Đánh giá về hịch tướng sĩ

Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn là một trong những áng văn hùng hồn, thống thiết hiếm có trong di sản Hán văn của dân tộc ta, được liệt vào hàng “thiên cổ hùng văn”, nghĩa là áng văn hùng tráng của muôn đời.

Bài hịch này nguyên bằng chữ Hán, được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư do Lê Văn Hưu khởi đầu, Ngô Sĩ Liên và nhiều sử gia khác kế tục hoàn thành, vốn không có đầu đề. Đến đầu thế kỷ XX, các học giả đem dịch giới thiệu rộng rãi cho quốc dân mới đặt nhan đề là Hịch tướng sĩ văn . Gần đây các tác giả bộ Thơ văn Lý – Trần mới đặt tên là Dụ chư tỳ tướng hịch văn, song đông đảo người đọc vẫn quen với tên Hịch tướng sĩ.

Hịch là thể văn nghị luận cổ xưa dùng để tập hợp lực lượng, lên án kẻ thù, kêu gọi hành động, răn dạy, vỗ về quân sĩ, dân chúng. Người ta cũng gọi hịch là lộ bố, nghĩa là ban bố công khai cho mọi người ai nấy đều hay. Hịch không phải là thể văn của thời bình, càng không phải thể văn của sinh hoạt đời thường. Đó là thể văn được viết ra vào những thời khắc khủng hoảng, khi Tổ quốc lâm nguy, gian đảng tiếm quyền hay tai họa khủng khiếp đe dọa tính mạng dân chúng, đòi hỏi mọi người đồng sức, đồng lòng đứng lên khắc phục. Để tập hợp mọi người, hịch phải có lập trường chính trực, quan điểm rõ ràng, chứng cớ xác thực, lời lẽ đanh thép. Để kêu gọi hành động, hịch phải biết kích động tình cảm, lời lẽ thống thiết, gây niềm công phẫn, đau đớn, khiến người có lương tâm không thể ngồi yên. Xét các yêu cầu đó, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn quả là một kiệt tác vô song. Đã hơn 700 năm trôi qua mà mỗi lần đọc lại bài văn vẫn làm người đọc bồi hồi xúc động.

Bài hịch này được viết vào lúc nào, hiện chưa có ý kiến nhất trí. Theo sách Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam (1987) thì nó được công bố vào tháng 9 năm 1284 tại cuộc duyệt binh ở bến Đông Thăng Long.

Tháng 10 năm 1283, khi quân Nguyên một mặt cho quân bộ đổ xuống phía Bắc, yêu sách vua Trần cung cấp lương thảo và binh lính đi đánh Chiêm Thành, mặt khác chúng cho quân thủy đánh chiếm cảng Chiêm Thành (Quy Nhơn), đe dọa đem 50 vạn binh đánh nước ta, vua Trần trao cho Trần Hưng Đạo chức Tiết chế thống lĩnh chư quân (Tổng chỉ huy quân đội). Gần một năm trời Trần Quốc Tuấn nghiên cứu binh pháp, bố trí lực lượng, chuẩn bị đánh giặc. Bài hịch vừa là lời răn dạy, vừa là lời bộc bạch tâm huyết, vừa là bản mệnh lệnh quân sự, lại vừa là lời thề, đã làm nức lòng quân đội. Nhiều người tự nguyện thích lên cánh tay hai chữ “Sát Thát” biểu thị quyết tâm không đội trời chung với giặc. Hiệu quả ấy hẳn có liên quan tới nội dung và nghệ thuật của áng văn.

Bài hịch gồm ba phần lớn. Phần đầu nêu gương trung thần, nghĩa sĩ dám xả thân lập công, ghi tên sử sách. Phần hai nêu rõ nguy cơ mất nước, lên án thái độ vô trách nhiệm, chỉ biết vui chơi, hưởng lạc, vạch ra tai họa sắp đến, bộc lộ tình cảm yêu nước, căm thù giặc. Đoạn cuối kêu gọi cảnh giác, học tập binh pháp, rèn luyện võ nghệ, chuẩn bị đánh giặc. Cũng có thể chia đoạn giữa thành hai phần.

Mở đầu bài hịch, Trần Quốc Tuấn dùng một giọng chuyện trò để đối thoại với các tỳ tướng : nêu sự việc và nêu câu hỏi để họ tự trả lời. Tác giả nêu ra một lúc, theo lối liệt kê, sáu tấm gương đạo đức trung thần, nghĩa sĩ liều thân cứu chủ, sống chết theo chủ trong sử sách Trung Quốc, như một lẽ phải ở đời :

– Kỷ Tín chết thay cho Hán Cao Đế.

– Do Vu che giáo cho Chiêu Vương.

– Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ.

– Thân Khoái chết theo Trang Công.

– Kính Đức cứu thoát Đường Thái Tông.

– Cảo Khanh mắng giặc, không theo kế giặc mà làm phản chủ.

Đó là những tấm gương có tác dụng kích thích chí lập công danh, lưu tên sử sách cho các tỳ tướng. Để tăng hiệu quả kích động, tác giả còn hỏi thêm : các người muốn theo thói nữ nhi thường tình, chết già ở xó cửa hay bỏ mình vì nước, lưu danh muôn thuở ?

Chừng như thấy các tỳ tướng còn ngờ vực về các sự tích cổ xưa, Trần Quốc Tuấn còn kể thêm bốn tấm gương gần hơn trong cuộc chiến tranh Tống, Nguyên mới đây : Vương Công Kiên và Nguyễn Văn Lập người đời Tống, chống Nguyên ; Cốt Đãi Ngột Lang và Xích Tu Tư thuộc quân Nguyên, tiến đánh Nam Chiếu. Chủ tướng và tỳ tướng đều hợp sức lập công, lưu truyền tiếng tốt.

Tất cả mười tấm gương ấy đều khẳng định một nguyên lý đạo đức truyền thống có tính phổ biến : là tướng sĩ, mọi người đều phải hết lòng trung nghĩa, phụng sự triều đình, vương chủ và đất nước, dù chết cũng cam lòng.

Sau khi nêu gương, chủ tướng mới nói về hiện tình nguy cơ của đất nước và nỗi lòng lo lắng, căm phẫn của mình.

Tiếp tục mạch chuyện trò, tác giả lại nhắc đến hoàn cảnh chung của “ta” và “các ngươi” : “Huống chi ta cùng các ngươi, sinh phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan”. Hai chữ “sinh” và “lớn” nói tới kinh nghiệm chung của Trần Quốc Tuấn và các tỳ tướng. Từ lần xâm lược thứ nhất của quân Nguyên, năm 1258, đến năm 1284, thời gian trên 25 năm, đủ cho một thế hệ tướng sĩ sinh ra và trưởng thành. Trong thời gian ấy, ai mà không thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, thấy đủ mọi hành động dối trá, tham lam, ngang ngược, làm nhục quốc thể. Tác giả nhắc lại các biểu hiện đó với một lòng căm thù sôi sục, đau đớn, nhức nhối, bằng những từ ngữ mạt sát, hạ nhục quân giặc : “Uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”.

Đây đúng là lúc mà sứ bộ nhà Nguyên nay đòi vua Trần sang chầu, mai đòi cống nạp vật quý, yêu sách đủ đường, vì chúng rắp tâm xâm lược nước ta. Trần Quốc Tuấn nhìn rõ dã tâm đó trong hình ảnh “hổ đói” và nguy cơ “tai vạ về sau”.

Trong văn mạch chuyện trò, vị chủ tướng có dịp bộc bạch lòng căm thù và ý chí tiêu diệt quân giặc với lời văn thống thiết, mạnh mẽ theo phong cách cổ điển. Đọc lời văn, ta như cảm được nỗi đau của ông : “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối ; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa ; chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”.

Vị chủ tướng đã quên ăn, quên ngủ (“vỗ gối” là vỗ gối kê đầu, biểu thị uất ức, trằn trọc), ngày đêm tìm kế diệt giặc, đau đớn rơi lệ, sẵn sàng hy sinh để trả thù giặc. Mức độ căm thù đã lên tới tuyệt đỉnh : “… xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù” là ước lệ văn chương, biểu thị lòng khao khát trả thù cháy bỏng. Mức độ quyết tâm cũng lên tới tột cùng : “trăm thân”, “nghìn xác” là hình ảnh biểu thị dù có phải chết đến trăm lần, nghìn lần cũng xin làm.

Để kêu gọi, ràng buộc các tỳ tướng đồng sức, đồng lòng với mình, Trần Quốc Tuấn trước hết nhắc lại mối ân tình đồng gian khổ, chia hoạn nạn với họ. Bao nhiêu năm chủ tướng quan tâm tỳ tướng trong mọi mặt đời sống, sống chết trong chiến đấu, vui thú trong hòa bình. Phép liệt kê, trùng điệp đã tô đậm mối ân tình. Lời lẽ đầy vẻ ban ơn, nhưng đó là đặc điểm quan hệ chủ tướng và tỳ tướng ngày xưa dưới thời phong kiến.

Từ tầm cao trách nhiệm với đất nước, từ nguyên tắc đạo đức trung nghĩa và ân tình, Trần Quốc Tuấn đã quở trách hàng loạt biểu hiện vô trách nhiệm, lơ là cảnh giác một cách thẳng thắn, gay gắt, gần như là “xỉ mắng” : “Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn, làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm ; hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển…”.

Phải nói đó là những lời quở trách hết sức nặng nề : “không biết lo”, “không biết thẹn”, “không biết tức”, “không biết căm”… thì còn đâu là con người có lương tâm nữa ! Nếu quả tỳ tướng của Trần Quốc Tuấn mà tinh thần đến như vậy thì còn đâu sức chiến đấu ! Đọc Đại Việt sử ký toàn thư thấy gia thần của ông như Dã Tượng, Yết Kiêu, các môn khách như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực… đều là những người trung nghĩa. Trung nghĩa là một nét nổi bật của tinh thần Đông A (tức nhà Trần). Cho nên, số người cầu an, hưởng lạc tuy vẫn có, nhưng có phần chắc là Trần Quốc Tuấn dùng phép khích tướng, kích họ bằng cách sỉ nhục, đẩy họ vào thế phải chứng tỏ tấm lòng biết lo, biết thẹn, biết tức, biết căm mà đồng lòng hiệp sức cùng chủ tướng đánh dẹp quân thù.

Thái độ của chủ tướng là cực lực công kích thói cầu an, ham vui chơi, hưởng lạc mà lơ là cảnh giác, không thấy mối nguy diệt vong. Ông mỉa mai khinh miệt các thói ham chơi tầm thường : “Nếu có giặc Mông Cổ tràn sang thì cựa gà trống không sao đâm thủng áo giáp giặc, mẹo cờ bạc không thể dùng làm mưu lược nhà binh. Tiền của tuy nhiều không mua được đầu giặc, chó săn tuy khỏe không đuổi được quân thù, chén rượu ngon không làm giặc say chết…”. Tất cả mọi suy luận ở đây dù rất nhiều vẻ, đều tập trung vào một mục đích duy nhất là tiêu diệt quân xâm lược, đối phó với âm mưu xâm lược, và so với mục đích ấy thì tất cả đều trở nên vô nghĩa ! Phải nói ngay rằng cách liên hệ “rượu ngon” với việc “làm giặc say chết”, “tiếng hát hay” với việc “làm cho giặc điếc tai…” là không tương xứng về mặt lôgíc, bởi vì không ai tính chuyện đem rượu ngon mà làm giặc say chết cả ! Nhưng chính vì sự không tương xứng đó mà tính chất phi lý của việc ăn chơi, hưởng lạc lúc ấy lại càng bộc lộ rõ rệt, gay gắt hơn bao giờ hết. Đó là nghệ thuật biện luận tài tình của Trần Quốc Tuấn, làm cho những kẻ ăn chơi phải hổ thẹn.

Nhưng vị chủ tướng không dừng lại ở chỗ đó. Ông tiếp tục suy luận, và đẩy suy luận đi đến tận cùng. Nếu không giết được giặc thì tất bị giặc bắt. Không thể có lối thoát nào khác. Vị chủ tướng liền chỉ ra một chuỗi hậu quả của nguy cơ đó, cái này tiếp theo cái kia còn nặng nề hơn, nhưng không thể tránh được : “Lúc bấy giờ, ta và các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào ! Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng về tay kẻ khác, chẳng những gia quyến của ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng bị bắt đi ; chẳng những xã tắc, tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ của cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên…”.

Các hậu quả càng ngày càng nặng nề, càng dài lâu, sâu thẳm, và cuối cùng, cái thú vui chơi, hưởng lạc thiển cận kia cũng không thực hiện được : “Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi, phỏng có được không ?”. Có thể nói Trần Quốc Tuấn đã truy kích tư tưởng ham chơi, hưởng lạc không hợp thời đến tận cùng, làm cho ai cũng thấy nó là vô lý và nguy hiểm. Trần Quốc Tuấn không bài bác việc vui chơi, hưởng lạc, nhưng các việc đó không được phương hại cho việc bảo vệ Tổ quốc. Chuỗi hậu quả tai hại được sắp xếp tài tình, vạch rõ được việc vui chơi, hưởng lạc thiển cận, chỉ rõ được tai họa diệt vong tất yếu sẽ đến. Đó là nghệ thuật suy luận tài tình, vừa cho thấy hậu quả tai hại, vừa cho thấy lợi ích triều đình, chủ tướng và lợi ích của các tỳ tướng gắn bó chặt chẽ như môi với răng, môi hở, răng lạnh.

Phần ba chuyển sang lời răn dạy và mệnh lệnh. Khi các tỳ tướng đã bị thuyết phục bởi mối nguy xâm lược và họa diệt vong, Trần Quốc Tuấn bèn dạy bảo bài học cảnh giác : “Nay ta bảo thật các ngươi, nên nhớ câu : “Đặt mồi lửa dưới đống củi” là nguy cơ, nên lấy điều “Kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” làm răn sợ”. Ở đây Trần Quốc Tuấn sử dụng hai thành ngữ cổ của Trung Quốc. Sách Hán thư Trung Quốc có câu : “Đem lửa đặt dưới đống củi rồi nằm lên trên mà ngủ, lửa chưa kịp cháy bèn bảo là an toàn”, chỉ một tình huống tự lừa dối mình một cách ngớ ngẩn. Trần Quốc Tuấn chỉ ra bài học : “Nên xem việc để mồi lửa dưới đống củi là mối nguy”. Câu dịch trong bài ở đây chưa thật thoát ý. Thiên Cửu Chương của Khuất Nguyên có câu : “Người bị bỏng canh mà thổi dưa ôi, Sao chẳng đổi chỗ ấy đi” (Đào Duy Anh dịch). Người Trung Quốc hiểu đó là một cách rút kinh nghiệm quá đáng. Sợ canh nóng mà đến nỗi rau nguội cũng thổi cho nguội nữa thì buồn cười. Ở đây Trần Quốc Tuấn nói : “Nên lấy việc kiềng canh nóng mà thổi rau nguội làm bài học răn mình” (tức bài học cảnh giác). Câu dịch trong bài chưa thoát ý(1). Cả hai câu tác giả đều nhấn mạnh bài học cảnh giác, chớ để nước đến chân mới nhảy thì không kịp.

Ông đề ra nhiệm vụ với mục tiêu cụ thể : huấn luyện quân sĩ, tập luyện cung tên tới mức tài nghệ để có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt nơi cửa khuyết (cửa lớn ở kinh thành), làm rữa thịt Vân Nam Vương, tức Thoát Hoan, con thứ chín của Hốt Tất Liệt, cũng tức là bêu xác y. Có như thế mới bảo vệ được các quyền lợi chính đáng của mình. Ông lập lại một thứ tự các phúc lợi được hưởng, có cái này thì sẽ được cái kia, và trở về với việc vui chơi : “Lúc bấy giờ dẫu các ngươi không muốn vui chơi phỏng có được không ?”. Câu hỏi này hô ứng với câu hỏi trên, được nêu ra như một niềm tự tin, và ta như nhìn thấy nụ cười của vị chủ tướng.

Sau phần răn dạy là phần ra lệnh dứt khoát, bắt buộc : “Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo của ta, thì trọn đời là tôi chủ, nhược bằng khinh bỏ sách này, trái với lời ta dạy thì trọn đời là nghịch thù !”. Bởi vì ta với kẻ thù không đội trời chung, nếu không rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ, tức là bó tay mà chịu thua giặc, như thế không phải nghịch thù thì là gì nữa ?

Nhưng Trần Quốc Tuấn không hề bi quan trước tinh thần tướng sĩ. Sau khi làm phép khích tướng, lên án thói cầu an, lơ là cảnh giác, ham vui chơi, hưởng lạc, ông hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi, và dự báo trước cái nhục cho những ai cố tình vui chơi, hưởng lạc lúc này : “Nếu vậy, rồi đây sau khi dẹp yên quân giặc, muôn đời để thẹn, các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa ?”.

Vậy là các tỳ tướng, nếu không lo rửa nhục cho chủ, không huấn luyện quân sĩ, nếu không chết về tay giặc thì cũng không còn chỗ dung thân ở dưới gầm trời. Họ chỉ có một con đường duy nhất là chuyên lo võ nghệ để rửa nhục cho nước và cho chính mình.

Bài hịch này rõ ràng là hịch kêu gọi học tập binh pháp, chuẩn bị giết giặc, nhưng đồng thời cũng là hịch kêu gọi giết giặc. Mục đích giết giặc, rửa nhục cho chủ quán xuyến từ đầu đến cuối. Nêu ra mười tấm gương trung thần, nghĩa sĩ, kể ra tình trạng nguy cơ, bộc bạch nỗi lòng khát khao giết giặc, rửa thù, lên án thói hưởng lạc, lơ là cảnh giác, khích tướng, vẽ ra các viễn cảnh tai họa, nêu ra lời răn, lời ra lệnh, tất cả đều hướng vào cái đích giết giặc. Không một lúc nào Trần Quốc Tuấn đi chệch mục đích của mình. Văn như vậy là bắn tên trúng đích.

Nghệ thuật bài văn rất đa dạng : khi thì nêu gương, khi thì trữ tình, khi thì sỉ nhục để kích tướng, khi thì suy luận lôgíc để vẽ ra viễn cảnh tai họa, đầy giọng châm biếm, mỉa mai, khi lại suy luận để vẽ ra viễn cảnh thắng lợi. Lời văn khi thân mật, khi thống thiết, khi mỉa mai, khi ra lệnh dứt khoát như dao chém gỗ. Nhiều hơn cả là cách dùng câu hỏi tu từ để các tỳ tướng tự suy nghĩ mà tự trả lời, để cho tư tưởng của chủ tướng thấm dần vào tình cảm của tỳ tướng. Tình cảm tha thiết hòa quyện với lý trí sắc bén. Cách dùng hình ảnh cũng rất đặc sắc, tài tình. Bài văn thuộc thể loại văn thư quân sự nhưng lời lẽ không chỉ đanh thép, mà còn mềm mại, thắt buộc, khêu gợi, kích động, quả đúng là một “áng danh văn của nước nhà”. Đằng sau lý lẽ đanh thép, mệnh lệnh dứt khoát, ẩn chứa một tấm lòng ưu ái và một niềm tin tưởng.