Vì sao phải kiểm định đồng hồ taxi

Lực lượng Thanh tra GTVT Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc làm rõ hành vi điều chỉnh đồng hồ tự động nhảy thêm số km đường đi hòng chiếm giá cước của khách cũng như chấn chỉnh hoạt động taxi “dù” xung quanh các bến xe trên địa bàn Hà Nội.


“Phù phép” 5,7km thành 7,1km

Đường dây nóng của Báo CAND sáng ngày 6-2 nhận được thông tin của chị Trần Thanh H. (32 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh: Chiều 5-2, chị vẫy taxi của thương hiệu Hà Anh đi từ đường Trần Khát Chân về đường Trương Định. Đoạn đường hàng ngày chị H. vẫn đi chỉ khoảng hơn 5km nhưng hôm nay, đồng hồ tính cước taxi lại nhảy lên đến 7,1km. Chị H. thắc mắc về việc đồng hồ tính cước có dấu hiệu không minh bạch nhưng lái xe vẫn yêu cầu chị phải trả tiền theo đúng đồng hồ là 82.000 đồng cho 7,1km.

Ghi nhớ biển kiểm soát, số xe, hãng xe taxi, chị H. đã phản ánh đến đường dây nóng Báo CAND. Ngay sau khi tiếp nhận, đường dây nóng Báo CAND đã chuyển toàn bộ thông tin đến Thanh tra GTVT, Sở GTVT Hà Nội.

Chiều ngày 6-2, Đội Thanh tra GTVT Hoàng Mai đã mời chủ doanh nghiệp và lái xe Bùi Viên cùng chị Trần Thanh H. đến làm rõ sự việc. Mặc dù đồng hồ tính cước của xe vẫn còn hạn kiểm định nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng thanh tra GTVT đã làm rõ việc đồng hồ tính cước của xe taxi do lái xe Bùi Viên điều khiển đi từ Trần Khát Chân về Trương Định đã tự động “nhảy” 1,4km so với đoạn đường đo trên thực tế.

Vì sao phải kiểm định đồng hồ taxi
Thanh tra GTVT Hà Nội lập biên bản xử lý vi phạm của một xe taxi sáng 7-2. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Trước những bằng chứng không thể chối cãi, lái xe Bùi Viên đã thừa nhận việc đồng hồ tính cước đã bị điều chỉnh. Như vậy, tính trung bình, mỗi km đường đi, chiếc đồng hồ tính cước đã tự động nhảy thêm khoảng gần 300m. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, không biết bao nhiêu khách hàng sẽ trở thành nạn nhân của chiếc đồng hồ tính cước đã bị “phù phép” này.

Theo ông Tưởng Đỗ Hiển, Đội phó Đội Thanh tra GTVT Hoàng Mai thì nếu như cách đây vài năm, tình trạng gian lận cước taxi diễn ra với các thủ đoạn như lái xe taxi gắn chíp vào đồng hồ tính cước, dùng bảng điều khiển giấu trong xe để điều khiển đồng hồ… thì hiện nay, các lái xe taxi lại “chỉnh” đồng hồ tính cước theo chiêu mới.

Đồng hồ tính cước vẫn được đi đăng kiểm đầy đủ theo các kỳ hạn. Tuy nhiên, ngay sau khi đăng kiểm, chỉ mất vài trăm nghìn đồng là những chiếc đồng hồ này lại được “phù phép” để tự động nhảy thêm số km theo chu kỳ khá hợp lý. Khi nào gần đến hạn kiểm định thì đồng hồ sẽ được chỉnh lại. Nếu không để ý kỹ, khách hàng rất khó phát hiện ra việc bị đồng hồ tăng thêm số km.

Khó quản lý hàng nghìn taxi ngoại tỉnh

Trước thông tin nhiều taxi “dù” vây quanh các bến xe trên địa bàn Hà Nội trong những ngày đầu năm như Báo CAND đã phản ánh, ông Tưởng Đỗ Hiển cho biết, tại khu vực xung quanh 2 bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm thuộc địa bàn quản lý của Đội Thanh tra GTVT Hoàng Mai có xảy ra tình trạng taxi của một số hãng vận chuyển khách dưới hình thức “mặc cả” giá cước, taxi không phù hiệu vẫn hoạt động…

Để mục sở thị sự bát nháo của taxi “dù” cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, sáng 7-2, PV Báo CAND đã theo chân lực lượng Thanh tra GTVT Hà Nội đi kiểm tra hoạt động các xe taxi xung quanh bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm. Ngay tại khu vực cổng vào và cổng ra của bến xe Giáp Bát, gần chục chiếc taxi với những thương hiệu khác nhau như Thành Lợi, Hoàn Kiếm, Hà Anh, Bảo Lâm… vừa di chuyển với tốc độ “rùa bò” vừa mời chào khách.

Lực lượng Thanh tra GTVT đã kiểm tra xe taxi mang BKS 29A-106.01 của thương hiệu taxi Bảo Lâm do lái xe Ngô Tiến Mạnh điều khiển, phát hiện phù hiệu taxi đã hết hạn từ ngày 4-1 nhưng vẫn chưa đi đăng ký lại. Đặc biệt, mặc dù mang BKS của Hà Nội nhưng chiếc taxi này lại được Sở GTVT Bắc Ninh cấp phù hiệu.

Tiếp tục kiểm tra taxi mang BKS 30E-329.86 của thương hiệu Hoàn Kiếm do lái xe Trần Như Thỉ điều khiển và taxi mang BKS 30A-169.78 của thương hiệu taxi Bảo Lâm do lái xe Nguyễn Văn Nghĩa điều khiển, Thanh tra GTVT đã lập biên bản 2 lỗi vi phạm là dừng đỗ sai quy định và không có thiết bị PCCC. Nhiều taxi đang di chuyển chậm xung quanh 2 bến xe phát hiện thấy lực lượng Thanh tra GTVT thì rồ máy chạy thẳng. 

Theo Thanh tra GTVT Hà Nội, một trong những vấn đề gây khó khăn trong công tác quản lý hoạt động taxi chính là tình trạng các xe taxi tuy mang biển đăng ký Hà Nội nhưng phù hiệu lại do tỉnh ngoài cấp. Đây là chiêu thức “lách” của các doanh nghiệp trước “lệnh” cấm cấp phép thành lập thêm hãng taxi và không cho tăng số lượng xe của các hãng taxi trên địa bàn Thủ đô kể từ năm 2012.

Các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận tải đang hoạt động tại Hà Nội sẽ thành lập các chi nhánh tại các tỉnh giáp ranh (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định…) để được cấp phù hiệu taxi tỉnh đó. Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội hiện có hơn 2.000 xe taxi xin cấp phù hiệu taxi của các địa phương khác nhưng lại đang hoạt động thường xuyên tại Hà Nội. Một trong những địa bàn hoạt động tích cực của các taxi này là bến xe, nhà ga…

Và hệ lụy của taxi ngoại tỉnh tràn về Hà Nội chính là gia tăng ùn tắc giao thông, khó kiểm soát về hành trình, vi phạm quy định dừng đỗ xe sai quy định, gian lận đồng hồ tính cước, tính cước theo kiểu “mặc cả”. Như trường hợp taxi của thương hiệu Hà Anh thì doanh nghiệp taxi này đóng tại tỉnh Ninh Bình, mở chi nhánh tại Hà Nội. Doanh nghiệp hiện có 19 xe taxi đang hoạt động tại Hà Nội. Hay, phù hiệu của 20 xe taxi của thương hiệu taxi Bảo Lâm đang hoạt động tại Hà Nội đều do Sở GTVT Bắc Ninh cấp.

Là đơn vị quản lý địa bàn quận Hoàng Mai nơi có 2 bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm, riêng trong năm 2016, Đội Thanh tra GTVT Hoàng Mai đã kiểm tra và xử phạt hơn 1.700 trường hợp lái xe taxi vi phạm với các lỗi chủ yếu là dừng đỗ sai quy định, không thực hiện lưu trữ giám sát hành trình, không có phù hiệu taxi…

Theo ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra GTVT Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội thì thời gian tới đây, lực lượng Thanh tra GTVT Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của taxi, đặc biệt là kiểm tra gian lận đồng hồ tính cước để xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

N.Hương- T.Hằng

Vì sao phải kiểm định đồng hồ taxi

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm định đồng hồ taximet định kỳ tại hãng taxi Mai Linh.

Kiểm tra quy mô lớn

Trước thực trạng có thông tin về việc tính tiền trên đồng hồ của một số xe taxi chưa chuẩn, đầu năm 2016, Chi cục TCĐLCL phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đồng loạt việc thực hiện quy định về đo lường (kiểm định đồng hồ tính cước taxi mét) của 14 cơ sở với tổng số 490 xe ở 6 huyện, TP trong tỉnh.

Tại thời điểm kiểm tra, phần lớn các DN đã thực hiện kiểm định lần đầu và định kỳ. Các đồng hồ tính cước của các xe taxi đang hoạt động kinh doanh đều có niêm phong kẹp chì đúng quy định, các vị trí có thể tác động làm sai số kết quả đo được dán tem để bảo đảm. Có hãng còn gắn niêm phong riêng của DN để quản lý và lắp đặt in hóa đơn trên một số xe theo quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn 10 xe của một số DN đã hết thời hạn nhưng chưa kiểm định theo định kỳ đó là: Hợp tác xã Giao thông vận tải Yên Thế (7 xe), Công ty TNHH một thành viên Điệp Đức (hai xe), Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Tùng Lâm (một xe). Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL, đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu các DN thực hiện kiểm định.

Theo quy định, các xe taxi phải thực hiện kiểm định đồng hồ tính cước xe trước khi đưa vào sử dụng. Việc kiểm định này phải được tiến hành theo chu kỳ, nghĩa là sau một năm phải kiểm định lại. Phí kiểm định hiện tại là 150 nghìn đồng/xe/năm.

Dễ nảy sinh "mánh khóe"

Trách nhiệm của cơ sở sử dụng phương tiện đo: Bảo đảm các điều kiện bảo quản, sử dụng phương tiện đo theo quy định của nhà sản xuất, yêu cầu kỹ thuật đo lường của cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền. Thực hiện việc kiểm định định kỳ, kiểm định sau sửa chữa đối với phương tiện đo trong quá trình sử dụng.
Nguồn: Thông tư 23 ngày 26 - 9 - 2013 của Bộ KH&CN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.

Mặc dù các hãng taxi được đánh giá cơ bản chấp hành nghiêm túc việc kiểm định song theo các chuyên gia vẫn có những sơ hở để trục lợi nếu lực lượng chức năng không tăng cường kiểm tra. Đặc biệt, nếu các xe thường xuyên biến động về số lượng như chuyển sang DN khác hoặc bỏ ra ngoài hoạt động theo kiểu "taxi dù" rất khó quản lý.

Theo ông Hoàng Văn Long, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL (Chi Cục TCĐLCL tỉnh), các chủ xe có thể phá bộ phận kẹp chì đã được niêm phong để tác động vào bộ số đếm, gắn chíp, thay đổi cơ cấu xung đếm gây sai số.

Tìm hiểu tại hãng taxi Hồng Hải có trụ sở tại TP Bắc Giang, ông Nguyễn Hữu Hải, Giám đốc hãng cho biết: Hiện hãng đang quản lý khoảng 230 xe. Hằng năm, DN đều tiến hành kiểm định đồng hồ tính cước taxi mét theo định kỳ đối với tất cả các xe. Để bảo đảm uy tín của hãng, DN thường xuyên giám sát việc kiểm định đồng hồ đối với các đầu xe; đồng thời thiết lập đường dây nóng để thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng, có quy chế xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do các hãng xe tham gia vào DN chủ yếu là xe tư nhân ở nhiều nơi nên việc quản lý đôi lúc gặp khó khăn. Ông Hải cũng cho biết, cách đây vài năm, DN đã thanh lý hợp đồng, buộc thôi việc với một số thành viên của hãng do có những gian lận về đồng hồ tính tiền cước.

Trên thực tế, không ít khách hàng phàn nàn việc đi trên một đoạn đường với giá khởi điểm như nhau, nhưng khi trả tiền thì giá của hãng này so với hãng khác chênh lệch cả chục nghìn đồng. Chị Hoàng Thị Nhung, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cho biết bản thân rất hay đi taxi về quê nhưng đôi lúc có xe tính tiền chưa chuẩn. "Hơn 10 km chiều dài nhưng có xe chênh lệch 20-25 nghìn đồng, mình có thắc mắc nhưng lái xe giải thích thế này, thế kia nên đành thôi vì chẳng đáng là bao. Giá khởi điểm khác nhau đã đành nhưng cùng giá, cùng đoạn đường ấy mà chênh nhau thì thật khó hiểu", chị Nhung nói.

Để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh của các hãng taxi, trong đó có việc kiểm định đồng hồ tính tiền, thời gian tới, ngoài kiểm định theo định kỳ, Chi Cục TCĐLCL tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra; kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn các hãng xe có uy tín để đi lại.

Công Tuấn