Vì sao phải thực hiện an ninh năng lượng điện

Bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển bền vững

(LĐXH) Ngày 22/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức chương trình “Diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững”, nhằm triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030.

Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: Việc đảm bảo an ninh năng lượng trên phương diện quốc gia chính là sự duy trì liên tục, ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng với mức giá cả chấp nhận được đối với quốc gia đó. Trong đó, các vấn đề về giá cả và sự đa dạng về nguồn cung cấp là những yếu tố có tính quyết định đến an ninh năng lượng, xét trên góc độ lợi ích quốc gia.

Đối với Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Đồng thời, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngày 30/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136 về phát triển bền vững, trong đó mục tiêu số 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 có nội dung về bảo đảm an ninh năng lượng, cụ thể: "Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người".

Bộ Công Thương cho biết, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, như các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn.

Vì sao phải thực hiện an ninh năng lượng điện
Diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững

Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi, bao gồm các chỉ tiêu như: Tỷ số trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên ngày càng giảm; Sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; Tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.

Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng này ngày càng tăng lên nhanh trong dài hạn; các mối đe dọa liên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn.

Nguyên nhân chủ yếu là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn; tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm tăng giá thành; một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ và chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai; chưa có một chiến lược và chính sách cụ thể rõ ràng để bảo đảm khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý; giá năng lượng còn chưa theo cơ chế thị trường; khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề cung cấp năng lượng dẫn đến hệ số đàn hồi năng lượng cao…

Thực tế, Việt Nam hiện nay mới bắt đầu nghiên cứu có tính tổng thể về bài toán đánh giá mức độ đảm bảo an ninh năng lượng. Trong điều kiện hệ thống năng lượng cũng như nền kinh tế Việt Nam có những đặc điểm riêng, cần thiết phải xây dựng cơ sở phương pháp luận và mô hình mô phỏng hệ thống năng lượng Việt Nam với các dấu hiệu phù hợp với điều kiện tự nhiên và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp đánh giá mức độ đảm bảo an ninh năng lượng được xây dựng bởi các tổ chức và các nước khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù của từng quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hầu hết các ý kiến cho rằng, để có thể đảm bảo cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững, rất cần thiết phải gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo vào cơ cấu nguồn điện. Đặc biệt, theo các chuyên gia, cần thiết có thể lập các dự án thực hiện chuyển một số nhà máy từ đốt than sang đốt kèm sinh khối hoặc chuyển từ đốt than sang đốt hoàn toàn bằng sinh khối... để có thể giảm thiểu những nguy cơ về ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, trong rất nhiều các giải pháp được đưa ra nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn, các diễn giả đặc biệt nhấn mạnh đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương khẳng định, đối với các nền kinh tế mới nổi cũng như đang phát triển như Việt Nam cần phải chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững hơn.

Khánh Linh

THU THỦY, ĐẶNG THÀNH

Khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao...

Trong 15 năm trở lại đây, mức tăng trưởng điện năng thương mại liên tục tăng cao, dự kiến còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Nhu cầu điện năng cũng tăng nhanh với mức 13% giai đoạn 2006 - 2010 và 11% trong 5 năm gần đây. Dự kiến, ít nhất trong 10 năm tới, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng trên dưới 10%. Cụ thể, năm 2015, tổng lượng tiêu thụ năng lượng toàn quốc vào khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050 cũng đề ra mục tiêu phấn đấu bảo đảm đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với sản lượng cụ thể là đến năm 2020, nhu cầu năng lượng sẽ vào khoảng 100 - 110 triệu TOE và 310 - 320 triệu TOE vào năm 2030.

Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2017 được tổ chức tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, ngành năng lượng vốn là ngành hạ tầng, giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa và sự phát triển KT-XH của Việt Nam. Trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm và dành sự ưu tiên cao cho việc nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng (ANNL) quốc gia, cung cấp đầy đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển KT-XH. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt những thách thức lớn như: nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ và nặng nề hơn. Điều này vừa gây áp lực cho việc bảo đảm ANNL cho đất nước, vừa tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho ngành này.

Để bảo đảm ANNL, Việt Nam đang chuyển đổi từ nước xuất khẩu (XK) năng lượng sang nhập khẩu (NK) năng lượng. Nếu như trước đây, Việt Nam từng XK năng lượng, điện sang Campuchia, Lào; XK than lớn với đợt cao điểm lên đến 20 triệu tấn/năm thì từ năm 2016 đã NK gần 10 triệu tấn than và mua điện từ Trung Quốc với thời điểm cao nhất lên đến 5 tỷ kWh. Hiện nay, sản lượng điện NK từ Trung Quốc có giảm hơn, nhưng cũng đạt trên dưới 1 tỷ kWh/năm. Dự kiến, sẽ phải NK 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% nhu cầu than cho phát điện năm 2020 và tăng mạnh hơn vào những năm sau đó.

Và để giải quyết nguồn đầu tư, Việt Nam phải phát triển thị trường năng lượng. Để huy động được nguồn vốn đầu tư cho ngành điện, có chiến lược phát triển một cách rõ ràng, phù hợp… Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực năng lượng. Để đáp ứng cho mục tiêu phát triển KT-XH của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm trong giai đoạn 2016-2030, Việt Nam cần đầu tư khoảng 148 tỷ USD cho phát triển nguồn và lưới điện, không tính các nguồn điện BOT. Tuy nhiên, việc huy động được nguồn vốn này không đơn giản…

Trong khi đó, theo tính toán của cơ quan chuyên môn, ngay cả lo đủ nguồn vốn thực hiện đúng theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII đã được điều chỉnh), cũng như Kế hoạch năng lượng tái tạo đến năm 2020, thì vẫn thiếu hơn 1.500 MW vào năm 2020.

Mở rộng nguồn cung không đơn giản

Trước thực trạng này, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Ngô Đông Hải nhận định, trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam phải dựa trên ba trụ cột: đa dạng hóa các nguồn năng lượng thay thế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về năng lượng của đất nước; tiến thẳng vào công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng bền vững các nguồn năng lượng; khuyến khích sử dụng công nghệ mới, công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường (BVMT), thích ứng biến đổi khí hậu trong sản xuất và tiêu dùng.

Theo ông Ngô Đông Hải, chiến lược phát triển ANNL nói chung, nguồn cung điện nói riêng là bài toán hết sức phức tạp, đòi hỏi tầm nhìn đa chiều và tổng quát. Việc xây dựng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với duy trì, tiếp tục triển khai các nguồn năng lượng cơ bản như nhiệt điện, thủy điện cần rõ ràng, đáp ứng nhu cầu cụ thể trong từng thời kỳ. Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay là phải đáp ứng nhu cầu năng lượng trong xu thế phát triển nhanh của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh không triển khai các nhà máy điện hạt nhân cũng như tiềm năng thủy điện cơ bản đã khai thác hết công suất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có nhiều cơ hội. Thứ nhất, dư địa tiết kiệm điện trong tiêu dùng và sản xuất vẫn còn nhiều. Thứ hai, nước ta hoàn toàn có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, điện gió. Thứ ba, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, cũng phải tính toán việc sử dụng năng lượng, kết nối ANNL trong khu vực, một mặt bảo đảm ANNL của đất nước, mặt khác góp phần tạo dựng thị trường năng lượng một cách bền vững.

Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế chính sách theo hai cách tiếp cận, một là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hai là sử dụng công nghệ thân thiện môi trường để sản xuất năng lượng cho nhu cầu sử dụng. Cụ thể, đang chuyển đổi từ giai đoạn sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (NLTT), hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đầu tư cho NLTT không hề đơn giản, đặc biệt là suất đầu tư cao khiến giá điện ở mức cao. Ở thời điểm hiện nay, khi năng lượng mặt trời chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng điện năng, yếu tố này ảnh hưởng không lớn đến giá điện, nhưng trong cân bằng dài hạn, đây sẽ là yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến giá điện.

Đặc biệt, không đồng quan điểm rằng sự đa dạng hóa nguồn phát điện, hay hướng tới phát triển năng lượng “xanh” là giải pháp bảo đảm ANNL, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, thẳng thắn chỉ ra, cách tiếp cận về năng lượng ở Việt Nam đang có vấn đề. Một trong những “vất vả” của Việt Nam là ra sức làm việc để thỏa mãn nhu cầu. Cách làm này sẽ dẫn đến năng lượng luôn thiếu hụt, vì cứ mải miết đuổi theo nhu cầu thì nguồn cung càng thiếu.

Cơ chế đầu tư còn chưa thông thoáng

Mặc dù nền kinh tế thị trường vẫn phấn đấu cho giá năng lượng, giá điện thật sự thị trường, nhưng theo PGS, TS Trần Đình Thiên, nhiều năm qua, giá năng lượng vẫn chưa thể theo giá thị trường. Chính hạn chế này, đã làm cho quan thệ cung - cầu trở nên méo mó. Giá điện thấp kích thích tiêu thụ điện, nhưng không kích thích sản xuất điện. Chính vì vậy, giá điện phải làm sao khuyến khích được cả tiêu dùng và sản xuất, không thể cứ theo một chiều như hiện nay. Đứng trên góc độ năng lượng, điều này đang tạo ra áp lực rất lớn về nguồn cung. Tại sao chúng ta chưa thể nâng được giá điện lên mức cạnh tranh khi cứ để giá điện phi thị trường quá lâu. Hơn 30 năm nay, giá điện vẫn không thể tạo được cạnh tranh tốt. Phải chăng có một điểm tắc nghẽn về cơ chế?

Cùng quan điểm này, Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Ngô Đông Hải còn chỉ rõ, bài học của rất nhiều quốc gia trên thế giới là việc đầu tư phát triển các nguồn năng lượng không chỉ đến từ ngân sách quốc gia. Nếu chúng ta triển khai các cơ chế chính sách một cách đầy đủ, đúng đắn, thì thị trường năng lượng phát triển một cách đồng bộ. Khi đó, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, không chỉ trong nước mà cả từ quốc tế, để cùng nhau giải quyết bài toán phát triển KT-XH và Bảo đảm ANNL. Để giải quyết nguồn đầu tư, chúng ta phải phát triển thị trường năng lượng. Để huy động được nguồn vốn đầu tư cho ngành điện, chúng ta phải có chiến lược phát triển một cách rõ ràng, phù hợp…

Ông Ngô Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP nhiệt điện Bắc Giang - An Khánh, với những dự án đã được nêu trong Quy hoạch điện VII thì nên bỏ bước chấp thuận chủ trương đầu tư bởi khâu đó khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian cũng như cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, cần cơ chế tạo sự công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, hoặc liên quan đến các dự án đầu tư điện có cơ chế bảo lãnh nhất, từ đó khắc phục yếu tố bất bình đẳng như hiện nay. Ông Hội kiến nghị sửa đổi Thông tư 56/2014/TT-BCT của Bộ Công thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện, sửa theo hướng không nên quy định giới hạn 12% của tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR), thay vào đó là quy định theo nguyên tắc giá mua cộng với lãi suất cho vay cộng với biên độ khoảng 4 - 5%.

(Còn nữa)