nước “trong veo”, gợi ra một khung cảnh thật tinh khiết. Cả ao và thuyền như chỉ gợi ra cảnh câu cá, đúng hơn là một biểu trưng câu cá, tựa như cảnh câu cá xinh xắn giữa một hòn non bộ nào. Nghĩa là nước trong, thuyền bé, gợi ra một cái thú chơi thanh tao, thoát tục, chứ không phải cuộc làm ăn kiếm lợi của một ngư ông.

Phong cảnh ao thu thật tươi tắn và yên tĩnh :

Sóng biếc theo làn hơi gợn tý,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Hai câu thơ dùng nét động để miêu tả cảnh tĩnh.

“Sóng biếc” tương phản với “lá vàng” làm cho màu sắc sáng tươi, nổi bật, mỹ lệ. Nhưng đáng chú ý hơn là không khí vắng lặng ngự trị cả không gian. Sóng biếc theo làn gió nhẹ chỉ hơi gợn một tý, một cái gợn rất mơ hồ, phải chú ý lắm mới thấy rõ. Có lẽ do thuyền câu bất động. Còn chiếc lá vàng rơi vừa khẽ, vừa nhanh (“khẽ đưa vèo”), không gây được một xao động nhỏ nào trong cái tĩnh mịch chung quanh.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

“Tầng mây lơ lửng” ở giữa trời, chứng tỏ trời trong xanh, yên tĩnh cao vút thăm thẳm như mở ra chiều cao sâu vô tận. “Ngõ trúc quanh co”, chứng tỏ ngõ dài, uốn khúc, có chiều sâu, và vẫn “vắng teo”. Cả hai chiều không gian cao, rộng đều vắng lặng hầu như tuyệt đối. “Khách” là người khác, đối lại với chủ. “Khách vắng teo” là biểu trưng cho khung cảnh thanh tao, thoát tục như trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm : “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn, người đến chốn lao xao”. “Khách vắng teo”chứng tỏ ông câu cá hình như hoàn toàn làm chủ khung cảnh nên thơ, vắng lặng của mình.

Biết bao thời gian đã trôi qua trong cảnh câu ấy ? Có lẽ là rất lâu. Tư thế ngồi của ông câu cũng bất động. Nhưng không hẳn :

Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được

Mấy chữ “lâu chẳng được” nói lên rằng không thể ngồi được lâu. Bởi vì :

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Có người hiểu câu kết là : “Cá đâu như đang động dưới chân bèo”. Lại có người hiểu : “Cá đâu có đớp động dưới chân bèo”. Có lẽ cách hiểu đúng hơn là cá đớp động dưới chân bèo làm ông không yên. Tại sao đi câu mà lại không thích cá đớp mồi, chỉ thích được tựa gối ôm cần ngồi thật lâu ?

Nguyên người xưa có kẻ lấy câu cá làm việc đợi thời, đợi người xứng đáng để ra giúp nước, như Lã Vọng đời nhà Chu buông câu bên dòng Vị Thủy, gặp Văn Vương và ra phò tá. Nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường có câu thơ : “Câu người, không câu cá, Bảy mươi gặp Văn Vương” (“Điếu nhân bất điếu ngư, Thất thập đắc Văn Vương”). Đời nhà Hán, Nghiêm Tử Lăng cũng lấy việc đi câu để từ chối việc làm quan với nhà Hán. Nhà thơ Lục Du đời Tống có câu : “Nghiêm Quang câu lười tuy quên hết điều lo nghĩ, Từ bỏ giang sơn mọi sự đều mới mẻ” (Nghiêm Quang điếu lãn tuy vong dạng, Trừ khước giang sơn vạn sự tân). Trong bài thơ Đề canh ẩn đường của Từ Trọng Phủ của Nguyễn Trãi cũng có câu : “Thương ta lâu nay bị cái mũ nhà nho làm hỏng việc, Vốn ta là người chỉ ưa cày nhàn câu quạnh thôi” (Ta dư cửu bị nho quan ngộ, Bản thị canh nhàn điếu tịch nhân). Nguyễn Trãi cũng là người thích cày nhàn, câu quạnh.

Vậy là trong văn thơ có truyền thống lấy việc câu cá để từ chối việc làm quan, và coi câu cá là việc “câu người”, “câu quạnh”, “câu lười” để đợi thời. Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã lấy cớ đau mắt bỏ quan về làng năm 49 tuổi, vì không muốn hợp tác với triều đình bất lực, bán nước của nhà Nguyễn. Nhưng ông cũng không được yên. Đương thời, Vũ Văn Báo, Tổng đốc Nam Định, vâng lệnh Pháp mời ông lại ra làm quan, ông từ chối. Hoàng Cao Khải mời ông làm gia sư, ông miễn cưỡng phải đi, sau giao cho con trai Nguyễn Hoan đi thay. Sau cuộc vịnh Kiều do Lê Hoan tổ chức, ông cũng bị nghi kỵ. Bài Thu điếu này phải chăng cũng thể hiện khát vọng câu thanh, câu vắng cho tâm hồn của một nhà thơ có phẩm cách, thanh cao và nỗi phiền muộn kín đáo vì không được để yên.

Là nhà thơ Việt Nam, Nguyễn Khuyến câu vắng tại ao nhà. Ao thu của ông mang nhiều nét đẹp nên thơ của làng quê thân thuộc, gần gũi. Nhưng nơi tâm khảm sâu xa, ông câu trong, câu tĩnh cho tâm hồn, lánh xa cục thế rối ren mà ông tự thấy bất lực. Hai câu cuối cho thấy niềm thất vọng, bởi ông không “câu vắng” được lâu tại ao nhà.

THU ẨM

Thu ẩm vốn là một hứng thú của nhà thơ xưa và cũng là một đề tài trong văn chương cổ điển.

Trong ba bài thơ về mùa thu của cụ Yên Đổ, bài Thu ẩm có nhiều nét đặc biệt mới mẻ, độc đáo. Nếu hai bài Thu điếu, Thu vịnh trời trong xanh, cao rộng bao nhiêu thì không gian trong bài Thu ẩm này thấp nhỏ bấy nhiêu :

Năm gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

Năm gian nhà tức là nhà tranh năm gian ở thôn quê, có vẻ là nhà to, song gọi là nhà cỏ, gợi một vẻ tuềnh toàng, lại thấp le te thì cảm thấy thấp lắm. Thường hai chữ “le te” chỉ dùng để hình dung túp lều rất thấp và rất bé nhỏ (Từ điển Tiếng Việt, 2000). “Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe” thì cũng không nhìn thấy chiều sâu, chiều xa như “ngõ trúc quanh co”. Lưng giậu có thể chỉ là giậu trước nhà, làn khói nhạt không nhất thiết là “Khói bếp nhà ai thổi cơm chiều” như nhà thơ Xuân Diệu tưởng tượng, mà rất có thể chỉ là sương khuya lởn vởn trông như khói. Bài thơ không có bầu trời, bởi ánh trăng cũng được nhìn phản chiếu từ dưới ao. Tóm lại, nhà cỏ, ngõ tối, lưng giậu, làn ao cho thấy một tầm nhìn thấp, hẹp và hạn chế. Ánh sáng trong bài cũng hạn chế. Đom đóm lập lòe, thứ ánh sáng đã yếu ớt lại còn lập lòe khi sáng khi tắt. Ánh sáng trăng phản chiếu từ dưới nước cũng theo làn sóng mà khi lóe, khi tắt. “Bóng trăng loe” là bóng trăng lúc đầu chỉ một chấm, sau to ra, tỏa sáng rồi lại tắt, để sau đó lại loe ! Tất cả nói lên một đêm thu khuya vắng, tĩnh mịch. Bài thơ không có một âm thanh nhỏ, dù chỉ là tiếng lá bay “vèo”.

Đó chính là cái không gian mà nhà thơ ngồi một mình uống rượu, độc ẩm, một không gian thuần túy Việt Nam, không có chút đường nét nào của không gian trong thơ cổ hoặc thơ Trung Hoa.

Bài thơ nhan đề là Thu ẩm mà đã viết đến nửa bài rồi, vẫn chưa thấy rượu đâu. Nó khác hẳn bài Thu điếu, ngay hai câu đề đã có đủ ao thu và thuyền câu. Bài Thu vịnh ngay câu đầu đã thấy “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”. Nguyễn Khuyến là bậc cực sành thơ. Thế mà ở bài này cho đến hai câu 5, 6 vẫn chưa thấy nói về uống rượu :

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt ?

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe !

Những vấn đề chẳng liên quan gì đến mùa thu, đến rượu cứ day dứt nhà thơ. Tôi không nghĩ đây là bài thơ viết về nhiều thời điểm như nhà thơ Xuân Diệu nghĩ. Thơ trung đại có thể tả cảnh vật bằng cách tổng hợp nhiều thời điểm. Song ở bài thơ này, cái da trời xanh ngắt này không xuất hiện trong cảnh mà xuất hiện trong ý nghĩ. Nó thuộc một không gian khác. Có thể là bầu trời xanh nhà thơ thấy ban ngày bây giờ vẫn còn ám ảnh trong tâm trí. “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”, một câu hỏi nêu ra không phải nhằm để trả lời vào vấn đề. Nó giống như loại câu hỏi : “Núi Truồi ai đắp mà cao, Sông Gianh ai bới, ai đào mà sâu ?” hoặc “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già, Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non ?”. Có thể xem đó là câu hỏi để bày tỏ sự bất lực trước các hiện tượng thực tế. Đó là câu hỏi về số phận. Cũng giống như nhận xét trong câu 6 : “Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”. Mắt đỏ hoe, có thể do đau mắt, do uống rượu (đối với người có tửu lượng thấp), cũng có thể do khóc nữa !

Mùa thu khí trời se se lạnh, chính là mùa uống rượu. Rượu là chất kích thích làm say người, gây hưng phấn. Người ta uống rượu để hưởng lạc (chả thế mà tửu hay đi với sắc !) để mua vui, tìm cảm hứng, và để giải sầu. Nguyễn Khuyến cũng uống rượu mùa thu như một thói quen – “Rượu tiếng rằng hay” – hay rượu. Nhưng “Thu ẩm” chỉ là một hư đề, bởi trong bài thơ nhà thơ đâu có chút gì hào hứng trong men rượu ? Một tâm tư sầu nặng day dứt choán hết cả tâm hồn. Cái màu xanh ngắt của trời thu thân thương thế và đẹp thế cũng làm ông xốn xang đến buột ra câu hỏi : “… ai nhuộm mà xanh ngắt ?”. Câu hỏi không phải để khen, để thưởng thức, cũng như cặp mắt “đỏ hoe”, chẳng phải là tính chất của đôi mắt thông thường, bình thường. Nhẽ ra da trời không nên xanh thế, một màu “xanh ngắt” không hợp thời, cũng như mắt lão cũng chẳng nên “đỏ hoe” như thế ! Cái phong cảnh đêm thu thấp và tối như trên cũng không hề mang hương vị đồng quê, không gợi thú điền viên, không có chút gì thi vị. Bao nhiêu hứng thú của cái cuộc thu ẩm ở đây dường như đã mất hết sạch. Uống rượu bây giờ chỉ là để mà tìm sự nguôi quên :

Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy,

Độ năm ba chén đã say nhè.

Vào câu kết, chủ đề thu ẩm mới được nói tới. Thu ẩm đây là độc ẩm. Uống rượu một mình lai rai, người xưa gọi là nhàn ẩm. Đào Uyên Minh xưa thích rượu, uống rượu để lánh đời. Cách uống rượu của ông rất nhàn nhã : nửa bầu rượu, một chiếc đàn, vừa uống vừa chơi đàn. Có rượu ngon thì tối nào cũng uống, uống say say thì làm thơ mua vui. Bạch Cư Dị cuối đời cũng thích nhàn ẩm, tự xưng là “Túy ngâm tiên sinh”. Cái thú nhàn ẩm là chỉ uống ngà ngà, vừa say vừa tỉnh. Thiệu Ung đời Tống có câu thơ : “Rượu ngon nên uống vừa chếch choáng, Hoa đẹp nhìn thành hoa bán khai”. Ông Nguyễn Quỳ Sinh đời Thanh trong sách Trà dư khách thoại viết : “Khi uống ngà ngà, sắp say mà chưa say, trong người khoan khoái dễ chịu, như gặp hòa khí gió xuân, đó mới thật là chân thú. Nếu uống rượu cho say bét nhè, không còn biết gì nữa, thì còn gì là thú ?”.

Xem thế thì Nguyễn Khuyến độc ẩm mà không có nhàn ẩm. Hai câu cuối cho thấy đến lúc này nhà thơ vẫn chưa uống rượu. Nếu đã uống, ông sẽ viết : “Mới năm ba chén đã say nhè”. “Độ năm ba chén” là sự ước lượng về tửu lượng. Nếu muốn say nhè thì chỉ năm ba chén, cái thứ chén hạt mít như ta thấy Nguyễn Khuyến cầm trong bức ảnh. Chưa uống nhưng ông đã nghĩ đến sự say, một cái say làm quên mọi bức xúc trong lòng.

Thu ẩm của Nguyễn Khuyến là bài thơ chan chứa ưu tư sầu khổ, không hề là bài thơ về thú uống rượu mùa thu.