Trichomonas vaginalis là gì

Viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis là bệnh lây qua đường tình dục khá phổ biến hiện nay. Bệnh thường gặp ở nữ hơn nam, đặc biệt là phụ nữ trưởng thành, lớn tuổi. Hiện vẫn chưa có vắc – xin phòng bệnh. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của bác sĩ Hứa Minh Luân.

Tổng quan về bệnh viêm âm đạo

  • Viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis là bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STD) rất phổ biến. Bệnh này là do bị nhiễm ký sinh trùng nguyên sinh có tên là Trichomonas vaginalis. Mặc dù triệu chứng khác nhau nhưng hầu hết mọi người khi bị nhiễm ký sinh trùng này đều không thể biết là mình bị nhiễm.
  • Trùng roi Trichomonas vaginalis là một động vật nguyên sinh (protozoa), lây qua giao hợp.
  • Có thể tìm thấy Trichomonas vaginalis ở âm đạo, niệu đạo và các tuyến nhờn ở âm hộ.
  • Nhiễm Trichomonas vaginalis là bệnh lây qua tình dục không do virus có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất ở Mỹ. Ước tính có khoảng 3,7 triệu người bị nhiễm. Tuy nhiên lại chỉ có 30% xuất hiện các triệu chứng. Bệnh này thường gặp ở nữ hơn nam. Phụ nữ càng lớn tuổi càng có nguy cơ nhiễm trichomoniasis cao hơn.
  • Ở Mỹ, có sự khác biệt về tỉ lệ nhiễm Trichomonas vaginalis ở các chủng tộc khác nhau. Tỉ lệ này là 13% ở phụ nữ gốc Phi và là 1.8% ở phụ nữ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.
  • Tỉ lệ nhiễm Trichomonas vaginalis cao ở phụ nữ trên 40 tuổi (trên 11%), và đặc biệt cao ở các trung tâm bệnh lây qua tình dục.

Đường lan truyền, lây nhiễm bệnh viêm âm đạo

1. Nguồn truyền nhiễm

  • Trichomonas có ổ chứa duy nhất là trong cơ thể người và lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Ở nữ giới, bộ phận trên cơ thể bị nhiễm trùng roi Trichomonas vaginalisnhiều nhất chính là vùng sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, hoặc niệu đạo). Đối với nam giới, trùng roi cư trú ở bên trong dương vật, lỗ niệu đạo.
  • Bệnh viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis có thời gian ủ bệnh từ 1 – 4 tuần. Nhiều trường hợp không biểu lộ triệu chứng cụ thể, gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

2. Phương thức lây truyền

Khi quan hệ tình dục, trùng roi Trichomonas vaginalis thường lây lan từ dương vật sang âm đạo hoặc ngược lại. Hoặc cũng có thể lây lan từ âm đạo người này sang âm đạo người khác. Hiếm khi trùng roi Trichomonas bị nhiễm ở bộ phận khác của cơ thể như tay, miệng hay hậu môn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây truyền không qua đường tình dục như qua đồ dùng, quần áo, khăn tắm ẩm ướt, bồn tắm hoặc trong môi trường nước nhiễm trùng roi Trichomonas.

Những dấu hiệu và triệu chứng

Khoảng 70% người bị nhiễm đều không có dấu hiệu hay triệu chứng nào. Các triệu chứng của trichomoniasis có thể từ kích ứng nhẹ đến viêm nặng. Triệu chứng nếu có sẽ xuất hiện trong vòng từ 5 đến 28 ngày kể từ ngày bị nhiễm. Còn nếu không có triệu chứng, sẽ rất lâu sau mới có thể có. Triệu chứng xuất hiện và tự hết.

1. Ở nam giới

Bệnh trùng roi đường sinh dục đại đa số không có triệu chứng, tuy nhiên một số người có thể bị ngứa hoặc kích ứng dương vật, đi tiểu khó và đi tiểu nhiều lần, ngứa rát khi tiểu tiện hoặc xuất tinh. Dương vật có thể tiết dịch niệu đạo và thường khó phân biệt với viêm niệu đạo cũng khá phổ biến.

Xem thêm bài viết: Tràn dịch tinh mạc ở người lớn

2. Nữ giới nếu nhiễm trichomoniasis có thể nhận thấy

  • Ngứa, rát, tấy đỏ hoặc đau nhức ở cơ quan sinh dục;
  • Khó chịu khi tiểu tiện;
  • Thay đổi dịch âm đạo (ví dụ dịch nhờ hoặc nhiều), trong, trắng, ngả vàng, ngả xanh, kèm theo là mùi tanh bất thường.
  • Một số bệnh nhân nam giới khi nhiễm Trichomonas vaginalis có biểu hiện viêm niệu đạo, viêm mào tinh hoặc viêm tiền liệt tuyến.
  • Một số phụ nữ nhiễm Trichomonas vaginalis có biểu hiện có huyết trắng nhiều, màu vàng hay xanh, có mùi hôi, có thể kèm theo ngứa rát ở âm hộ.
  • Trong những trường hợp nhiễm Trichomonas vaginalis nặng, niêm mạc âm đạo và cổ tử cung có những điểm xuất huyết nhỏ lấm tấm (dạng trái dâu tây).
  • Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân (70 – 85%) là không có triệu chứng hoặc chỉ có một vài triệu chứng.
  • Điều này dẫn tới nhiều trường hợp bị nhiễm Trichomonas vaginalis không được điều trị trong vài tháng tới vài năm.
  • Nhiễm trichomoniasis có thể khiến cho việc quan hệ tình dục trở nên không thoải mái. Nếu không được chữa trị, nhiễm trùng có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí vài năm.

Trichomonas vaginalis là gì

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bệnh có thể dễ dàng chữa bằng kháng sinh. Vì vậy bạn nên khám bác sĩ khi có một trong những triệu chứng sau để tránh biến chứng:

  • Tiểu nóng rát;
  • Tiết dịch âm đạo có mùi hôi;
  • Tiểu đau;
  • Đau khi quan hệ;
  • Gặp tác dụng phụ của thuốc khi điều trị.
  • Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ nhiễm Trichomonas vaginalis?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bao gồm:

  • Có nhiều bạn tình;
  • Đã từng bị bệnh lây truyền qua đường tình dục;
  • Quan hệ tình dục không dùng bao cao su.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

Chẩn đoán nhiễm Trichomonas vaginalis

  • Nên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán ở các phụ nữ có triệu chứng huyết trắng bất thường.
  • Không khuyến cáo tầm soát thường qui nhiễm Trichomonas vaginalis cho dân số chung.
  • Chỉ nên thực hiện việc tầm soát thường qui cho các đối tượng có nguy cơ cao (có nhiều bạn tình, mắc bệnh lây qua tình dục khác…).

Sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán có độ nhạy và độ đặc hiệu cao được khuyến cáo để xác định Trichomonas vaginalis.

1. Soi tươi

  • Soi tươi huyết trắng là biện pháp đầu tay vì rẻ, đơn giản tuy rằng độ nhạy không cao. Chúng thường kết hợp với nhuộm Gram. Soi tươi huyết trắng là phương pháp thường được sử dụng bởi vì dễ thực hiện và giá thành rẻ.
  • Soi tươi tìm thấy trùng roi di động trên lame. Vì thế, đọc kết quả xét nghiệm soi huyết trắng nên thực hiện trong vòng một giờ sau lấy mẫu. Độ chính xác giảm 20% nếu thời gian chờ để đọc kéo dài trên một giờ.
  • Nhược điểm của soi tươi huyết trắng là độ nhạy của xét nghiệm thấp (51 – 65%), và thấp hơn khi soi tinh dịch.
  • Soi tươi có thể kết hợp với nhuộm Gram.
Trichomonas vaginalis là gì
Soi tươi huyết trắng

2. Cấy bệnh phẩm

Trước đây, khi chưa có các phương pháp chẩn đoán miễn dịch, cấy tìm Trichomonas vaginalis từng là tiêu chẩn vàng cho chẩn đoán.

  • Cấy Trichomonas vaginalis có độ nhạy tương đối cao 75 – 96% và độ đặc hiệu 100%.
  • Ở người phụ nữ, độ nhạy của khảo sát các mẫu xét nghiệm lấy từ các dịch tiết cao hơn độ nhạy của khảo sát các mẫu xét nghiệm lấy nước tiểu.
  • Ở nam giới, mẫu cấy được lấy từ dịch niệu đạo, nước tiểu, và/hoặc tinh dịch đồ.

3. Các xét nghiệm miễn dịch

Xét nghiệm miễn dịch được chỉ định khi kết quả soi tươi âm tính.

Nhìn chung, các xét nghiệm miễn dịch chẩn đoán Trichomonas vaginalis có độ nhạy cao hơn so với soi tươi huyết trắng.

  • Khảo sát khuếch đại acid nucleic (NAAT) (nucleic acid amplification test), dựa trên cơ sở tìm acid nucleic, có độ nhạy cao. NAAT có khả năng phát hiện Trichomonas vaginalis nhiều hơn soi tươi huyết trắng 3-4 lần.
  • Phương pháp Aptima Trichomonas vaginalis assay (của Hologic) phát hiện Trichomonas vaginalis trong các mẫu huyết trắng, dịch cổ tử cung hay mẫu nước tiểu của người phụ nữ, có độ nhạy 95.3-100% và độ đặc hiệu 95.2-100%.
  • Xét nghiệm OSOM Trichomonas Rapid Test (của Sekisui Diagnostics) có độ nhạy 82 – 95% và độ đặc hiệu 97 – 100%.

Tuy nhiên, do thành giá cao nên chúng không được xem là khảo sát đầu tay.

Ảnh hưởng của bệnh lên phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai bị nhiễm trichomoniasis có nguy cơ cao sẽ sinh non (sinh con sớm hơn dự kiến). Ngoài ra, đứa bé sinh ra từ người mẹ bị nhiễm bệnh cũng sẽ có nguy cơ cao bị nhẹ cân.

Các phương pháp nào điều trị nhiễm Trichomonas

  • Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh metronidazole để điều trị trong 7 ngày. Nếu bạn nhiễm trichomonas, bạn và bạn tình nên được cùng điều trị. Đối với người đang mang thai. Metronidazole có thể truyền cho thai nhi qua được nhau thai nên nó không thường được dùng trong thai kỳ. Các tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, quặn thắt bụng, cảm thấy vị kim loại trong miệng, co giật và bệnh thần kinh ngoại biên.
  • Bệnh nhân không nên uống rượu trong khi đang dùng Metronidazole. Do có thể gây đỏ bừng mặt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn.
  • Người đã từng điều trị trichomoniasis vẫn có thể bị nhiễm lại. Cứ khoảng 5 người thì có 1 người bị nhiễm lại trong vòng 3 tháng sau khi được điều trị. Để tránh bị nhiễm lại, phải đảm bảo tất cả các bạn tình của bạn đều đã được điều trị. Ngoài ra, phải chờ 7 – 10 ngày mới được quan hệ tình dục trở lại sau khi bạn và bạn tình của bạn đã được điều trị. Phải đi kiểm tra lại nếu các triệu chứng xuất hiện trở lại.

Phòng ngừa viêm âm đạo

Để phòng bệnh viêm âm đạo do nhiễm trùng roi Trichomonas, mọi người cần ý thức thực hiện hành vi tình dục an toàn:

  • Không quan hệ tình dục với nhiều người.
  • Sử dụng bao cao su khi sinh hoạt tình dục.
  • Đi khám phụ khoa định kỳ đều đặn 2 lần / năm.

Cách tốt nhất để tránh các bệnh lây qua đường tình dục là không quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Nếu có quan hệ tình dục, bạn vẫn có thể làm theo các hướng dẫn sau đây để giảm nguy cơ nhiễm trùng roi Trichomonas:

  • Duy trì mối quan hệ một vợ một chồng chung thủy từ cả hai phía với người bạn tình đã được xét nghiệm và có kết quả kiểm tra âm tính với STD.
  • Dùng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ bị trichomoniasis.
  • Trao đổi thẳng thắn về nguy cơ tiềm tàng của các bệnh lây qua đường tình dục trước khi quan hệ tình dục với đối tác quan hệ. Bằng cách đó bạn có thể đánh giá đúng đắn được mức nguy cơ khi quan hệ tình dục.

Bệnh viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis là một bệnh khá phổ biến thường gặp ở phụ nữ. Nếu bạn có thắc mắc gì hay có các dấu hiệu cũng như triệu chứng của bệnh thì hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn cũng như điều trị một cách phù hợp nhất nhé!