Thị trường trái cây nhập khẩu Việt Nam

(HNM) - Tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị... trái cây nhập khẩu được bán rất phong phú với giá cả không đắt hơn nhiều so với trái cây trong nước, cộng với chất lượng, hình thức bắt mắt nên đã hút được rất đông người tiêu dùng. Những yếu tố này đang khiến trái cây ngoại lấn lướt trên thị trường...
 

Thị trường trái cây nhập khẩu Việt Nam

Trái cây nhập ngoại được bày bán tại các siêu thị. Ảnh: Anh Tuấn


Tràn ngập trái cây ngoại giá rẻ Tại chợ Hà Đông, các quầy hàng bán hoa quả bày la liệt các loại trái nhập khẩu: táo Mỹ, nho đen Nam Phi, lê Hàn Quốc... Chị Nguyễn Thị Lam, chủ một quầy hoa quả trong chợ Hà Đông cho biết, chị bán cả trái cây nhập khẩu và trong nước, nhưng lượng tiêu thụ trái cây nhập luôn nhiều hơn; trái cây Việt Nam chủ yếu bán theo mùa. Trước đây, trái cây nhập khẩu chủ yếu được người tiêu dùng mua để làm quà, thì nay họ mua về phục vụ nhu cầu của gia đình bởi giá trái cây nhập rẻ hơn trước nhiều… Khảo sát tại cửa hàng trái cây nhập khẩu cao cấp DP Fruits trên phố Trần Duy Hưng cho thấy, tại đây bán nhiều loại quả ngoại giá rẻ kèm ưu đãi, như: Lê Nam Phi loại lớn giá 250.000 đồng/2kg, cam vàng Nam Phi khuyến mãi mua 2 tặng 1 chỉ có 200.000 đồng/3kg, lê Hàn Quốc cuối vụ giá 120.000 đồng/kg… Chị Nguyễn Thị Hằng, một trong những khách quen tại cửa hàng đánh giá, trái cây ngoại ngon, giá tương đối rẻ, hình thức đẹp, chất lượng cũng yên tâm hơn do tin tưởng vào khâu kiểm định trong quy trình nhập khẩu nên gia đình thường xuyên mua về dùng. Chị cũng cho rằng, trái cây trong nước có nhiều loại ngon, nhưng chỉ xuất hiện theo mùa và ít được bán nhiều tại cửa hàng lớn hoặc siêu thị. Trong khi đó, trái cây ngoại đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng về số lượng, chất lượng, sở thích... Còn tại siêu thị Big C Hà Đông, hàng loạt táo gắn mác ngoại được bán với giá rất rẻ. Tuy nhiên, qua trao đổi, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Đối ngoại hệ thống Big C khẳng định: Tại siêu thị này, trái cây ngoại chỉ chiếm khoảng 5%, còn 95% là trái cây nội và đang được tiêu thụ tốt. Có thể, trái cây ngoại mẫu mã đẹp, giá hợp lý nên thu hút những khách hàng kỹ tính. Theo ông Nguyên, hiện nay rất nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng “quay lại” với trái cây nội bởi thực tế, chất lượng không thua kém hàng nhập. Như vậy, nếu có chiến lược khai thác bài bản, trái cây nội hoàn toàn có cơ hội giành lại được vị trí tương xứng tại thị trường trong nước…

Cần chiến lược quảng bá chuyên nghiệp


 

Thị trường trái cây nhập khẩu Việt Nam

Trái cây Việt đang phải chịu lép vế so với trái cây nhập ngoại. Ảnh: Anh Tuấn

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã chi 852 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng rau quả nhập khẩu nhiều nhất là từ Thái Lan, chiếm 57%; kế đó là Trung Quốc với 16,8%; các loại rau quả được nhập từ Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ… cũng đều tăng mạnh trong thời gian qua. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh mặt hàng trái cây mới chỉ tập trung cho xuất khẩu, chưa chú trọng khai thác thị trường trong nước. Thực tế, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này trong nước rất lớn, nhưng đang bị “coi nhẹ”. Chất lượng trái cây Việt có thể xuất khẩu tại các thị trường “kỹ tính” mà không thể “chinh phục” người tiêu dùng trong nước thì đây là vấn đề cần quan tâm. Theo một số khảo sát cho biết, nguyên nhân không phải do chất lượng mà yếu ở khâu quảng bá và xây dựng thị trường nội địa cho trái cây Việt. “Các sản phẩm trái cây ngoại có thể xuất hiện tràn ngập tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mối, chợ dân sinh, thậm chí trên cả những chiếc xe bán hàng rong… đều do khâu quảng bá sản phẩm” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Để trái cây nội không bị “lép vế” và từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa như tiềm năng vốn có, trước hết cần có chiến lược quảng bá chuyên nghiệp; đồng thời có kế hoạch sản xuất những loại quả phù hợp thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Ông Lê Linh Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Rau quả Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, rất nhiều loại trái cây ở nước ta có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hoàn toàn có thể cạnh tranh với trái cây nhập. Hơn nữa, nếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, do không phải chịu chi phí nhập khẩu, giá sẽ “mềm” hơn các loại quả ngoại có chất lượng tương đương… Do đó, các doanh nghiệp cần có hình thức giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại… để thu hút được người tiêu dùng trong nước.

Để trái cây Việt vươn ra thị trường thế giới, bên cạnh động thái tích cực đàm phán của cơ quan chức năng còn đòi hỏi DN phải chú ý đến các xu hướng tiêu dùng, chuyên nghiệp hơn trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.

Vẫn còn cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%...

Riêng mặt hàng rau quả lại giảm 13,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1,47 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc khi quốc gia này đang siết chặt kiểm soát Covid-19 gây ùn ứ hàng hóa, làm chậm tiến độ xuất khẩu. Ngoài ra Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh kiểm soát sản phẩm nhập khẩu, trong đó tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói… Những điều này đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc, nhưng nhiều thị trường quốc tế đang ưa chuộng các sản phẩm trái cây Việt mở ra thêm cơ hội tăng kim ngạch. Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nêu rõ, hiện Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu thành công 3 loại quả tươi như thanh long, xoài, vải.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, hiện trái cây Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và được người tiêu dùng nước sở tại đón nhận. Hiện tổng giá trị trái cây tươi giao dịch trên toàn cầu lên đến 240 tỷ USD/năm, sản phẩm chế biến từ trái cây khoảng 270 tỷ USD/năm. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trung bình mỗi năm của Việt Nam chỉ chiếm 1% nhu cầu toàn cầu.

Điều đó cho thấy, dư địa cho ngành trái cây tăng kim ngạch xuất khẩu còn khá lớn, bởi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nên mặt hàng trái cây Việt Nam được hưởng lợi, bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Muốn mở cửa các thị trường lớn cần nâng chất lượng

Trong bối cảnh trái cây Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội xuất khẩu, nhưng để làm được điều này đòi hỏi phải chú trọng nâng cao chất lượng qua đó vượt qua hàng rào kỹ thuật, tiếp cận thị trường quốc tế.

Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Tentamus (CHLB Đức) Lương Phước Vinh cho biết, nếu sản phẩm trái cây Việt Nam đáp ứng quy định, quy chuẩn thị trường ở châu Âu, sẽ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, bởi sức tiêu thụ các nước EU không thua kém Trung Quốc.

"Tiêu chuẩn mà các thị trường này đưa ra cũng không quá gắt gao. Điều quan trọng là DN cần hiểu được bản chất và yêu cầu của thị trường, các đối tác châu Âu sẵn sàng hỗ trợ chúng ta đáp ứng quy định”- ông Lương Phước Vinh chia sẻ.

Không chỉ có vậy nhiều DN cho rằng, trong quá trình xuất khẩu trái cây họ gặp nhiều khó khăn do một số địa phương chưa cấp mã số vùng trồng nên khó chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Để khắc phục vướng mắc này, DN mong muốn các địa phương chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan Võ Thị Ngọc Diệp cho biết, để chinh phục thị trường châu Âu đòi hỏi DN, hợp tác xã nên quy hoạch vùng trồng theo tiêu chuẩn, quy định châu Âu qua đó đảm bảo nguồn cung ổn định. Ngoài ra nên đầu tư công nghệ kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch để vận chuyển bằng đường biển, qua đó giảm giá thành sản phẩm.

“Chế biến sâu vẫn là giải pháp cốt lõi cho vấn đề bảo quản và tiêu thụ trái cây mà Việt Nam cần hướng tới để giải bài toán tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu” - bà Võ Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh.

EU luôn là thị trường lớn và tiềm năng, có giá bán cao và khi thâm nhập được vào thị trường châu Âu có thể phủ khắp các thị trường khác trên toàn cầu. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi DN sản xuất phải đảm bảo duy trì tất cả tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu tổ chức sản xuất như giống, vật tư đầu vào, quy trình trồng trọt, mã số vùng nuôi, mã số vùng trồng… theo quy định riêng của EU, đến vận chuyển chế biến cũng như xuất khẩu.

Tham tán thương mại tại EU Trần Ngọc Quân

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, đảm bảo nguồn cung còn đòi hỏi DN đẩy mạnh truyền thông, quảng bá sản phẩm để người dân nước sở tại biết đến trái cây Việt. Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa nêu rõ, DN cần đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị sản phẩm để dần dần thay đổi thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng.

“Câu chuyện thành công từ việc xuất khẩu quả vải Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng là một ví dụ điển hình về lợi ích mà hoạt động quảng bá mang lại” - ông Nguyễn Phú Hòa nói.

Từ kinh nghiệm đưa trái cây Việt Nam ra các thị trường quốc tế, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho rằng, để thâm nhập thị trường EU, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong quá trình tham gia các hội chợ quốc tế nên xây dựng một "ngôi nhà chung" quảng bá trái cây Việt Nam, thay vì chia nhỏ thành nhiều gian hàng cho DN như hiện nay nên không tạo ra được sức mạnh to lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, DN cần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm tư duy tự phát sang sản xuất theo tín hiệu thị trường. “Các địa phương cần có chiến lược rõ ràng, quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và có hướng dẫn rất cụ thể về quy trình canh tác, quy trình sản xuất đảm bảo được chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

Nguồn: trungtamwto.vn(13/6/2022)